Nhìn vào đâu để thấy được sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam?

28/06/2017 07:08
Mai Anh
(GDVN) - Chính phủ đang theo đuổi con số tăng trưởng 6,7% GDP trong năm 2017, dù khó khăn nhưng nhiều chuyên gia kinh tế tin sẽ đạt được mục tiêu.

Một trong những vấn đề được các chuyên gia kinh tế, diễn giả quan tâm đề cập nhiều nhất tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “ Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững” diễn ra sáng ngày 27/6/2017 chính là mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

Không chỉ tăng trưởng theo con số, vấn đề được đưa ra thảo luận tại diễn đàn chính là việc làm sao để tăng trưởng bền vững, tăng trưởng từ nội lực mà không khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, than đá…

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững” - ảnh nguồn TTXVN
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững” - ảnh nguồn TTXVN

Niềm tin vào điều hành của Chính phủ

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ - nguyên Trưởng khoa Chính sách công (Học viện Chính sách và phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững” diễn ra vào những ngày cuối cùng của quý 2/2017 điều đó có nghĩa 1/2 thời gian trong để hoàn mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% đã trôi qua.

Vì thế không quá bất ngờ khi các diễn giả, chuyên gia kinh tế tham gia diễn đàn đặt ra vấn đề làm sao để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong cả năm nhất là khi tăng trưởng của quý 1/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.

Càng đáng ngại hơn khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài.

Theo Ủy viên Bộ chính trị - Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao.

“Lúc này chúng ta đang phải giải bài toán kép: Thứ nhất làm sao để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7%; Thứ hai đảm bảo tăng trưởng bền vững dựa vào nội lực” ông Thọ nhận định.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ - nguyên Trưởng khoa Chính sách công (Học viện Chính sách và phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ảnh Hoàng Lực.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ - nguyên Trưởng khoa Chính sách công (Học viện Chính sách và phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ảnh Hoàng Lực.

Trở lại những khó khăn của kinh tế Việt Nam đầu năm 2017 dẫn đến tốc độ tăng trưởng thấp, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ cho biết, tăng trưởng của quý 1/2017 thấp nguyên nhân chủ yếu là do khu vực công nghiệp – xây dựng giảm so với cùng kỳ, trong đó các nhóm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, khai khoáng, điện tử, máy tính, xây dựng đều sụt giảm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ và tổng cầu gặp khó khăn.

Mặt khác, đầu năm 2017 Chính phủ tiếp tục phải giải quyết hàng loạt vấn đề như nợ xấu, giải quyết dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, tái cấu trúc nền kinh tế…tất cả đều ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện.

Đồng quan điểm cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó tuy nhiên Phó Giáo sư Thọ tin tưởng sẽ đạt được khi Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, ổn định kinh tế vĩ mô, thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững.

Nhìn vào đâu để thấy được sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam? ảnh 3

Thủ tướng họp khẩn, yêu cầu phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Theo Phó Giáo sư Thọ có nhiều tín hiệu lạc quan để tin vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2017 sẽ đạt mức 6,7%.

Thứ nhất, các yếu tố dự báo tình hình kinh tế thế giới trong ngắn hạn tốt, có tác động đến kinh tế Việt Nam bởi nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Các dòng đầu tư gồm cả đầu tư nước ngoài, trong nước tăng tốt, thu ngân sách các địa phương, xuất khẩu tăng trưởng khả quan, du lịch phát triển, công nghiệp, các ngành chế biến, chế tạo có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tốt.

Thứ hai, nông nghiệp khởi sắc khi không còn khó khăn như năm ngoái như dịch bệnh, xâm nhập mặn, lũ lụt… Nông nghiệp phục hồi tốt kèm theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ sẽ giải bài toán nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam hướng đến thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, điều hành của Chính phủ. Qua hai lần tiếp xúc doanh nghiệp năm 2016 và 2017 và trực tiếp lắng nghe những bức xúc, những góp ý của cộng đồng doanh nghiệp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo quyết liệt điển hình như việc ban hành Chỉ thị số 20 yêu cầu không thanh tra doanh nghiệp quá 1 lần/ năm. 

