Brexit không hẳn là sai lầm, không chỉ có hậu quả

19/07/2016 14:16
Ngọc Việt
(GDVN) - Lợi hay hại từ Brexit là do nhận diện sự tích cực của vấn đề này. Đặc biệt là nhận diện thật – giả trong hiệu ứng của Brexit với mỗi quốc gia.

Reuters ngày 15/7 đưa tin, đổng bảng Anh (GBP) đã có xu hướng tăng giá mạnh nhất tính theo tuần, kể từ năm 2009.

Trong phiên giao dịch sáng 15/7 tại thị trường London, GBP tăng 0,5% lên mức 1,3414 USD =1 GBP, trước đó có lúc tăng 1%. Tính từ đầu tuần, giá trị của đồng GBP đã tăng 3,5%, mức tăng tính theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 5/2009.

Động thái này gây bất ngờ cho giới quan sát và giới đầu tư bởi tình hình xã hội nước Anh sau cuộc trưng cầu dân ý có nhiều bất ổn. Nhất là việc phải lựa chọn giữa ra đi hay ở lại EU đã khiến cho người dân xứ sở sương mù có nhiều chia rẽ.

Chính trường nước Anh có nhiều xáo trộn khi kết quả trung cầu dân ý là Brexit diễn ra và một chính phủ mới đã được thành lập.

Việc đồng bảng Anh mất giá hậu Brexit không phải là hậu quả gắn với sai lầm từ Brexit, vì vậy đồng bảng Anh đã phục hồi bất ngờ, tạo tín hiệu khả quan cho kinh tế Anh. Ảnh: Reuters.
Việc đồng bảng Anh mất giá hậu Brexit không phải là hậu quả gắn với sai lầm từ Brexit, vì vậy đồng bảng Anh đã phục hồi bất ngờ, tạo tín hiệu khả quan cho kinh tế Anh. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là dù đồng GBP xuống tới mức thấp nhất trong vòng 30 năm vào ngày 24/6 khi Brexit trở thành hiện thực, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh quyết định không hạ lãi suất như giới phân tích đồn đoán.

Trước đó họ cho rằng hạ lãi suất là điều đương nhiên đối với chính phủ Anh trong việc đảm bảo thị trường tiền tệ và tránh suy thoái kinh tế.

Người viết cho rằng, cắt giảm lãi suất là một biện pháp kinh tế - tài chính thường được các chính phủ đưa ra khi kinh tế suy thoái, hoặc có dấu hiệu báo hiệu suy thoái.

Đặc biệt là sau mỗi sự kiện lớn về kinh tế - chính trị - xã hội hay theo chu kỳ hình Sin của phát triển kinh tế, hoặc bị tác động bởi hiệu ứng bất lợi kinh tế lan truyền từ một quốc gia hay một liên minh kinh tế nào đó.

Cắt giảm lãi suất thường tạo ra ba hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế.

Thứ nhất, dễ dàng tăng cường huy động hay tập trung nguồn vốn xã hội cho phát triển kinh tế. Bởi lãi suất thấp khiến cho lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn, vốn sẽ được ưu tiên cho hoạt động sản xuất – kinh doanh hay các hoạt động kinh tế dịch vụ khác để gia tăng lợi ích.

Thứ hai, kích thích đầu tư hay mở rộng sản xuất – kinh doanh vì lãi suất thấp thì đầu vào của sản phẩm giảm nên tỷ suất lợi nhuận gia tăng. Điều này khiến cho hoạt động kinh tế sôi động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, giảm độ rủi ro trong hoạt động sản xuất - kinh doanh bởi lãi suất giảm sẽ tăng độ an toàn cho hệ số: R = nợ vay + lãi vay/tổng vốn đầu tư + lợi nhuận.   

Như vậy, với ba hiệu ứng tích cực, nền kinh tế hàng hoá sẽ đảm bảo tăng trưởng và thị trường tiền tệ sẽ ổn định. Cụ thể là sức mạnh đồng tiền quốc gia được giữ vững vì nền tảng giá trị của nó là tổng sản phẩm xã hội tăng trưởng và ổn định.

