Thủ tướng lo lắng vì giấy phép kinh doanh quá nhiều

05/08/2017 07:16
Mai Anh
(GDVN) - "Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ", Thủ tướng yêu cầu.

Quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng của 2017 là 6,7%. Quý I đạt tăng trưởng 5,15% và quý II đạt tăng trưởng 6,1%. 

Như vậy 6 tháng chúng ta đạt tăng trưởng 5,6% và quyết tâm 6 tháng còn lại chúng ta phải đạt tăng trưởng 7,43% để có mục tiêu chung của cả năm 2017 là tăng trưởng 6,7% từ các biện pháp tích cực của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là khối sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo. 

Về tăng trưởng nông nghiệp, chúng ta phải bảo đảm tăng trưởng 3,05%, công nghiệp là 10,91%, dịch vụ thương mại là 7,19% để chúng ta có chỉ số chung là 6,7%.

Kinh tế chỉ phát triển khi người dân được tự do kinh doanh, thuận tiện trong thành lập và vận hành doanh nghiệp và không bị phiền hà bởi giấy phép con - ảnh minh họa/ nguồn Vietnamnet.
Kinh tế chỉ phát triển khi người dân được tự do kinh doanh, thuận tiện trong thành lập và vận hành doanh nghiệp và không bị phiền hà bởi giấy phép con - ảnh minh họa/ nguồn Vietnamnet.

Động lực để đảm bảo tăng trưởng ổn định chính là doanh nghiệp, tuy nhiên với việc quy định nhiều ngành nghề có điều kiện kinh doanh với hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Chủ trương chung của Chính phủ là xóa bỏ "giấy phép con" để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, nhưng trên thực tế, điều kiện kinh doanh nguyên nhân của hàng loạt “giấy phép con” vẫn còn quá nhiều.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, ngày 3/8 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có báo cáo với Chính phủ về chuyên đề giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức. 

Theo thống kê của Bộ Tài chính hiện nay chúng ta còn 5.719 điều kiện kinh doanh. Nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. 

Bộ ít nhất cũng còn 106 điều kiện kinh doanh là Bộ Xây dựng với 17 ngành nghề. Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế theo luật định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trên cơ sở rà soát đề xuất giảm mức phí, Bộ Tài chính đã có công văn ngày 31/7 báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số thành viên Chính phủ như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng báo cáo của Bộ Tài chính chưa nêu được bức tranh tổng thể về chi phí của doanh nghiệp và đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo căn cơ hơn.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, còn các loại chi phí trong các lĩnh vực như giấy phép xây dựng, chi phí lao động, vốn, tiếp cận thị trường..., cần có cái nhìn tổng quan hơn.

“Kiến nghị Thủ tướng giao thêm Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát toàn bộ các lĩnh vực khác, ngoài các lĩnh vực mà Bộ Tài chính đã chuẩn bị. Từ đó giảm cả chi phí chính thức và phi chính thức”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng phát biểu.

Thủ tướng lo lắng vì giấy phép kinh doanh quá nhiều ảnh 3

Chặn "giấy phép con": Chỉ Chính phủ quyết liệt thôi thì chưa đủ

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một lĩnh vực khiến doanh nghiệp còn phải gánh chi phí rất lớn là kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hiện tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% nhưng tỷ lệ sai phạm chỉ là 0,06%. Mục tiêu đặt ra là phải kéo giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15%.

“Các Bộ trưởng cần quyết tâm triển khai cái này, nhất là các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải.

Có bộ đã ban hành danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra, có nghĩa là bộ muốn kiểm tra gì cũng được. 

Nếu làm được, các chuyên gia ước tính có thể giảm được hàng chục nghìn tỷ chi phí cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Kết luận nội dung báo cáo giảm chi phí doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ.

Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý ".

Dẫn chứng Thủ tướng cho biết, hiện mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn.

Trong khi đó, cùng khu vực, tại Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%... Theo Thủ tướng, đây là việc cần nghiên cứu, trao đổi lại.

Cùng với đó, chi phí vận tải, logistic còn cao. Các chi phí trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan... tuy có giảm nhưng giảm rất chậm. 

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới chi phí cấp giấy phép con với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng sẽ rà soát lại toàn bộ các thủ tục và giảm thủ tục. Do đó Thủ tướng giao Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế theo luật định. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến tiếp cận, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chi phí phát sinh để làm các thủ tục. 

Bộ Tài chính phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng, đây là yêu cầu cương quyết của Thủ tướng.

Lưu ý vấn đề cải cách trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi phí logistic, vận tải biển, đặc biệt là chi phí, hiện tượng chênh lệch giá hãng tàu. 

Đối với những chi phí không chính thức, cần nhiều biện pháp, đặc biệt là công khai, minh bạch, nhất là chỉ đạo tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan đơn vị được giao. 

Đối với tiếp cận dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế hải quan, những chi phí này đang có xu hướng giảm nhưng giảm rất chậm và yêu cầu của doanh nghiệp là phải giảm nhiều hơn nữa.

Mai Anh