4 vi phạm của HUD
Thanh tra Chính phủ vừa ra văn bản số1312/TB-TTCP công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).
Nội dung thanh tra được tập trung vào các vấn đề quản lý vốn, tài sản, sử dụng vốn đầu tư dự án kinh doanh, một số nội dung về doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ HUD đã có 4 thiếu sót, vi phạm trong vấn đề quản lý.
Thứ nhất, Thanh tra Chính phủ kết luận HUD thiếu trách nhiệm trong quyết định đầu tư, kinh doanh dự án đô thị.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong quá trình hoạt động kinh doanh từ năm 2011 trở về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính quản trị, dẫn đến chậm và trì trệ triển khai các dự án, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, đẩy HUD và các đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn hiện nay.
Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) (ảnh: vneconomy.vn) |
Nợ phải trả lớn, khả năng thanh toán khó khăn, nợ phải thu chậm thu hồi, phát sinh quá hạn, doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả.
Thứ hai, HUD đã làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động ủy quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên với quy mô lớn.
Theo đó các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp mà ủy quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên, trái điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế quản lý tài chính của HUD.
Mặt khác, thông qua hoạt động ủy quyền đầu tư kinh doanh, HUD đã chuyển giao cho các công ty thành viên cả những diện tích đã được nhà nước miễn không thu tiền để đầu tư kinh doanh nhà theo giá thị trường.
Không thực hiện đúng nghĩa vụ xây dựng căn hộ chung cư cao tầng để bán và cho thuê đối với đối tượng gặp khó khăn về nhà ở, không giao tầng 1 các chung cư cho TP.Hà Nội theo quy định.
Thứ ba, Thanh tra Chính phủ cho rằng HUD hiếu trách nhiệm đối với việc trích trước chi phí trọng yếu trong kinh doanh bất động sản vào giá vốn kinh doanh.
HUD đã hạch toán trích trước chi phí phải trả vào giá vốn kinh doanh hàng kỳ theo suất đầu tư mét vuông đất, mét vuông nhà phân bổ trên cơ sở tổng mức đầu tư các dự án sai với quy định phải căn cứ chi phí phát sinh và dự toán công trình.
Dự án Việt Hưng (Hà Nội) của HUD còn nợ khối lượng giải phóng mặt bằng trong khi sản phẩm dự án đã cơ bản kinh doanh hết. |
Điển hình là dự án Việt Hưng (Hà Nội) trích thiếu chi phí phải trả quá nhiều, dẫn đến hậu quả là thiếu nguồn vốn để xây dựng hoàn trả khối lượng các hạng mục công trình hạ tầng còn nợ và khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án chưa thực hiện là quá lớn (hơn 1 tỷ đồng), trong khi sản phẩm dự án đã cơ bản kinh doanh hết.
“Việc xác định giá vốn sai dẫn đến xác định giá bán kinh doanh cho dự án thấp hơn mức phải thực hiện, làm giảm doanh thu và kết quả kinh doanh của HUD. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của HUD hiện nay”, kết luận Thanh tra nhấn mạnh.
Thứ tư, Thanh tra Chính phủ kết luận một số nội dung về quản lý tài sản chính và tài sản khác của HUD còn để xảy ra khuyết điểm như bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận kinh doanh dự án Văn Quán khi chưa quyết toán không đúng chỉ đạo của Thủ tướng; Đầu tư xây dựng sai quy hoạch chi tiết được phê duyệt, xây dựng tăng căn hộ và tăng diện tích sàn chung cư để kinh doanh thu lợi; Quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư sai mục đích…
Xử lý thế nào?
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngoài sai phạm tại các dự án, HUD còn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp không hiệu quả kém dẫn đến thâm hụt mất vốn.
Cụ thể, đầu tư vào Công ty CP xi măng Sông Thao hơn 516 tỷ đồng nhưng dự án xây dựng nhà máy xi măng chậm tiến độ, chi phí đầu tư phát sinh lớn, giá thành sản xuất tăng cao, thiếu vốn hoạt động.
Đến 31/12/2012, lỗ lũy kế hơn 300 tỷ đồng, bằng 45% vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Đầu tư vào Công ty CP phát triển nhà xã hội HUD.VN hơn 161 tỷ đồng, HUD.VN đã sử dụng hầu hết các nguồn vốn góp cùng HUD mua đất để thực hiện dự án Ánh Dương và thực hiện các dự án ủy quyền đầu tư kinh doanh của HUD sai quy định, dẫn đến tài chính khó khăn, kinh doanh trì trệ, không hiệu quả kéo dài, lãng phí vốn đầu tư.
Đặc biệt, HUD đầu tư ngoài ngành vào Quỹ đầu tư VN 72 tỷ đồng từ năm 2006 nhưng đến tháng 8/2013 chưa thu được hiệu quả. HUD còn góp vốn vào Công ty CP thép Sông Hồng hơn 46 tỷ đồng từ tháng 5/2005, đến ngày 1/7/2007, HUD đã thỏa thuận thoái vốn nhưng đến nay vẫn không thu hồi được và chưa xử lý.
Theo TTCP, đến nay các khoản nợ phải trả của HUD hơn 6.600 tỷ đồng, khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền, tồn kho nhiều (hơn 4.300 tỷ đồng) thanh khoản chậm; nợ công trình hạ tầng chưa xây dựng và quá hạn bàn giao cho địa phương khối lượng lớn, trị giá hơn 4.500 tỷ đồng; hạch toán kinh doanh không chính xác, ghi nhận thiếu chi phí trước và chi phí dự phòng hơn 1.200 tỷ đồng dẫn đến phản ánh kết quả kinh doanh sai lệch.
Trước sai phạm này Thanh tra Chính phủ kiến nghị yêu cầu HUD nộp ngân sách 262.463 triệu đồng gồm: Nợ tiền sử dụng đất, tính thiếu tiền sử dụng đất tại dự án Văn Quán – Yên Phúc 134 triệu đồng; Tiền chênh lệch giữa giá thành và giá bán 12.146m2 sàn căn hộ nhà NOOw1, NƠ 2 Dự án Pháp vân – Tứ Hiệp là 431 triệu đồng, phí xây dựng Khu đô thị Việt Hưng 786 triệu đồng.
Giao HUD và các Cty thành viên điều chỉnh, hạch toán đúng quy định đối với 20 nội dung với tổng số tiền 459.960 triệu đồng.