Đừng để việc gì cũng đến Thủ tướng!

28/04/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, Chính phủ bận "trăm công nghìn việc" không thể mãi phải lo chỉ đạo về những vấn đề BOT giao thông như hiện nay.

Những ngày vừa qua dư luận lại nóng lên trước những bức xúc của người dân về các vấn đề tồn tại  xung quanh các trạm thu phí BOT ở các địa phương như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thái Bình, Hòa Bình, Thái Nguyên.

Ngày 24/4/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Tài chính kiểm tra và xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 10/5/2017.

Trước chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ -  nguyên Trưởng khoa Chính sách công (Học viên Chính sách & Phát triển – Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng, Bộ Giao thông vận tải phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không thể để Chính phủ cứ nhắc nhở mãi vấn đề tồn tại ở các dự án BOT giao thông.

Bộ Giao thông vận tải phải cuộc quyết liệt không thể để Chính phủ cứ nhắc nhở mãi vấn đề tồn tại ở các dự án BOT giao thông - ảnh: H.Lực.
Bộ Giao thông vận tải phải cuộc quyết liệt không thể để Chính phủ cứ nhắc nhở mãi vấn đề tồn tại ở các dự án BOT giao thông - ảnh: H.Lực.

“Cái gì cũng chờ Chính phủ”

Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nhận định, có thể thấy vừa qua Chính phủ có những chỉ đạo rất mạnh mẽ với những thông tin dư luận, báo chí phản ánh.

“Có thể thấy báo chí truyền thông là kênh thông tin để Chính phủ nắm tình hình từ đó có những chỉ đạo. Ở góc nhìn quan sát ngoài tôi thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì Chính phủ thực sự vì dân, quan tâm sâu sát với từng ngọc ngách vấn đề người dân quan tâm.

Nhưng cũng rất lo, bởi vấn đề báo chí phản ánh ai cũng biết từ bộ, ngành đến các địa phương. Vậy tại sao họ biết nhưng không vào cuộc, phải chăng vì chờ chỉ đạo của Chính phủ”, ông Thọ nói.

Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ đưa ra nhận định, thời gian vừa qua Chính phủ đã phải rất nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý các khoản lỗ lớn ở các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời duy trì tốt hoạt động điều hành trên mọi mặt.

Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành, đi nhiều địa phương. Ngoài nắm tình hình còn để trực tiếp chỉ đạo, khơi dậy tiềm năng các tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy tốt vai trò nhiệm vụ được giao, phụ vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp. VGP/Quang Hiếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy tốt vai trò nhiệm vụ được giao, phụ vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp. VGP/Quang Hiếu.

Phó Giáo sư Thọ cho rằng, giữa lúc Chính phủ lo “trăm công nghìn việc” nhưng vẫn phải lo chỉ đạo giải quyết vấn đề tại hàng loạt dự án BOT giao thông được báo chí phản ánh thời gian qua là một bất cập.

Thời gian qua có thể thấy liên tục các các dự án giao thông được triển khai hình thức BOT, không chỉ ở tuyến đường cao tốc mới xây dựng mà còn ở dự án đường quốc lộ độc đạo, đường liên tỉnh thậm chí cả tuyến đường trong tỉnh.

“Ở nhiều nơi, người dân bức xúc vì các trạm thu phí đặt ở vị trí không phù hợp, mức phí thì cao khiến đời sống của họ bị ảnh hưởng. Khi sự việc kéo dài quá lâu mà không được giải quyết triệt để, người dân kéo đến bao vây trạm thu phí gây ách tắc giao thông.

Tất nhiên không ai đồng tình với hành động bộc phát ấy, nhưng qua đó cho thấy một vấn đề dù lớn hay nhỏ mà cơ quan quản lý chậm vào cuộc thì hệ quả gây ra rất lớn”, ông Thọ đánh giá.

Điểm ra các trạm thu phí gây bức xúc người dân thời gian Phó Giáo sư Thọ đánh giá, chỉ riêng Hà Tĩnh có đến hai trạm thu phí BOT gây bức xúc người dân nhiều năm nay là trạm thu phí Bến Thủy và Trạm Thu Phí Cầu Rác.

Cả hai trạm thu phí này theo người dân phản ánh là đang bị đặt “nhầm chỗ”, đặt trên Quốc lộ 1 thu phí tuyến đường BOT mà nhiều người dân chưa từng đi 1km nào. 

“Sử dụng dịch vụ thì phải trả phí, nhưng trong khi người ta không đi mà anh vẫn đè ra gọi là thu hộ như vậy thì không đúng về nguyên tắc không công bằng với người dân”, ông Thọ nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ cho rằng, các cơ quan quản lý cần quyết liệt hơn nữa, không thể dồn việc lên Chính phủ. ảnh: H.Lực.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ cho rằng, các cơ quan quản lý cần quyết liệt hơn nữa, không thể dồn việc lên Chính phủ. ảnh: H.Lực.

