Xót xa khi nhà nước và nhân dân cùng chịu thiệt hại
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vào ngày 15/11 vừa qua, vấn đề được các Đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều nhất là 5 "siêu dự án" thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Chất vấn tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã đề nghị làm rõ nguyên nhân thua lỗ, yếu kém của những siêu dự án; đề nghị Bộ trưởng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và những kiến nghị để giải quyết những bất cập, không để tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim" như vừa qua.
Nhà máy Đạm Ninh Bình là một trong 5 dự án thua lỗ lớn được nêu ra tại Quốc hội. ảnh: Doanh nghiệp và thương hiệu. |
Tương tự, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi, ngoài 5 dự án thua lỗ đã được liệt kê, còn bao nhiêu dự án nữa tiềm ẩn nguy cơ mất vốn? Ông Lân Hiếu đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương trả lời rõ, liệu sau kỳ họp này, sau phần giải trình của Bộ trưởng Tuấn Anh, có thêm một bản danh sách các dự án thua lỗ mà “khiến nhân dân xót xa, đau đớn” hay không?
Trong khi đó Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng với dự án Đạm Ninh Bình. Ông cũng muốn Bộ trưởng nói rõ, nếu Nhà máy Đạm Ninh Bình hiệu quả kinh tế không còn thì có bán lại cho nhà đầu tư khác hay không và hướng giải quyết cho 700 công nhân tại nhà máy này thế nào?
Trước những chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là những vấn đề bức xúc của cử tri cả nước. Trả lời cụ thể từng câu hỏi, Bộ trưởng cho biết, về xử lý, khắc phục hậu quả 5 dự án thua lỗ.
Các dự án này đều được triển khai đầu tư kéo dài quá thời hạn được phê duyệt. Lại rơi vào thời điểm thị trường thế giới nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả và tính khả thi của dự án (ví dụ, dự án Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Xăng sinh học Ethanol).
Các dự án này kém hiệu quả vì năng lực của chủ đầu tư (theo phân cấp các tập đoàn, tổng công ty 91) phải chịu trách nhiệm phê duyệt, thẩm định, năng lực các ban quản lý dự án hạn chế. Năng lực đàm phán, ký kết, quản lý dự án hạn chế làm dự án bị kéo dài, thực hiện không đúng quy định của hợp đồng...
Bộ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ và các bộ ngành là đánh giá rõ ràng, làm rõ nguyên nhân cả về chủ quan, khách quan.
Qua đó nghiên cứu tổng thể các giải pháp theo quy định của pháp luật và quy luật thị trường trên cơ sở bảo toàn vốn Nhà nước, phù hợp với các cam kết quốc tế, có giải pháp khắc phục cụ thể; xem xét trách nhiệm của các chủ thể trên tinh thần cẩn trọng, đúng quy định...
Nếu cố tình làm sai sẽ xem xét xử lý hình sự.
Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải đổi mới phương thức quản lý, mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung khổ pháp lý (tăng cường phân cấp kèm hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể).
Lòng tin của nhân dân có suy giảm?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ vừa qua làm suy giảm lòng tin trong nhân dân.
“Nhìn chung các dự án này không phát huy hiệu quả, gây lãng phí ngân sách, ngoài ra còn làm giảm lòng tin nhân dân trong đội ngũ chỉ đạo điều hành. Mặt khác, sai phạm này gây ra tiền lệ xấu về nề nếp quản lý”, TS.Kiêm cho biết.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) cũng thua lỗ lớn. ảnh: pvc. |
Theo TS.Cao Sỹ Kiêm có ba nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên:
Thứ nhất, do cách quản lý, định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực chưa sát với thực tế, buông lỏng trong khâu phê duyệt dự án, giám sát dự án. Do buông lỏng phê duyệt dẫn đến dự án không đạt được mục đích, gây thua lỗ.
Thứ hai, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan giám sát được giao thực hiện quản lý và giám sát các dự án trên chưa thực hiện đúng và đầy đủ theo quy trình.
Ngoài ra còn có hiện tượng thoái hóa biến chất ở trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trong các cơ quan quản lý, giám sát.
Thứ ba, những thay đổi của thị trường dẫn đến dự án không thực hiện được như mong muốn. Thay đổi về cung cầu, thay đổi về giá dẫn đến dự án đầu tư bị ảnh hưởng.
TS.Cao Sỹ Kiêm nhận định: "Cần phải sớm khắc phục 3 tồn tại nói trên, trong đó quan trọng nhất là yếu tố quy hoạch, định hướng phát triển các dự án phải hiệu quả.
Cùng với đó phải tăng cường quản lý, giám sát quá trình thực hiện, lựa chọn cán bộ có năng lực thực hiện đúng theo quy trình, đúng quy định tránh lợi ích nhóm".
TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá, một trong những lý do dẫn tới thua lỗ từ các dự án nhà nước có sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ. ảnh: Ngọc Quang. |
Kẽ hở trong lựa chọn nhân sự ở doanh nghiệp nhà nước
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết: “Thua lỗ của 5 dự án nghìn tỷ trên cũng giống như câu chuyện của vinashin, vinaline.
Sau thua lỗ của những dự án trên chúng ta chưa thực sự rút ra bài học kinh nghiệm”.
Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ lỗ hổng lớn nhất trong quản lý dẫn đến những vụ việc trên chính là từ thể chế.
“Có nghĩa là chúng ta tạo ra hành lang pháp lý tạo ưu tiên doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta vẫn xác định doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo nên buộc phải duy trì, đưa ra dự án phát triển doanh nghiệp này.
Mặt khác, các quy định về quản lý doanh nghiệp nhà nước đang còn nằm trong các bộ, các địa phương, tức là quản lý nhà nước kiêm quản lý doanh nghiệp. Như vậy dễ dẫn đến hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, do quản lý không chuyên nghiệp", ông Thọ cảnh báo.
PGS.TS Phạm Quý Thọ cũng cho rằng, từ bất cập trong vấn đề quản lý nêu trên vấn đề quản lý con người đặc biệt trong việc bổ nhiệm nhân sự.
“Việc chọn nhân sự quản lý doanh nghiệp nhà nước có sự can thiệp của nhiều bộ, nhiều cơ quan, điều này tạo nên kẽ hở.
Cùng với đó là điều hành, trong điều hành quản lý chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, chưa theo kịp những thay đổi của hội nhập. Tất cả những vấn đề trên tạo nên lợi ích nhóm, nhưng không ai chịu trách nhiệm”, PGS.Thọ nêu thực trạng.
Bên cạnh tồn tại trên, theo PGS.Phạm Quý Thọ khi chuyển sang kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước chưa “bắt sóng kịp”, chưa hiểu đầy đủ về kinh tế thị trường, mà điểm mấu chốt là không thể điều hành theo ý thức chủ quan mà phải phụ thuộc theo bối cảnh quốc tế, theo bối cảnh hội nhập, sản xuất, tiêu dùng, yếu tố sở hữu.
Nói đến biện pháp ngăn chặn hiện tượng này, PGS.Thọ ủng hộ quan điểm thẳng thắn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không dùng tiền thuế của dân để bù lỗ”.
Điều này có nghĩa sẵn sàng những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không hiệu quả phải tính đến việc phá sản, bán lại để thu về vốn.
“Biện pháp cứng rắn dù rất 'đau' nhưng cần thiết để cảnh bảo doanh nghiệp khác; giống như cơ thể, khi một chỗ bị khối u cần khoét bỏ không thể để tồn tại rồi lan sang nơi khác”, PGS.Thọ cho hay.