Điều đó cho thấy, việc cắt giảm lãi suất tưởng chừng gần như là tất yếu thời hậu Brexit. Vậy nhưng chính phủ Anh không thực hiện điều ấy.

Việc Ngân hàng nước Anh không cắt giảm lãi suất chứng tỏ nền tảng kinh tế - tài chính của nước Anh đủ sức vượt qua những bất lợi do Brexit mang lại cho kinh tế nước Anh.

Đặc biệt sự ổn định chính trị tại Vương quốc Anh vẫn được đảm bảo, sự xáo trộn vừa qua chỉ là một hiệu ứng nhằm tạo ra một sự thay đổi cần thiết cho chính trường Anh phù hợp với Brexit mà thôi.

Brexit – sự chuyển mình cần thiết với nước Anh, cái vặn mình cần thiết với EU

Có thế thấy rằng, người dân nước Anh có sự chia rẽ sau khi cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016 có kết quả là Brexit. Tuy nhiên, mục đích của họ trong việc dựng xây đất nước vẫn là một nước Anh hùng cường và người dân Anh hạnh phúc.

Brexit không hẳn là sai lầm, không chỉ có hậu quả ảnh 2

Tại sao EU muốn nước Anh ra đi ngay lập tức?

(GDVN) - Tấn công mạnh vào điểm rơi sau trạng thái hưng phấn của phe ủng hộ Brexit tại nước Anh, lãnh đạo EU đã tạo ra một hiệu ứng tốt nhất ngăn chặn domino Brexit.

Nghĩa là chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc luôn là động lực cho người dân nước Anh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người dân nước Anh, dù ở chiến tuyến nào cũng đều có thể xem sự thiêng liêng của Tổ quốc là sự hiệu chỉnh tốt nhất cho hành động sống và mục đích làm việc của họ.

Song khi nước Anh còn trong EU thì điều đó không là duy nhất, bởi lẽ nước vì Anh hùng mạnh hay vì EU giàu mạnh khiến cho người dân Anh bị rối trong việc xác định mục đích của mình.

Điều đó có nguyên nhân do nước Anh bước vào EC trước đây và EU sau này có phần gượng ép, người dân xứ Ăng-lê chưa sẵn sàng cho việc này. Thế nên trong 43 năm sống trong ngôi nhà chung EU, nước Anh luôn có những vận động không đồng điệu với EU.

Vì vậy, khi người dân không xác định được Tổ quốc mình ở đâu trong một cơ chế mới thì tất yếu sẽ dẫn đến sự chia tách. Điều đó cho thấy nước Anh thời hậu Brexit sẽ đoàn kết hơn thời tiền Brexit.

Thà một lần đau để rồi vết thương sẽ lành, còn hơn là cứ để ung nhọt mãi mưng mủ không tới ngày vỡ mủ thì sự vật vã sẽ luôn khiến cho cơ thể mệt mỏi, đau đớn rồi sẽ tới lúc kiệt sức và buông xuôi.

Cựu Thủ tướng David Cameron đã đưa dao mổ cho người dân nước Anh tự rạch cái ung nhọt cho mình.

Bên cạnh đó, như người viết từng phân tích qua các bài “Chủ quyền và Liên minh”, “EU nín thở trước giờ G, người Anh kiểu gì cũng có lợi” và “Nước Anh không sốc sao chúng ta phải sốc?”, vấn đề quan trọng nhất khiến cho nước Anh phải có một cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU chính là tổ chức này đã làm cho chủ quyền nhạt nhoà trong cơ chế liên minh.

Lý do thì có nhiều nhưng chính yếu nhất vẫn là nguyên tắc nền tảng của liên minh từ khi ra đời cho đến suốt quá trình phát triển của nó đã không nhất quán.

Thay đổi tiêu chí, đổi thay tiêu chuẩn thì có vào và cũng sẽ có ra. Do vậy, với cá nhân người viết thì Brexit như một cái vặn mình của EU mà lâu ngày chỉ có một chiều, nên dễ mơ hồ về sự bền chặt.

