Cạm bẫy pháp lý, chủ quyền trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”

24/03/2019 07:19
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Ngoài “bẫy nợ” nói trên, một cái bẫy không kém phần nguy hiểm đó là “bẫy pháp lý” ẩn chứa trong cái gọi là "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21".

Tiếp theo phần đầu: Bẫy nợ trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Dự án “Vành đai Con đường” bị bỏ rơi bởi người Trung Quốc?

Đó là câu hỏi mở của Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Min Xinpei) người Mỹ gốc Hoa trên tạp chí Nikkei Asian Review ngày 15/2/2019 trong bối cảnh, sáng kiến đầu tư toàn cầu này của ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sự chỉ trích trong nước vì những lo ngại về kinh tế, tài chính.

Nhưng thật khó để phát hiện các dấu hiệu công khai về bất kỳ sự dao động nào trong việc ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, bên dưới sự phẳng lặng ấy dường như tồn tại những chỉ trích ngấm ngầm ngày càng gia tăng ở Trung Quốc về “Vành đai và Con đường”, đặc biệt là trong bối cảnh cảm nhận sức ép kinh tế, sức ép phải đương đầu với Hoa Kỳ ngày một rõ rệt, những chỉ trích và phê phán từ các quốc gia mục tiêu Vành đai và Con đường ngày càng gia tăng.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters).
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters).

Những người Trung Quốc hoài nghi Vành đai và Con đường, có cả học giả, nhà kinh tế, doanh nhân...

Họ đang lặng lẽ đặt câu hỏi, liệu chính phủ nước họ có nên sử dụng nguồn lực không còn dồi dào của quốc gia mình cho “Vành đai và Con đường” không?

Chắc chắn không có thông báo chính thức nào từ Bắc Kinh cho thấy sáng kiến “Vành đai và Con đường” sắp kết thúc.

Tuy nhiên, những người quan tâm tới “Vành đai và Con đường” có thể phát hiện ra sự suy giảm rõ ràng trong tần suất tuyên truyền tại Trung Quốc về sáng kiến này.

Tháng Giêng 2018 Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đã có 20 bài viết về Vành đai và Con đường, tháng Giêng năm nay chỉ còn 7 bài viết.

Nếu so sánh bức tranh truyền thông chính thức Trung Quốc viết về “Vành đai và Con đường” đầu năm 2019 với cùng kỳ năm trước, có thể chúng ta sẽ thấy một bức tranh rõ ràng hơn về vị trí của sáng kiến này trên truyền thông. Nó phản ánh làn sóng ngầm chống lại Vành đai và Con đường ngày càng rõ.

Bởi vì, bối cảnh khu vực và quốc tế bên ngoài Trung Quốc đã thay đổi kể từ khi ông Tập Cận Bình tung ra sáng kiến “Vành đai và Con đường” năm 2013.

Tại thời điểm đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt gần 4 nghìn tỷ USD. Sử dụng khoản tiền này để đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài có vẻ như là một ý tưởng tuyệt vời để đưa nhà thầu, vật liệu và công nhân Trung Quốc ra ngoài lãnh thổ theo chân các dự án sử dụng vốn vay / viện trợ của Trung Quốc, đặc biệt là thép, xi măng.

Nhưng, 5 năm qua thế giới đã thay đổi. Suy giảm kinh tế đã kích hoạt trào lưu rút vốn, hơn 1 nghìn tỷ USD đã ra khỏi dự trữ ngoại hối của quốc gia này.

Nếu chiến tranh thương mại Trung - Mỹ gia tăng, Trung Quốc sẽ khó có thể gom đủ thặng dư ngoại hối để tài trợ cho các dự án trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” trên cùng một quy mô như hiện nay.

Cán cân thanh toán xấu đi sẽ buộc Bắc Kinh phải sử dụng lượng ngoại hối dự trữ để bảo vệ đồng nhân dân tệ và duy trì lòng tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của Trung Quốc.

Do đó, Bắc Kinh sẽ phải xem xét một cách cẩn thận các cam kết tài chính với nước ngoài, các dự án được thực hiện bởi ngoại hối sẽ được đánh giá lại, một số sẽ phải bị giới hạn, thậm chí kết thúc hoàn toàn.

Cạm bẫy pháp lý, chủ quyền trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”  ảnh 2Chiến lược Vành đai và Con đường đang bị chệch hướng?

Rắc rối cho “Vành đai và Con đường” không chỉ xuất phát từ xu hướng suy giảm nguồn cung ngoại hối của Trung Quốc trong những năm tới.

Trong nước, Bắc Kinh phải đối mặt với vấn đề chi phí lương hưu tăng, kinh tế tăng trưởng chậm và nguồn thu từ thuế giảm.

Năm 2018 tăng trưởng doanh thu tài chính của Trung Quốc giảm 1,2% so với 2017, viễn cảnh tài chính dự kiến sẽ còn xấu đi trong năm nay do cắt giảm thuế và kinh tế tăng trưởng chậm.

Lỗ hổng lớn nhất trong ngân sách của Trung Quốc là chi tiêu cho lương hưu tăng nhanh vì dân số già hóa nhanh chóng.

Chủ tịch Tập Cận Bình và những người ủng hộ ông có thể tiếp tục theo đuổi “Vành đai và Con đường”?

Nhưng, theo Giáo sư Bùi Mẫn Hân, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng biết rằng ngày càng ít người dân nước mình ủng hộ việc lấy tiền lương hưu trí của những người đóng bảo hiểm xã hội để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở một đất nước xa xôi nào đó.

Bài học cảnh giác

Ngoài “bẫy nợ” nói trên, chúng tôi muốn đề cập đến một cái bẫy không kém phần nguy hiểm đó là “bẫy pháp lý” ẩn chứa trong cái gọi là "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21", được coi là một nhánh của  dự án “Vành đai và Con đường”.

"Con đường Tơ lụa thế kỷ 21" theo trình bày của Trung Quốc thì dù điểm đầu, điểm cuối ở đâu nó cũng phải đi qua Biển Đông, vùng biển đang rất căng thẳng vì những hành động leo thang của Bắc Kinh.

Bởi vì, thời điểm ông Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21" cũng là thời điểm Trung Quốc bắt đầu leo thang bành trướng mạnh mẽ trên Biển Đông, bắt đầu từ các hoạt động quân sự.

Chiến lược bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp trên 7 thực thể địa lý ở Trường Sa cũng được bắt đầu triển khai trong khoảng thời gian này.

Để thu hút sự chú ý của dư luận ra khỏi hoạt động thay đổi hiện trạng, tạo ra một "trạng thái bình thường mới" có lợi thế rất lớn cho Trung Quốc ở Biển Đông về an ninh - quân sự, Bắc Kinh đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau, từ "hoạt náo" như vụ giàn khoan 981 cho đến thủ đoạn kinh tế.

Việc thúc đẩy quảng bá "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21", dùng 40 ngàn tