Dạy con làm giàu hay dạy con keo kiệt?

14/02/2012 10:47
Anh đem tư tưởng làm giàu của mình “nhồi nhét” vào đầu cậu con trai đang tuổi đến trường, để giờ cậu bé “nhiễm” tính của bố, keo kiệt và tính toán nhất trường.
“Nghe bố nói đây con, muốn giàu lên nhanh chóng thì chớ có bao giờ đồng ý đổi 10 đồng của mình mà chỉ lấy dù là 9 đồng rưỡi của người khác nghe con, làm thế chỉ thiệt thân thôi, nghèo kiết xác chứ không bao giờ giàu được”.

Đó là câu mà ngày nào anh Dũng cũng “răn dạy” con. Cũng là một doanh nhân, nhưng anh Dũng không được “thoáng” như nhiều doanh nhân khác, trái lại anh còn khá “tính toán”. Người ta cho anh thứ gì thì được chứ không bao giờ anh cho lại bất cứ ai cái gì mà không có sự trao đổi. Ngay cả trong trao đổi thì anh cũng phải nhận phần hơn về mình. Anh Dũng lý luận “đó là tiết kiệm”, nhưng người ngoài thì nói anh ki bo. Anh đem tư tưởng đó “nhồi nhét” vào đầu cậu con trai đang tuổi đến trường, để giờ cậu bé “nhiễm” tính của bố, keo kiệt và tính toán nhất trường.
“Nghe bố nói đây con, muốn giàu lên nhanh chóng thì chớ có bao giờ đồng ý đổi 10 đồng của mình mà chỉ lấy dù là 9 đồng rưỡi của người khác nghe con...". Ảnh minh họa.
“Nghe bố nói đây con, muốn giàu lên nhanh chóng thì chớ có bao giờ đồng ý đổi 10 đồng của mình mà chỉ lấy dù là 9 đồng rưỡi của người khác nghe con...". Ảnh minh họa.

Cũng gần giống như anh Dũng, anh Tiến lại dạy con theo kiểu “đóng cửa đi ăn mày”. Anh cũng lý giả “như thế là tiết kiệm mà có tiết kiệm thì mới nhanh giàu được”. Tiết kiệm kiểu của anh Tiến là “tăng xin, giảm mua”, tức là nếu xin được của ai thứ gì để dùng mà đỡ phải mua thì là tốt nhất.

Chẳng thế mà dù anh tự hào là nhà mình thứ gì cũng có, máy móc nào cũng không thiếu nhưng ai cũng biết rằng đồ dùng nhà anh toàn đồ cũ đi xin. Có những thứ hỏng người ta định bỏ đi rồi, anh lại xin về và chịu bỏ tiền ra sửa để dùng còn hơn là phải mua đồ mới. Quan điểm của anh không hiểu “mưa dầm thấm đất” thế nào mà đến giờ cả vợ cả con anh đều có cách suy nghĩ giống anh, chẳng ai cảm thấy ngại ngùng khi xin xỏ.
 
Như anh Dũng, anh Tiến thì có thể gọi chính xác là keo kiệt, chứ không còn là tiết kiệm nữa. Cả anh Dũng, anh Tiến đều nghĩ rằng đó là một cách làm giàu và cần phải “quán triệt” cho con tư tưởng đó để con có định hướng mà phấn đấu. Nhưng suy nghĩ thiển cận này của cả hai đã không những không dạy cho con cái biết được mục tiêu phấn đấu là gì mà ngược lại, các anh đã biến con cái mình thành những đứa trẻ ích kỉ, tính keo kiệt và chỉ biết bo bo giữ cho mình mà không biết chia sẻ cho người khác, lúc nào cũng chỉ nghĩ được làm sao để mình không chịu thiệt và làm sao để được hưởng những thứ từ người khác là tốt nhất.
 
Xuất phát từ một quan điểm rất trong sáng là dạy con biết làm giàu, nhiều cha mẹ đã đặt nặng vấn đề tiền bạc lên hàng đầu một cách quá mức. Điều này nếu không khéo sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách của con. Từ một đứa trẻ ngây thơ, trong sáng, trẻ được “dạy” đến việc kiếm tiền, thật nhiều tiền như một cái máy mà không quan tâm đến yếu tố người khác. Ví dụ như trong bất cứ cuộc đổi chác nào, trẻ bao giờ cũng phải nhận phần hơn về mình, về lâu dài, nó sẽ biến thành thói quen của trẻ và trẻ sẽ luôn nghĩ lợi ích của mình phải cao hơn cả mà không bao giờ biết nghĩ cho người khác hoặc nghĩ cho tập thể chung.
 
Việc xin xỏ cũng vậy. Nếu cứ ỉ lại, cái gì cũng xin sẽ tạo cho trẻ một tâm lý không cần lao động, sáng tạo, không cần phấn đấu để đạt được những gì mình đang cần, những gì mình muốn có. Điều này vô cùng nguy hiểm, vì nó khiến trẻ trở nên ỉ lại, mất hết tính tự giác và tự tin ở bản thân trong mọi việc, chỉ biết thụ động chờ đợi để xem có thể xin được ai thì xin.
 
Dạy con làm giàu không có gì là sai. Nhưng tại sao lại phải dạy con làm giàu trong khi cha mẹ chưa dạy được con những đức tính tốt như không tham lam, biết giúp đỡ người khác, dám hi sinh lợi ích của mình vì tập thể và hiểu hơn về giá trị đồng tiền: đó là tiền sẽ có giá trị hơn nếu không cứ bo bo chỉ giữ cho riêng mình.

Theo MashOnline/Afamily