Và rõ ràng như vậy, Brexit là một khúc xương gãy khi EU vặn mình về phía ngược lại với quán tính bấy lâu nay. Như vậy, Brexit là cần thiết vì nó cho biết EU mạnh hay yếu, bền chặt hay lỏng lẻo.

Quan trọng hơn là qua Brexit tìm ra điểm chết trong cơ chế vận hành bấy lâu nay tưởng chừng như ổn thoả và hoàn thiện, trong đó khái niệm công dân EU chưa hẳn là biểu hiện của sự liên thông bền chặt.

Có thể thấy rằng, điều quan trọng nhất với EU thời hậu Brexit không phải là nhanh nhanh đẩy nước Anh ra đi khỏi EU, mà phải là việc xây dựng lại cơ chế vận hành cho liên minh.

Trong đó việc đóng – mở, vào – ra phải được xem là bình thường như nhau, chứ không phải tư duy như lâu nay, vào thì tích cực vì làm EU lớn lên, còn ra thì tiêu cực vì làm EU yếu đi.

Việc nước Anh rời bỏ EU có thể chẳng khác là bao so với 43 năm nước Pháp rời bỏ sở chỉ huy tiền phương của NATO.

Từ năm 1966, nước Pháp của Charles de Gaulle đã rời bỏ Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương vì không thấy được vai trò tương xứng với vị thế của mình ở trong đó.

Phải mãi đến năm 2009, nước Pháp của Nicolas Sarkozy mới trở lại vị thế đầy đủ trong tổ chức quân sự này.

Có thể mọi sự so sánh là khập khiễng vì tính chất liên minh của hai tổ chức này là hoàn toàn khác nhau. Nhưng thực ra bản chất của nó thì chỉ là một mà thôi, đó là trách nhiệm phải ngang bằng với quyền lợi.

Chỉ có như vậy, vai trò phải ngang bằng với vị thế thì mới đảm bảo sự bền chặt của sự hợp tác, sự liên minh. Do vậy, việc có thể có thêm C-exit, D-exit… thì cũng là bình thường với EU.

Hậu Brexit nước Anh ảm đạm nhất thời, hệ lụy với EU sẽ kéo dài theo năm tháng

Khi nước Anh chia rẽ, chính trường Anh xáo trộn, đồng bảng Anh mất giá, thị trường chứng khoán Anh mất điểm thì đã có rất nhiều phân tích, nhận định rằng kinh tế nước Anh chịu nhiều thiệt hại.

Brexit không hẳn là sai lầm, không chỉ có hậu quả ảnh 3

EU nín thở trước giờ G, người Anh kiểu gì cũng hưởng lợi

(GDVN) - Nền tảng của sự gắn kết đã đến lúc cần phải được gia cố lại, mà nguyên tắc bất di bất dịch là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc không thể bị nhạt nhoà.

Không ít quan điểm tin rằng, nước Anh sẽ chịu nhiểu tổn thất vì “nước cờ liều” của cựu Thủ tướng Cameron, vì lựa chọn được cho là có phần thiếu chuẩn xác của phần đông người dân xứ sương mù.

Tiếp theo đó là những phản ứng dây chuyền gây thiệt hại cho nhiều thực thể kinh tế trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Điều này có thể tạo ra cơ hội cho những hành động “theo đóm ăn tàn” để làm giàu không thể tốt hơn cho những nhà đầu tư cơ hội.

Tuy nhiên, cá nhân người viết vẫn luôn cho rằng, hậu quả của Brexit không khủng khiếp như người ta gán ghép cho nó.

Có thể thấy rằng, Brexit không phải là lựa chọn sai lầm của đa số người dân nước Anh. Cho dù cảm giác sau một đêm thức dậy thấy mình không còn là công dân EU đã khiến cho nhiều người dân nước Anh cảm thấy hụt hẫng, chột dạ, kèm theo là điểm rơi tâm trạng trăn trở, nuối tiếc.

Việc người dân nước Anh chọn rời EU cũng giống như việc con cái ra ở riêng sau thời gian sống cùng cha mẹ.

