Bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp là lựa chọn sống còn của các nước nhỏ

11/10/2016 15:09
Hồng Thủy
(GDVN) - Singapore sẽ không thể tồn tại trong thế giới mà "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh". Đó là lý do tại sao Singapore ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

The Straits Times ngày 11/10 cho biết, Bộ trưởng Cấp cao Chính phủ Singapore phụ trách Quốc phòng, Ong Ye Kung phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh, Trung Quốc rằng: Singapore ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế đựa trên luật pháp.

Một "quốc gia thành phố" nhỏ như Singapore sẽ không thể tồn tại trong thế giới mà "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh". Đó là lý do tại sao Singapore ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Ông nói:

"Một đất nước nhỏ cần một trật tự quốc tế, trong đó luật pháp quốc tế được tôn trọng và tuân thủ, các điều ước và thỏa thuận được tôn trọng.

Chúng tôi không thể quá dựa vào lịch sử, bởi vì Singapore chưa từng tồn tại trong lịch sử cách ngày nay không xa."

Bộ trưởng Cấp cao Chính phủ Singapore phụ trách Quốc phòng Ong Ye Kung, ảnh: The Straits Times.
Bộ trưởng Cấp cao Chính phủ Singapore phụ trách Quốc phòng Ong Ye Kung, ảnh: The Straits Times.

Đó là lý do tại sao các nhà ngoại giao Singapore luôn đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng các điều ước quốc tế, như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, các chế độ thương mại đa phương, Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.

Việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đồng thời với cấu trúc mở và toàn diện trong khu vực, không chỉ có lợi cho các nước nhỏ như Singapore.

Nó còn tạo ra các căn cứ và nguyên tắc cơ bản cho tất cả các nước lớn và nhỏ, cùng chung sống hòa bình, phát triển thịnh vượng trong thời đại toàn cầu hóa.

Ông Ong Ye Kung cũng khéo léo nhắc đến phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos năm ngoái:

Các nước nên tìm cách mở rộng mặt bằng chung trong bối cảnh khác biệt, tìm kiếm hợp tác toàn diện cùng có lợi.

Một trật tự, hệ thống quốc tế như thế cần có chuẩn mực và quy tắc rõ ràng để điều chỉnh các hành vi, ông Ong Ye Kung lưu ý. [1]

Lập trường của Bộ trưởng Ong Ye Kung cũng được chia sẻ bởi Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, Gerry Brownlee, một khách mời tại Diễn đàn Hương Sơn.

Phát biểu tại diễn đàn này, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand tuyên bố:

"Lập trường của New Zealand về tranh chấp Biển Đông và Phán quyết Trọng tài gần đây là nhất quán. Chúng tôi không đứng về bên nào trong các bên yêu sách ở Biển Đông.

Bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp là lựa chọn sống còn của các nước nhỏ ảnh 2

Doanh nghiệp Singapore làm ăn tại Trung Quốc bắt đầu bị quấy rối vì Biển Đông

(GDVN) - "Doanh nghiệp Singapore cho tôi biết, họ đã bị các đối tác Trung Quốc chất vấn về lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông."

Tuy nhiên chúng tôi có quan tâm trực tiếp về việc căng thẳng được quản lý như thế nào, nêu bật tầm quan trọng của sự ổn định và an ninh kinh tế trong khu vực.

Chúng tôi phản đối các hành động phá hoại hòa bình, làm xói mòn niềm tin, mong muốn các bên tích cực thực hiện các bước giảm bớt căng thẳng.

Là một quốc gia thương mại hàng hải nhỏ, luật pháp quốc tế trong đó bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, là cực kỳ quan trọng đối với New Zealand." [2]

Tuy nhiên đại diện nước chủ nhà Trung Quốc đã ngay lập tức đả kích Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand.

Theo Reuters ngày 11/10, bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc đã phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn:

"Chúng tôi hy vọng rằng các nước không liên quan đến các tranh chấp tôn trọng các nước có tranh chấp, để họ làm việc với nhau.

Tôi nghĩ rằng, diễn biến đã cho thấy sự tham gia của bên ngoài gây nhiễu loạn, chỉ có thể làm phức tạp thêm sự khác biệt, đôi khi thậm chí còn làm gia tăng căng thẳng."

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand còn nói thẳng, việc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa (bất hợp pháp) trong khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông đang làm tăng căng thẳng trong khu vực.

Sau phản ứng của bà Phó Oánh, ông nói với Reurters, việc New Zealand bày tỏ mối quan ngại của mình đại diện cho các nước nhỏ về Biển Đông là cần thiết. [3]

Như vậy có thể thấy, từ Đối thoại Shangri-la đến Diễn đàn Hương Sơn, Trung Quốc đều bị lên án vì những hành vi quân sự hóa Biển Đông, leo thang căng thẳng trong khu vực.

Tuy nhiên thái độ của Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi tiêu chuẩn kép trong các quan hệ quốc tế, thiếu thiện chí, khách quan và cầu thị trong việc tìm giải pháp giảm căng thẳng ở Biển Đông.

Người viết hoàn toàn đồng tình và chia sẻ quan điểm của 2 vị Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, New Zealand về vai trò của luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, đặc biệt là ở Biển Đông, phản đối cách hành xử cá lớn nuốt cá bé, bất chấp công luận và luật pháp quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/asia/east-asia/singapore-needs-to-be-strong-advocate-of-rules-based-world-order-says-ong-ye-kung

[2]http://pacific.scoop.co.nz/2016/10/responding-to-new-asia-pacific-security-challenges/

[3]http://www.reuters.com/article/us-china-security-idUSKCN12B0C8

Hồng Thủy