Tiền lệ xấu trong doanh nghiệp nhà nước
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, trước tình trạng 30 phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc, 117 lượt phi công báo ốm, nhiều chỉ đạo, giải pháp liên quan đến sự việc đã được đưa ra. Tuy nhiên dường như những giải pháp đó vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Theo dự báo của các chuyên gia hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động trước mắt của Vietnam Airlines, đây còn là tiền đề xấu cho một bộ phận lực lượng lao động chất lượng cao được nhà nước đào tạo đang làm việc trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều 13/1, PGS.TS Phạm Quý Thọ chuyên gia chính sách công cho rằng, đây là một trong những hiện tượng đầu tiên của một bộ phận lao động chất lượng cao được nhà nước đào tạo, đang phục vụ cho doanh nghiệp nhà nước.
Việc hàng loạt phi công xin nghỉ việc sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động (Ảnh minh họa) |
“Vấn đề lao động chất lượng cao được nhà nước đào tạo nhưng không muốn làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, xin ra ngoài làm… vốn không còn là vấn đề mới, nó chỉ nóng lên với ngành đặc thù như hàng không”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.
Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, đây là tin không tốt lắm trong bối cảnh Vietnam Airlines đang cổ phần hóa. "Diễn biến trong cuộc họp báo hôm 12/1 cho thấy, Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam ông Phạm Ngọc Minh khá cứng rắn có vẻ như hơi “tức giận” nhưng điều quan trọng phải có giải pháp cụ thể, doanh nghiệp phải nhìn ra vấn đề”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia chính sách công này, sự việc trên có 5 vấn đề nóng: Thứ nhất quan điểm để đào tạo một phi công rất tốn kém, tốn kém ở đây nghĩa là nhà nước bỏ tiền ra đào tạo phi công phải phục vụ. Ý kiến này nằm ở phía lãnh đạo và những người theo tư tưởng cũ nhưng điều này không hoàn toàn phù hợp với luật lao động hiện nay.
Vì theo luật lao động hiện nay người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động trực tiếp với từng người, lộ trình tăng lương với từng cá nhân chứ không phải chung chung theo một lộ trình tăng lương chung như Vietnam Airlines đã làm.Vì vậy trong việc này cần phải rà soát lại xem lộ trình của việc tăng lương cho phi công như vậy có đúng với luật không, đúng như thế nào? Sai như thế nào? Ví dụ như đúng với việc cụ thể hóa luật lao động nhưng sai cách ký, tức là đương nhiên người lao động phải đặt bút ký chứ không có thương thảo gì.
Thứ hai qua sự việc trên mặt tích cực để người lao động có tiếng nói một cách dân chủ và khi họ có tiếng nói thì cam kết cá nhân của người lao động với mạnh mẽ hơn. Họ có trách nhiêm với cam kết đó hơn.
Thứ ba không thể lấy một mức lương của phi công các nước trong khu vực làm căn cứ đàm phán với người lao động ở đây là giữa phi công và Vietnam Airlines. Ở đây Vietnam Airlines phải làm rõ được thị trường lao động của Việt Nam không được chấp nhận như vậy, hoặc lời lãi tính theo giá Việt Nam khác với lời lãi tính theo giá USD. Nghĩa là phải có cách tính riêng của thị trường Việt Nam.
Thứ tư phải có một thỏa ước lao động cụ thể, ở đây nói đến nghĩa vụ, vai trò của công đoàn Vietnam Airlines. Trong trường hợp này có tranh chấp lao động tập thể thì chính công đoàn là tiếng nói của người lao động. Công đoàn phải có tiếng nói rõ ràng độc lập không đứng về bên nào.
“Nếu quyền lợi phi công chính đáng, công đoàn Vietnam Airlines phải ủng hộ họ chứ không phải theo kiểu “ăn cây nào rào cây ấy”. Nếu quyền lợi đòi hỏi không chính đáng thì phải làm lại thỏa ước lao động tập thể trong đó vai trò tham gia của công đoàn rất lớn”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nói.
