Australia đối mặt với áp lực lựa chọn Trung Quốc hay Hoa Kỳ

22/03/2017 09:24
Hồng Thủy
(GDVN) - Đặt cán cân lợi ích với chi phí, rủi ro trong mối quan hệ với Bắc Kinh và Washington vào hệ quy chiếu pháp lý hiện đại để tránh những sai lầm chiến lược.

Hãng thông tấn ABC News ngày 22/3 cho biết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia năm ngày từ tối nay, và Canberra đang phải cân nhắc sự lựa chọn khó khăn giữa một bên là đồng minh cũ, một bên là đối tác mới.

Trung Quốc hay Hoa Kỳ?

Ông Cường sẽ dẫn theo một đoàn lãnh đạo doanh nghiệp hùng hậu nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với Australia và mở rộng thỏa thuận tự do thương mại song phương.

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chủ nghĩa biệt lập, Bắc Kinh muốn sử dụng chuyến đi này để gửi thông điệp đến Canberra: Trung Quốc mới là "nhà vô địch của thương mại tự do".

Trong mấy chục năm qua, Australia đã phải cân bằng mục tiêu chiến lược với lợi ích kinh tế trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhiều quan điểm cho rằng, đã đến lúc Canberra phải lựa chọn, và kêu gọi một cách tiếp cận mới.

Người Trung Quốc hoan nghênh cựu Thủ tướng John Howard vì ông tập trung vào thương mại và tăng trưởng kinh tế, nhưng họ không ưa cựu Thủ tướng Kenvin Rudd vì ông hay nhắc đến nhân quyền.

Vì vậy Bắc Kinh cũng có chút bối rối khi nghe thấy Ngoại trưởng Julie Bishop nói tuần trước tại Singapore rằng, Trung Quốc không thể dẫn dắt khu vực vì nước này "phi dân chủ".

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đón Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thăm nước này, ảnh: Jason Lee / Reuters.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đón Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thăm nước này, ảnh: Jason Lee / Reuters.

Cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoff Raby nói rằng, đây không phải những thứ Trung Nam Hải muốn nghe và nó cản trở quan hệ song phương.

Geoff Raby hiện đang điều hành một doanh nghiệp tại Bắc Kinh. Ông nói với báo giới, Australia có thể được Trung Quốc xem là đối tác đáng tin cậy, và thậm chí cũng có thể là một đối thủ tiềm năng.

Raby tin rằng, đã đến lúc Canberra phải quyết định xem có nên hợp tác toàn diện với Trung Quốc hay tiếp tục đứng ngoài.

Trong một cuộc họp báo trước chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang dành phần lớn thời gian của mình để nói về "cơ hội tuyệt vời" cho Australia trên mặt trận kinh tế.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc "nhẹ nhàng nhắc nhở" các nhà báo rằng, tốt nhất Australia không đề cập tới vấn đề Biển Đông hay nhân quyền, dân chủ tại Trung Quốc trong chuyến thăm của ông Cường. [1]

Hoài nghi từ hai phía

Cùng đưa tin và bình luận về sự kiện này, Financial Review ngày 19/3 dẫn lời Đại sứ đầu tiên của Australia tại Trung Quốc, Stephen FitzGerald phát hiểu hôm 16/3 tại Đại học Sydney:

"Không ai có thể ngụy tạo rằng chúng ta đã từng chia sẻ giá trị với Trung Quốc.

Chắc chắn không phải là giá trị của hệ thống chính trị cầm quyền hay nhà nước đảng phái. Đó là một khuynh hướng trong mối quan hệ của chúng ta.

Australia đối mặt với áp lực lựa chọn Trung Quốc hay Hoa Kỳ ảnh 2

Brexit có thể kích Trung Quốc đẩy mạnh độc chiếm Biển Đông

Nhưng một hệ quả tất yếu của sự xuất hiện Donald Trump là, một quan hệ có ảnh hưởng với Trung Quốc là điều cần thiết hơn, cấp bách hơn bao giờ hết".

Tờ báo cũng tiết lộ, đầu tháng này một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc đã gặp gỡ một doanh nhân Australia.

Nhà ngoại giao này cho hay, điều Bắc Kinh thực sự đang lo ngại và sẽ không được thảo luận chính thức trong các cuộc họp, đó là "tuổi thọ chính trị" của Thủ tướng Malcolm Turnbull.

