Thay đổi chuẩn sữa cũng là một cách lách luật

22/04/2015 11:26
Mai Anh
(GDVN) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng thư ký kiêm Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) trước nghịch lý thị trường sữa.

Nghị định 100/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2015 trong đó có quy định nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi...).

Một trong những chi phí cấu thành giá sữa là quảng cáo, trong khi theo Nghị định 100/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp không được quảng cáo từ đây đặt ra vấn đề Nghị định có tác động đến giá sữa hay không? 

Người tiêu dùng đặt nghi vấn, phải chăng một số hãng sữa thay đổi phân chia dòng sữa theo độ tuổi để lách quy định giảm giá sữa cho trẻ dưới 2 tuổi sau khi bỏ chi phí quảng cáo?
Người tiêu dùng đặt nghi vấn, phải chăng một số hãng sữa thay đổi phân chia dòng sữa theo độ tuổi để lách quy định giảm giá sữa cho trẻ dưới 2 tuổi sau khi bỏ chi phí quảng cáo?

Bên cạnh đó, trước việc một số hãng sữa âm thầm thay đổi quy cách phân chia dòng sữa theo độ tuổi của trẻ trước thời điểm kê khai giá theo nghị định 100/2014/NĐ-CP, người tiêu dùng đặt nghi vấn, phải chăng đây là cách các hãng sữa lách quy định giảm giá sữa cho trẻ dưới 2 tuổi sau khi bỏ chi phí quảng cáo? 

Từ tháng 3/2015, một số loại sữa công thức dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi, từ 6 - 12 tháng, từ 1-3 tuổi, từ 3 tuổi trở lên… bất ngờ thay đổi cách phân loại mới theo độ tuổi của trẻ. Cụ thể, tách sữa dành cho trẻ từ 1-3 tuổi thành 2 loại: 1-2 tuổi và từ 2-4 tuổi và giá tăng từ 10-20% tùy vào từng sản phẩm. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng, dù cơ quan quản lý nhà nước có đưa ra các quy định như thế nào nhưng doanh nghiệp sữa vẫn tìm cách lách luật.

Riêng với Nghị định 100/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp sữa đã lách bằng cách thay vỏ hộp, ghi lại độ tuổi trên bao bì, hộp sữa mới. 

Cụ thể, thay vì công thức sữa cũ dành cho trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi, từ 6 tháng đến 12 tháng, từ 1 – 3 tuổi, từ 3 tuổi trở lên… thì nay các hãng sữa đã có sự thay đổi từ 0 – 6 tháng tuổi, từ 6 tháng đến 12 tháng, từ 1 – 2 tuổi, từ 2 – 4 tuổi và từ 4 tuổi trở lên hoặc từ 2 tuổi trở lên. Như vậy là tách sữa dành cho trẻ từ 1-3 tuổi thành 2 loại: 1-2 tuổi và từ 2-4 tuổi.

Dù thay đổi trên bao bì sản phẩm nhưng dễ nhận thấy công thức sữa trên bao bì mới loại dành cho trẻ từ 1-2 tuổi và bao bì cũ (loại dành cho trẻ 1-3 tuổi) không hề có đột phá, khác biệt nào về công thức. Hàm lượng các thành phần đa số không thay đổi, thành phần nào có điều chỉnh thì sự thay đổi cũng không đáng kể.

Nhưng thay vì trước đây người tiêu dùng chỉ phải mua 1 loại sữa (cho trẻ từ 1-3 tuổi) thì nay hãng sữa tách sản phẩm này ra nên buộc bà mẹ có con ở độ tuổi trên 2 tuổi phải mua sử dụng loại sữa mới dành cho trẻ 2-4 tuổi. Việc phải bỏ thêm chi phí mua sản phẩm sữa nhưng người tiêu dùng không biết sự thay đổi chuẩn sữa này có lợi gì cho con em họ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng thư ký kiêm Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) trả lời câu hỏi báo chí (ảnh HL).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng thư ký kiêm Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) trả lời câu hỏi báo chí (ảnh HL).

Trong khi đó đánh giá việc thay đổi chuẩn trên của các hãng sữa, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện tượng này cũng đã từng xảy ra: “Đây là cách làm không lấy người tiêu dùng làm trung tâm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, họ không coi người tiêu dùng là người bạn đồng hành hai bên cùng có lợi mà họ coi người tiêu dùng là nơi “khai thác” lợi ích".

“Như chúng ta đã biết, kết quả thanh tra giá sữa năm 2014 cho thấy có công ty chi phí quảng cáo, khuyến mại chiếm tới 21% giá thành. Việc cấm quảng cáo đồng nghĩa với việc giảm giá thành. Vì vậy về nguyên tắc giá sữa phải giảm tương ứng”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, chính cơ quan quản lý nhà nước về giá (Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính) đã có công văn gửi các Sở Tài chính đề nghị chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi (các sản phẩm không được quảng cáo được quy định tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ), thực hiện loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ. Đồng thời thực hiện kê khai giá lại theo quy định trước ngày 15/4.

Một trong những khó khăn hiện nay, khi đưa ra vấn đề giá sữa doanh nghiệp luôn dẫn nhiều lý do dẫn đến cơ cấu giá sữa như: Giá nhập khẩu, thuế, chiết khấu hoa hồng… Hiện cơ quan quản lý chưa biết cách nào để làm rõ bởi chi phí này chỉ có người sản xuất, kinh doanh mới rõ hơn cả. 

Còn thực tế sữa là mặt hàng không thể thiếu đối với trẻ em, dù có tăng giá người tiêu dùng vẫn buộc phải mua. 

Theo thông báo từ Cục Quản lý giá, từ ngày 20-4, 50 sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi sẽ giảm giá từ 0,4%-4%. Đây là mức giảm doanh nghiệp công bố sau khi Bộ Tài chính yêu cầu phải loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế khảo sát của phóng viên, vì mức giá giảm không đáng kể (quy ra mức giảm từ 1.000-8.000 đồng/sản phẩm) nên hầu hết các đại lý vẫn giữ nguyên giá bán. 

Mai Anh