Rõ ràng, khi ở cùng cha mẹ thì cái gì cũng tiện, Thậm chí thuận lợi ấy đã được người Việt Nam ví von: “Sẵn nong sắn né, sẵn cả đứa bé bế em”. Vì vậy, khi ra riêng thì chỉ mỗi việc mất 3 cái sẵn đó cũng khiến kẻ ra riêng cảm thấy bí bách thế nào.

Tuy nhiên, điều đó chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định rồi sẽ dẫn được khắc phục. Quan trọng hơn là việc khắc phục được đảm bảo bởi tính độc lập mà khi chưa ra riêng thì không dễ gì có được.

Brexit cũng là như thế. Có thể thấy rằng, khi nước Anh ở trong EU không phải là ý nguyện của toàn dân thì sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc luôn bị phân tán.

Nhưng khi nước Anh rời EU thì dù có phe phản đối, phe đồng thuận, phe trung dung thì sức mạnh quốc gia sẽ được phát huy tổng lực. Bởi với người Anh thì họ “chỉ còn một cây để rào”, đó chính là lợi ích của nước Anh mà thôi.

Đây là nền tảng đảm bảo cho “sức mạnh Anh”. Những thiệt hại tức thì, những khó khăn ập tới, những bất ổn gia tăng chỉ là những hiệu ứng tất yếu, song những điều ấy sẽ giảm dần qua năm tháng cùng với sự lớn mạnh của nước Anh.

Người viết nhận định rằng, những tiêu cực đối với nước Anh sẽ không kéo dài tới 43 năm mà vẫn không thể giải quyết được như cuộc hôn phối Anh – EU. Vệc thành lập chính phủ của bà Theresa May là khởi đầu cho những tích cực ấy.

Ngược lại với EU, tình hình không khả quan như với Anh. Cho dù hiện tại mọi thứ đang diễn ra có vẻ với chiều hướng khả quan cho EU hơn là với nước Anh.

Có thể nhận diện sự nguy hại lớn nhất với EU lúc này chính là hiệu ứng domino Brexit, dù chỉ mới chỉ hình thành trong tư tưởng của các thành phần ủng hộ chủ nghĩa dân tộc tại các quốc gia thành viên còn lại của EU.

Sự nhanh chóng thành lập chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May là một bước đi quan trọng trong việc đưa nước Anh ra khỏi khó khăn nhất thời hậu Brexit. Ảnh: The Independent.
Sự nhanh chóng thành lập chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May là một bước đi quan trọng trong việc đưa nước Anh ra khỏi khó khăn nhất thời hậu Brexit. Ảnh: The Independent.

Bởi lẽ, việc ngăn chặn C-exit, D-exit…sẽ khiến cho EU nghiêng ngả và đặc biệt là độ nguy hiểm sẽ gia tăng cùng với hiệu ứng tích cực từ nước Anh thời hậu Brexit.

Không khó nhận diện sự chia rẽ đã, đang và sẽ xuất hiện ngày càng lớn ngay trong hàng ngũ lãnh đạo của EU mà nguyên nhân vẫn là sự bất hợp lý giữa vị thế - vai trò, trách nhiệm – quyền lợi của các thành viên EU.

Việc người Đức “ngồi cùng mâm” với Croatia là một sự khiên cưỡng khó bỏ qua.

Như vậy, qua năm tháng nước Anh vượt qua khó khăn và phát triển thì điều đó càng khiến cho EU phải nơm nớp lo sợ cho những C-exit, D-exit trong tương lai.

Do đó, cải cách là bước đi bắt buộc với EU và kèm theo đó phải đối mặt với những hệ luỵ cả về kinh tế - chính trị - xã hội cho những cái vặn mình tiếp theo và có thể có nhiều khúc xương gãy kiểu Brexit, dù lãnh đạo EU không mong muốn.

Nhận diện hiệu ứng tích cực và khả năng phục hồi của kinh tế Anh 

Nhiều nhà phân tích đã dự đoán sẽ diễn ra việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng nước Anh và đồng GBP sẽ giảm xuống 1GBP = 1,25USD hoặc thấp hơn.

Vậy nhưng trong phiên giao dịch sáng 15/7 tại Luân Đôn, đồng GBP đã tăng 0,5%, lên 1GBP = 1,3414USD. GBP cũng tăng 0.3% so với đổng euro, khi 0,8307GBP = 1EUR.

