Thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn là ẩn số
Bộ Giao thông vận tải vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, giám sát hệ thống các trạm thu phí dự án BOT trên toàn quốc, đáp ứng 100% hệ thống thu phí trên toàn quốc phải đảm bảo thu phí một dừng và từng bước chuyển sang tự động.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu ngày 30/7/2016, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT nào không thực hiện thu phí một dừng tiến tới từng bước chuyển sang tự động sẽ bị Bộ xem xét dừng thu phí.
Việc làm rõ khoản thu phí phương tiện qua Trạm thu phí BOT trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đang gặp khó khăn - ảnh Quốc Anh. |
Cùng với việc thay đổi, cải tiến hệ thống thu phí, Bộ Giao thông yêu cầu doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư BOT ngoài lưu trữ dữ liệu hình ảnh, tăng cường lưu trữ dữ liệu video tại tất cả các làn thu phí, nghiên cứu phải đảm bảo lưu được dữ liệu video trong thời hạn một năm; Phần mềm phải ghi nhận được đầy đủ số liệu về lưu lượng xe (số lượt xe) qua trạm, bao gồm vé lượt, vé tháng, vé quý, vé xe ưu tiên... và số liệu báo cáo định kỳ phải đầy đủ các thông tin này.
Yêu cầu trên của Bộ Giao thông vận tải đưa ra trong bối cảnh dư luận đang đặt câu hỏi về việc minh bạch các khoản thu phí trạm BOT, đặc biệt là trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Trước đó, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1 – một đơn vị trong liên danh đầu tư dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ) phản ánh Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (Công ty MPC) không trung thực trong việc thu phí.
Cienco 1 đặt camera đếm xe đã bị Công ty CP BOT Pháp Vân Cầu Giẽ cử người ngăn chặn. Ảnh: Xuân Hoa/ Vnexpress |
Theo Cienco 1, Công ty MPC báo cáo cổ đông Cienco 1 về số tiền thu phí trung bình hàng tháng khoảng 36 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày). Nêu ví dụ, tháng 12/2015 Công ty MPC báo thu trên 36 tỷ đồng; Tháng 1/2016 thu hơn 41 tỷ đồng; Tháng 2/2016 chỉ thu được 35,9 tỷ đồng.
Cienco 1 cho rằng, có thể thấy các tháng 12/2015 và đặc biệt tháng 1/2016 mức thu đạt cao trong khi tháng 2/2016 là tháng tết, phương tiện đi lại nhiều mức thu lại giảm đây là điều không hợp lý.
Để làm rõ nghi vấn, Cienco 1 đã thuê một đơn vị lắp camera theo dõi đếm phương tiện giao thông nhưng đã bị MPC cản trở.
Một con số đáng chú ý khác, tờ Tiền Phong dẫn nguồn thông tin từ Hạt Quản lý đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cục Quản lý đường bộ 1, Bộ Giao thông vận tải cho biết, giai đoạn từ 2014 đến giữa năm 2015, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường được Hạt Quản lý đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có từ 27.000 đến 32.000 lượt/ngày.
"Không minh bạch được BOT là minh chứng lợi ích nhóm"(GDVN) - "Không minh bạch được doanh số thu phí, chỉ định trong mời thầu, thực hiện BOT trên đường độc đạo là minh chứng lợi ích nhóm", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói. Không thể công bố doanh thu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hay có gì đó giấu giếm?(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi: Bộ Giao thông vận tải đang còn giấu giếm điều gì khi không công bố doanh thu BOT của trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ? |
Tờ báo dẫn nguồn từ trạm thu phí Đại Xuyên cho hay, lượng phương tiện theo hướng đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đi qua trạm Đại Xuyên tính trung bình mỗi ngày có khoảng 25.000 lượt. Ngày cao điểm lễ, tết trên 40.000 lượt.
Với bình quân 25.000 lượt xe/ngày, nếu quy về dạng xe tiêu chuẩn như công thức tính của nhiều đơn vị đo đếm lưu lượng xe đang áp dụng thì 70% số trên là xe con (tương ứng 17.500 xe con); 30% còn lại là xe tải, xe khách (tương ứng 7.500 xe tải, xe khách).
"Số xe trên nhân với mức phí của xe con (dưới 12 chỗ ngồi) là 45.000 đồng/lượt qua trạm thu phí và nhân với mức phí trung bình của xe tải, xe khách là 110.000 đồng/lượt, chúng tôi có tổng số tiền thu được 1,612 tỷ đồng/ngày", nguồn tin cho biết.
Với cách tính, mức thu và lưu lượng này, chỉ cần 11 năm 7 tháng là đủ số tiền 6.731 tỷ đồng nhà đầu tư huy động để cải tạo dự án chứ không cần phải kéo dài đến 17 năm 3 tháng như nhà đầu tư đang thực hiện.
