Thời báo Hoàn Cầu ngày 1/4 đưa tin, không quân Trung Quốc vừa tung ra đoạn video quảng bá loại máy bay ném bom mới H-6K của nước này.
Cảnh quay trong đoạn video dài 3 phút 12 giây cho thấy Bắc Kinh đã tăng khả năng tác chiến và sẽ củng cố hiện diện quân sự của họ cả trên biển lẫn trên không.
H-6K là loại máy bay ném bom chiến lược đầu tiên Trung Quốc chế tạo với bán kính hoạt động xa nhất, khả năng đánh bom cao nhất, theo nhà bình luận quân sự Tào Vệ Đông.
Trong thời chiến, H-6K có thể thả bom và phóng tên lửa với bán kính tác chiến rất xa, có thể bay ra qua quần đảo Trường Sa (thuộc Khánh Hòa, Việt Nam) thực hiện các hoạt động do thám, tuần tra (bất hợp pháp).
Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc, ảnh: China Daily. |
Tống Trung Bình, một chuyên gia quân sự và là nhà bình luận truyền hình nói với Thời báo Hoàn Cầu:
"H-6K có thể đạt độ chính xác cao khi tấn công các mục tiêu.
Nó có khả năng thả bom hạt nhân và máy bay này sẽ được sử dụng để tuần tra Hoa Đông khi đối mặt với đe dọa từ Mỹ, Nhật Bản.
Và Biển Đông sẽ trở thành vũ đài chính của H-6K.
Không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến ành tuần tra trên biển như đã thể hiện trong video.
Các quốc gia khác nên xem hoạt động tuần tra này là bình thường và không nên ngạc nhiên khi không quân Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn.
Một số quốc gia nên suy nghĩ cẩn thận trước khi kích động Trung Quốc." [1]
Trước đó truyền thông Trung Quốc đưa tin, nước này đã điều động tổng cộng 12 chiếc máy bay ném bom H-6K xuống Biển Đông. [2]
Ngày 25/8, ông Tống Trung Bình cũng đã tiết lộ qua Thời báo Hoàn Cầu, rằng năm 2018 quân đội Trung Quốc tháng nào cũng tập trận ở Biển Đông, chứ không như các năm trước.
Trung Quốc sẽ không dừng lại trên Biển Đông, Mỹ đã tính kéo tên lửa đến khu vực |
"Biển Đông và Hoa Đông sẽ là những thao trường đầu tiên;
Quân đội Trung Quốc đã cam kết nâng cao sức chiến đấu thông qua các hoạt động huấn luyện mô phỏng sát thực tế (chiến tranh)", ông Tống Trung Bình tuyên bố. [3]
Những hoạt động nói trên của không quân Trung Quốc trên Biển Đông là một phần của một cuộc tập trận "quy mô lớn chưa từng thấy" mà Bắc Kinh triển khai ở Biển Đông bắt đầu từ cuối tháng Ba và đang tiếp diễn.
Thứ Hai tuần trước, Reuters công bố một số bức ảnh chụp từ vệ tinh của công ty Planet Labs cho thấy khoảng 40 chiến hạm cơ động thành 2 hàng dọc trên Biển Đông, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh.
Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Gregory Poling, cho biết về bức ảnh Reuters cung cấp:
"Bạn có thể nói một trong số các tàu này là tàu sân bay vì nó là tàu lớn nhất, nhưng những gì còn lại trong số đó là gì, ai mà đoán được."
Nói cách khác, độ phân giải của bức ảnh Planet Labs cung cấp quá thấp để có thể nhận định về cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong một động thái khác có liên quan, đại diện của Liên minh Châu Âu đã nhắc lại mối quan ngại về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.
Một góc bãi đá Xu Bi bị Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp, đe dọa trực tiếp an ninh và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Ảnh: The Australian Financial Review. |
Trong chuyến thăm Australia tuần trước để tham dự Diễn đàn An ninh hàng hải ASEAN do EU, Australia và Việt Nam đồng chủ trì, Chủ tịch Ủy ban Chính sách an ninh EU, Francois Rivasseu nói với tờ The Australian Fiancial Review:
"Khu vực Nam Á rất quan trọng đối với châu Âu trên phương diện kinh tế. 50% khối lượng thương mại của chúng tôi đi qua khu vực này. Chúng tôi quan tâm đến sự ổn định ở đây.
Hòa bình trên Biển Đông vừa là lợi ích thương mại của châu Âu, vừa là mối quan tâm toàn cầu.
Với tư cách là đồng chủ tịch của diễn đàn này, chúng tôi sẽ xem xét quan điểm của các bên. Đây là diễn đàn phù hợp để xây dựng lòng tin giữa các thành viên.
Chúng tôi đang xem xét xem những gì và làm thế nào để EU có thể đóng góp vào an ninh và ổn định trong khu vực. Chúng tôi hy vọng được xem là nhà môi giới trung lập và trung thực. [4]
Tài liệu tham khảo:
[1]http://english.chinamil.com.cn/view/2018-04/01/content_7989853.htm
[2]http://eng.chinamil.com.cn/view/2018-03/30/content_7988747.htm
[4]http://www.afr.com/news/top-eu-diplomat-weighs-in-on-south-china-sea-dispute-20180326-h0xzrz