Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 2/3, 70 học sinh của Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc sau bữa ăn (trong đó có uống sữa từ chương trình sữa của Nutifood).
Trong ngày 2/3 còn có 3 bé thuộc Trường mầm non Phú Lộc, cũng thuộc xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai phải nhập viện vì những dấu hiệu tương tự.
Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua, vẫn chưa có công bố kết luận chính thức về việc sau khi học sinh uống sữa Nutifood thì xuất hiện triệu chứng người tái xanh, đau bụng, ói mửa và phải nhập viện.
Sự việc kéo dài khiến nhiều phụ huynh bức xúc vì lo lắng cho sức khỏe của con em mình. Họ không thể chấp nhận tiếp tục để cho các con uống loại sữa mà đã xảy ra những biểu hiện ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, bởi vì mỗi tác động tiêu cực tới hệ tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn phát triển, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học lại càng nguy hiểm.
Sau vụ 73 học sinh bị ngộ độc, dấu hỏi lớn về chất lượng sữa học đường |
Những ngày gần đây một số phương tiện truyền thông đã đăng tải thông tin nhiều phụ huynh đã không còn có thể kiên nhẫn chờ đợi và tiếp tục yêu cầu làm rõ sự việc này.
Tờ Công Lý đưa tin, nhiều phụ huynh cảm thấy đáng ngờ khi có thông báo cho các phụ huynh có con em bị nhập viện điều trị đến nhận tiền bồi dưỡng của Nutifood, mỗi em 2 triệu đồng. Và, Nutifood cũng chi trả toàn bộ viện phí cho những học sinh đã phải nhập viện điều trị khi bị ngộ độc.
Nhiều người bất bình cho rằng cách làm này của Nutifood là nhằm trấn an phụ huynh và để sự việc trôi qua êm đẹp. Cũng có phụ huynh đã đặt câu hỏi: Nếu không phải vì uống sữa bị ngộ độc thì Nutifood đâu có chấp nhận chi bồi dưỡng và đâu có chi trả tiền viện phí cho học sinh?
Điều đáng nói nữa là đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố với sữa Nutifood, nhưng rồi những vụ việc bị phản ánh nghi ngờ ngộ độc sữa hay sữa vón cục kém chất lượng đều trôi qua trong im lặng.
Cụ thể, đề án sữa học đường ở Đồng Nai được thực hiện từ năm 2014-2020 với tổng kinh phí lên tới 1.300 tỷ đồng thực hiện căn cứ theo Nghị Quyết số 99/2013/NQ-HĐND tỉnh Đồng Nai.
Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương (Nutifood) là đơn vị trúng thầu cung cấp sữa học đường năm 2018 và sẽ cung cấp cho hơn 1.500 cơ sở giáo dục tại tỉnh Đồng Nai từ 1/3/2018.
Danh sách học sinh nhận tiền hỗ trợ sau vụ ngộ độc, đã được cán bộ y tế của Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng xác nhận đây là tiền Nutifood chi ra. ảnh: Công Lý. |
Đấu thầu với những điều kiện mập mờ, nhưng Nutifood đã trúng thầu
Trong khi vụ việc ngộ độc của 73 học sinh tại Đồng Nai chưa lắng xuống thì Nutifood lại đang phải đối diện với việc bán sữa cho chương trình “sữa học đường” cao hơn sữa trên thị trường. Nutifood đã trúng thầu nhờ vào những điều kiện mập mờ khó hiểu từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai.
Đáng lưu ý, trong hồ sơ mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai gửi đến các nhà thầu vào đầu năm 2018 có những dấu hiệu bất thường, mập mờ, thậm chí đưa ra những tiêu chí khó hiểu nhằm giới hạn nhà thầu.
Cụ thể, tại mục 4.1, phần 4 của Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm trong hồ sơ mời thầu (trang 4), đại diện chủ đầu tư là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu các nhà thầu phải đáp ứng các yêu cầu đi ngược lại Luật Đấu thầu và Thông tư số 05 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bất thường trong hồ sơ mời thầu đề án “sữa học đường” tỉnh Đồng Nai |
Đó là yêu cầu nhà thầu phải có 1 hợp đồng cung cấp, phân phối sữa học đường (thuộc các chương trình sữa học đường) thỏa mãn điều kiện: “Có giá trị tối thiểu 144,8 tỷ đồng, hợp đồng được ký trực tiếp với Sở Giáo dục và Đào tạo, có thời gian thực hiện tối đa trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng đến lúc nghiệm thu hoàn thành”.
Với quy định trên của hồ sơ mời thầu đã đưa ra điều kiện không hợp lý làm hạn chế nhiều nhà thầu, đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm tham gia gói thầu.
Trên thực tế khi triển khai ở các địa phương thì không nhất thiết Sở Giáo dục và Đào tạo phải là đại diện chủ đầu tư, mà một đơn vị khác như Sở Y tế cũng có thể được giao đại diện chủ đầu tư.
