Ông Đinh La Thăng còn nợ người dân lời xin lỗi từ nhiều sai phạm BOT

23/01/2018 06:09
Trần Phương
(GDVN) - Với những “di sản” về BOT để lại từ thời làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng đang nợ người dân một lời xin lỗi.

Sau nhiều ngày xét xử, sáng 22/1/2018, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên VPN là Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, trong lời nói sau cùng tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng cúi đầu xin lỗi Đảng, xin lỗi Nhà nước, xin lỗi nhân dân cả nước, xin lỗi các thế hệ lao động ngành dầu khí, xin lỗi người lao động ngành giao thông vận tải, người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với ngành Giao thông Vận tải, ông Thăng nói: “Bị cáo còn nợ nhân dân tuyến đường bộ Bắc - Nam; nợ người dân tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh; còn nợ người dân vùng sâu, vùng xa hàng ngàn cây cầu dân sinh, đảm bảo cho họ được đi lại an toàn, thuận tiện như người dân ở những vùng miền khác”.

Ông Đinh La Thăng còn nợ người dân lời xin lỗi từ nhiều sai phạm BOT ảnh 1

Di sản của ông Đinh La Thăng: BOT và công tác cán bộ!

Những lời xin lỗi được đánh giá là có sự chân thành, tuy nhiên với nhân dân cả nước thì ông Đinh La Thăng còn nợ lời xin lỗi với "di sản" về BOT giao thông.

Cần phải khẳng định lại một lần nữa, BOT là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế; trong đó, có hạ tầng giao thông là vô cùng cần thiết và là chủ trương đúng đắn.

Trong thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải (2011 – 2016), rất nhiều dự án BOT đã được triển khai. Ngay từ thời kỳ ấy đã có nhiều nhà chuyên môn lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy có thể xảy ra với BOT giao thông, tuy nhiên những cảnh báo ấy đã không được lắng nghe một cách thực sự nghiêm túc.

Và hậu quả là thời gian gần đây những hệ lụy ấy thực sự đã xảy ra, với rất nhiều trạm BOT bị người dân, lái xe phản ứng, chủ yếu xoay quanh hai vấn đề là vị trí đặt trạm thu phí và mức thu bị cho là cao.

BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, một trong những dự án bị chỉ ra rất nhiều sai phạm nhưng đến nay vẫn chưa có ai bị xử lý (Ảnh Tổng cục đường bộ).
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, một trong những dự án bị chỉ ra rất nhiều sai phạm nhưng đến nay vẫn chưa có ai bị xử lý (Ảnh Tổng cục đường bộ).

Những di sản đó, ngày hôm nay vẫn còn nhức nhối trên nhiều nẻo đường trên cả nước. Chính những bất minh đã khiến BOT đã trở nên méo mó trong mắt người dân.

Sự phản kháng của người dân tại những trạm BOT như BOT Cai Lậy, Cần Thơ – Phụng Hiệp, Sông Phan… vừa qua khiến tình hình phức tạp.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đang rất mệt mỏi tìm phương án giải quyết, nhưng cũng chưa có phương án nào giải quyết được hết những rắc rối đang xảy ra. Nhân dân thì bức xúc trước tình trạng mất trật tự an ninh công cộng. Cánh tài xế, người đi đường thì có cảm giác ấm ức, mà nói như một số chuyên gia kinh tế thì họ đã phải trả tiền trong sự ấm ức.

Với những méo mó như vậy của BOT, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã từng nói rất thẳng thắn: “Trong nền kinh tế thị trường, người mua có quyền lựa chọn, người mua là thượng đế. Tuy nhiên, tại các dự án BOT, khách hàng, người mua đã bị biến thành nô lệ".

Trước đó, trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam khi còn là Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - ông Bùi Danh Liên, cho biết: “Những méo mó trong đầu tư BOT giao thông xuất phát từ vấn đề mời thầu, phê duyệt dự án đến giám sát dự án. Mỗi giai đoạn dự án BOT giao thông đều cho thấy trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải”.

Còn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa cho rằng, chủ đầu tư BOT chỉ cạp thêm đường, trải nhựa mà thu tiền như đường mới là rất trắng trợn, thô thiển và coi thường dư luận.

Ngày 6/9/2017, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông Vận tải.

