ASEAN có thực sự đối trọng được với Trung Quốc?

18/11/2018 07:15
Thanh Bình
(GDVN) - Vì lợi ích của trật tự khu vực, ASEAN có lẽ cũng hiểu được rằng đi thẳng cùng với Trung Quốc tốt hơn là đi ngang một mình.

Ngày 14/11, Bắc Kinh và các nước ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Đối tác Chiến lược 2030 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc ở Singapore. Đây được xem là văn bản chủ chốt nhằm định hình quan hệ hai bên trong 12 năm tới.

Tầm nhìn Đối tác Chiến lược 2030 là bản kế hoạch trung và dài hạn đầu tiên giữa Trung Quốc và khối ASEAN, được đề ra nhằm hướng dẫn phát triển quan hệ đối tác và hợp tác đa phương trong tương lai. 

Câu hỏi đặt ra là khu vực Đông Nam Á có thực sự đối trọng được với Trung Quốc?

Lãnh đạo Trung Quốc và các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 Ngày 14/11/2018 tại Singapore (Nguồn ảnh: AP).
Lãnh đạo Trung Quốc và các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 Ngày 14/11/2018 tại Singapore (Nguồn ảnh: AP).

Chiến lược của Trung Quốc với ASEAN đang thành công

Về mặt chiến lược,
Trung Quốc hiểu mong muốn trở nên hưng thịnh của ASEAN như một tổ chức khu vực thành công.

Một loạt quan hệ đối tác đối thoại mà ASEAN đã thiết lập với các cường quốc bên ngoài giúp duy trì sự thích đáng của tổ chức này trong trật tự khu vực.

Chỉ với riêng lý do này, ít nhất ASEAN phải vun đắp cho một mối quan hệ làm việc với Trung Quốc.

Cấu trúc thể chế trong khu vực lấy ASEAN làm trọng tâm mà không có sự tham gia của Trung Quốc sẽ là một trật tự khu vực nửa vời, vô nghĩa và nguy hiểm.

Trái lại, có thể hình dung Trung Quốc sẽ xây dựng trật tự khu vực của riêng mình mà không có ASEAN, hoặc thậm chí chia tách ASEAN và nắm lấy một số nước thành viên.

ASEAN chỉ có thể đương đầu với Trung Quốc nếu liên kết với Mỹ và Bắc Kinh tin rằng ASEAN sẽ không liều lĩnh phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ của họ.

Hơn nữa, nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore, Bilahari Kausikan lập luận: vai trò của Trung Quốc ở châu Á là một thực tế địa chính trị trong khi vai trò của Mỹ là một toan tính địa chính trị. [1] Sự tự tin của Trung Quốc vào việc định hình lựa chọn của Mỹ sẽ chỉ gia tăng trong thời gian tới.

ASEAN có thực sự đối trọng được với Trung Quốc? ảnh 2Trung Quốc thúc ASEAN chốt COC, Hoa Kỳ cảnh báo Đông Nam Á chớ mắc bẫy

Về mặt chiến thuật, Bắc Kinh nhận thức được rằng quy tắc sống còn đầu tiên của ASEAN là việc đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của 10 nước thành viên.

Nếu không có sự đồng thuận, ASEAN sẽ không tồn tại.

Kết quả của mô hình độc đáo đưa ra quyết định của ASEAN là ưu tiên hình thức hơn bản chất.

Hiểu rõ được quy tắc này, Trung Quốc chỉ cần tác động đến một nước thành viên ASEAN thì ASEAN sẽ không bao giờ gây ra được sự tổn thương đáng kể cho Bắc Kinh.

Thực tế, vào tháng 7/2012, hiệp hội này đã trải nghiệm sự thất bại hoàn toàn về mặt ngoại giao lớn nhất trong lịch sử 45 năm của mình khi mà ASEAN đã không đưa ra được một tuyên bố chung của các ngoại trưởng vì Campuchia, nước ủng hộ trung thành của Trung Quốc và giữ ghế chủ tịch ASEAN năm đó, đã không đồng ý về ngôn từ sử dụng trong tuyên bố dự thảo, đặc biệt liên quan đến các tranh chấp trên biển Đông.

Kiểm soát được Campuchia, Bắc Kinh thỏa mãn với thành công về chiến thuật trong việc giới hạn được khả năng gây thiệt hại của ASEAN. [2]

COC làm cho ASEAN ở thế tiến thoái lưỡng nan

Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với Trung Quốc là sáng kiến của ASEAN nhằm kiềm chế hành vi của Trung Quốc bằng sức mạnh của pháp luật.