Điều quan trọng nhất là chương trình phải được triển khai đúng quy định, đúng tiến độ, đảm bảo an toàn về chất lượng sữa, chứ không phải là cơ quan nào đại diện.
Điểm vô lý khác nữa đó chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải có 1 hợp đồng cung cấp, phân phối sữa học đường (thuộc các chương trình sữa học đường) thỏa mãn điều kiện có giá trị tối thiểu 144,8 tỷ đồng phù hợp với tính chất của gói thầu sữa học đường, quy mô hợp đồng có giá trị nằm trong khoảng 50% đến 70% giá trị bình quân/năm của gói thầu, đây là giá trị tương đương với giá trị mà nhà thầu khi trúng thầu phải thực hiện cung cấp hàng hóa hàng năm cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trong khi đó, Thông tư 05 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đặt ra tiêu chí hợp đồng có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét, chứ không tách giá trị gói thầu ra theo thời gian thực hiện gói thầu.
Gói thầu trên có thời gian 3 năm nên về nguyên tắc khi áp dụng điều này, hồ sơ mời thầu phải yêu cầu nhà cung cấp một hợp đồng cung cấp, phân phối sữa học đường có giá trị trong phạm vi từ 50%-70% giá trị của gói thầu.
Tương tự, về qui mô, tính chất gói thầu sữa tươi học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu cung cấp hợp đồng sữa học đường thực hiện trong 12 tháng có giá trị nằm trong khoảng 50%-70% giá trị bình quân/năm của gói thầu, đây là giá trị tương đương với giá trị mà nhà thầu khi trúng thầu phải thực hiện cung cấp hàng hóa hàng năm cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Như vậy, rõ ràng việc hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu cung cấp một hợp đồng cùng cấp, phân phối sữa học đường có giá trị tối thiểu 144,8 tỷ đồng (nằm trong phạm vi 50%-70% hợp đồng giá trị bình quân/năm của gói thầu) là không phù hợp với quy định của Thông tư 05.
Thực tế, Thông tư 05 đã chỉ rõ, chủ đầu tư chỉ được dựa trên 2 tiêu chí gồm: hợp đồng tương tự về chủng loại, tính chất; Hợp đồng tương tự về quy mô, khi đánh giá để xác định thế nào là hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự.
Như vậy, Thông tư 05 cũng không đặt ra thêm bất kỳ tiêu chí nào khác ví dụ như ký với một chủ thể xác định để làm cơ sở đánh giá để xác định hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự.
Điều khó hiểu và bất thường trong công tác đấu thầu tại tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đó là nhãn hiệu Nuitfood chính là đơn vị, nhà thầu cung cấp sữa học đường cho học sinh tại Đồng Nai vừa qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa hề cung cấp cho bất cứ đề án sữa học đường nào trước đó.
Cần phải làm rõ vì sao giá bán "Sữa học đường" Nutifood tại tỉnh Đồng Nai lại cao hơn giá bán trên thị trường? Ngân sách nhà nước có thiệt hại không? ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư. |
Bất thường giá bán "sữa học đường" cao hơn giá bán ở thị trường
Không chỉ mập mờ, thậm chí đưa ra những tiêu chí khó hiểu nhằm giới hạn nhà thầu, mà giá trúng thầu cũng là một dấu hỏi lớn.
Trong đề án “Sữa học đường”, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% giá sữa, phụ huynh đóng góp 35% và công ty trúng thầu cung cấp sữa hỗ trợ 15% giảm giá trực tiếp trên mỗi hộp sữa.
Báo Nhà đầu tư đưa tin, Nutifood Bình Dương trúng thầu với giá 6.959 đồng/hộp sữa nhãn hiệu Nuti sữa tươi 100% tiệt trùng có đường loại 180ml. Khi đó, ngân sách phải chi trả 3.479 đồng và phụ huynh phải đóng 2.436 đồng trên mỗi hộp sữa.
Điều đáng nói là, giá một lốc 4 hộp sữa Nuti sữa tươi 100% tiệt trùng có đường loại 180ml đang được lưu hành trên thị trường có giá 26.300 đồng (tương đương 6.575 đồng/hộp).
Như vậy là sữa Nuti được cung cấp cho đề án “Sữa học đường” của tỉnh Đồng Nai do Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương trúng thầu cung cấp cho trên 15.000 cơ sở giáo dục đang cao hơn thị trường 384 đồng/hộp.
Đây là điều hết sức vô lý và cần phải làm rõ số tiền chênh lệch lớn như vậy có gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước không? Liệu rằng số tiền chênh lệch quá lớn ấy có rơi vào túi cá nhân nào không cũng cần phải được làm rõ hay là Nutifood đang được “ưu ái” quá đà?
Đây là sự việc hết sức kỳ lạ nhưng lại có thật và nó cần có câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, thậm chí cần có sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bởi vì chương trình “Sữa học đường” là một chủ trương lớn của cả nước, không thể để bị lợi dụng.