Ngày 2/3, 70 học sinh của Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc sau bữa ăn (trong đó có uống sữa từ chương trình sữa của Nutifood.
Cũng trong ngày hôm đó, 3 bé thuộc Trường mầm non Phú Lộc, cũng thuộc xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai phải nhập viện vì những dấu hiệu tương tự.
Trước sự việc phức tạp và nguy hiểm trên, ngày 5/3, Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Đồng Nai đã có văn bản thông báo chỉ đạo các trường trên địa bàn tỉnh tạm dừng cho học sinh uống sữa học đường.
Hiện cơ quan chức năng cũng đã tiến hành niêm phong lô sữa mà học sinh uống, gửi đi kiểm nghiệm để tìm nguyên nhân gây ra vụ việc.
73 học sinh tiểu học và mầm non tại Đồng Nai phải nhập viện trong tình trạng ngộ độc nghi do uống sữa Nutifood sau khi ăn sáng. Ảnh nguồn từ facebook Người Đồng Nai. |
Trong một diễn biến khác, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, hồ sơ mời thầu “Mua sắm và cung cấp sữa học đường từ năm 2018 đến năm 2020 cho các trường học thuộc đề án “Sữa học đường” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều điểm bất thường.
Được biết, gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai thực hiện nhằm cung cấp “sữa học đường” cho học sinh các trường học uống trong 3 năm (2018-2020).
Chương trình sữa học đường tại tỉnh Đồng Nai có phạm vi cung cấp rất rộng với số lượng trên 1.500 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm sữa học đường được đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn đóng góp từ phụ huynh.
Đáng lưu ý, trong hồ sơ mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai gửi đến các nhà thầu vào đầu năm 2018 có những dấu hiệu bất thường, mập mờ, thậm chí đưa ra những tiêu chí khó hiểu nhằm giới hạn nhà thầu.
Sau vụ 73 học sinh bị ngộ độc sữa, dấu hỏi lớn về chất lượng sữa học đường |
Cụ thể, tại mục 4.1, phần 4 của Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm trong hồ sơ mời thầu (trang 4), đại diện chủ đầu tư là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu các nhà thầu phải đáp ứng các yêu cầu đi ngược lại Luật Đấu thầu và Thông tư số 05 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đó là yêu cầu nhà thầu phải có 1 hợp đồng cung cấp, phân phối sữa học đường (thuộc các chương trình sữa học đường) thỏa mãn điều kiện: “Có giá trị tối thiểu 144,8 tỷ đồng, hợp đồng được ký trực tiếp với Sở Giáo dục và Đào tạo, có thời gian thực hiện tối đa trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng đến lúc nghiệm thu hoàn thành”.
Với quy định trên của hồ sơ mời thầu đã đưa ra điều kiện không hợp lý làm hạn chế nhiều nhà thầu, đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm tham gia gói thầu.
Trên thực tế khi triển khai ở các địa phương thì không nhất thiết Sở Giáo dục và Đào tạo phải là đại diện chủ đầu tư, mà một đơn vị khác như Sở Y tế cũng có thể được giao đại diện chủ đầu tư.
Điều quan trọng nhất là chương trình phải được triển khai đúng quy định, đúng tiến độ, đảm bảo an toàn về chất lượng sữa, chứ không phải là cơ quan nào đại diện.
Điểm vô lý khác nữa đó chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải có 1 hợp đồng cung cấp, phân phối sữa học đường (thuộc các chương trình sữa học đường) thỏa mãn điều kiện có giá trị tối thiểu 144,8 tỷ đồng (phù hợp với tính chất của gói thầu sữa học đường, quy mô hợp đồng có giá trị nằm trong khoảng 50% đến 70% giá trị bình quân/năm của gói thầu, đây là giá trị tương đương với giá trị mà nhà thầu khi trúng thầu phải thực hiện cung cấp hàng hóa hàng năm cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trong khi đó, Thông tư 05 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đặt ra tiêu chí hợp đồng có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét, chứ không tách giá trị gói thầu ra theo thời gian thực hiện gói thầu.
