Ngoài việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: Cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, hóa chất, khoáng sản… hiện Bộ Công Thương đang trực tiếp quản lý 11 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trách nhiệm của Bộ Công thương rất lớn trong việc để doanh nghiệp thuộc Bộ có những dự án nghìn tỷ "đắp chiếu" - ảnh Báo Công thương. |
Theo đó, trách nhiệm của Bộ Công Thương là vừa phải đảm bảo an toàn vốn nhà nước, vừa đảm bảo những dự án đầu tư của doanh nghiệp quản lý phải hiệu quả, tránh thất thoát tiền của nhà nước.
Tuy nhiên thời gian qua, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp do Bộ Công Thương quản lý không về đích đúng dự kiến, sử dụng vốn không hiệu quả, thậm chí “đắp chiếu” nhiều năm, gây thất thoát tài sản nhà nước... trong khi đó, câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương vẫn chưa được giải đáp.
"Nghỉ hưu cũng truy cứu"
Trong số dự án đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, gây xôn xao dư luận thời gian gần đây nhất là Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, chủ đầu tư là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) - công ty con thuộc Tổng công ty thép Việt Nam (đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương).
Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2007 với công suất dự kiến 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn ban đầu là 3.843 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 5 năm triển khai, năm 2012 khi dự án gặp khó khăn về tài chính, nhà thầu MCC đã rút về nước và đem theo hơn 90% tiền thanh toán phần thiết bị mà chưa bàn giao các hạng mục quan trọng cho chủ đầu tư.
Năm 2014 để cứu cánh dự án Bộ Công Thương tham mưu, đề nghị Chính phủ hỗ trợ Tisco giãn nợ.
Trước đề nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ đã đồng ý và yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo ngân hàng Phát triển cơ cấu lại các khoản nợ khoảng 1.000 tỷ đồng, chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rót vốn 1.000 tỷ đồng qua việc mua trái phiếu phát hành tăng vốn và nguồn vốn lấy từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương.
Tuy nhiên khi có nguồn vốn thay vì hoàn thành dự án, Tisco lại tăng tổng mức đầu tư từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng.
Sau khi tăng tổng mức đầu tư, Tisco gửi văn bản xin cơ chế ưu đãi về thuế, thủ tục hải quan, chi phí lãi vay trong thời gian ngừng hoạt động… kết cục đến nay sau gần 10 năm, dự án này vẫn chỉ là khối bê tông, sắt rỉ “đắp chiếu”.
Cần nhắc lại Tisco là công ty cổ phần, trong đó Tổng công ty Thép Việt Nam (VN Steel) nắm 42,11% cổ phần và có tiếng nói quyết định với những dự án đầu tư của Tisco.
Dự án mở rộng nhà máy Tisco giai đoạn 2 muốn triển khai được thì phải có sự đồng ý theo một trật tự: Tisco đề xuất, VN Steel chấp thuận rồi làm các văn bản để đề xuất với các bộ, ban, ngành chức năng trong đó có Bộ Công Thương.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên sau gần 10 năm đến nay vẫn "đắp chiếu" - ảnh Tạp chí kinh tế dự báo. |
Từ đề xuất của Tisco, sự đồng ý và chấp thuận của VN Steel cùng các văn bản chấp thuận, hướng dẫn của các bộ, ban, ngành đặc biệt Bộ Công Thương, dự án mở rộng giai đoạn 2 của Tisco mới được chấp thuận và thực hiện.
Nói như vậy để thấy rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương ở dự án này.
Tương tự, năm 2008 Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (do Bộ Công Thương quản lý) đề xuất dự án đầu tư xây dựng ba nhà máy sản xuất Bio-Ethanol đặt tại Bắc, Trung, Nam.
Bộ Công Thương đang "ôm đồm quá nhiều việc không phải của mình"(GDVN) - PGS.TS Bùi Quang Bình thẳng thắn cho rằng, Bộ Công Thương đang ôm đồm làm quá nhiều việc không phải của mình dẫn đến bộ máy cồng kềnh nhưng kém hiệu quả. |
Dự án kỳ vọng đi tắt đón đầu sản xuất xăng sinh học thay thế xăng dầu tự nhiên. Ngay sau phê duyệt Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thực hiện xây dựng 3 nhà máy Bio-Ethanol tại Dung Quất vốn đầu tư 2.219 tỷ đồng, nhà máy tại Bình Phước vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng và nhà máy Tam Nông (Phú Thọ) vốn đầu tư khoảng 2.484 tỷ đồng,
Tuy nhiên, đến nay chỉ duy nhất nhà máy tại Dung Quất hoạt động cầm chừng. Hai nhà máy tại Phú Thọ và Bình Dương đã ngừng hoạt động.
Điểm chung các dự án đầu tư kém hiệu quả của doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương thời gian qua đều trong giai đoạn 2007 – 2016, đây thời kỳ ông Vũ Huy Hoàng ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Ngoài ra dù các dự án kém hiểu quả nhìn thấy rõ nhưng dường như việc xử lý trách nhiệm tập thể cá nhân gây ra dự án đầu tư thất thoát đang bỏ ngỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định: Cách làm việc như vậy không công tâm, không trách nhiệm với tài sản của nhân dân.
