GS Nguyễn Lân Dũng nói về những điều "phi lý" đang được bán ở siêu thị

08/02/2013 07:09
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo GS Nguyễn Lân Dũng, một nước 90 triệu dân mà cho đến nay chưa làm được 1mg nào chất kháng sinh, vitamin, hormone và hàng loạt thuốc chữa bệnh thông thường khác. Người bệnh phải mua thuốc ngoại với giá ngày càng cao. Các mặt hàng thiết yếu khác cũng như vậy. Vào siêu thị thấy quá vô lý khi ta phải nhập cả đũa, cả tăm, cả bông ngoáy tai...
Năm qua trong lúc kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu khiến các doanh nghiệp sản xuất khó khăn đặc biệt là với doanh nghiệp trong nước. Tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng khiến thị phần hàng Việt giảm đáng kể. Nhiều ý kiến cho rằng chính lúc này cần phải: “Kích cầu tiêu dùng hàng Việt để cùng doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn”. Liên quan đến "bài toán kích cầu tiêu dùng hàng Việt", phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Lân Dũng - người hưởng ứng tích cực và đi đầu cổ vũ phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” do UBMTTQ Việt Nam phát động.
GS Nguyễn Lân Dũng lạc quan về mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 2013 (Ảnh VTV).
GS Nguyễn Lân Dũng lạc quan về mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 2013 (Ảnh VTV).
Vì sao hàng Việt gặp khó?
- Trong lúc kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, tâm lý "sính hàng ngoại" khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó, theo Giáo sư để giúp doanh nghiệp trong nước vượt khó đồng thời để kích cầu tiêu dùng trong nước, nên chăng chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào "người Việt dùng hàng Việt" vào lúc này?
GS Nguyễn Lân Dũng: Điều đó là rất cần thiết nhưng chúng ta đã phát động nhiều phong trào, nhưng thường chỉ "phát" mà không "động". Vì thế điều quan trọng là cấm nhập khẩu một cách triệt để và có hiệu lực mọi thứ không có nhu cầu bức thiết khi nền kinh tế còn đang gặp khó khăn, nhất là không có nhiều ngoại tệ. Đặc biệt nghiêm cấm nhập khẩu những nông sản phẩm có sẵn trong nước, nhất là những sản phẩm có chất lượng thấp hay có nguy cơ độc hại (gà thải loại, phủ tạng động vật ô nhiễm, hoa quả có chất bảo quản quá liều lượng cho phép, rượu giả, thuốc lá ngoại, đông dược nhiễm mốc, sâu làm thức ăn nuôi chim...).
- Thực tế, tuy phát động phong trào "Người Việt dùng hàng Việt" nhưng người dân vẫn thờ ơ với hàng sản xuất trong nước, theo Giáo sư mấu chốt vấn đề nằm ở đâu? 
GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ không phải là số đông người dân quay lưng với hàng Việt đâu. Tôi vừa có chuyến hành hương về Chiêm Hóa (Tuyên Quang), một trong những an toàn khu thời chống Pháp. Tôi không thể hình dung nổi cuộc sống của người dân nơi đây đến tận hôm nay vẫn còn quá nghèo khổ, mặc dầu Chính phủ đã ưu tiên làm đường xá đến tận thôn bản. Họ không có sản phẩm gì có giá trị cao để bán trong khi con cái ngày thêm đông đúc. Cuộc vận động "Cơm có thịt" giúp trẻ em miền núi do TS.Trần Đăng Tuấn phát động đang được đông đảo bà con nhiệt tình hưởng ứng và có hiệu quả thật tốt. Việc quay lưng lại với hàng trong nước theo tôi có ba nguyên nhân: Thứ nhất, một số người có thu nhập cao muốn có các mặt hàng sành điệu nên tìm mọi cách mua qua mạng hay qua loại "hàng xách tay". Hai là, nhiều loại hàng thiết yếu nhưng chúng ta sản xuất với chất lượng quá thấp, mẫu mã đơn điệu, giá lại cao hơn hàng nhập khẩu đây là điều quá vô lý. Và lý do cuối cùng là chúng ta quá chậm trễ trong việc phát triển nhiều ngành công nghiệp thiết yếu. Một nước 90 triệu dân mà cho đến nay chưa làm được 1mg nào chất kháng sinh, vitamin, hormone và hàng loạt thuốc chữa bệnh thông thường khác. Người bệnh phải mua thuốc ngoại với giá ngày càng cao. Các mặt hàng thiết yếu khác cũng như vậy. Vào siêu thị thấy quá vô lý khi ta phải nhập cả đũa, cả tăm, cả bông ngoáy tai...Để hàng Việt lên “ngôi” phải giải bài toán giá và chất lượng

- Đứng trên phương diện quản lý nhà nước theo Giáo sư chúng ta cần làm gì để mỗi khi vào chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm các sản phẩm bày bán đều mang xuất xứ "Made in VietNam"?
GS Nguyễn Lân Dũng: Như tôi đã nói ở trên, hàng hóa Việt chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trước hết phải có chất lượng tốt, giá thành rẻ, an toàn vệ sinh thực phẩm. ngăn ngừa được hàng giả, hàng nhập lậu... Muốn làm được điều đó Nhà nước cần đầu tư cho khoa học một cách có hiệu quả hơn. Hiện nay với 700 triệu USD mà Quốc hội dành cho khoa học – Công nghệ hàng năm để có thể tạo những bứt phá đáng kể về khoa học, tạo nền tảng cho việc sản xuất trong nước hầu hết các mặt hàng thiết yếu.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng để "cứu" hàng Việt nói chung và nông sản nói riêng phải nghiêm cấm nhập nông sản có sẵn trong nước hay sản phẩm có nguy cơ độc hại (gà thải loại, phủ tạng động vật ô nhiễm, hoa quả có chất bảo quản...)
Theo GS Nguyễn Lân Dũng để "cứu" hàng Việt nói chung và nông sản nói riêng phải nghiêm cấm nhập nông sản có sẵn trong nước hay sản phẩm có nguy cơ độc hại (gà thải loại, phủ tạng động vật ô nhiễm, hoa quả có chất bảo quản...)
- Trong lúc kinh tế khó khăn, thì ngành hàng lĩnh vực nào khiến giáo sư lo lắng nhất?

GS Nguyễn Lân Dũng:
 Tôi lo lắng nhất đến nông sản phẩm của nông dân, lực lượng chiếm đến 80% dân số nước ta. Các kế hoạch sản xuất không ổn định, thậm chí không có hợp đồng vẫn sản xuất. Gạo năm nay đã khó bán rồi, trong khi phải nhập khẩu tới 3 triệu tấn ngô phục vụ chăn nuôi. Cần giảm bớt diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô. Đừng vì cái hư danh mà cứ bám lấy lúa khi hiệu quả cho người trồng lúa là quá nhỏ bé.
Cần chế biến nông sản phẩm thay vì xuất khẩu thô. Tôi mới về một huyện ở Thái Bình và thấy họ thừa tới hàng ngàn tấn ngao (thật ngon lành) mà không tiêu thụ được. Thanh long ở Bình Thuận có lúc phải cho... bò ăn. Quả bơ ở Đắk Lắk cũng có lúc phải cho... heo ăn. Vải thiều Lục Ngạn có lúc mua tại vườn chỉ có 2-3 nghìn, khiến nhiều người đã chặt bỏ cây ăn quả quý giá này.- Trân trọng cảm ơn ông!
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hoàng Lực