Gói thầu trên có thời gian 3 năm nên về nguyên tắc khi áp dụng điều này, hồ sơ mời thầu phải yêu cầu nhà cung cấp một hợp đồng cung cấp, phân phối sữa học đường có giá trị trong phạm vi từ 50%-70% giá trị của gói thầu.
Tương tự, về qui mô, tính chất gói thầu sữa tươi học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu cung cấp hợp đồng sữa học đường thực hiện trong 12 tháng có giá trị nằm trong khoảng 50%-70% giá trị bình quân/năm của gói thầu, đây là giá trị tương đương với giá trị mà nhà thầu khi trúng thầu phải thực hiện cung cấp hàng hóa hàng năm cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Như vậy, rõ ràng việc hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu cung cấp một hợp đồng cùng cấp, phân phối sữa học đường có giá trị tối thiểu 144,8 tỷ đồng (nằm trong phạm vi 50%-70% hợp đồng giá trị bình quân/năm của gói thầu) là không phù hợp với quy định của Thông tư 05.
Thực tế, Thông tư 05 đã chỉ rõ, chủ đầu tư chỉ được dựa trên 2 tiêu chí gồm: hợp đồng tương tự về chủng loại, tính chất; Hợp đồng tương tự về quy mô, khi đánh giá để xác định thế nào là hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự.
Như vậy, Thông tư 05 cũng không đặt ra thêm bất kỳ tiêu chí nào khác ví dụ như ký với một chủ thể xác định để làm cơ sở đánh giá để xác định hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự.
Quá nhiều học sinh bị ngộ độc, tạm dừng chương trình sữa học đường tại Đồng Nai |
Điều khó hiểu và bất thường trong công tác đấu thầu tại tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đó là nhãn hiệu Nuitfood chính là đơn vị, nhà thầu cung cấp sữa học đường cho học sinh tại Đồng Nai vừa qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa hề cung cấp cho bất cứ đề án sữa học đường nào trước đó.
Hiện, nhãn hiệu sữa Nutifood đang bị nghi ngờ khiến hàng loạt học sinh tại Đồng Nai ngộ độc sau khi uống sữa này khiến không ít người nghi ngại công tác đấu thầu sữa học đường tại Đồng Nai có vấn đề.
Sản phẩm sữa của Nutifood từng bị phản ánh vón cục, kém chất lượng dù còn hạn sử dụng. ảnh nguồn: Nhà Báo và Công Luận, Báo Chất lượng Việt Nam. |
Được biết, hàng năm kinh phí mà Sở Giáo dục tỉnh Đồng Nai tổ chức mời thầu và đấu thầu nhằm tìm ra đơn vị cung cấp sữa tươi học đường là không hề nhỏ.
Năm 2015 gói thầu được phê duyệt là trên 94 tỷ đồng. Năm 2016 được phê duyệt trên 136 tỷ đồng. Năm 2017, số tiền nhà thầu tham dự thầu, trúng thầu và ký hợp đồng là trên 174 tỷ đồng.
Với cách đưa ra hồ sơ mời thầu và điều kiện mời thầu có nhiều điểm bất thường của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, dư luận hoàn toàn có thể đặt ra nghi ngờ năng lực, chất lượng sữa của đơn vị trúng thầu vừa qua có vấn đề? Liệu có sự “bắt tay” giữa đơn vị thực hiện và đơn vị trúng thầu hay không?
Từ con số trúng thầu năm 2017, chủ đầu tư đưa ra tiêu chí phải có hợp đồng 144,8 tỷ đồng (được hiểu là gần như tương đương 70% giá trị của 174 tỷ đồng) phải chăng là để bảo vệ nhà thầu thực hiện trong năm 2017. Mức áp đặt như vậy nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm khác?
Những nghi ngờ này rất cần các có quan độc lập của tỉnh Đồng Nai vào cuộc làm rõ, trong đó có vai trò của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai.