Lực lượng tàu bơm cát Trung Quốc đang phong nền bồi đắp phi pháp ngoài đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đá Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm bất hợp pháp từ năm 1999 đến nay. Ảnh: CSIS/AMTI. |
South China Morning Post ngày 27/4 đưa tin, nỗ lực xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 khai mạc hôm nay tại Malaysia cho biết. Tuyên bố chung chưa được chính thức công bố.
"Chúng tôi chia sẻ những mối quan tâm nghiêm trọng được thể hiện bởi một số nhà lãnh đạo về hoạt động khai hoang đang được tiến hành ở Biển Đông, trong đó làm xói mòn niềm tin, sự tự tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định" ở Biển Đông, South China Morning Post dẫn tuyên bố chung cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc hôm nay ở Kuala Lumpur đang bị bao phủ bởi mối quan ngại nghiêm trọng về diễn biến mới trên Biển Đông sau khi những hình ảnh chụp các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) Trung Quốc xây ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) chụp từ vệ tinh được công bố, trong đó các tàu bơm cát, máy xúc máy ủi Trung Quốc xuất hiện rõ nét với quy mô lớn.
Malaysia, Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay đã hối thúc các Ngoại trưởng thành viên khẩn trương giải quyết vấn đề này dưới cơ chế đối thoại trực tiếp giữa khối ASEAN và Trung Quốc. Hôm qua Philippines kêu gọi ASEAN nhất tề đứng dậy yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động xây dựng bất hợp pháp.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã cảnh báo các đồng nghiệp trong khu vực rằng Trung Quốc đã sẵn sàng để kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên theo South China Morning Post, Ngoại trưởng nước chủ nhà Anifah Aman đã gạt qua một bên bất kỳ một tuyên bố mạnh mẽ nào của ASEAN được mong đợi.
South China Morning Post bình luận, mặc dù lời lẽ của ASEAN tỏ ra đoàn kết, các nước trong khu vực có "lịch sử" phản ứng thiếu mạnh mẽ trước các hoạt động (bành trướng, gây hấn) của Bắc Kinh. Có những nước lo ngại (phản ứng gay gắt) có thể ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế, thương mại to lớn trong quan hệ với Trung Quốc, và không phải tất cả các thành viên ASEAN đều có "cổ phần" ở Biển Đông.