Tuy nhiên, dự thảo khung COC được nhất trí vào tháng 8/2018 cho thấy ưu tiên của Trung Quốc đối lập hoàn toàn.

Trung Quốc chỉ mong muốn thông qua một văn bản không ràng buộc phần lớn để thúc đẩy niềm tin và kiểm soát các sự cố. [3]

Một công dân Philippines cắm cờ Philippines trên khu vực thuộc bãi cạn Scarborough trước tàu Hải cảnh của Trung Quốc (Nguồn ảnh: TTXVN).
Một công dân Philippines cắm cờ Philippines trên khu vực thuộc bãi cạn Scarborough trước tàu Hải cảnh của Trung Quốc (Nguồn ảnh: TTXVN).

Trong lúc đó, Trung Quốc tiếp tục củng cố sự hiện diện của mình trên biển, tạo ra các điều kiện vật chất thuận lợi hơn cho các giải pháp về tranh chấp trong tương lai.

Bắc Kinh hiện đi đến được giai đoạn mà tại đây Trung Quốc chỉ có thể bị kiềm chế bởi chính nước này.

Tại sao ASEAN sử dụng các nguồn lực ngoại giao khá lớn để thương lượng về một thỏa thuận không ràng buộc, điều không phù hợp với phong cách của ASEAN?

Bởi vì ASEAN không còn lựa chọn nào khác. Trung Quốc một lần nữa dồn ASEAN vào thế khó khi đề xuất các cuộc thương lượng về COC.

Đề xuất khó từ chối bởi ban đầu COC là ý tưởng của ASEAN. ASEAN không thể từ chối vì nếu không, Trung Quốc sẽ đi theo cách của riêng họ ở Biển Đông và mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, với các tác động bất lợi đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong trật tự khu vực.

Vì lợi ích của trật tự khu vực, ASEAN có lẽ cũng hiểu được rằng đi thẳng cùng với Trung Quốc tốt hơn là đi ngang một mình.

Một số quan chức Trung Quốc thậm chí còn nhận định “chính ASEAN xin chúng ta thương lượng về COC chứ không phải ngược lại”. [4]

ASEAN có thực sự đối trọng được với Trung Quốc? ảnh 4Trung Quốc cứ ép ASEAN kiểu này, sẽ khó có COC

Cũng phải nói thêm rằng, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với vai trò trung tâm của ASEAN không phải là không có điều kiện.

Tuy nhiên, thái độ của Trung Quốc ngày càng được thúc đẩy bởi một đánh giá thực dụng rằng, cho đến nay Trung Quốc thiếu tính hợp pháp rộng khắp khu vực để lãnh đạo quá trình hợp tác được thể chế hóa ở Đông Á.

Nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Mỹ, sẽ coi những nỗ lực xây dựng thể chế khu vực mà trong đó Trung Quốc đi đầu như là sự cố gắng loại bỏ Mỹ và triệt tiêu ảnh hưởng của Mỹ khỏi khu vực. [5]

Hiện nay, ASEAN là bên tham gia duy nhất trong khu vực có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên để đóng vai trò lãnh đạo quan trọng trong hợp tác khu vực.

Trung Quốc đã được hưởng lợi từ vai trò trung tâm của ASEAN trong quá khứ và có thể sống cùng với ASEAN miễn là ASEAN đáp ứng lợi ích của Trung Quốc.

Trung Quốc đã cố gắng hạn chế vai trò trung tâm của ASEAN trong những lĩnh vực mà lợi ích chiến lược quan trọng của nước này bị đe dọa, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Trong một cuộc gặp không dễ chịu vào tháng 6/2016, một cựu quan chức Trung Quốc thẳng thừng nói với các ngoại trưởng ASEAN rằng ASEAN không có vai trò trung tâm trong vấn đề Biển Đông.

Cuối cùng, như sử gia nổi tiếng Wang Gangwu nói: “Bắc Kinh muốn một ASEAN thống nhất theo Trung Quốc chứ không phải đối đầu với Trung Quốc”.

Nếu Trung Quốc đạt được thỏa hiệp chiến lược với Mỹ, nước này không cần đẩy Mỹ ra khỏi châu Á mà vẫn có thể đặt mình ở trung tâm của việc xây dựng trật tự khu vực trong dài hạn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.straitstimes.com/singapore/sporeans-should-be-aware-of-chinas-influence-ops-bilahari

[2] https://thediplomat.com/2018/04/the-south-china-sea-and-aseans-32nd-summit-meeting/

[3], [4] Tài liệu tham khảo số 289-TTX ngày 01/11/2018

[5] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Anh-huong-cua-Trung-Quoc-dang-bao-trum-khu-vuc-Dong-Nam-A-post189541.gd

Thanh Bình