Thứ năm, đây là một trong hiện tượng gây khó khăn cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhất là trong năm 2015 khi chúng ta dự định tiền hành cổ một loạt doanh nghiệp. Vấn đề tiền lương, chế độ đại ngộ cần phải được rà soát tính toán lại, điều này cho thấy doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc thị trường.
Ảnh hưởng tâm lý người lao động
Sau sự việc trên theo PGS.TS Thọ sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý người lao động của Vietnam Airlines. “Dù chưa có thống kê xem bao nhiêu phi công nghỉ việc, nhưng những thông tin vừa qua sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người lao động đang làm việc tại Vietnam Airlines, ảnh hưởng tâm lý lao động đang có ý định chuyển về Vietnam Airlines làm việc. Tóm lại cả hai đối tượng người lao động và người sử dụng lao động đều bị tác động”, PGS.TS Thọ cho hay.
Nêu giải pháp cho vấn đề này theo ông Thọ, không chỉ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam mà rất nhiều doanh nghiệp nhà nước khác cần làm rõ hai vấn đề tiền lương và vấn đề trách nhiệm, cống hiến. Tiền lương phải căn cứ theo thực tế thị trường, theo đặc thù ngành nghề, còn vấn đề cống hiến trách nhiệm với đất nước là vấn đề khác.
Cũng liên quan đến vấn đề này trao đổi với VTV một phi công của Vietnam Airlines tiết lộ dùng đang ở vi trí cơ phó của tàu bay A321 nhưng mức lương sau thuế của anh chỉ từ 45 – 50 triệu đồng/ tháng. So với phi công của hãng hàng không khác hay phi công người nước ngoài đang làm cho Vietnam Airlines ở cũng vi trí thì phi công này cho biết lương của mình chỉ bằng 1 nửa. Ngoài ra chế độ nghỉ ngơi, giờ bay các phi công cho rằng chưa thỏa đáng.
“Chúng tôi nhiều lần phản ánh vấn đề chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi, chế tộ ăn ở liên quan đến phi công. Thực sự là không đáp ứng đầy đủ”, phi công này nói với VTV.
Trong khi đó theo Luật sư Lê Thanh Sơn - Trưởng văn phòng Luật sư AIC, đối với trường hợp này người lao động có quyền xin nghỉ việc có quyền tìm một nơi làm việc mới, không bộ luật nào cấm người lao động, cấm một công dân đi tìm kiếm việc làm ổn định.
Việc lượng lớn phi công lao động kỹ thuật cao bất ngờ xin chuyển việc gây xáo trộn ảnh hưởng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, uy hiếp an toàn bay. Trước tình trạng này Bộ Giao thông Vận tải chỉ thị Cục Hàng không tạm dừng việc chuyển đổi nhà khai thác với phi công Vietnam Airlines, tức là trong trường hợp phi công nghỉ việc thì sẽ không được cấp phép để bay ở hãng hàng không khác.
Nói về chỉ thị này của Bộ Giao thông Vận tải Cục trưởng, Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho rằng, đây chỉ là giải pháp cấp bách tạm thời, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Tổng Công ty Hàng không Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn thu nhập, những quyền lợi chính đáng của người lao động.
“Người lao động kỹ thuật cao trong một ngành đặc thù thì thứ nhất mức lương phải tương xứng với cả cái đặc thù, với cả quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phải phù hợp thị trường chúng ta phải tôn trọng thị trường lao động, tôn trọng nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường”, ông Thanh cho biết.
Nhìn nhận việc này ở góc độ chuyên gia lao động PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn cho rằng việc phi công Vietnam Airlines xin chuyển sang làm việc hãng hàng không khác không còn là việc cạnh tranh lao động trong nước mà nên nhìn nhận trong bối cảnh trung thị trường hàng không Asean sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 khi đó cạnh tranh về lao động cao sẽ làm thách thức rất lớn.