Mặt khác, Thủ tướng dành sự quan tâm đặc biệt đến phong trào khởi nghiệp với những thông điệp và hành động cụ thể, mạnh mẽ.

Trong các cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố, trong các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều kêu gọi thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, hối thúc lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tạo mọi điều kiện cho sinh viên, giới trẻ khởi nghiệp, tạo nhanh hệ sinh thái khởi nghiệp để doanh nghiệp khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp.

“Với cơ sở trên có thể tin tưởng mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 sẽ đạt được dù không dễ dàng”, Phó Giáo sư Thọ cho biết.

Phải từ nội lực

Để giải quyết bài toán tăng trưởng bền vững từ nội lực nền kinh tế chứ không phải dựa vào giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FDI, Phó Giáo sư Thọ cho rằng, cần phải có giải pháp cơ bản mang tính dài hạn như:

Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với sức cạnh tranh của nền kinh tế; Mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời tận dụng tốt hơn thị trường hiện đang có, bao gồm cả thị trường trong nước.

Ngoài ra phải nâng cao năng lực, năng suất lao động đáp ứng hội nhập sâu rộng hơn, tận dụng chiếm lĩnh thị trường mới. Cùng với đó, thị trường trong nước phải phát triển mạnh mẽ.

Về giải pháp trước mắt, ông Thọ cho rằng phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cải cách thể chế, hạ tầng, nhân lực, quản lý đất đai…

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng tăng GDP bễng vững phải từ nội lực - ảnh nhân vật cung cấp
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng tăng GDP bễng vững phải từ nội lực - ảnh nhân vật cung cấp 

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, mô hình kinh tế của Việt Nam vẫn chuyển đổi chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nặng nề vào các ngành khai khoáng. Nền kinh tế vẫn chủ yếu là gia công, công nghiệp phụ trợ phát triển còn chậm. 

Vì thế khi đặt ra giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 cần nhìn vào bản chất vấn đề không nên nhìn vào con số.

Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên 3 rường cột quan trọng: xuất nhập khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng.

Vì thế muốn kinh tế tăng trưởng mạnh, chỉ cần tăng trưởng kinh tế tiêu dùng từ mức 4,4% hiện nay lên mức 5,5% trong thời gian tới. Bởi kinh tế tiêu dùng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP. 

Động lực thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng trong ngắn hạn đó chính là giá cả hàng hóa giảm, còn dài hạn chính là xu hướng tiêu dùng và chính sách nới tín dụng tiêu dùng trong nước. 

“Nói cách khác để tăng tiêu dùng chỉ cần nới tín dụng cho vay tiêu dùng là có thể tăng và đảm bảo tăng trưởng GDP”, ông Trinh cho biết. 

Đưa ra quan điểm không nên chạy theo con số tăng trưởng GDP, Tiến sĩ Bùi Trinh nhận định: Ý kiến bàn luận đóng góp phải làm sao để nền kinh tế tốt lên chứ không phải chỉ chăm chăm chạy theo con số tăng trưởng. Muốn kinh tế tốt lên thì phải thay đổi từ nội tại chứ không phải để tăng trưởng chúng ta tăng khai thác dầu, than hay đẩy tín dụng tiêu dùng, nới đầu tư công lên…

“Không phải chỉ số tăng trưởng GDP mà thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) mới là cái phản ánh sức khỏe nền kinh tế một quốc gia.

Ngoài ra chỉ tiêu phản ánh sự bền vững của nền kinh tế chính là yếu tố để dành (Saving) của các khu vực thể chế.

Vì vậy nếu đạt được chỉ số tăng trưởng GDP nhưng nguồn lực yếu đi, rủi ro còn nhiều thì rất đáng lo ngại”, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết.

Để tăng trưởng GDP bền vũng Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng cần thực hiện hai giải pháp: Cấu trúc toàn diện lại nền kinh tế, cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh. Đặc biệt, cần củng cố niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân, tạo niềm tin cho người dân doanh nghiệp để tăng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào tăng trưởng kinh tế.

Mai Anh