Doanh nghiệp giỏi "thần thông biến hoá" hay do cán bộ quá yếu kém?

25/03/2018 06:27
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Bộ máy hành chính hằng ngày sống bằng tiền thuế của dân mà vẫn để xảy ra tình trạng “buông lỏng quản lý” thì quả thật khó có thể chấp nhận được.

Từ rất lâu rồi, ở nước ta cụm từ “thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý” trong Bộ luật Hình sự luôn được dùng chỉ tội danh của cán bộ các cấp, các ngành để xảy ra tình trạng thất thoát tài chính, tài sản của Nhà nước; vi phạm nguyên tắc trong công tác cán bộ; vi phạm pháp luật trong sử dụng đất, xây dựng cơ bản, bảo vệ rừng, hủy hoại môi trường…

Tuy nhiên, với bộ máy hành chính cồng kềnh và đội quân công chức, viên chức của Việt Nam đông vào loại bậc nhất thế giới, hàng ngày người dân phải đóng thuế để trả lương mà vẫn để xảy ra tình trạng “buông lỏng quản lý” thì quả thật khó có thể chấp nhận được.

Trong rất nhiều lĩnh vực gây nhức nhối của đất nước do sự “buông lỏng quản lý” gây ra, người viết bài xin đơn cử hai lĩnh vực dưới đây:

Trong xây dựng

Có một thực tế ai cũng thấy, đó là khi một gia đình nào đó dù trong ngõ ngách, tập kết vật liệu xây dựng để sửa nhà hoặc làm nhà mới thì chỉ mấy tiếng sau, chậm thì ngày hôm sau đã có người của đội quy tắc đô thị đến hỏi han.

Nếu có sai phạm là lập biên bản nhưng qua một quá trình vòng vo, chạy cửa trước cửa sau sai phạm vẫn cứ tồn tại, công việc của gia chủ vẫn cứ hoàn thành.

Còn với các công trình xây dựng lớn của các doanh nghiệp bất động sản, trước khi khởi công được các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền cẩn trọng ra soát thiết kế, quy hoạch khi phê duyệt.

Trong quá trình thi công thường xuyên có cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát.

Ấy vậy mà không biết doanh nghiệp có phép “thần thông biến hoá” kiểu gì mà các toà nhà cao tầng vẫn cứ vượt so với thiết kế năm bảy tầng, thậm chí hàng chục tầng.

Tòa nhà 8B Lê Trực. (Ảnh: VTV News)
Tòa nhà 8B Lê Trực. (Ảnh: VTV News)

Toà nhà 8B, phố Lê Trực, quận Ba Đình chỉ cách Tòa nhà Quốc hội mấy trăm mét đường chim bay.

Theo Giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang máy là 53m. Nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao khi xong phần thô khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng).

Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 [1].

Còn Dự án xây dựng Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long, gồm trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê thuộc địa bàn Tổ 50, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy).

Theo Giấy phép xây dựng, công trình cao 17 tầng. Nhưng khi tiến hành thi công, chủ đầu tư xin nâng chiều cao từ 17 tầng lên 27 tầng và thay đổi chức năng của tòa nhà (từ trụ sở làm việc và văn phòng thành tòa nhà hỗn hợp, căn hộ chung cư).

Không chỉ có vậy, Công trình xây tăng thêm hàng trăm mét vuông diện tích sàn, tăng thêm mật độ xây dựng, xây thêm nhiều hạng mục khác.

Doanh nghiệp giỏi "thần thông biến hoá" hay do cán bộ quá yếu kém? ảnh 2Ông Lê Thanh Vân: "Quy trình cong vì lòng không thẳng"

Điều bất thường là, một công trình xây dựng vi phạm nghiêm trọng quy hoach, thiết kế như vậy nhưng ngày 17/8/2015, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) lại có văn bản với nội dung:

Công trình tòa nhà hỗn hợp thuộc dự án trụ sở văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở (chỉ Dự án xây dựng Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long – tác giả ghi chú) tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, khi được điều chỉnh phương án thiết kế một phần diện tích sàn trụ sở văn phòng làm việc của công trình sang nhà ở và bố trí bể bơi trên tầng mái là đủ điều kiện để trình phê duyệt…” [2].

Trên đây chỉ là những đơn cử trong hàng nghìn công trình xây dựng sai phạm ở Hà Nội.

Chỉ trong 9 tháng đầu 2015, qua kiểm tra đã phát hiện trên 2.000 công trình vi phạm, trong đó không phép 627 trường hợp; sai phép 407 trường hợp ...

Lý giải tình trạng này, ông Trần Trọng Dực (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội), thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân: “… do thay vì xử lý, các cơ quan chức năng lại chụm vào hợp thức hóa sai phạm, làm theo yêu cầu của chủ đầu tư” [3]..

Còn ông Lê Văn Hoạt (Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội), day dứt: Điều chúng ta suy nghĩ là những vụ việc ấy không phải do cơ quan chuyên môn hay thanh tra phát hiện mà do báo chí và nhân dân có ý kiến. Trong khi đó lực lượng thanh tra thì tầng tầng lớp lớp” [4].

Trong bảo vệ rừng

Trong hàng chục năm qua, nạn phá rừng trở nên nhức nhối, mỗi năm có hàng mấy trăm, thậm chí hàng nghìn hecta (ha) rừng bị đốn hạ hoặc bị thiêu trụi, trong đó phần lớn là các khu rừng bảo tồn, rừng phòng hộ.