Ông Đinh La Thăng còn nợ người dân lời xin lỗi từ nhiều sai phạm BOT ảnh 3"Di sản" của ông Đinh La Thăng khiến Bộ Giao thông chịu nhiều áp lực

Kết luận cho thấy, qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư đối với 6 dự án, xác định giá trị phê duyệt sai tăng 451,5 tỷ đồng, trong đó dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là 18,7 tỷ đồng.

Kiểm tra một số nội dung về dự toán và thanh toán đối với 7 dự án xác định các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp, hoặc thiếu hồ sơ và căn cứ phê duyệt một số yếu tố phát sinh thực tế không hợp lý… với tổng giá trị 316,2 tỷ đồng, trong đó dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là 55,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo Thanh tra Chính phủ, cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập; giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý.

Cũng theo thông báo có đến 100% dự án BOT, BT chỉ định thầu. Rõ ràng đây là vấn đề thiếu minh bạch, và dấu hỏi về lợi ích nhóm tiếp tục được đặt ra.

Với hơn 70 dự án đã thực hiện không lựa chọn nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu trong đó có nhà đầu tư được chọn chưa đảm bảo năng lực dẫn đến nhiều bất cập, sai sót làm hạn chế hiệu quả thực hiện dự án.

Và hơn 170.000 tỷ đồng huy động được cho 58 dự án BOT từ năm 2011 đến nay là một con số không hề nhỏ.

Chính vì thế, điều mà người dân cần cũng chính là câu trả lời sòng phẳng, minh bạch từ các bên.

Những bất minh, thiếu khách quan của những trạm BOT đã xây dựng từ thời Bộ trưởng Thăng mà BOT trở thành “nhân vật phản diện” và bị chỉ trích.

Từ “nhân vật phản diện” đó, nhân dân phải chứng kiến sự phản đối của người dân đối với chủ đầu tư BOT, điển hình như vụ BOT cầu Bến Thủy 1 (Nghệ An), BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), BOT Cai Lậy…

Các BOT “có vấn đề” chủ yếu xoay quanh chính sách phí chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, chất lượng xây dựng và bảo trì một số dự án chưa đạt yêu cầu...

Từ đó có thể thấy “Di sản” mà ông Đinh La Thăng để lại trong câu chuyện BOT đã gây ra hiệu ứng xấu cho xã hội, đó là chủ trương thì tốt, nhưng thực hiện trong thực tế lại rất nhiều sai phạm. Tất nhiên, trong những dự án có sai phạm thì còn có trách nhiệm của những cá nhân và tổ chức khác nữa, đó là những người trực tiếp thực hiện, những cán bộ có phần trách nhiệm ở địa phương hoặc những cơ quan chức năng khác.

Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa (Ảnh: TTXVN)
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa (Ảnh: TTXVN)

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường Bộ, Trường Đại Học Giao thông Vận tải Hà Nội cũng thắc mắc về vai trò của quỹ này đối với việc sửa đường, cắm trạm BOT.

Chính ông Đinh La Thăng khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã lên truyền hình nói về Quỹ bảo trì đường bộ, và khẳng định không có việc phí chồng phí vì có quỹ này.

Thế nhưng, cho đến hiện nay, còn thiếu một sự minh bạch rõ ràng giữa quỹ bảo trì đường bộ và trạm thu phí BOT.

Từ một chủ trương đúng của Chính phủ nhưng với tư cách là “tư lệnh” ngành, ông Đinh La Thăng đã không làm tròn trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao phó.

Đối mặt với án phạt nghiêm khắc, bị cáo Đinh La Thăng cúi đầu nói lời xin lỗi, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ, ông Thăng còn đang nợ người dân một lời xin lỗi về những "di sản" BOT.

Tài liệu tham khảo:

1. http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Bi-cao-Dinh-La-Thang-xin-loi-Dang-Nha-nuoc-va-nhan-dan/327401.vgp

2. https://laodong.vn/kinh-te/thanh-tra-chinh-phu-100-du-an-bt-bot-chi-dinh-thau-phe-duyet-sai-ca-tram-ty-dong-563213.ldo

3. http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Pho-Thu-tuong-Trinh-Dinh-Dung-yeu-cau-xu-ly-triet-de-van-de-BOT-post183165.gd

 4. http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Tien-si-Nguyen-Xuan-Thuy-Phai-lam-ro-co-nhom-loi-ich-o-cac-du-an-BOT-khong-post182940.gd

5. http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Tien-si-Nguyen-Sy-Dung-Thu-phi-BOT-hien-nay-nhu-kieu-tran-lot-post179597.gd

Trần Phương