(Thời điểm nhà ngoại giao này nói chuyện) Trung Quốc không chắc liệu ông Malcolm Turnbull có còn là Thủ tướng cho đến khi ông Lý Khắc Cường sang thăm Australia hay không.

Năm 2010, ông Tập Cận Bình khi đó còn là Phó Chủ tịch nước đã có chuyến thăm Australia một tuần. Lúc ông sắp trở về Trung Quốc thì tin tức Thủ tướng Kevin Rudd mất chức được loan báo.

Người Trung Quốc đã quá sốc.

Chỉ vài ngày trước, ông Tập Cận Bình còn ăn tối với ông Kevin Rudd ở Lodge.

Đứng chờ máy bay tại sân bay Darwin, ông Tập Cận Bình được cho là đã nói với thuộc cấp: "Các anh sẽ phải trở lại đây lần nữa".

Và tất nhiên theo quan điểm của Bắc Kinh, chuyến đi Australia 7 ngày của ông Tập Cận Bình như vậy là "dã tràng xe cát".

Ông Tập Cận Bình đã quay trở lại Australia tháng 11/2014 trên cương vị Chủ tịch nước, ký kết Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - Australia.

Từ đó đến nay mới lại có chuyến thăm của một quan chức cấp cao khác của Trung Quốc - Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Nhưng lần này trong khi Bắc Kinh lo lắng về tương lai chính trị của ông Malcolm Turnbull, thì Canberra cũng có lý do để e dè về vai trò của ông Lý Khắc Cường.

Cựu Đại sứ Geoff Raby bình luận: ông Cường là Thủ tướng có ảnh hưởng ít nhất trong các đời Thủ tướng Trung Quốc suốt mấy chục năm qua.

Ông Lý Khắc Cường nói lời chào báo chí sau khi kết thúc buổi họp báo do ông chủ trì thứ Tư tuần trước làm dấy lên những đồn đoán. Ảnh: NDTV.
Ông Lý Khắc Cường nói lời chào báo chí sau khi kết thúc buổi họp báo do ông chủ trì thứ Tư tuần trước làm dấy lên những đồn đoán. Ảnh: NDTV.

Về mặt chính thức, Thủ tướng Lý Khắc Cường là nhà lãnh đạo số 2 ở Trung Quốc và chịu trách nhiệm điều hành nền kinh tế 14 ngàn tỉ USD. Nhưng quyền lực của ông đã bị thu hẹp bởi Chủ tịch Tập Cận Bình. 

Ông Bình không chỉ nắm quyền kiểm soát cải cách kinh tế thông qua các "tiểu tổ lãnh đạo", mà còn đang làm mờ vai trò tập thể lãnh đạo của Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.

Việc tập trung quyền lực vào Chủ tịch Tập Cận Bình làm giảm tầm quan trọng chuyến thăm Australia của Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong khi ngày càng có nhiều suy đoán khác nhau tại Bắc Kinh về tương lai của ông Cường sau Đại hội 19.

"Hẹn gặp lại nếu chúng ta có cơ hội", lời cuối của ông Cường khi kết thúc buổi họp báo do ông chủ trì sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hôm thứ Tư tuần trước tại Bắc Kinh càng làm gia tăng nhiều đồn đoán.

Ngay sau khi làm Thủ tướng sau Đại hội 18, đã có tin đồn ông sẽ không tiếp tục giữ cương vị này kể từ tháng 3/2018. Nếu điều này xảy ra, có thể ông vẫn còn trong Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng có khả năng sẽ giữ chức Chủ tịch Quốc hội.

Một nguồn tin ngoại giao từ Bắc Kinh nhận định, Thủ tướng Lý Khắc Cường là một người thực tế, thú vị và hấp dẫn. Chỉ tiếc rằng ông không có nhiều quyền lực.

Không chỉ là một Thủ tướng Trung Quốc nói tiếng Anh lưu loát, ông Lý Khắc Cường còn là người gần gũi, cởi mở và có một vẻ tương phản sắc nét so với nhiều đồng nghiệp của mình luôn giữ vẻ mặt lạnh lùng. [2]

Không phải cứ nhiều tiền, có ưu thế thị trường lớn là lãnh đạo được khu vực, thế giới

Người viết cho rằng, việc Australia hay các đồng minh khác của Hoa Kỳ cần phải xem lại chính sách đối ngoại của mình để có những hiệu chỉnh cần thiết trước chủ nghĩa biệt lập mà Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi, là một xu thế tất yếu.

