Mất gần 9 tỷ tại Ngân hàng Quốc Dân, khách hàng có thể khởi kiện

28/03/2017 10:54
Mai Anh
(GDVN) - Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Ngân hàng Quốc Dân phải chịu trách nhiệm trong vụ khách hàng mất gần 9 tỷ đồng tiền tiết kiệm và khách hàng có thể khởi kiện.

Khách hàng mất tiền – ngân hàng ngoài cuộc

Gửi tiền vào ngân hàng là lựa chọn của nhiều người bởi đây được xem là cách quản lý tài chính vừa an toàn vừa sinh lời. Thế nhưng không ít trường hợp số tiền hàng tỷ đồng vẫn “bốc hơi” khỏi tài khoản, sổ tiết kiệm mà khách hàng không hay biết.

Gần đây nhất, Báo Thanh Niên đăng bài viết nêu nội dung khiếu nại của bà Nguyễn Bạch Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) về việc gần 9 tỷ đồng (gồm cả tiền gốc và lãi) của bà ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) đã “không cánh mà bay”.

Khách hàng 'tố' Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân làm bốc hơi gần 9 tỉ đồng tiền tiết kiệm - ảnh nguồn NCB.
Khách hàng 'tố' Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân  làm bốc hơi gần 9 tỉ đồng tiền tiết kiệm - ảnh nguồn NCB.

Cụ thể từ năm 2012 đến tháng 1/2016 bà Mai gửi tiền vào Ngân hàng Quốc Dân. Thời kỳ đầu số tiền này được gửi tiết kiệm, nhưng sau đó bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng giao dịch số 14 của chi nhánh trên tư vấn, ngân hàng đang có sản phẩm ưu đãi chuyển từ tiết kiệm sang bảo lãnh ngân hàng với lãi suất 13%/năm dành cho các khách “VIP”.

Theo bà Mai, cá nhân bà khi được tư vấn đã không đồng ý nhưng trưởng phòng giao dịch Nguyễn Thị Thu Hà thuyết phục và khẳng định tiền vẫn nằm trong ngân hàng, lúc nào rút cũng sẽ được giải quyết. Khách hàng chỉ cần thay sổ tiết kiệm bằng chứng từ, không có gì phải lo lắng.

Sau đó, bà Mai đồng ý và ký các thủ tục tất toán sổ tiết kiệm và chuyển sang dạng chứng từ của ngân hàng.

Hàng tháng phòng giao dịch trên đều chuyển cho bà Hà (bảng kê tiền gửi và tính lãi hàng tháng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân). Bảng kê có chữ ký của trưởng phòng giao dịch, đóng dấu đỏ của ngân hàng nên bà Mai tin tưởng.

Đến giữa năm 2016, khi cần tiền để xây nhà, bà Mai liên lạc với phía Ngân hàng Quốc Dân thông báo đến rút. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng giao dịch trên đều nêu các lý do để từ chối.

Đầu tháng 1/2017, sau khi không liên lạc được với bà Hà, bà Mai đến phòng giao dịch 14 thì một nhân viên thông báo toàn bộ số tiền đã bị rút hết, không còn trong tài khoản.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân khẳng định đây là giao dịch cá nhân và không liên quan đến ngân hàng - ảnh nguồn VnEconomy.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân khẳng định đây là giao dịch cá nhân và không liên quan đến ngân hàng - ảnh nguồn VnEconomy.

Trước phản ánh của bà Mai, thông tin trên Thời báo kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân cho rằng, các chứng từ giao dịch giữa bà Hà và bà Mai (có đóng dấu) là không theo biểu mẫu và sản phẩm của ngân hàng.

Ngân hàng Quốc Dân khẳng định, việc giao dịch số tiền 8,993 tỷ đồng của bà Mai nêu trên là giao dịch cá nhân giữa bà Hà và bà Mai, không liên quan đến ngân hàng và các cán bộ nhân viên của ngân hàng.

Được biết từ tháng 9/2016, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã xin nghỉ việc tại Ngân hàng Quốc Dân với lý do cá nhân.

Ngân hàng không thể ngoài cuộc

Liên quan đến vụ việc tại Ngân hàng Quốc Dân, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - VNBA) cho rằng, hiện nay quy định của luật khiến người gửi tiền chưa được bảo vệ do vậy khi xảy ra sự cố khách hàng luôn phải chịu thiệt.

