Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lùi tiến độ sang cuối năm 2018

25/12/2017 14:05
Vũ Phương
(GDVN) - Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục phải lùi tiến độ, dự kiến sẽ vận hành chạy thử vào tháng 9/2018, đến cuối năm 2018 mới khai thác thương mại.

Trong cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu Trung Quốc đã thống nhất, lùi tiến độ dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sang cuối năm 2018.

Như vậy, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chậm tiến độ khoảng 11 tháng so với kế hoạch được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh hồi tháng 2/2017.

Thay vì kế hoạch chạy thử tàu vào tháng 10/2017, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ vận hành chạy thử về kỹ thuật từ ngày 2/9/2018. Với thời gian chạy thử từ 3-6 tháng, nếu không gặp trục trặc thì dự án đủ điều kiện để đưa vận hành khai thác thương mại từ tháng 11/2018.

Lý giải về nguyên nhân dự án tiếp tục vỡ tiến độ phía Bộ Giao thông vận tải và phía nhà thầu đưa ra lý do không có gì mới vẫn là do gặp khó khăn về nguồn vốn giải ngân.

Sáng 25/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đặt vấn đề: “Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông tiếp tục phải lùi tiến độ có thực sự là vấn đề giải ngân?

Như tôi đã nói vấn đề dự án chậm tiến độ, đội vốn có phần trách nhiệm từ phía chúng ta.

Số tiền 250 triệu đô la Mỹ không phải là con số quá lớn mà ngân hàng phía Trung Quốc chưa giải ngân, vướng mắc ở khâu nào Bộ Giao thông Vận tải tích cực, chủ động giải quyết nhanh chóng để dự án triể khai đúng tiến độ chứ không thể xin lùi tiến độ mãi như vậy”.

Ông Liên nhận định: “Đến thời điểm này dự án đã hoàn thành 95%, chỉ còn 5% nữa là hoàn thành. Không thể còn một ít hạng mục nữa mà để cả công trình lớn bị vỡ kế hoạch, người dân Thủ đô phải khổ sở.

Phía nhà thầu đã xin lùi đến cuối năm 2018 thì cũng chỉ biết chờ đến ngày đó, người dân cũng chỉ biết hy vọng không chậm thêm nữa”.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã nhiều lần phải lùi tiến độ do thi công ì ạch, đội vốn. Ảnh: Vũ Phương.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã nhiều lần phải lùi tiến độ do thi công ì ạch, đội vốn. Ảnh: Vũ Phương. 

Trước đó, ngày 22/12, Bộ trưởng Giao thông vận tải - ông Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp với Ban Quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu Trung Quốc để rà soát, thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Vũ Hồng Phương - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, hiện khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 95%.

Trong đó, toàn bộ các trụ, dầm cầu trên cao; kết cấu và kiến trúc của 12 nhà ga; mặt bằng và kết cấu chính của 15/16 đơn thể kiến trúc khu Depot; đường ray tuyến chính, tuyến nhánh và trong khu Depot; tường chống ồn và các hạng mục khác trên khu gian đã hoàn thành.

Khối lượng còn lại 5% gồm hoàn thiện các đơn thể và hạ tầng khu Depot; hoàn thiện một số công việc còn lại của nhà ga do liên quan đến lắp đặt thiết bị (lan can, trần, sàn tĩnh điện, cửa….

Công tác sản xuất, chế tạo toàn bộ 13 đoàn tàu đã xong. Đến nay đã vận chuyển về đến công trường 9 đoàn tàu, còn lại 4 đoàn tàu đang được vận chuyển về theo kế hoạch.

Như vậy, 60% khối lượng thiết bị đã được nhập khẩu về công trường; 40% khối lượng đã được lắp đặt (thông tin, tín hiệu, cấp điện, ray tiếp xúc, chiếu sáng…). Công tác đào tạo nhân lực về cơ bản đã hoàn thành.

Về số vốn bổ sung 250 triệu đô la Mỹ, ông Vũ Hồng Phương cho biết, Hiệp định vay vốn bổ sung được Bộ Tài chính và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (CEB) ký kết ngày 11/5/2017.

Bộ Tư pháp đã thống nhất và ký văn bản “Ý kiến pháp lý của Hiệp định” cho CEB, Bộ Tài chính hoàn tất các thủ tục và gửi CEB.

Tuy nhiên đến nay, phía Ngân hàng CEB vẫn đang xem xét và chưa có văn bản chính thức thông báo Hiệp định đã có hiệu lực. Ban Quản lý dự án đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thúc đẩy CEB sớm có thông báo hiệp định có hiệu lực để giải ngân cho dự án.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải lùi lại 11 tháng so với kế hoạch, dự kiến đến cuối năm 2018 mới đi vào khai thác. Ảnh: Vũ Phương.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải lùi lại 11 tháng so với kế hoạch, dự kiến đến cuối năm 2018 mới đi vào khai thác. Ảnh: Vũ Phương.

Trong khi đó, đại diện Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu dự án) ông Đường Hồng báo cáo với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Ông Đường Hồng cho biết, hiện Tổng thầu đã ứng 65 triệu đô la Mỹ vốn lưu động, đang thiếu nhà thầu Việt Nam 600 tỷ đồng, khó khăn về dòng tiền.

Trong khi chưa giải ngân được 250 triệu đô la Mỹ vốn bổ sung, Tổng thầu cam kết tiến độ cuối cùng là tháng 11/2018 đưa vào khai thác thương mại.

Phía Tổng thầu cũng kiến nghị các cơ quan liên quan của Việt Nam tiếp tục phối hợp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho Tổng thầu trong công tác đăng kiểm thiết bị; phê duyệt thủ tục hoàn công, thanh quyết toán; lắp đặt hệ thống thiết bị điện... để đảm bảo mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm sau theo cam kết.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lùi tiến độ sang cuối năm 2018 ảnh 3Đội vốn, thua lỗ nghìn tỷ: Coi nhẹ tiền thuế của dân là vô đạo đức

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông khi hoàn thành sẽ tạo nên dấu ấn lớn về tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Đặc biệt giúp cho Thành phố Hà Nội giải quyết một phần về giao thông công cộng trong khi ùn tắc giao thông hiện đang là vấn đề lớn tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị: “Dự án có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội, chính trị, do đó chúng ta phải có trách nhiệm sớm hoàn thành dự án này.

Tôi đề nghị các đồng chí dự họp tập trung đề ra những giải pháp cụ thể để kết thúc Dự án, không thể kéo dài mãi vì Quốc hội, người dân rất trông chờ vào dự án này”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp làm việc để dự báo, có kế hoạch giải quyết những vướng mắc có thể xảy ra; làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội trong chuyển giao, vận hành, đảm bảo an toàn trong khai thác dự án.

Về tổng thầu, Bộ trưởng Giao thông vận tải yêu cầu và đề nghị lãnh đạo cao nhất của Tổng thầu cam kết tuân thủ kế hoạch tiến độ điều chỉnh lần này với Bộ Giao thông vận tải để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các bên liên quan có chiến lược truyền thông, tổ chức họp báo cung cấp thông tin chính xác để các cơ quan truyền thông và người dân hiểu được bản chất việc chậm trễ tiến độ dự án cũng như quyết tâm năm 2018 phải hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến, tránh dư luận không tốt về dự án này.

Vũ Phương