Nếu dự án thành công, hiệu quả thì cá nhân tổ chức được vinh danh, khen thưởng, ngược lại dự án đầu tư kém hiệu quả phải bị xử lý. Tiền đầu tư là tiền thuế của dân, là tiền mồ hôi công sức của nhân dân.
Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ảnh H.Lực. |
Luật sư Trần Quốc Thuận khẳng định, việc xử lý trách nhiệm cá nhân không hề khó khăn ngay cả khi cán bộ về hưu, thuyên chuyển công tác…
“Trước hết phải làm rõ trong dự án trên có cá nhân vi phạm pháp hay không, nếu có cần phải xử lý. Các văn bản luật hiện nay, đặc biệt Luật Hình sự có thời hiệu xử lý vi phạm, tùy mức độ vi phạm và gây thiệt hại bao nhiêu sẽ có thời hiệu xử lý. Tội ít nghiêm trọng 5 năm, tội nghiêm trọng 10 năm, 15 năm… tùy từng tội danh có thời hiệu xử lý cụ thể.
Như vậy để thấy, kể cả cán bộ nghỉ hưu mà có sai phạm gây hậu quả nhiêm trọng vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm, đâu có thể phủi tay đứng dậy là xong. Ví dụ vụ Vinashin, Vinalines... nếu phát hiện người nhận hối lộ vẫn có thể đưa ra xử lý”, ông Thuận cho biết.
Bộ máy nhà nước chỉ 1/3 người làm việc
Trở lại các dự án đầu tư nghìn tỷ nhưng không hiệu quả của Tisco và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận đề nghị phải làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể.
“Trách nhiệm tập thể là việc phê duyệt chủ trương đồng ý cho làm dự án này, dự án kia. Sau trách nhiệm tập thể thì đến trách nhiệm cá nhân theo chức vụ nắm giữ”, Luật sư Trần Quốc Thuận nói.
Ông Trần Quốc Thuận chỉ ra, trong xử lý trách nhiệm cá nhân trước hết xử lý trách nhiệm người đứng đầu sau đó là trách nhiệm người nắm các chức vụ quản lý để xảy ra sai phạm.
Bộ Công Thương nợ câu trả lời về nhiều dự án nghìn tỷ "đắp chiếu"(GDVN) - Theo TS. Bùi Trinh, Bộ Công Thương đang nợ dư luận, nhân dân câu trả lời về trách nhiệm khi doanh nghiệp trực thuộc Bộ này có nhiều dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”. |
Đặt vấn đề xử lý sai phạm với cán bộ đương chức đã khó, với cán bộ về hưu, chuyển công tác còn khó hơn bởi thông thường người liên quan khẳng định những phê duyệt, quyết định của họ đúng quy trình... ông Trần Quốc Thuận cho rằng: Đúng là hiện nay người ta hay sử dụng cụm từ “đúng quy trình” để lý giải những vấn đề bổ nhiệm nhân sự, phê duyệt dự án.
Nhưng đây cụm từ thiếu trách nhiệm, đúng quy trình có nghĩa cứ dưới đưa lên rồi trên ký? Đến khi xử lý trách nhiệm thì hòa cả làng hay sao? Không có chuyện trách nhiệm chung chung, xử lý chung chung, trước khi ký, phê duyệt phải rà soát, phải kiểm tra… tóm lại phải có trách nhiệm với chữ ký, phê duyệt của mình
Công tác trong bộ máy quản lý nhà nước, ông Thuận thừa nhận, thể chế chính trị của mình chưa rạch ròi. Có nhiều chỉ đạo, nhiều ý kiến chỗ này chỗ kia dẫn đến việc bổ nhiệm phê duyệt cũng chịu tác động.
“Tuy nhiên Hiến pháp hay điều lệ Đảng cũng chỉ rõ, cá nhân phải chịu trách nhiệm. Chỉ có xử lý trách nhiệm mới giải quyết được vấn đề”, ông Thuận nhấn mạnh.
Cũng nêu quan điểm về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tái cơ cấu bộ máy cồng kềnh, ông Trần Quốc Thuận bày tỏ: Không chỉ riêng Bộ Công Thương mà phải nhìn toàn diện cả bộ máy quản lý nhà nước, hiện đại hóa thể chế chính trị.
Luật sư Trần Quốc Thuận nêu bất cập: Ngân sách nhà nước của chúng ta đang nuôi hệ thống chính trị nặng nề với nhiều tổ chức hội, hiệp hội cùng với bộ máy quản lý nhà nước tạo nên cồng kềnh.
“Các đoàn thể chính trị từ thanh niên, phụ nữ, công đoàn, hội cựu chiến binh, nông dân… cộng với bộ máy nhà nước cồng kềnh nhưng chỉ có 1/3 trong số đó làm việc, trong khi ăn lương nhà nước 100%, hay các tổ chức chính trị xã hội khác đều có trợ cấp nhà nước. Tiền trả lương ấy lấy từ tiền thuế của dân, một bộ máy như vậy không thể hoạt động hiệu quả”, ông Thuận cho biết.
Theo ông Thuận, phải thực hiện tinh giản bộ máy quản lý nhà nước, tách đoàn thể chính trị ra khỏi hệ thống lương, trợ cấp như vậy giảm gánh nặng ngân sách, giảm nợ công và tăng hiệu quả làm việc.