Theo ông Thọ, đầu tư làm đường BOT là hình thức kinh doanh vì sau khi đường hoàn thành thì doanh nghiệp được phép thu phí.

Vì thế việc xây dựng tuyến đường ra sao, thu hút người dân đi đường BOT phải sòng phẳng theo nguyên tắc thị trường: Đó là nguyên tắc cung – cầu.

Nâng cao kỷ luật hành chính

Chuyên gia chính sách công Phạm Quý Thọ nhận định, những tồn tại ở các dự án BOT giao thông xuất phát từ quản lý nhà nước thể hiện ngay từ hợp đồng BOT.

“Việc quyết định đặt trạm thu phí ở đâu, quyết định mức thu phí chắc chắn được doanh nghiệp đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ Giao thông vận tải, chính quyền các địa phương nắm rõ và có sự bàn bạc ngay từ đầu.

Vậy tại sao ngay thời điểm đầu cơ quan quản lý nhà nước không nhìn thấy vấn đề bất cập ấy?”, ông Thọ đặt câu hỏi.

Ngoài ra, ông Thọ cũng cho rằng, với cách thu phí thủ công hiện nay nhà nước khó có thể kiểm soát được chính xác mức phí thu được từng ngày, từ đó sẽ ảnh hưởng đến thời gian thu phí.

Đừng để việc gì cũng đến Thủ tướng! ảnh 4

Làm đường kiểu “tráng men”, thu phí không minh bạch khiến người dân bức xúc

Điển hình như nghi vấn thất thoát thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. 

Tháng 7/ 2016 Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện giám sát thu phí 10 ngày kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, bình quân một ngày các trạm thu phí BOT trên tuyến đường này thu về 1,985 tỷ đồng.

Con số này lớn hơn khoảng 585 triệu đồng so với con số mức thu bình quân 1,4 tỷ đồng/ngày do Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với cổ đông và cơ quan quản lý nhà nước.

Mặc dù sau đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - ông Nguyễn Hồng Trường đã lên tiếng cho rằng, không có cơ sở để nói rằng số tiền chênh lệch ở trạm thu phí này lên tới hơn 500 triệu đồng, nhưng dư luận vẫn có sự nghi ngại và muốn vấn đề thu phí phải thực sự minh bạch.

Ông Trường giải thích như sau: “Tổng cục đường bộ Việt Nam vừa rồi đi kiểm tra thì thấy phát hiện có chênh lệch, nhưng chênh lệch đó đến nay không ổn định, có những ngày tăng lên, có những ngày giảm xuống.

Tuy nhiên không phát hiện thấy tiêu cực quay vòng vé như báo chí nói hoặc vé đi nhiều lần. Có sự sai lệch nhưng mà không đáng kể".

Rõ ràng nếu không áp dụng những biện pháp quyết liệt hơn thì không chỉ riêng trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ mà nhiều dự án khác cũng có thể sẽ xảy ra báo cáo không trung thực về vốn đầu tư, dẫn tới thời gian thu phí và mức phí bị tăng lên, gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Đánh giá động thái trong việc giải quyết tồn tại ở các dự án BOT giao thông thời gian qua, Phó Giáo sư Thọ cho rằng, Bộ Giao thông vận tải đã lên tiếng nhưng không quyết liệt, không rốt ráo.

“Tôi thấy lạ khi những vấn đề BOT như tại Bến Thủy, Cầu Rác gần như không thấy vai trò người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải. Qua báo chí, tôi có thấy đôi lúc ông Thứ trưởng Trường (Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường – Phóng viên) phát biểu. 

Một Chính phủ phục vụ nhưng Thủ tướng không thể làm mãi được. Bản thân các bộ ngành phải chuyển động, không thể cái gì cũng chờ Chính phủ, cái gì cũng chờ Thủ tướng chỉ đạo”, ông Thọ nói. 

Trở lại với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về phản ánh liên quan tới các dự án BOT giao thông, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ đề nghị tăng kỷ cường luật hành chính trong quản lý nhà nước, giao trách nhiệm và quy trách nhiệm cụ thể.

“Chính phủ yêu cầu kiểm tra xử lý rất đúng nhưng việc các bộ, ngành triển khai thế nào, giải quyết vấn đề có công khai hay không thì cần phải giám sát và có kỷ luật để tránh chuyện trên bảo dưới không nghe”.

Phải làm sao để người dân không nghĩ chỉ có Chính phủ hành động, còn bộ, ngành địa phương thì ỷ lại vào Chính phủ”, ông Thọ nói.

Mai Anh