Dữ liệu từ một nghiên cứu khoa học mới được đăng tải trên tạp chí Child Development tại Hoa kỳ số tháng 8, 9 năm 2009 của TS Drover vừa công bố nghiên cứu lâm sàng liên quan đến khả năng giải quyết vấn đề ở một bé sơ sinh 9 tháng tuổi.
Và thật thú vị, kết quả nghiên cứu cho thấy dinh dưỡng sớm với hàm luợng cao DHA và ARA có ảnh hưởng đến khả năng này của trẻ.
Ảnh hưởng của khả năng giải quyết vấn đề đến sự phát triển của trẻ
Khả năng giải quyết vấn đề ở trẻ xuất hiện từ khi nào? Thử nghiệm để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề ở em bé 9 tháng tuổi trong nghiên cứu là cho trẻ chơi chiếc lục lạc. Sau đó, để chiếc lục lạc ra xa tầm với của trẻ và dùng một tấm vải che lại. Ngay lập tức, đứa trẻ có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn sẽ tìm cách kéo tấm vải lại gần, lật tấm vải phủ lên để lấy món đồ chơi, còn ở trẻ có khả năng giải quyết vấn đề kém sẽ mất phương hướng, hoặc lúng túng không biết làm sao để lấy lại đồ chơi của mình.
Thử nghiệm đã cho thấy khả năng giải quyết vấn đề là một trong những biểu hiện sớm nhất ở trẻ và là dấu hiệu sớm để có thể nhận biết sự phát triển trí não ở trẻ. Ngay từ những tháng đầu đời, trẻ đã có những biểu hiện của khả năng giải quyết vấn đề và thể hiện qua những hành động hết sức bản năng như: Lúc 3 tháng tuổi, bé biết mỉm cười khi thấy khuôn mặt quen thuộc của mẹ, biết phân biệt lạ quen khi 7-8 tháng. Đến 9 tháng tuổi, trẻ đã hình thành khả năng này tốt hơn thông qua biểu hiện khả năng ghi nhớ, chú ý, ngôn ngữ… Những khả năng này sẽ hoàn thiện và khéo léo hơn khi trẻ lớn lên.
Làm gì để kích thích khả năng giải quyết vấn đề ở trẻ?
Khả năng giải quyết vấn đề là biểu hiện sớm nhất của trí thông minh ở trẻ và khả năng này sẽ dần được hoàn thiện và phát triển khi trẻ lớn lên. Do vậy, trước tiên, cha mẹ cần phải để ý đến những biểu hiện của trẻ, để ý đến những hành động (dù là nhỏ nhất) của trẻ, bởi đó là những dấu hiệu mà trẻ muốn cha mẹ mình chú ý đến.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để chơi, trò chuyện với trẻ, từ đó, kích thích trẻ phát triển tốt nhất những kỹ năng, khả năng xử lý và giải quyết vấn đề ngay từ những năm tháng đầu đời, từ đó, giúp trẻ phát triển trí tuệ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý, việc kích thích sự phát triển khả năng xử lý tình huống của trẻ phải dựa trên các mốc phát triển trí não theo độ tuổi. Ví dụ như, với trẻ sơ sinh - 4 tháng, bạn hãy tạo nơi an toàn và thân thiết cho bé, đặt bé ở nơi bé có thể nhìn thấy mọi người và mọi vật xung quanh. Đặt bé nằm ngửa cho tay chân bé cử động thoải mái, để bé tự khám phá chơi với bàn tay, bàn chân của mình...
Và điều quan trọng không kém là cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp trẻ tận dụng cơ hội phát triển tốt nhất vào các thời điểm quan trọng. Nghiên cứu khoa học trên cũng cho thấy rõ những trẻ được bổ sung một số dưỡng chất như DHA, ARA với hàm lượng cao (17mg DHA, 34mg ARA trong 100kcal) trong suốt những tháng đầu đời sẽ có khả năng xử lý và giải quyết tình huống tốt hơn nhiều so với trẻ thiếu hoặc không được cung cấp các dưỡng chất này mỗi ngày.
Theo Trithongminh