Liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ Công Thương phải cơ cấu ngay bộ máy để phục vụ cho sản xuất và phát triển, kể cả sản xuất và xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế... các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế tiếp tục chia sẻ với báo điện tử Giáo dục Việt Nam những ý kiến, phân tích vấn đề tồn tại của Bộ Công Thương, đặc biệt trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, đầu tư xây dựng nhà máy Bio-Ethanol nhằm đi tắt đón đấu sản xuất xăng sinh học… là những dự án nghìn tỷ thất bại gây thất thoát tiền của nhà nước. Với vai trò quản lý doanh nghiệp, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh Bộ Công thương nhìn đâu cũng thấy vấn đề - ảnh nguồn Báo Công thương |
Trao đổi với phóng viên về câu chuyện trách nhiệm của Bộ Công Thương trong quản lý doanh nghiệp, Chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh cho rằng, nói trách nhiệm nhưng phải cụ thể cá nhân, cơ quan nào của Bộ.
Với dự án đầu tư thất bại gây thất thoát tiền của nhà nước, trước hết Bộ trưởng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm, sau đó đến bộ máy lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty có dự án gây thất thoát.
TS. Bùi Trinh nhận định, không phải bây giờ mà những tồn tại của Bộ Công Thương từ lâu dư luận đã nhắc đến.
“Bộ máy cồng kềnh của Bộ Công Thương lâu nay có cảm giác không làm gì, đặc biệt trong vấn đề quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại. Đã có không ít ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương lâu nay tồn tại lợi ích nhóm, lo kiếm tiền chứ không lo quản lý.
Riêng vấn đề bình ổn giá, tôi đánh giá chính sách không tuân theo nguyên tắc thị trường”, Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.
Bộ Công Thương đang "ôm đồm quá nhiều việc không phải của mình"(GDVN) - PGS.TS Bùi Quang Bình thẳng thắn cho rằng, Bộ Công Thương đang ôm đồm làm quá nhiều việc không phải của mình dẫn đến bộ máy cồng kềnh nhưng kém hiệu quả. Cần một Bộ trưởng hành động để tái cơ cấu ngay Bộ Công Thương(GDVN) - Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch VAFI, để tái cơ cấu bộ máy của Bộ Công Thương yếu tố quan trọng là con người, cần một Bộ trưởng hành động. |
Phân tích về câu chuyện lợi ích nhóm, TS. Bùi Trinh đưa ra ví dụ điển hình: Vừa qua, Bộ Công Thương ban hành và áp dụng thuế tự vệ tạm thời trong thời gian 200 ngày đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu, nói cách khác là đánh thuế thép và phôi thép nhập khẩu. Việc làm này của Bộ Công Thương bảo vệ quyền lợi cho Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), một doanh nghiệp do Bộ Công Thương quản lý.
“Đặt câu hỏi, trong nước có bao nhiêu doanh nghiệp thép? Việc đánh thuế nhập khẩu tóm lại nhằm tạo cạnh tranh cho Vnsteel. Với ngành thép - một ngành công nghiệp nặng sản xuất gây ô nhiễm môi trường, xu hướng chung các nhà máy thép đã và đang được đẩy dần sang các nước đang phát triển.
Nhưng việc áp dụng thuế tự vệ của Bộ Công Thương không những tạo cơ chế bao bọc cho doanh nghiệp nhà nước mà còn đi ngược lại xu hướng thế giới muốn đẩy mạnh phát triển ngành thép trong nước”, TS. Bùi Trinh cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, khi giá thép trong nước cao hơn giá thép nhập khẩu, đáng nhẽ Bộ Công thương nên mạnh dạn giảm sản xuất thép trong nước, dùng thép xuất khẩu.
Ngành thép của Việt Nam hiện nay chủ yếu gia công, trong khi sản xuất thép ô nhiễm, ảnh hưởng lớn tới môi trường. Thay vì đầu tư vào thép, chúng ta nên đầu tư vào nông nghiệp, một thế mạnh của Việt Nam.
“Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải tái cơ cấu không chỉ bộ máy mà hoạch định chính phát triển công nghiệp - thương mại. Yêu cầu của Thủ tướng rất rõ nhưng Bộ Công Thương có triển khai hay không thì phải chờ, có cảm giác đang thiếu một lãnh đạo có đủ quyết tâm để giải bài toán tái cơ cấu”, ông Bùi Trinh cho hay.
Nói đến tồn tại của Bộ Công Thương, TS. Bùi Trinh nhận định: Ở đâu cũng có vấn đề, không chỉ một cục này hay vị kia nhưng Bộ Công Thương thì nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Riêng về chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu hiện nay của Bộ Công Thương cũng thấy có vấn đề.
Xuất khẩu hiện nay của chúng ta là xuất khẩu hộ, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam chỉ có một phần nhỏ gia công, còn lại hàng hóa chỉ đưa qua Việt Nam xuất khẩu để được ưu đãi. Trong khi điều cần thiết trong kêu gọi đầu tư FDI là chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ lại không đạt được.
Bày tỏ quan điểm về việc chuyển quyền quản lý doanh nghiệp từ Bộ Công thương sang các đơn vị khác, TS. Bùi Trinh cho biết: “Có ý kiến chuyển quyền quản lý nhưng dù chuyển sang đơn vị nào quản lý đi chăng nữa nhưng vẫn con người đó thì không thay đổi được vấn đề, tái cơ cấu hay thay đổi phải từ con người”.