Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: "Phải làm rõ có nhóm lợi ích ở các dự án BOT không?"

10/01/2018 07:09
Lại Cường
(GDVN) - Một số dự án BOT phát hiện sai phạm rồi, nhưng sau đó không xử lý ai cả, như vậy thì những bức xúc về BOT bao giờ mới có thể giải quyết được?

Những ngày đầu năm 2018, hàng loạt trạm BOT như trạm Sóc Trăng, Sông Phan, Phụng Hiệp – Cần Thơ, Đồng Nai… liên tục bị các tài xế phản đối khiến giao thông ùn tắc kéo dài.

Trước đó nhiều trạm BOT khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, tuy nhiên đến nay Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa có phương án giải quyết tổng thể, mà mới chỉ là những biện pháp giải quyết tình huống.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông cho biết: “Cách đây mấy năm, khi mà Bộ Giao thông Vận tải khởi xướng các dự án   BOT, tôi đã nói thẳng là xây dựng tràn lan như vậy trước sau gì cũng sẽ gây ra phản ứng.

Những hiện tượng phản đối của các tài xế thời gian gần đây có thể coi như giọt nước tràn ly”.

Theo Tiến sĩ Thủy, Bộ Giao thông Vận tải nên nhìn nhận thấu đáo (tính đến gốc của vấn đề) về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tài xế, người dân phản đối như vậy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Tiến sĩ Thủy cho rằng: “Trước tiên bắt nguồn từ việc quy hoạch BOT của Bộ Giao thông Vận tải rất đại trà, không có một kế hoạch cụ thể, tối ưu hoặc được thông qua một hội đồng nào đó hoặc được Chính phủ xét duyệt một cách kỹ càng.

Do đó, người dân cho rằng việc thu tiền BOT ở nhiều trạm không minh bạch, lâu dần gây ra tâm lý bức xúc”.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Thủy cũng chỉ ra: “Về mặt nguyên tắc, BOT chỉ thực hiện ở những tuyến đường đôi thôi, có nghĩa là nếu có một tuyến rồi, làm thêm một tuyến nữa cho người dân lựa chọn.

Nếu ai muốn đi nhanh hơn, đi đường tốt hơn thì anh phải bỏ tiền ra để đi tuyến BOT. Tuyến còn lại có sẵn nếu phải cải tạo và xã hội hoá thì thu ở mức rất thấp, chứ không thể ép người dân trả phí như hiện nay.

Người ta đã phải đóng tiền bảo trì đường bộ rồi vậy thì quỹ, kinh phí nhà nước đâu không sửa lại đường, làm đường cho dân đi mà phải làm BOT?

BOT có tác dụng nâng cấp hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi hơn và phủ hóa những mạng đường tốt cho người dân, điều đó là đúng. Dù vậy vẫn phải để cho người dân lựa chọn đường đi”.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng cách xử lý của Bộ Giao thông Vận tải ở nhiều dự án BOT chưa thấu đáo cả về lý và tình. Ảnh: Giaoduc.net.vn
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng cách xử lý của Bộ Giao thông Vận tải ở nhiều dự án BOT chưa thấu đáo cả về lý và tình.  Ảnh: Giaoduc.net.vn

Đánh giá về việc triển khai các dự án BOT, Tiến sĩ Thủy cho rằng: “Có những hiện tượng xem thường người dân, tức là nghĩ người dân không biết gì rồi cứ làm tới, thí dụ như đáng nhẽ trạm đặt chỗ này nhưng lại đặt chỗ khác.

Hay hiện tượng vừa qua là BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ mới chỉ đầu tư 30% nhưng thu tiền như đường làm mới. Cũng may là cơ quan chức năng vào cuộc, không thì họ còn thu như thế đến bao giờ nữa".

Nói về phí BOT, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho biết: “Tôi đã nhấn mạnh rất nhiều lần là phải theo quan điểm 'năng nhặt chặt bị, tích tiểu thành đại' chứ không thể áp mức cao để nhanh thu hồi vốn, nhanh thu lời.

