Hàng loạt NH giảm lãi suất: Cứu DN yếu kém hay bảo vệ người gửi tiền?

09/05/2013 11:15
Thùy Liễu (th)
(GDVN) - "Giảm lãi suất bây giờ Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng trước sự lựa chọn: Cứu doanh nghiệp yếu kém hay bảo vệ người gửi tiền?" - TS Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietPost Bank.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 5 ngân hàng giảm lãi suất huy động VNĐ tạo nên làn sóng cắt giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng trong nước. Ngày 6/5 vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gây xôn xao thị trường khi công bố chính thức giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm.  Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường chỉ còn khoảng 10,5%/năm; lãi suất cho vay trung-dài hạn đối với các doanh nghiệp thấp nhất cũng chỉ còn khoảng 11,6%/năm. Bên cạnh đó, trần lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng được điều chỉnh còn 6%/năm; 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Đối với kỳ hạn 6-9 tháng, trần lãi suất huy động áp dụng là 7%/năm, giảm 0,5%/năm so với lần điều chỉnh trước đó. Như vậy, biên độ điều chỉnh lớn nhất lần này của VCB ở mức 1%/năm nằm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với lãi suất trần là 8%/năm. Ngay thời điểm Vietcombank công bố thông tin, đây được xem là mức giảm kỷ lục trên thị trường và Vietcombank trở thành một trong các ngân hàng có mức lãi suất huy động và cho vay thấp nhất thị trường.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhận định về động thái này của Vietcombank, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng dự đoán, đây là dấu hiệu của một đợt giảm lãi suất sắp tới, đáp ứng nguyện vọng của mỗi thành phần kinh tế. Và đúng với dự đoán này, ngày 8/5, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) công bố mức lãi suất thậm chí còn thấp hơn mức lãi suất “thấp kỷ lục” 6% mà Vietcombank công bố. Theo biểu lãi suất mới của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), lãi suất tiết kiệm cá nhân của ngân hàng này hiện ở mức 5% đối với kỳ hạn 1 tháng, thấp hơn 2,5% so với trần lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đối với kỳ hạn 2 tháng lãi suất ở mức 7%, thấp hơn trần 0,5%. Các kỳ hạn từ 3-9 tháng lãi suất huy động ở mức 7,5%. Đối với, kỳ hạn dài trên 12 tháng, Agribank huy động ở mức 9%, thấp hơn mức 10% trước đó. Cùng ngày, lần lượt 2 ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng công bố hạ mức lãi suất. Theo đó, các mức lãi suất huy động tiền đồng có kỳ hạn dưới 12 tháng của VietinBank cao nhất chỉ là 7 %/năm - thấp hơn mức trần theo quy định của NHNN là 0,5 điểm %/năm.
"Giảm lãi suất bây giờ Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng trước sự lựa chọn: Cứu doanh nghiệp yếu kém hay bảo vệ người gửi tiền?" - TS Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietPost Bank
BIDV cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động VNĐ: Kỳ hạn 1 tháng lãi suất chỉ còn 6%/năm; Kỳ hạn 2 tháng có mức lãi suất 6,5 %/năm; Kỳ hạn 3-11 tháng còn 7%/năm; Kỳ hạn trên 12 tháng là 8%/năm. Kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 2%/năm. Một nguồn tin từ Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cũng cho hay, bắt đầu từ hôm nay 9/5, ngân hàng giảm lãi suất huy động VNĐ. Cụ thể, lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm từ 7,5%/năm xuống 7%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 3 tới 11 tháng giảm từ 7,5%/năm xuống 7,2%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên hạ từ 9,5%/năm xuống 9%/năm. Biểu lãi suất sau khi điều chỉnh của MB vẫn cao hơn nhiều so với 4 ngân hàng lớn nhất. Cụ thể, Vietcombank và BIDV huy động kỳ hạn 1 tháng chỉ với lãi suất 6%/năm trong khi Agribank thậm chí giảm xuống 5%/năm.  Xung quanh động thái đồng loạt giảm lãi suất của các đại gia nhân hàng, nhận định trên VTC News, TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ quan điểm ủng hộ và tin rằng đây sẽ là cú hích giúp sức cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietPost Bank lại lo ngại nếu cứ tiếp tục giảm lãi suất, dòng vốn có thể dịch chuyển từ VND sang USD. Ông Hưởng nhận xét việc giảm lãi suất sẽ khiến bẫy thanh khoản rình rập hệ thống ngân hàng thương mại. Khi rơi vào bẫy đó, ngân hàng thương mại có thể “chết” thêm lần nữa. Và lần này, hậu quả có thể còn nặng nề hơn cả nợ xấu. Nếu trần huy động vốn giảm xuống 9% với cho vay và 4-6% cho huy động, ông Hưởng đặt câu hỏi ai sẽ là người gửi tiền. Ông khẳng định nếu điều đó xảy ra, ông sẽ mua USD. Ông lý luận, với lãi suất 2% hiện hành, tới cuối năm, chênh lệch tỷ giá sẽ từ 2%-3%. Theo ông Hưởng, giảm lãi suất bây giờ Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng trước sự lựa chọn: Cứu doanh nghiệp yếu kém hay bảo vệ người gửi tiền?
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết những người được hỏi đều lựa chọn ngân hàng làm điểm đến cho khoản tiền của mình ngay cả khi lãi suất giảm. Tuy nhiên, dù quyết tâm gửi tiền ngân hàng, khách hàng tối đa hóa lợi nhuận bằng cách chuyển từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Thùy Liễu (th)