Ngày 14/4, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
TTCP khẳng định, trong quản lý đầu tư tỉnh Hà Tĩnh còn một số sai phạm, khuyết điểm. Cụ thể như việc bố trí vốn theo kế hoạch đạt thấp so với tổng mức đầu tư được phê duyệt (44,28%; một số dự án đã đầu tư nhưng thiếu vốn). Nguyên nhân là khi quyết định đầu tư ở một số dự án, tỉnh không xem xét kỹ khả năng thu xếp nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng bộc lộ hạn chế trong việc tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu nhiều, dẫn đến thiếu tính cạnh tranh và thiếu tính minh bạch. Tình trạng chậm tiến độ các gói thầu quá lớn, có tới 557/1.120 gói thầu chậm tiến độ (chiếm 50%), rơi nhiều vào các gói do chỉ định thầu hoặc thực hiện đấu thầu hạn chế. Không chọn được nhà thầu có đủ năng lực tài chính, năng lực thực tiễn, là một trong nguyên nhân chính làm chậm tiến độ, làm tăng giá trị quyết toán, lãng phí ngân sách Nhà nước.
TTCP cũng nêu rõ, việc Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng cấp giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa, chưa thu phí xả thải là không đúng quy định. Cùng với đó là việc chậm thu thuế tài nguyên và chưa thu đủ phí bảo vệ môi trường đối với cát dùng để san lấp mặt bằng xây dựng nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Công ty Formosa...
Phối cảnh Khu đô thị - thương mại - dịch vụ - nghỉ dưỡng - nhà ở cao cấp tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. |
Đặc biệt, có nhiều sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho KKT Vũng Áng. Đây là dự án có tính chất cấp bách, là một trong những điều kiện về cơ sở hạ tầng không thể thiếu nhằm thu hút đầu tư những dự án quan trọng như sản xuất gang thép của Formosa Hà Tĩnh; nhiệt điện Vũng Áng 1 và 2. Vì ngân sách khó khăn, tỉnh Hà Tĩnh chủ động đề xuất và được Thủ tướng đồng ý thực hiện dự án theo phương thức xã hội hóa đầu tư các dự án hạ tầng trong KKT Vũng Áng. Việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho KKT Vũng Áng cũng đã được nhà nước dành nguồn lực để hỗ trợ đầu tư.
Tuy nhiên, từ năm 2012 trở về trước dự án này có một số khuyết điểm, sai phạm. Đơn cử như Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Vũng Áng quyết định phê duyệt dự án khi chưa xác định được nguồn vốn đầu tư; UBND tỉnh Hà Tĩnh chọn chủ đầu tư là đơn vị không chuyên ngành, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án.
Đặc biệt, khi chưa xác định được phần vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt và cơ chế quản lý phần vốn nhà nước hỗ trợ, đến 15/3/2013 đã giải ngân số tiền 240 tỷ đồng trong tổng số hơn 600 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (chiếm 40%); chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu (trong đó có cả nhà thầu là cổ đông của nhà đầu tư) khi chưa được Thủ tướng cho phép là vi phạm. Trình tự, thủ tục chọn chủ đầu tư dự án không tuân thủ theo quy định (trước khi Thủ tướng có văn bản chỉ đạo), thể hiện sự “tiền trảm, hậu tấu”, nóng vội, chủ quan và duy ý chí.
Bên cạnh những sai phạm về quản lý đầu tư xây dựng, TTCP cũng chỉ rõ những sai phạm của tỉnh Hà Tĩnh trong quản lý, sử dụng đất đai. Trong đó có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong thời gian dài ở một số huyện về quản lý đất đai nói chung, đất lâm nghiệp nói riêng. Công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng ở huyện Kỳ Anh có một số khuyết điểm lớn, gây nguy cơ khiếu kiện cao. Tỉnh Hà Tĩnh cũng cấp 30 giấy phép khai thác khoáng sản nằm ngoài quy hoạch; cấp 15 giấy phép khai thác khoáng sản trong KKT Vũng Áng không đúng quy hoạch. Qua thanh tra, TTCP phát hiện vi phạm về tài chính lên tới trên 493 tỷ đồng.
Từ kết luận nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo: Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tăng cường công tác quản lý đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ và các quy định có liên quan.
UBND tỉnh chấn chỉnh công tác giao, nhận thầu, thực hiện đúng các quy định của Luật đấu thầu; tăng cường các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả trong quản quản lý giá thành, quản lý chất lượng; kiên quyết khắc phục tình trạng chậm trong giải phóng mặt bằng.
Kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, khu thương mại; tăng cường công tác quản lý sử dụng đất đai; tiếp tục xử lý các khuyết điểm, hậu quả, tồn tại, vi phạm từ nhiều năm trước đây.
Kiểm tra, rà soát toàn bộ công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng trong khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh để đảm bảo việc thu hồi, bồi thường, tái định cư và chi trả, thanh toán, quyết toán kinh phí theo đúng quy định pháp luật.
Thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định của pháp luật, nếu có trục lợi cá nhân thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật…
Về xử lý tài chính, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu về ngân sách nhà nước 39,27 tỷ đồng tiền thuê đất của Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD) còn nợ liên quan việc thực hiện dự án Khu dân đô thị Bắc thành phố Hà Tĩnh.
Kiểm tra, rà soát, làm rõ việc bồi thường 32,94 tỷ đồng cho diện tích “tranh chấp” và 15,52 tỷ đồng cho diện tích đất “công ích” ở Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh, UBND huyện Kỳ Anh (liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện dự án Formosa) để thu hồi về ngân sách nhà nước tiền sai phạm.
Xử lý dứt điểm 33,45 tỷ đồng của Công ty cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh đã đầu tư thực hiện Dự án hệ thống cấp nước cho KKT Vũng Áng.
TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh quốc phòng trong KKT Vũng Áng...