TS Alan Phan: "Tôi không đủ khả năng kiếm lời ở thị trường VN"

05/02/2014 07:00
Minh Hồng
(GDVN) - “Hiện giờ tôi không có khoản đầu tư nào ở VN. Nói chung tôi tự nghĩ mình không có đủ khả năng để kiếm lời từ thị trường trong nước", TS Alan Phan thừa nhận.

Chia sẻ trên blog cá nhân, TS Alan Phan cho rằng kinh tế Việt Nam không hẳn bi quan nhưng vị tiến sĩ kinh tế này cũng không lạc quan. “Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều thay đổi trong các khu vực và ngành nghề, nhưng sẽ là một biểu đồ đi ngang về các chỉ số kinh tế vĩ mô”, TS Alan Phan nói.

TS Alan Phan: Không lạc quan kinh tế Việt Nam năm 2014
TS Alan Phan:  Không lạc quan kinh tế Việt Nam năm 2014 

Từ những khó khăn của nền kinh tế, theo TS Alan Phan nếu là một doanh nhân, để thành công khi kinh doanh tại Việt Nam là một bài toán phức tạp và trước hết, cần nhận rõ mình có những lựa chọn gì, kỹ năng và trải nghiệm của mình có thích ứng với môi trường kinh doanh và sau cùng, mình đang có hoặc có thể nắm bắt những lợi thế cạnh tranh hay nguồn lực gì? Tóm lại, đây là một nghiên cứu và tính toán thật chi tiết cho từng cá nhân, không thể “nói chung chung” được.

Mặt khác, việc lựa chọn kênh đầu tư ở Việt Nam không hề dễ dàng. Nếu ở nước ngoài, mỗi người sẽ có lựa chọn riêng bởi họ tự do. Nhưng ở Việt Nam, các nhà đầu tư phải chịu sự giới hạn. Ví dụ không thể đầu tư vào vàng, ngoại tệ cũng khó. Như vậy chỉ còn lại cổ phiếu, bất động sản và gửi tiết kiệm trong nhà băng. 

“Những kênh đầu tư vào vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, BĐS, gửi tiết kiệm nhà bằng… chưa có điểm gì thực sự hấp dẫn. Thị trường càng bấp bênh, dậy sóng, lên xuống thất thường càng kiếm nhiều tiền hơn. Cùng một nguyên tắc, tiền theo đó cũng có thể mất nhanh”, TS Alan Phan nói.

TS Alan Phan thừa nhận, mình không đủ khả năng để kiếm lời ở thị trường trong nước. “Hiện giờ tôi không có khoản đầu tư nào ở Việt Nam. Nói chung tôi tự nghĩ mình không có đủ khả năng để kiếm lời từ thị trường trong nước. Khả năng ở đây chính là những yếu tố như lướt sóng, nay đánh lên, mai đánh xuống giá cổ phiếu, quyết định theo tin đồn. Các khoản đầu tư hiện thời của tôi đa phần nằm ở Mỹ. Còn lại ngoài Việt Nam, tôi cũng tránh xa các thị trường mới nổi khác vốn đầy tính bất ổn”, TS Alan Phan nói.

Gửi lời khuyên tới các nhà đầu tư, TS Alan Phan chia sẻ, mỗi người cần giữ gìn tiền bạc cẩn thận, tránh rủi ro và cả sự hoang tưởng. Điều nữa là luôn phải tìm hiểu dụng ý ẩn đằng sau các khuyến nghị hay dự báo từ công ty chứng khoán hoặc bất động sản. 

Đối với người chơi cổ phiếu phải nắm thông tin tốt, nếu thiếu thông tin khả năng mất tiền rất cao. Vấn đề hiện thời trên thị trường chứng khoán Việt Nam là dòng tiền được giới đầu tư đồn đại, đẩy từ lĩnh vực này sang ngành khác nên hầu như không sát với giá trị thực. Đôi khi những doanh nghiệp làm ăn rất bết bát, nhưng người chơi cổ phiếu đánh lên nên thị giá lại tăng. 

Về dự định đầu tư trong năm 2014 TS Alan Phan cho biết hiện tại do tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe nên ông gần như làm việc rất ít. “Ngoài chuyện viết lách cho Góc Nhìn Alan để chia sẻ với các bạn trẻ thì tôi chỉ làm tư vấn cho vài công ty lớn của Trung Quốc và Philippines về M&A và IPO. Còn các đầu tư cá nhân thì có các con cháu và đối tác lo liệu, tôi chỉ cho ý kiến”, TS Alan Phan chia sẻ.

Minh Hồng