Chỉ là hương liệu
Suntory PepsiCo Việt Nam quảng cáo trà Ô Long TEA+ được sản xuất trên dây chuyền công nghệ Nhật Bản, với nguyên liệu là bột trà khô nhập từ Trung Quốc khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi: Liệu trong sản phẩm trà Ô Long TEA+ có còn chứa hoạt chất OTPP, giúp cơ thể hạn chế chất béo như lời quảng cáo? Hay thực chất chỉ là nước và hương liệu được pha chế khéo léo nhằm giảm chi phí, đánh lừa người tiêu dùng?
Trước những thắc mắc này, TS. Nguyễn Văn Khải - người khởi xướng công nghệ ozone tại Việt Nam thẳng chắn cho rằng: “Vấn đề người tiêu dùng nêu ra hoàn toàn chính xác. Mục đích cuối cùng của kinh doanh là lợi nhuận, vì lợi nhuận doanh nghiệp không ngại dùng mọi cách để giảm chi phí và thậm chí đánh lừa người tiêu dùng”.
Suntory PepsiCo Việt Nam quảng cáo sản phẩm trà Ô Long TEA + được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, chứa hoạt chất OTPP có công dụng hạn chế hấp thu chất béo. |
Nhìn lại câu chuyện Suntory PepsiCo Việt Nam sản xuất sản phẩm Ô Long TEA+ quảng cáo có chứa hoạt chất OTPP tự nhiên có công dụng hạn chế hấp thụ chất béo… TS. Nguyễn Văn Khải nêu quan điểm: “Cá nhân tôi không tin vào những quảng cáo như thế, không tin sản phẩm có hoạt chất OTPP hoặc có thì cũng chỉ là rất ít hoạt chất OTPP”.
Theo TS. Nguyễn Văn Khải, thực tế trà ô long là cách gọi thể hiện quy trình chế biến trà chứ không phải là tên một giống trà đặc biệt. Cái khác của trà ô long là quy trình chế biến công phu, để sản xuất được trà ô long, người ta phải chọn những lá trà rất cẩn thận.
Người tiêu dùng nghi vấn về những bất thường của PepsiCo Việt Nam (GDVN) - Nhìn lại quá trình đầu tư, sản xuất trong suốt thời gian dài vừa qua, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về đạo đức kinh doanh của PepsiCo Việt Nam. |
Theo đó trà được hái bằng tay, đảm bảo mỗi nhánh phải còn đủ một nụ và hai lá non trên búp. Không những thế, trà ô long phải được sơ chế và phơi khô trong bóng râm và được cho lên men theo quy trình lên men một nửa.
Chính nhờ phương pháp lên men độc đáo ấy, trà ô long mới sinh ra những dưỡng chất có lợi cho sức khỏe và cho hương vị thanh khiết đặc trưng.
Nếu tuân thủ quy trình chế biến trên sẽ tạo ra sản phẩm trà ô long chứa một lượng dồi dào chất OTPP (Oolong tea polymerized polyphenols), là một hoạt chất tự nhiên, sản sinh khi các enzyme chuyển hóa trong quá trình bán lên men khi sản xuất trà ô long.
Hoạt chất OTPP có công dụng giúp cơ thể hạn chế việc hấp thu chất béo khi ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ.
Khi uống trà ô long, polyphenol trong trà sẽ phá hủy các chất béo được nhũ tương hóa. Kết hợp với mật và chất béo, các polyphenol sẽ mang chất béo ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.
Phải qua quy trình chế biến công phu mới tạo ra hoạt chất OTPP nên TS. Nguyễn Văn Khải cho rằng, sản phẩm Ô Long TEA+ do Suntory PepsiCo Việt Nam sản xuất từ bột trà nhập từ Trung Quốc khó thể còn hoạt chất OTPP tự nhiên hoặc còn nhưng rất ít.
TS. Nguyễn Văn Khải cho rằng, sản phẩm Ô Long TEA+ do Suntory PepsiCo Việt Nam sản xuất từ bột trà nhập từ Trung Quốc khó thể còn hoạt chất OTPP. |
“Có thể trong sản phẩm Ô Long TEA+ vẫn có OTPP nhưng chủ yếu là hương liệu pha chế”, TS. Khải cho biết.
Đạo đức kinh doanh
Hiện sản phẩm Ô Long TEA+ chiếm thị phần khá tốt tại thị trường Việt Nam. Nhiều người tiêu dùng sử dụng sản phẩm này và coi đó là thức uống có tác dụng giảm mỡ béo, giảm cân.
Đánh giá thực tế trên, TS. Khải cho rằng trách nhiệm thuộc về cả phía cơ quan truyền thông và doanh nghiệp.
Thứ nhất, chính những quảng cáo rầm rộ về tác dụng của trà ô long và hoạt chất OTPP trên các phương tiện truyền thông. Nắm bắt tâm lý đó doanh nghiệp đưa ra sản phẩm với lời quảng cáo có chứa hoạt chất OTPP khiến người tiêu dùng đổ xô đi mua sử dụng.
Thứ hai, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc minh bạch thông tin nguồn gốc nguyên liệu chế biến sản phẩm.
Nếu nhà sản xuất công bố thông tin nguồn nguyên liệu sản xuất sản phẩm nước giải khát Ô Long TEA+ từ Đài Loan - Trung Quốc, chắc người tiêu dùng không còn hào hứng sử dụng.
Do đó, TS. Khải đưa ra lời khuyên người tiêu dùng không nên tin tưởng những quảng cáo theo kiểu sản phẩm có khả năng hấp thụ chất béo và coi đó như phương pháp để giảm béo.
Theo TS. Nguyễn Văn Khải, những sản phẩm nước ngọt chủ yếu được sản xuất bằng công nghệ chiết xuất, phối trộn nước với hương liệu. “Cái hơn của doanh nghiệp nước ngoài chính là bí mật công nghệ họ dùng hương liệu phối trộn làm sao để người tiêu dùng thích dùng sản phẩm, đánh lừa cảm giác của người tiêu dùng”, TS. Khải nhận xét.
Cũng theo TS. Khải, việc Suntory PepsiCo Việt Nam mua nguyên liệu bột trà khô từ Trung Quốc về sản xuất nước giải khát Ô Long TEA+ mang lại lợi nhuận kép cho doanh nghiệp. Bởi với nguyên liệu khô, doanh nghiệp sẽ bớt chi phí khấu hao vận chuyển, ít chi phí kho bãi hơn là trà tươi.
Để sản xuất đúng quy trình doanh nghiệp phải mua trà tươi chế biến lên men một nửa và tách hoạt chất OTPP để đưa vào sản phẩm.
Tuy nhiên, nếu mua sản phẩm trà tươi doanh nghiệp sẽ mất thêm diện tích nhà xưởng, mất thời gian chế biến lên men trà, hao hụt sản phẩm và quan trọng hơn là khó pha chế hương liệu.
Với bột trà khô, rõ ràng việc pha chế thêm hương liệu dễ dàng hơn so với việc sản xuất từ trà tươi. Pha chế thêm hương liệu, dù sản phẩm không còn hoạt chất tự nhiên có ích nhưng lại dễ đánh lừa vị giác của người tiêu dùng. Cuối cùng sản phẩm dễ được chấp nhận trên thị trường.
Đồng quan điểm với TS. Khải, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng, hoạt chất OTPP chỉ là chiêu trò để doanh nghiệp bán được sản phẩm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, thay vì sử dụng loại nước ngọt quảng cáo triết xuất từ tinh chất trà người tiêu dùng uống trà tươi sẽ tốt hơn.