Tờ Ngày nay có dẫn lời Thượng tọa Thích Minh Quang - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Phó trụ trì thường trực chùa Bái Đính, cho biết: “Mỗi năm, chùa Bái Đính cần 70 đến 80 tỷ đồng để duy trì hoạt động, số tiền công đức, tiền giọt dầu và các nguồn thu khác chẳng được đến 1/3”.
Nếu như đúng trả lời đó là của ông Thích Minh Quang, chúng tôi xin đặt vấn đề trao đổi:
Vậy các nguồn thu khác ở đây là những nguồn thu nào? Chùa cũng kinh doanh hay sao mà nhiều nguồn thu như vậy và nếu không đủ thì chẳng lẽ đóng cửa chùa?
Từ ngàn xưa các ngôi chùa cổ vẫn luôn thu hút hàng nghìn du khách, phật tử tới thăm quan, bái phật... và luôn thể hiện lòng thành bằng tiền giọt dầu, tiền công đức... tuy là từng cá nhân thì không lớn, nhưng góp lại có lẽ cũng không nhỏ, đủ để tu bổ, bảo tồn.
Vấn đề này khi xây chùa doanh nghiệp Xuân Trường đã không tính đến hay coi đó là phần xây thêm vì mục đích chính của dự án này là các hạng mục phục vụ du lịch, là nhà hàng, khách sạn, sân golf… đó mới là cái đích ngắm đến để thu lợi?
Khách sạn Bái Đính được xây gần Điện Tam Thế sát khuôn viên chùa bái Đính. Ảnh: baidinhhotel. |
Khách sạn Bái Đính được xây dựng ngay gần điện Tam Thế sát khuôn viên chùa Bái Đính đã hoạt động với quy mô phòng họp đủ sức chứa tới 3.500 người, có 55 phòng nghỉ với giá từ gần 1,2 triệu đồng cho đến gần 11 triệu đồng/1 phòng (một ngày đêm).
Và đặc biệt, nếu khách sử dụng các dịch vụ tại khách sạn Bái Đính thì sẽ được phép đi thẳng xe lên tam quan chùa Bái Đính. Vậy đây có phải là khách sạn của nhà chùa?
Đại gia Xuân Trường bán vé dân đi lễ Phật, sao lại đóng dấu Giáo hội Phật giáo? |
Cả khu đất hàng nghìn héc-ta đã được giao ngay lập tức để doanh nghiệp sử dụng mà không phải bỏ tiền ra mua, đó chẳng phải là cái lợi mà Xuân Trường đang được hưởng hay sao?
Nói về vấn đề tiền công đức, tiền giọt dầu, Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ: “Ở chùa Bái Đính, mọi người đến mà xem, mở hòm công đức ra thì thấy mọi người đặt tiền 500 đồng vẫn còn phổ biến, một xe ô tô tiền khi kiểm đếm cũng chỉ được hơn 30 triệu đồng".
Nếu nói như vậy thì du khách hành hương về đây bái Phật sẽ rất buồn, vì đó là những đồng tiền thành tâm. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên một đồng cũng quý, họ công đức chút dầu đèn cho nhà Phật, cúng Phật chứ họ đâu có cúng cho Tăng mà cần tiền mệnh giá to?
Cuộc sống tu hành đâu phải để hưởng thụ! Phật ở trong tâm mỗi con người chứ đâu phải ở trong siêu chùa để rồi muốn vận hành phải trông vào tiền tài trợ từ doanh nghiệp Xuân Trường?
Khách sạn Bái Đính của doanh nghiệp Xuân Trường hay của nhà chùa? Ảnh:baidinhhotel. |
Cũng theo thầy Quang: “Chùa Bái Đính có một đội ngũ làm nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh rất hùng hậu. Có những ngày cao điểm 30 vạn người đến, như ngày mùng Năm Tết vừa qua.
Hiện tại ở chùa có 400 cán bộ công nhân viên, một tháng trả lương bình quân 4,5 triệu đồng đến 8 triệu đồng cho một người.
Toàn bộ mấy chục người để viết công đức đều phải trả lương hết. Tất cả là hơn 50 người, được trả lương hàng tháng, mua bảo hiểm bình thường.
Trước Tết lương của những người này là 4 triệu đồng 1 tháng, vừa rồi mới tăng lên 4,5 triệu đồng 1 tháng. Người viết công đức rất là vất vả, người ta phải ngồi rất nhiều…”.
Hơn 400 cán bộ công nhân viên được hưởng lương và các chế độ bảo hiểm do nhà chùa chi trả thì rõ là công ty rồi. Hay đây là Công ty trách nhiệu hữu hạn một thành viên chùa Bái Đính?