Dù là quan hệ đồng minh hay đối tác, thì nó chỉ bền vững khi được xây dựng trên nền tảng bình đẳng - cùng có lợi.

Australia đối mặt với áp lực lựa chọn Trung Quốc hay Hoa Kỳ ảnh 4

Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi "dạy cho Hàn Quốc một bài học"

Bất cứ một sự lệch pha nào cũng có thể là nguyên nhân của rạn nứt, đổ vỡ một khi đối phương thay đổi chính sách, nhân sự, cách chơi…

Không chỉ Australia, ngay cả Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang đứng trước không ít băn khoăn trước xu thế cạnh tranh khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như chính sách, chiến lược của Donald Trump.

Áp lực phải chọn bên đối với Australia và Hàn Quốc rõ rệt hơn cả, bởi sức mạnh áp đảo về quy mô thị trường và nguồn vốn đầu tư từ Trung Hoa đại lục.

Chỉ có điều, những hành xử của Trung Quốc với doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Philippines hay Hàn Quốc gần đây là những minh chứng rõ nét nhất cho thấy:

Không phải cứ chiếm ưu thế áp đảo về thị trường, kích thước nền kinh tế hay nguồn vốn đầu tư là có thể đóng vai trò lãnh đạo, dẫn dắt khu vực và quốc tế.

Càng không phải cứ có nhiều tiền là đáng tin cậy và có thể hợp tác lâu dài.

Do đó, cá nhân người viết thiết nghĩ, phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương không nên đặt vấn đề chọn Hoa Kỳ hay Trung Quốc.

Điều mà các nước này nên cân nhắc, tính toán là làm sao hài hòa, cân đối được quan hệ giữa lợi ích trước mắt với lâu dài, giữa triển vọng thành quả với chi phí và rủi ro khi hợp tác với các siêu cường.

Hãy đặt cán cân lợi ích với chi phí, rủi ro trong mối quan hệ với Bắc Kinh và Washington vào hệ quy chiếu pháp lý hiện đại để tránh những sai lầm chiến lược.

Nếu vì sự hấp dẫn nhất thời nào đó từ một thị trường lớn hay các cam kết thương mại, đầu tư từ Trung Quốc mà chấp nhận nhắm mắt làm ngơ để luật pháp quốc tế bị đối phương chà đạp, thì sớm muộn cũng sẽ có một ngày mình trở thành nạn nhân.

Hiện nay, câu chuyện Trung Quốc quân sự hóa bất hợp pháp Biển Đông không phải chuyện riêng của 4 nước thành viên ASEAN với Trung Quốc.

Đó là vấn đề thời sự nóng bỏng của khu vực và thế giới, cần tiếng nói chung và sự đồng thuận trên cơ sở luật pháp quốc tế, để tìm ra những giải pháp hòa bình.

Trong quan hệ với Hoa Kỳ, khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết” của Donald Trump có lẽ không phải một câu nói xuông, mà nó là một xu thế của nền chính trị xứ cờ hoa cũng như nền chính trị thế giới.

Có lẽ đó không phải là lựa chọn của cá nhân ông Trump, mà là lựa chọn của nước Mỹ.

Đã đến lúc mỗi quốc gia, dân tộc quay trở lại với lợi ích cốt lõi của mình. Mọi quan hệ hợp tác khu vực hay toàn cầu, song phương hay đa phương đều nhằm bảo vệ lợi ích cốt lõi ấy, và đều nên xây dựng trên nền tảng luật pháp quốc tế đương đại.

Trong đó việc tự đảm bảo an ninh cho mình trong khuôn khổ giữ gìn an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế nên là một ưu tiên, thay vì phải dựa hoàn toàn hay phần lớn vào một đồng minh.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.abc.net.au/news/2017-03-22/chinese-premier-visit-presents-tough-choice-for-australia/8374798

[2]http://www.afr.com/news/policy/foreign-affairs/chinas-li-keqiang-in-town-to-talk-trade-but-leadership-uncertainty-hovers-20170319-gv1chz

Hồng Thủy