Trong vụ việc khách hàng bị mất gần 9 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân, theo Luật sư Đức phía ngân hàng không thể “phủi” tay cho rằng đây là giao dịch cá nhân giữa bà Hà - nguyên trưởng phòng giao dịch của ngân hàng với khách hàng.

Luật sư Trương Thanh Đức - nguồn Truyền kình an ninh.
Luật sư Trương Thanh Đức - nguồn Truyền kình an ninh.

Luật sư Đức phân tích, cơ sở để khách hàng tin tưởng bà Hà vì vị trí công tác trưởng phòng giao dịch. Hơn nữa khách hàng không phải cán bộ ngân hàng không thể biết bảng kê tiền gửi có chữ ký của bà Hà và đóng dấu phòng giao dịch 14 là đúng hay không đúng mẫu của ngân hàng.

“Vì có con dấu của ngân hàng nên khách hàng tin tưởng, do vậy ngân hàng không thể nói không liên quan. Ở đây là trách nhiệm pháp nhân (Ngân hàng Quốc Dân) chứ không chỉ là cá nhân”, Luật sư Đức cho biết.

Mất gần 9 tỷ tại Ngân hàng Quốc Dân, khách hàng có thể khởi kiện ảnh 4

Nhân viên lợi dụng con dấu "Đã thu tiền", Ngân hàng VIB không thể ngoài cuộc

Mất gần 9 tỷ tại Ngân hàng Quốc Dân, khách hàng có thể khởi kiện ảnh 5

VPBank nói vụ khách hàng báo mất 26 tỷ đồng là hết sức nghiêm trọng

Chỉ ra bất cập nhưng Luật sư Đức cho biết, khi ngân hàng chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra thì phải chờ xác minh để làm rõ trách nhiệm các bên.

Quá trình trình này thường kéo dài, khách hàng phải chờ đợi.

Theo Luật sư Đức đáng nhẽ những vụ việc như vậy cần đẩy nhanh xác minh và trả lời cho người dân biết có khởi tố vụ án hay không.

Nếu không khởi tố, khách hàng có thể khởi kiện Ngân hàng Quốc Dân ra tòa.

Cũng liên quan vụ việc tại Ngân hàng Quốc Dân, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm -nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sự việc có cả lỗi khách hàng và ngân hàng.

Ông Kiêm cho biết, theo thông tin phản ánh trên báo chí, khách hàng có sự tin tưởng với cán bộ ngân hàng, vì thế mọi giao dịch đều trực tiếp với cán bộ này mà không qua kênh nào khác. Điều đó cho thấy sự chủ quan của khách hàng.

“Người gửi tiền cần tìm hiểu thông tin không chủ quan tin tưởng vào một cá nhân để tránh rủi ro. Khi gửi tiền khách hàng nên tìm ngân hàng lớn, uy tín thực hiện giao dịch trực tiếp tại ngân hàng”, ông Kiêm đưa ra lời khuyên.

Trong vụ việc này, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, ngân hàng phải có trách nhiệm bởi nguyên nhân sâu xa là do công tác quản trị, quản lý cán bộ của ngân hàng.

Trong nhiều vụ việc khi khách hàng khiếu nại mới biết việc nhân viên ngân hàng làm việc với khách hàng đã chủ động xin nghỉ việc hoặc ngân hàng sẽ cho nghỉ việc. Sau đó, ngân hàng gần như đứng ngoài cuộc.

Trước hiện tượng này, Tiến sĩ Kiêm cho rằng, ngân hàng phải có cơ chế quản lý kiểm soát chặt chẽ nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ. Đồng thời công khai công bố quy định đó để người dân biết và tránh được rủi ro.

“Những vụ việc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ngoài lòng tham của cá nhân dẫn đến lừa đảo còn có nguyên nhân đến từ ngân hàng.

Ngân hàng thiếu hoặc không có quy định chặt chẽ về phạm vi hoạt động của mỗi cá nhân cũng như khi vi phạm xử lý thế nào phải có tuyên bố quy định trước để bao trùm tất cả hành vi có thể dẫn đến lừa đảo, mất uy tín ngân hàng”, Tiến sĩ Kiêm cho hay.

Mai Anh