Xây chùa to là phúc hay là nghiệp? |
Chưa hết, Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết:
- “Xe điện chạy trong chùa nếu khách lên và xuống là 60.000 đồng cho 1 người, mà một năm 8 bình ắc qui trong xe điện phải thay một lần, mỗi lần thay bộ ắc quy hết 50 triệu đồng. Thu tiền bà con đi lại thì cũng chỉ đủ cho chi phí bình ắc quy”.
- “Lý do phải thu phí ở khu bảo tháp vì ở đó cần lượng điện rất lớn, như năm nay là hơn 30 người thường trực ngày 2 ca để phục vụ cho công việc ở bảo tháp như đón tiếp, duy trì, bảo vệ an ninh trật tự.
Bảo tháp nhỏ như vậy nếu mở cửa hoàn toàn thì sẽ không đáp ứng được, không phục vụ được nên mục đích thu một chút phí ở đây cũng là để hạn chế lượng người lên bảo tháp”.
Lý do của việc thu phí sử dụng xe điện đối với khách hành hương lên chùa, lên bảo tháp lễ Phật tới 60 nghìn đồng lẽ nào chỉ là "một chút"? Mức thu như vậy mà không đủ bù chi thì thật khó thuyết phục.
Qua tìm hiểu thì hiện nay chùa Bái Đính có 250 xe điện, mỗi xe chở được 12 khách với giá vé 2 chiều là 60 nghìn đồng 1 người, lượng khách khá đông nên có nhiều ngày phải thuê thêm xe từ bên ngoài vào để đưa khách lên chùa.
Theo Tiến sĩ Bùi Đông - Chuyên gia về năng lượng điện ô tô cho biết: “Thực tế cho thấy một chiếc xe điện chở khách loại 15 chỗ thông dụng trên thị trường hiện nay phải sử dụng hệ thống ác quy từ 8 đến 12 bình, tuổi đời của dàn ác quy này tương đương hơn 1.000 lần sạc điện, mỗi lần sạc xong xe chạy liên tục được 90 km.
Tính ra trung bình gần 3 năm mới phải thay một dàn ác quy mới với giá hơn 40 triệu đồng và đó là thay 12 bình chứ 8 bình thì ít tiền hơn. Nếu không thay thì dàn ác quy cũ kia cũng còn phải sử dụng được gần 1 năm nữa, nhưng mỗi lần sạc điện thì chỉ chạy được 50 km ”.
Năm 2018, tổng số lượng khách đến toàn tỉnh Ninh Bình là 7,3 triệu lượt, trong đó lượng khách đến Bái Đính chiếm 80%. Ảnh: Tùng Dương. |
Cũng tại bài viết trên tờ Ngày nay, ông Bùi Văn Mạnh - Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: “Năm 2018, tổng số lượng khách đến toàn tỉnh là 7,3 triệu lượt và 80% số khách đó đến Bái Đính, với lượng khách tăng bình quân khoảng 8-10% mỗi năm.
Công ty Tràng An thuộc Tập đoàn Xuân Trường. Ngoài Công ty Tràng An, doanh nghiệp Xuân Trường còn có mặt ở một số đơn vị khác có liên quan đến việc khai thác dịch vụ du lịch ở khu di sản Tràng An”.
Tổng nguồn thu từ các hoạt động du lịch của toàn tỉnh Ninh Bình theo các số liệu thống kê năm 2018 đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.
Một cán bộ của Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An có địa chỉ tại số 6 đường Tràng An - phường đông Thành - Thành phố Ninh Bình cho biết: “Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An chỉ quản lí về mặt nhà nước, chứ không giám sát nguồn thu của các ban quản lý khu điểm du lịch, những việc đó thuộc về trách nhiệm của bên tài chính, thuế của tỉnh Ninh Bình.
Các điểm như khu điểm Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, Cố đô Hoa Lư đóng thuế theo luật thuế áp dụng với doanh nghiệp còn khu chùa Bái Đính là của nhà chùa nên không phải đóng thuế”.
Ở khách sạn Bái Đính có những căn phòng khá đắt đỏ. ảnh: baidinhhotel. |
Vấn đề xã hội rất quan tâm hiện nay là: Thực chất chùa Bái Đính hiện nay là của doanh nghiệp Xuân Trường hay của Giáo hội? Tiền công đức và tiền thu từ các dịch vụ như xe điện, vé Bảo tháp và từ khách sạn Bái Đính… thì chùa thu hay doanh nghiệp Xuân Trường thu? Các khoản thu này có được minh bạch thật sự không và khi sử dụng có đúng quy định không?
Thượng tọa Thích Minh Quang nói tiền Xuân Trường đài thọ hàng năm cho chùa thì có chứng từ không? Số tiền đó và tiền công đức của chùa Bái Đính thì ai trực tiếp sử dụng và sử dụng như thế nào? Ai là người quyết định sử dụng và giám sát nguồn tiền đó?
Thông tin tham khảo:
https://ngaynay.vn/special-today/chua-bai-dinh-thieu-tien-hoat-dong-nen-doanh-nghiep-phai-dai-tho-141278.html