Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp cổ phần hoá thành công, vẫn còn không ít doanh nghiệp chậm trễ, trì hoãn, thậm chí gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước.
Tại nghị trường Quốc hội vừa qua, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra khá gay gắt khi xuất hiện tình trạng định giá thấp nhằm trục lợi, đục khoét.
Đáng chú ý, không ít đại biểu thẳng thắn cho rằng bằng “vỏ bọc” cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã hình thành nhóm lợi ích, biến tài sản công thành tài sản tư, hay nhằm chiếm đất có vị trí đắc địa, vị trí vàng.
Trong đó, có doanh nghiệp khi cổ phần hóa không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.
Theo kết quả giám sát của Quốc hội, đã có 571 doanh nghiệp cổ phần hoá trong 6 năm qua, các chỉ số kinh doanh tại hầu hết doanh nghiệp Nhà nước đều tăng sau bán vốn Nhà nước, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%...
Đến cuối 2015, các tập đoàn tổng công ty Nhà nước đã thoái vốn được gần 10.000 tỷ đồng, thu về hơn 11.000 tỷ đồng cho ngân sách.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương nhận định, phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Cổ phần hóa để cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp và thu hút thêm vốn vào doanh nghiệp Nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian vừa qua đã bộc lộ những hạn chế, lỗ hỏng, kẽ hở, và nhiều hạn chế.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bày tỏ sự khó hiểu đó là điều lạ kỳ để người đứng đầu doanh nghiệp cổ phần hóa "vừa đá bóng vừa thổi còi". Ảnh: Quang Huy |
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích: “Trong khi nhiều nước như Ba Lan, Tiệp Khác, Hungary... có luật về cổ phần hoá thì Việt Nam chưa có. Chúng ta mới có khung pháp lý nhưng khá mù mờ.
Đặc biệt, việc giám sát hầu như không có, như nghị định 126 của Chính phủ năm 2017 lại không đề cập đến phần giám sát.
Vì không có luật nên vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Quốc hội không thể hiện rõ được vai trò và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng vậy.
Điểm tiếp theo là việc tổ chức cổ phần hóa lại giao cho ông giám đốc, người đứng đầu doanh nghiệp lên phương án như: định giá tài sản, cho phép người đứng đầu mua cổ phần...
Nếu như người lao động không mua được đủ cổ phần thì người đứng đầu doanh nghiệp có quyền mua hết. Rõ ràng đây là lỗ hỏng rất kỳ lạ vì cho phép người được mua định giá. Và như vậy, người mua đủ thông minh để định giá thấp nhằm trục lợi.
Đến nay việc này cũng không có gì thay đổi, điều này là rất kỳ lạ, trong khi lẽ ra phải lập một hội đồng định giá độc lập, đưa ra giá, các phương án, kêu gọi đầu tư.
Điều kỳ lạ nữa là đã cổ phần hóa đến 98,2% số doanh nghiệp Nhà nước, trong khi đó mới cổ phần hóa có 8% vốn, tức là việc cổ phần hóa diễn ra chỉ là hình thức, hầu như có rất ít doanh nghiệp cổ phần hóa thu hút được nhà đầu tư chiến lược.
Nhà đầu tư chiến lược đó sẽ ngồi vào ghế hội đồng quản trị, thay đổi được quản trị doanh nghiệp. Cho nên việc bán cổ phần 2,3% thì bộ máy quản trị cũ vẫn ngồi im đó, mà chúng ta không làm được gì. Chính những người đó là hưởng lợi rất nhiều”.
Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải được đại biểu Quốc hội chỉ rõ cổ phần hóa định giá chỉ 327 tỷ đồng, bằng một căn nhà phố cổ. Ảnh: Báo Kiểm toán |
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Từ những vụ cổ phần hóa có thể thấy được tài sản nhà nước thất thoát, một số người đã vơ vét tài sản và giàu lên nhanh chóng.
Vấn đề định giá về tài sản, trong đó có tài sản vô hình là tài rất quý và giá trị như thương hiệu, nhãn hiệu, uy tín, truyền thống… thì đánh giá hết sức tùy tiện.
Như việc cổ phần hóa Hãng phim truyệt Việt Nam vừa rồi lại đánh giá tài sản vô hình là bằng 0, điều này khiến không ít nghệ sĩ uất ức”.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cổ phần hóa nói là biến người lao động thành người đồng chủ sở hữu. Nếu đúng như vậy thì quá tốt, rất hay, nhưng người lao động làm gì có tiền để mua cổ phần.
Hơn nữa, người lao động cũng không được biết những quyết sách quan trọng của doanh nghiệp. Rõ ràng việc nói người lao động được đồng sở hữu doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa là xa thực tế.
Vấn đề cổ phần hóa thiếu công khai minh bạch, bưng bít thông tin cổ phần hóa cũng là nguyên nhân dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước.
Việc quy định chung chung là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải công khai, minh bạch, nhưng lại không cụ thể ngày giờ, cái gì công khai, cái gì minh bạch cũng rất mập mờ.
“Thực tế, có tình trạng trước khi cổ phần hóa khoảng một tuần mới đưa thông tin lên thì ai biết, cổ đông chiến lược nào biết.
Những người muốn mua thì không kịp trở tay, còn những doanh nghiệp sân sau, bà con, thân hữu của người có chức trong công ty đã bàn bạc, thống nhất rồi”, ông Doanh nói.
Ông Bùi Kiến Thành nói về "quân xanh, quân đỏ" đục khoét tài sản nhà nước |
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ hoan nghênh tại kỳ họp Quốc hội lần này đã có những kết quả giám sát tương đối sát, cũng như một số đại biểu đã đi thẳng vào vấn đề trước sự thất thoát ngân sách nhà nước lớn trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Mong rằng, Quốc hội sẽ xem xét và đưa ra được nghị quyết để đảm bảo quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tránh thất thoát, biến tài sản công thành tư như một số thương vụ cổ phần hóa trong thời gian vừa qua.
Cần phải chấm dứt ngay việc lợi dụng “vỏ bọc” cổ phần hóa là cơ hội, miếng bánh béo bở cho một số người đục khoét, làm giàu bất chính, biến tài sản công thành tư.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước chính là tài sản công, mà chủ yếu là đất ở vị trí đắc địa, vị trí vàng.
Rất nhiều đất vàng là tài sản công của Nhà nước có giá trị lớn, nhưng khi cổ phần hóa mang ra góp vốn mà lại không thông qua đấu giá. Đây chính là lỗ hổng lớn gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước nhiều nhất.
Không niêm yết, không công khai minh bạch, định giá thấp điều dẫn đến bán cổ phần giá thấp, không có đối tác chiến lược tham gia”.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: “Việc mập mờ thông tin trước cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước khiến tài sản công rơi vào tay tư nhân, vào những người nắm quyền công ty.
Điều đó còn dẫn đến việc bán cổ phần nội bộ, bán tù mù và hậu quả là Nhà nước thiệt hại nặng. Có thể nói, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vừa qua có dấu hiệu lợi ích nhóm”.