Những vấn đề tồn tại của BOT thời gian qua cho thấy sự phối hợp của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chưa tốt. Thậm chí còn có biểu hiện xem thường ý kiến của dư luận, của các nhà nghiên cứu như chúng tôi, bởi vì bức xúc về BOT chúng tôi đã nói mấy năm trước nhưng không được xử lý dứt điểm, để đến giờ sự phản ứng lan ra nhiều nơi.

Nếu một tuyến đường thu với mức phí vừa phải, hợp túi tiền và đúng mục đích, đúng đối tượng thì người dân vẫn đi, vẫn sử dụng vì việc thu đó không tác động quá nhiều đến đời sống của họ

Nếu việc thu phí không tính đến vấn đề này mà thu một cách tùy tiện, chỉ chăm chăm vào lợi ích của doanh nghiệp thì người dân phản đối là có lý".

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: "Phải làm rõ có nhóm lợi ích ở các dự án BOT không?" ảnh 2Cần một cuộc đại phẫu cắt bỏ "ung nhọt" trong đầu tư BOT giao thông

Việc người ta bỏ qua đường có BOT, đi đường nhỏ vì quá đắt cũng là điều dễ hiểu.

Những người làm quy hoạch, cơ quan chức năng đã không thấy được điều đó. Có thể thấy việc thương mại hóa đường giao thông đã có những sai lầm rất lớn như vậy.

Ở đây đã xuất hiện tư tưởng thu tiền của người dân dễ dàng quá, nhiều trạm BOT được chỉ định thầu dễ dàng quá”.

Để xảy ra sai sót sao không ai chịu trách nhiệm?

Đánh giá về việc xử lý cá nhân, tập thể khi để xảy sai sót ở dự án BOT, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Nhiều sai sót không bị xử lý, tôi nói ví dụ như ở trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thì Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ là chỉ mới đầu tư 30% mà thu tiền như đường làm mới, vậy mà chẳng thấy ai bị xử lý cả.

Việc này đáng lẽ ra phải xử lý dứt điểm và xin lỗi nhân dân. Đấy là việc làm văn minh và thực sự vì dân, thế nhưng không ai làm cả!”.

Một nguyên nhân khác cho thấy các dự án BOT còn thiếu minh bạch được Tiến sĩ Thủy chỉ ra: “Điểm nữa là áp dụng biện pháp thu phí tự động quá chậm, chính tôi đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phải áp dụng đối với 100% trạm BOT, như vậy thì không thể kê khai gian dối được. Vậy mà đến bây giờ mới triển khai có mười mấy trạm thu theo hình thức này.

Bên cạnh đó còn một điểm nữa là chính sách không rõ ràng, ví dụ như phạm vi bao nhiêu km thì đặt trạm, bao nhiêu km thì không thu. Việc đặt trạm tùm lum, thu phí tràn lan đã không được công khai minh bạch.

Tôi đề nghị là những trạm BOT nào được duyệt phải công khai cho nhân dân biết tất cả mọi thông tin để tạo được sự đồng thuận, đồng thời để người dân giám sát".

Sai phạm ở BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã rõ nhưng không ai bị xử lý cả (Ảnh: VOV)
Sai phạm ở BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã rõ nhưng không ai bị xử lý cả (Ảnh: VOV)

Kiến nghị về việc xử lý những tồn tại hiện nay ở nhiều dự án BOT, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho biết: “Tôi đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, phải xử lý quyết liệt vấn đề này. Lúc này, người dân cần ở Bộ trưởng sự quyết đoán và dám chịu trách nhiệm trước Nhà nước, nhân dân.

Bộ trưởng nên sớm xuống thị sát ở tất cả các trạm BOT đang bị người dân phản ứng và cần nhanh chóng đề xuất với Chính phủ biện pháp giải quyết phù hợp để lấy lại lòng tin của nhân dân. Nếu làm được như thế cũng sẽ hạn chế các hiệu ứng xấu đã và đang xảy ra trên cả nước".

Lại Cường