Quốc hội cần chấm dứt tình trạng luật chờ Nghị định

20/08/2018 06:29
Kiến Văn
(GDVN) - Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, Quốc hội cần có cơ chế giám sát và xử lý trách nhiệm đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành nếu Nghị định, Thông tư chậm ban hành.

Những ngày qua sự việc Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có hiệu lực 8 tháng, nhưng vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Việc chậm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật này đã bắt đầu gây ra những khó khăn cho các địa phương và doanh nghiệp đang hợp tác theo hình thức BT. Và khi Bộ Tài chính có công văn đề nghị các địa phương tạm dừng triển khai các dự án theo hình thức này để chờ hướng dẫn thì vô hình trung khiến các địa phương lúng túng, vì có những dự án rất cần cho sự phát triển nhưng vẫn đang phải tạm dừng, chưa biết đến khi nào mới có thể triển khai.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trước sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) đã nói thẳng rằng, đây là chuyện không thể chấp nhận được, Quốc hội cần phải tổ chức hẳn một chuyên đề giám sát, xử lý trách nhiệm đối với tình trạng luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư.

“Đầu tiên, chúng ta phải ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của một số bộ, ngành đã góp phần giữ cho nền kinh tế ổn định. Nhưng bên cạnh những thành quả đạt được thì cũng cần phải nghiêm khắc đánh giá lại về công tác điều hành.

Tôi nói như vậy vì rất sốt ruột khi mà Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nhưng thực tế thì không phải bộ, ngành nào cũng làm tốt, nổi lên trong đó là tình trạng nợ đọng văn bản. 

Chúng ta nói đến kiến tạo ấy thế mà khi luật đã có hiệu lực 8 tháng lại còn phải chờ Nghị định, chờ Thông tư thì khó khăn ấy chẳng phải đẩy cho doanh nghiệp, cho người dân hay sao? Đồng thời, các địa phương cũng bị kẹt, phải chờ đợi Nghị định rồi mới tiếp tục cho phép triển khai các dự án”, ông Bảo nói.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, Quốc hội cần có cơ chế giám sát và xử lý trách nhiệm đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành nếu Nghị định, Thông tư chậm ban hành. ảnh: NQ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, Quốc hội cần có cơ chế giám sát và xử lý trách nhiệm đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành nếu Nghị định, Thông tư chậm ban hành. ảnh: NQ.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng nhắc lại công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn rất nhiều chuyện phải bàn, còn rất nhiều tồn tại và rất nhiều lần Thủ tướng Chính phủ lên tiếng yêu cầu đẩy nhanh chính phủ điện tử, tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nhằm tiết kiệm thời gian, giảm bớt sự lãng phí.

“Xu thế phát triển của thế giới và Việt Nam cũng không thể khác được đó là phải tập trung cho phát triển kinh tế tư nhân. Phải tư duy như vậy thì kinh tế mới có những bước phát triển mạnh mẽ hơn, và các cơ quan quản lý phải tập trung vào việc tháo gỡ các thủ tục hành chính đang là rào cản phát triển với nhóm này.

Trong việc này có thể còn những khó khăn và bản thân Bộ Tài chính cũng không thể tự làm được mà cần có sự phối hợp từ các ngành khác, nhưng trách nhiệm chính trong chuyện này vẫn thuộc về Bộ Tài chính.

Quốc hội cần chấm dứt tình trạng luật chờ Nghị định ảnh 2

"Luật chờ Nghị định thì phải xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành"

Tôi nói thẳng là nếu cứ làm ăn như thế này là rất lãng phí công sức của Thủ tướng, công sức của các thành viên Chính phủ.

Tư duy chậm chạp và quá nặng về hành chính sẽ tiếp tục là một rào cản rất lớn đối với việc phát triển kinh tế ở các địa phương.

Tôi nghĩ sau chuyện này Quốc hội phải có biện pháp mạnh để xử lý những trường hợp chậm chạp như vậy.

Khi mà trình luật ra Quốc hội thảo luận thông qua là đã phải chuẩn bị kèm theo Nghị định rồi chứ không thể nào chờ tiếp hàng năm trời mà chưa ra nổi Nghị định như vậy.

Tôi nghĩ rằng khi trình dự án luật mà được Thông qua phải kèm theo Nghị định, Thông tư ngay thì đó mới là cải cách thủ tục hành chính, đó mới là tinh thần kiến tạo, hành động”, ông Bảo nêu quan điểm.

Tư duy "kiểu cũ" làm chậm thời cơ phát triển

Ở nhiều kỳ họp Quốc hội trước đây, các đại biểu đã từng chỉ ra hiện các Bộ ngành vẫn là những cơ quan soạn thảo pháp luật chủ yếu, tuy nhiên quy trình soạn thảo văn bản hiện hành cho thấy rõ những bất cập về chất lượng văn bản pháp luật khi bộ, ngành vừa là cơ quan đề xuất, soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước.

Nhiều chính sách vẫn dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản, nhưng không có cơ chế nào hạn chế hệ quả của việc này.

Nhiều luật được ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn kịp thời với hiệu lực của luật, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài nhiều năm chưa chấm dứt.

Người dân, doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định bởi khá nhiều trường hợp công chức ở cơ sở từ chối thực hiện thủ tục vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn.

Sự lúng túng trong triển khai luật còn được chỉ ra là do khi soạn thảo luật có tình trạng công khai dự thảo cuối cùng, mà chỉ lấy ý kiến công chúng cho các dự thảo ban đầu. Thậm chí, có không ít văn bản mà quá trình soạn thảo chỉ khép kín giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan ban hành.

Hệ quả là người dân, doanh nghiệp nhiều trường hợp đã hoàn toàn bất ngờ  khi văn bản được ban hành có liên quan đến quyền và nghĩa vụ  của họ  có chứa  những quy định bất lợi mà họ không hề được biết đến trước đó.

Các cơ quan soạn thảo thường không cung cấp các thông tin liên quan tới dự thảo khi lấy ý kiến nhân dân, mà chỉ cung cấp bản  dự thảo và  hãn hữu lắm thì có thêm Tờ trình. Người dân và doanh nghiệp vì thiếu thông tin nên ý kiến có thể không đầy đủ hoặc không phản ánh đúng quan điểm thực sự của họ.

Trước thực trạng ấy, ông Bảo đề nghị: “Tôi thấy có điều rất mừng là Quốc hội đã chuyển từ tham luận sang tranh luận nhiều hơn, và tôi mong rằng ở những kỳ họp tới đây đại biểu sẽ tập trung chất vấn về trách nhiệm, vai trò của các thành viên Chính phủ đối với công tác soạn thảo, thi hành luật, vì đây là sự sống còn đối với đất nước.

Tôi cũng khẳng định là những hình thức đầu tư BT hay BOT đưa vào áp dụng tại Việt Nam hiện nay là rất đúng, nếu có vi phạm ở đâu đó thì chỉ là do những người trực tiếp thực hiện làm sai.

Để ngăn chặn những sai phạm ấy thì phải công khai minh bạch trong đấu thầu, loại bỏ tình trạng tay không bắt giặc để không làm ảnh hưởng tới những doanh nghiệp có tiềm lực làm ăn đàng hoàng. 

Nếu cứ tư duy theo kiểu không quản được thì cấm là rất nguy hiểm vì không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp chân chính mà các địa phương cũng lỡ cơ hội phát triển hạ tầng, xa hơn nữa là còn ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế quốc gia”.

Kiến Văn