Giới đầu tư nhận định, đồng GBP có sức đề kháng mạnh mẽ và sẽ có sự bứt phá lên đến 1GBD>1,35USD, theo Reuters ngày 15/7. 

Theo Trưởng phòng nghiên cứu G10 FX của Credit Agricole ở London Valentin Marinov: "Tôi nghĩ rằng triển vọng ngắn hạn sẽ đóng vai trò chi phối trong vài tuần tới và vẫn có khả năng củng cố hơn nữa".

Brexit không hẳn là sai lầm, không chỉ có hậu quả ảnh 5

Brexit: Nước Anh không sốc sao chúng ta phải sốc?

(GDVN) - Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào bởi Brexit thì có lẽ phải hàng năm nữa mới có thể nhận diện kết quả.

"Tôi nghĩ rằng đợt tăng này là một cơ hội cho các triển vọng kinh tế ngắn hạn", một chuyên viên cao cấp tại một ngân hàng quốc tế tại London cho biết, theo tường thuật của Reuters.

Có thể thấy rằng, kinh tế nước Anh không ảm đạm như việc đồng bảng xuống giá thấp nhất trong 31 năm vào ngày 23/6 vừa qua.

Điểm sáng của nền kinh tế tại xứ sở sương mù không phải chỉ là sự le lói. Thực ra nó có nền tảng đảm bảo cho điều ấy, việc nước Anh không tham gia vào eurozone là một trong những yếu tố quyết định.

Đồng GBP đã dần trở lại với cơ chế điều tiết của thị trường tiền tệ thế giới một cách bình thường.

Do vậy, quá nhạy cảm với Brexit, quá bi quan với kinh tế của nước Anh đã khiến cho nhiều thực thể kinh tế trên thế giới thiệt hại rất lớn.

Hàng ngàn tỉ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán. Thị trường tiền tệ hậu Brexit là hậu quả của việc bị hiệu ứng “té nước theo mưa” làm dao động qua việc “bi thảm hoá” Brexit. Thực ra Brexit không gây nên hậu quả như vậy.

Kinh tế Việt Nam, quan hệ kinh tế Việt nam – Vương quốc Anh không bị ảnh hưởng xấu bởi Brexit không chỉ vì nó chiếm tỷ trọng không lớn, mà còn bởi vì nền tảng kinh tế tại “quê hương của Brexit” đảm bảo cái giá nó phải trả để vượt qua bão tố ở mức thấp nhất.

Do vậy lợi hay hại từ Brexit là do nhận diện sự tích cực của vấn đề này. Đặc biệt là nhận diện thật – giả trong hiệu ứng của Brexit với mỗi quốc gia.

Tóm lại, Brexit không chỉ có sai lầm và hậu quả bởi thực ra nó không phải là sai lầm nên không gây ra hậu quả. Những tiêu cực phía sau sự kiện này là hệ quả tất yếu của một sự chia tách giữa hai thực thể sau 43 năm liên kết, liên minh.

Sai lầm và hậu quả của Brexit chủ yếu là do nhận diện bản chất vấn đề và sự nhạy cảm quá mức với một sự kiện “trăm năm có một” này, từ đó vô hình chung tạo cơ hội làm giàu cho người khác và làm hại chính mình.

Tài liệu tham khảo:

http://uk.reuters.com/article/britain-markets-sterling-idUKL8N1A11KM

http://bnews.vn/dong-bang-anh-co-xu-huong-tang-gia-manh-nhat-ke-tu-nam-2009/20001.html

http://www.ft.com/cms/s/0/e404c2fc-3913-11e6-9a05-82a9b15a8ee7.html#axzz4Em2tCiBp

https://www.theguardian.com/business/live/2016/jun/24/global-markets-ftse-pound-uk-leave-eu-brexit-live-updates

http://www.bbc.com/news/uk-politics-36615028

http://bnews.vn/dong-bang-anh-o-gan-muc-thap-nhat-trong-30-nam/18631.html

http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2009/03/11/AR2009031100547.html

Ngọc Việt