Những bức xúc người dân tại nhiều dự án đầu tư, xây dựng đường giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) liên tục được các phản ánh trong thời gian qua đang cho thấy mặt trái trong đầu tư BOT. Đặc biệt khi thiếu sự minh bạch, “vòi bạch tuộc” của lợi ích nhóm len lỏi vào dự án đầu tư làm mất niềm tin của người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều ngày 6/6/2016, TS. Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, bức xúc của người dân cho thấy dự án đầu tư xây dựng đường giao thông theo hình thức BOT đang có nhiều vấn đề nổi cộm.
Một dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT gây bức xúc dư luận thời gian qua là Dự án nâng cấp cải tạo đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh nguồn: goldsungroup. |
Bao giờ dân được đi Quốc lộ 1 không mất tiền?
TS. Trần Du Lịch khẳng định: Xã hội hóa trong đầu tư xây dựng đường giao thông là chủ trương đúng đắn, nếu chờ vốn ngân sách chúng ta sẽ không làm được. Chủ trương đầu tư BOT là cần thiết, thực tế nếu không có đầu tư BOT sẽ không có điều kiện hạ tầng giao thông như hiện nay.
“Không phải đặt lại vấn đề chủ trương đầu tư BOT mà là thực hiện BOT như thế nào”, TS. Trần Du Lịch khẳng định.
Theo TS. Trần Du Lịch, bên cạnh BOT còn có phần vốn ngân sách, cụ thể là trái phiếu Chính phủ dành cho đầu tư xây dựng giao thông.
Theo đó trong giai đoạn 2012 - 2016, nguồn trái phiếu Chính phủ dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trong đó có giao thông là 390 nghìn tỷ đồng, phần trái phiếu thực chất là ngân sách, là thuế của dân.
TS. Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội TP. HCM đặt câu hỏi: Bao giờ người dân đi Quốc lộ 1 không phải trả tiền? |
Như vậy cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng song song cả 2 nguồn vốn: Đầu tư BOT và ngân sách, do đó người dân có quyền đòi hỏi đi con đường không phải đóng phí.
“Yêu cầu của người dân kêu gọi đầu tư BOT dự án giao thông là cần thiết nhưng phải có lộ trình và phải có những con đường mà người dân đi không phải đóng phí. Nếu tất cả con đường đều phải đóng phí cả, người dân phản ứng là điều dễ hiểu”, TS. Trần Du Lịch nói.
Điểm danh những dự án BOT bị nghi vấn nhất hiện nayThủ tướng cần thanh, kiểm tra ngay các dự án đường BOTVay đến 90% vốn, ngân hàng mới là ông chủ thực sự của dự án BOT |
Gây bức xúc nhất dư luận thời gian qua chính là việc kêu gọi đầu tư xây dựng BOT trên tuyến Quốc lộ 1.
Nếu so sánh hệ thống giao thông là “mạch máu” nền kinh tế thì Quốc lộ 1 là huyết mạch quan trọng nhất, kéo dài hơn 2.000 km.
Tuy nhiên, hiện nay tuyến quốc lộ quan trọng này đang bị chia từng khúc cho doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT, đặt trạm thu phí với mức phí tăng mạnh, ảnh hưởng đời sống người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Trước thực tế này, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đặt câu hỏi: “Không phải ngay bây giờ nhưng người dân cần phải biết Quốc lộ 1 đến bao giờ đi không phải trả phí? Còn BOT chỉ nên làm đường cao tốc để ai muốn đi nhanh, đi đường tốt thì trả tiền còn nếu không có tiền vẫn có đường đi. Nguyên tắc là phải có sự lựa chọn để tránh tâm lý bước ra khỏi nhà đi đâu cũng phải trả tiền".
Chính phủ rà soát thanh kiểm tra
Bên cạnh việc cho phép đầu tư xây dựng đường giao thông BOT trên tuyến đường độc đạo khiến phí BOT bủa vây người dân dẫn đến bức xúc, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, hiện dư luận đánh giá xây dựng giao thông Việt Nam quá đắt, thành ra thời gian thu phí lâu, rồi mức phí cao mới đủ hoàn vốn.
“Vấn đề hiện nay phải làm rõ xây dựng giao thông Việt Nam có đắt không, nhất là đường cao tốc. Phải minh bạch ra”, Đại biểu Trần Du Lịch nói.
Ông Trần Du Lịch ủng hộ ý kiến cho rằng thử thực hiện xây dựng mẫu 1 km đường cao tốc xem giá thành đầu tư bao nhiêu để so sánh với các nước. Từ đó chỉ ra suất đầu tư xây dựng 1 km đường cao tốc Việt Nam đắt hay rẻ, bởi suất đầu tư có liên quan đến thời gian thu phí, mức phí nên cần minh bạch.
Bên cạnh đó, ông Trần Du Lịch cho rằng chất lượng công trình giao thông đầu tư BOT hiện nay đang có vấn đề như dự án làm dang dở, chất lượng kém nhưng vẫn thu tiền. Theo đó, trách nhiệm ở đây thuộc cơ quan quản lý trực tiếp chịu trách nhiệm giám sát thi công dự án.
“Một bức xúc khác người dân là hiện nay mức phí BOT chúng ta đang cao, nhưng theo tôi không nên so sánh mức phí BOT giữa nước này với nước kia để kết luận cao hay thấp bởi tùy thuộc vào thu nhập của từng quốc gia. Thay vào đó nên so sánh phí đường/mức phí nhiên liệu trên cùng 1 đoạn đường xem tỷ lệ đó bao nhiêu và so sánh tỷ lệ đó với các nước xem có chênh lệch không từ đó biết được mức phí chúng ta cao hay thấp”, TS. Trần Du Lịch cho biết thêm.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng đồng tình với yêu cầu không tăng phí BOT của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây nhưng theo ông Lịch bên cạnh yêu cầu không tăng Thủ tướng cần chỉ đạo rà soát lại từng công trình, dự án giao thông đầu tư BOT để kịp thời phát hiện những sai phạm (nếu có) để xử lý.