Ông Trương Cao Lệ. |
Tờ Tin tức Bành Bái ngày 17/6 đưa tin, mặc dù (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đang tạo thành rào cản không nhỏ trong quan hệ Việt - Trung, nhưng hai bên đang nỗ lực tìm cách ổn định đại cục quan hệ hai nước thông qua các hoạt động thăm viếng cấp cao song phương.
Ngày 16/7 ông Trương Cao Lệ, Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Phó thủ tướng Trung Quốc đã có cuộc hội đàm với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội để tìm cách thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện. Ông Lệ cũng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp.
Trong các cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, ông Trương Cao Lệ nói rằng mục đích chuyến đi lần này của ông là: Chấp hành thỏa thuận chung lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, ông sang Việt Nam hội đàm với các quan chức phụ trách liên quan để tăng cường giao lưu trao đổi, củng cố tin cậy lẫn nhau về chính trị, thúc đẩy hợp tác, tăng cường giao lưu nhân dân.
Tin tức Bành Bái dẫn lời ông Lệ nói: "Quan hệ giữa hai đảng là một bộ phận quan trọng cáu thành quan hệ Trung - Việt, phát huy vai trò đặc biệt trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển". Trước đó ngày 16/7 Tân Hoa Xã đăng bài xã luận cho rằng, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau về chính trị thay vì làm lớn sự khác biệt phù hợp với hai nước, "đặc biệt là lợi ích của phía Việt Nam"?!
Thành Hán Bình, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á học viện Quan hệ quốc tế của quân đội Trung Quốc nói với Tin tức Bành Bái: Thiếu sự tin cậy lẫn nhau về chính trị đang là một chướng ngại chủ yếu trong quan hệ Trung - Việt hiện nay, do đó tăng cường tin cậy lẫn nhau về chính trị là điều rất quan trọng.
Viên học giả mang nặng tư tưởng bành trướng đại Hán này cao giọng bình luận: "Việt Nam chỉ là một tiểu quốc và luôn cho rằng Trung Quốc tất sẽ xưng hùng xưng bá, nói cách khác mối lo về uy hiếp từ Trung Quốc rất có đất sống tại Việt Nam, rằng Trung Quốc lớn mạnh tất sẽ xâm lược láng giềng. Đặc biệt là hiện nay hai nước Trung - Việt đang tồn tại tranh chấp lãnh thổ trên biển (Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp), người ta lại càng lo ngại".
"Ngoài ra từ góc độ lịch sử, Việt Nam từng là phiên thuộc của Trung Quốc, giữa hai nước đã từng xảy ra chiến tranh, ở Việt Nam có một số phần tử theo đuổi chủ nghĩa dân tộc thường lấy điều này làm cớ nên nó cũng ảnh hưởng đến việc thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị", Thành Hán Bình nói.
Thành Hán Bình cho rằng "Việt Nam từng là phiên thuộc của Trung Quốc, giữa hai nước đã từng xảy ra chiến tranh" là có ý đồ lèo lái, bóp méo sự thật. Bởi lẽ 1000 năm Bắc thuộc là hậu quả của những cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc mà người Hán tiến xuống phương Nam, reo rắc nỗi kinh hoàng, khổ đau và bất ổn!
Cái gọi là "từng xảy ra chiến tranh" thực tế chính là việc Trung Quốc chưa từng bỏ tham vọng bành trướng, hễ có thời cơ là cất quân xâm lược hoặc xâm phạm bờ cõi Việt Nam. Gần nhất là xâm lược Hoàng Sa năm 1974, Chiến tranh Biên giới 1979 và xâm lược 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988. Những hoạt động leo thang của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông là một hình thức xâm lược mềm kiểu mới, do đó cảnh giác đề phòng, ngăn chặn âm mưu bành trướng này là điều tất yếu - PV.
Ông Bình được Tin tức Bành Bái dẫn lời nói rằng, trong bối cảnh sang năm Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội 12, việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa hai nước càng vô cùng quan trọng, cùng chống "diễn biến hòa bình" của phương Tây.
Cái gọi là "cùng chống diễn biến hòa bình của phương Tây" mà Thành Hán Bình đề cập chỉ là chiêu bài ru ngủ của học giả và truyền thông Trung Quốc. Hơn ai hết, người Việt ý thức được bạn thù. Người Việt biết cách tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước mọi thế lực bành trướng - PV.
Xoay quanh vấn đề Biển Đông, ông Trương Cao Lệ đã nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng hai nước cần tăng cường hợp tác, xử lý thỏa đáng bất đồng trên biển, cầu đồng tồn dị, giữ vững đại cục quan hệ hai nước, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp ông Trương Cao Lệ đều nhấn mạnh, hai bên nên giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.