Ngay cả sau khi thực hiện chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên theo Kết luận số 97-KL/TW ngày 9/5/2014 của Bộ Chính trị và Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ngày 20/6/2016) “Về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020” (trong đó có giải pháp đóng cửa rừng) thì tình trạng phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng ở rất nhiều địa phương.

Trong rất nhiều vụ phá rừng, có sự tiếp tay cho lâm tặc hoặc do “thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý” của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương. 

Gần đây nhất, vụ huỷ hoại gần 61 ha rừng ở huyện An Lão và huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (tháng 9/2017), 7 cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật do “thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý” [5].

Tháng 11/2017, một loạt lãnh đạo chủ chốt xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam bị kỷ luật do để xảy ra các vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn (từ năm 2010 đến 2017 có 124 ha rừng bị huỷ hoại) tại địa phương này [6].

Rừng tự nhiên ở huyện An Lão bị lâm tặc xóa sổ. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Rừng tự nhiên ở huyện An Lão bị lâm tặc xóa sổ. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Năm 2017, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Yên chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn New City Việt Nam phá huỷ rừng phòng hộ để làm sân golf, resort, công viên nước… diện tích 116 ha [7].

Trên đây chỉ đây là những vụ phá rừng quy được trách nhiệm cho lực lượng kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương, còn hầu hết các vụ phá rừng chưa quy được trách nhiệm cho ai.

Từ thực tế các sai phạm diễn ra thường xuyên, phổ biến trong xây dựng, phá rừng, huỷ hoại môi trường… cho thấy thấy sự yếu kém của các cơ quan chức năng trong quản lý, kiểm tra, giám sát. Vậy sự yếu kém này do đâu? 

Do lực lượng mỏng như các cơ quan chức năng vẫn thường biện minh chăng?

Không! Như nêu ở phần trên, đội ngũ công chức, viên chức và người hưởng lương giống công chức, viên chức của Việt Nam đông vào loại bậc nhất thế giới thì không thể đổ cho lực lượng mỏng được.

Hơn nữa qua kiểm tra, thanh tra ở đâu biên chế cũng vượt quá quy định, nhất là những cơ quan, lĩnh vực được đánh giá “có mầu” như quy tắc đô thị, thanh tra xây dựng, kiểm lâm ….

Như một cán bộ lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng đánh giá: Công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng rõ ràng, minh bạch thì chỉ cần một nửa trong số 1.600 Thanh tra xây dựng (của Thành phố Hà Nội – tác giả ghi chú) làm việc hết trách nhiệm của mình, xử lý nghiêm vi phạm ngay từ đầu thì không có chuyện công trình sai phép nhiều như hiện nay” [8].

Doanh nghiệp giỏi "thần thông biến hoá" hay do cán bộ quá yếu kém? ảnh 4Họ đã cùng nhau “phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật”

Do năng lực và trình độ chuyên môn kém chăng?

Không! Hầu hết công chức, viên chức đều qua trường lớp được đào tạo cơ bản, trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn. Vậy chả lẽ cán bộ do hệ thống đào tạo của Việt Nam lại tệ đến thế sao?

Do thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý ư?

Không! Theo nhận xét hàng năm của các cấp có thẩm quyền, đều có trên 90% cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (Báo cáo của Bộ Nội vụ năm 2013 đối tượng này trên 92% [9].

Vậy do đâu? Do chưa chúng ta chưa thẳng thắn thừa nhận sự thật và chưa gọi đúng tên gọi của những thực trạng tiêu cực, vì vậy chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Những thực trạng đó là:

Thứ nhất: Có sự liên kết của một một bộ phận cán bộ có quyền lực của các cấp, các ngành với doanh nghiệp để cùng trục lợi, thường được gọi với cái tên mỹ miều “lợi ích nhóm”.

Thứ hai: Bất chấp lợi ích quốc gia; bất chấp quyền lợi của người dân “một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức” ngày ngày đều đặn nhận hối lộ hoặc cấu kết với những kẻ làm ăn bất chính, với bọn tội phạm để kiếm chác những đồng tiền phi pháp nhưng khi bị phanh phui thì phần lớn tội danh của “bộ phận không nhỏ này” chỉ là “thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý”.

Vì vậy, để chống được tham nhũng và nghiêm trị tình trạng che chắn, dung túng cho sai phạm, vi phạm pháp luật như hiện nay thì phải thừa nhận những sự thật trên đây và gọi đúng tên gọi của nó.

Trên cơ sở đó mới đề ra được chủ trương, giải pháp và có quyết tâm khắc phục hiệu quả.

Có như vậy mới mang lại sự lành mạnh, bền vững trong phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1],[4].https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bi-thu-ha-noi-nha-8b-le-truc-vuot-den-dau-cat-den-day-3295161.html

[2],[3].[8],[4].https://www.google.com.vn/search?q=Hàng+loạt+cao+ốc+sai+phạm%3A+1.600+thanh+tra+xây+dựng+ở+đâu

[5].https://tuoitre.vn/ky-luat-7-nguoi-vi-lam-mat-61ha-rung-o-binh-dinh-20170929134335739.htm

[6].https://tuoitre.vn/ky-luat-nhieu-can-bo-xa-vu-pha-rung-phong-ho-tien-lanh-20171122170321615.htm

[7].https://nld.com.vn/tin-doc-quyen/clip-rung-phong-ho-phu-yen-bi-pha-lam-san-golf-20170905235214325.htm

[8].http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/loai-nguoi-khong-lam-duoc-viec-khi-90-hoan-thanh-nhiem-vu-3346141

NGUYỄN HUY VIỆN