Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ tái cơ cấu Quân ủy trung ương trong kỳ họp trung ương 4 lần này |
Tờ Vượng báo Đài Loan ngày 20/10 đưa tin, hội nghị trung ương 4 đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc hôm nay tại Bắc Kinh có thể liên quan đến một cuộc cải tổ Quân ủy trung ương dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy trung ương.
Một cuộc cải tổ nhân sự thượng tầng quân đội Trung Quốc đã được đặt ra kể từ khi Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương bị điều tra tham nhũng vào cuối tháng 6. Mặc dù Từ Tài Hậu đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn được cho là có mối quan hệ mạnh mẽ và thế lực ủng hộ trong Quân ủy trung ương mà Tập Cận Bình cần phải loại bỏ.
Theo tờ Văn Hối xuất bản tại Hồng Kông, lý do thứ hai để Tập Cận Bình thay đổi nhân sự Quân ủy trung ương có thể được công bố, là vì căng thẳng lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông và Hoa Đông.
Theo giới phân tích, 2 ứng viên cho vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương được Tập Cận Bình nhắm sẵn là Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục Hậu cần và Trương Hựu Hiệp, Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị. 2 Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương đương nhiệm là Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng.
Trong một động thái khác có liên quan, BBC ngày 20/10 dẫn lời Bambang Hendratno, một quan chức quân sự cấp cao Indonesia cho biết, đảo Natuna nằm ở biên giới giữa quốc gia này với Biển Đông. Jakarta cần có thêm lực lượng ở đây.
"Chúng ta không nên chờ cho đến khi một cái gì đó xảy ra trước khi chúng ta tăng cường phòng thủ. Chúng ta đã nhìn thấy xung đột chủ quyền giữa Trung Quốc và Malaysia xảy ra như thế nào. Trước khi xảy ra một điều gì đó tương tự, chúng ta nên hành động hơn là để sau khi nó xảy ra", ông Hendrato nói.
Về quan điểm chính thức Indonesia vẫn nói rằng họ không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng nhìn kỹ vào bản đồ thì lại là một câu chuyện khác.
Đảo Natuna nằm ở phía Bắc Indonesia giáp với khu vực xung đột tiềm ẩn trên Biển Đông, nơi đường lưỡi bò Trung Quốc đã chồng cả lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia quanh đảo Natuna, Gindarsah, một nhà nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Jakarta cho biết.
Nếu biên giới trên Biển Đông không được làm rõ, xung đột là nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra. "Đã có một số trường hợp Trung Quốc cố gắng xâm phạm vùng biển của Việt Nam và điều tương tự có thể xảy ra trong tương lai", Gindarsah nhấn mạnh.