Đặc biệt từ cách tính toán trên, so sánh với con số khoảng 1,2 tỷ đồng số thu trung bình mỗi ngày mà MPC đã khai báo, mỗi ngày Nhà nước đang bị thất thoát khoảng 400 triệu đồng, số tiền này nếu không làm rõ sẽ rơi vào túi Công ty MPC.
Không minh bạch thì vô nghĩa
Trở lại với yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải về việc tất cả hệ thống thu phí BOT trên cả nước phải áp dụng thu phí một dừng và tiến tới tự động, nhiều ý kiến cho rằng khi áp dụng sẽ làm rõ được mức thu phí BOT tại trạm thu phí nhiều tai tiếng như Pháp Vân-Cầu Giẽ.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá: Thực hiện thu phí một dừng tiên tiến hơn việc thu phí qua bán vé ngày thường, sẽ ngăn gian lận số lượng xe qua trạm thu phí.
Theo đó, thu phí một dừng là sử dụng vé giấy mã vạch phương tiện gắn trên đầu xe. Khi xe đi đến trạm thu phí, bộ phận camera trạm thu phí sẽ nhìn và nhận biết số serie trên vé giấy mã vạch, biến số xe đồng thời chụp ảnh, quay video để lưu trữ. Sau đó hệ thống sẽ tự động trừ tiền mức phí trong tài khoản. Đồng thời barrier tự động mở cho xe chạy qua không cần kiểm tra.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng không minh bạch các con số thì việc thay đổi hay hiện đại hóa hệ thống thu phí tại các trạm thu phí BOT giao thông cũng không còn ý nghĩa - ảnh H.Lực |
“Để lắp hệ thống này đòi hỏi phải có kinh phí lớn, nhưng nếu đầu tư đồng bộ sẽ giúp minh bạch được lượng phương tiện và khoản thu. Bởi mỗi phương tiện đều có một tài khoản riêng, hệ thống sẽ tự trừ tiền trong tài khoản và tổng hợp về trạm thu phí. Chủ phương tiện cũng dễ dàng nắm được số tiền trong tài khoản bị trừ, nếu tài khoản hết tiền chủ phương tiên phải thanh toán tiền mặt”, ông Bùi Danh Liên cho biết.
Tương tự với thẻ thông minh, phương tiện không cần dừng, bản thân phương tiện chạy qua hệ thống sẽ tự trừ tiền trong tài khoản.
“Hệ thống thẻ thông minh sẽ kết nối với tài khoản ngân hàng. Khi phương tiện chạy qua sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng. Do đó ngân hàng sẽ nắm được số lượt phương tiện qua trạm thu phí cũng như số tiền phí bị trừ. Số liệu này sẽ cả ngân hàng, chủ phương tiện vận tải và doanh nghiệp BOT nắm được”, ông Liên nói.
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng, được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 29/9/2014 và hoàn thành vào 30/6/2015. Tổng mức đầu tư là 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp mặt đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, trên nền đường hiện tại rộng 25 m. Giai đoạn 2 từ năm 2018, mức đầu tư là 4.757 tỷ đồng, mở rộng thêm 2 làn, mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới trên nền đường 33,5 m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp 4 đồng bằng. |
Theo ông Liên, nếu hoàn thiện hệ thống này sẽ giúp minh bạch được số lượng phương tiện và tổng số tiền phí thu được từng ngày, từng tháng trên trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ nói riêng và các trạm thu phí BOT khác trên cả nước.
Cùng quan điểm của ông Bùi Danh Liên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, phương tiện kỹ thuật sẽ bảo đảm minh bạch các con số.
“Tuy nhiên số liệu đó có được công khai hay không? Hay chỉ là chuyện riêng giữa doanh nghiệp BOT với Bộ Giao thông vận tải?”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt vấn đề.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, dùng các phương tiện kỹ thuật không sợ sai lệch, vấn đề còn lại phải minh bạch con số đó.
“Minh bạch trước tiên phải là tổng mức đầu tư dự án, chi phí đầu tư từng gói thầu, từng hạng mục có con số cụ thể. Sau đó minh bạch lượng phương tiện qua lại trạm thu phí, minh bạch tổng số tiền thu phí để người dân so sánh đối chiếu”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đề nghị.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, khi xây dựng sân bay Hồng Kông, chính quyền, nhà đầu tư minh bạch từ thiết kế, tiến độ thi công, giá thành từng hạng mục thi công lên mạng Internet.
“Họ đưa ra những con số cụ thể, nếu ai muốn tìm hiểu chi tiết có thể đề nghị để họ gửi tài liệu. Mình cũng vậy, thu phí BOT được bao nhiêu, mức đầu tư BOT, giá trị các gói thầu, đơn giá ra sao…, đâu phải là bí mật quốc gia mà phải bí mật, sao không công khai được”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống thẳng thắn đặt câu hỏi.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng nếu không công khai, thì việc con số bao nhiêu đúng hay sai cũng chỉ là việc giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý người dân không biết. Người dân khi không biết và không so sánh được thì mọi con số đưa ra cũng không có ý nghĩa.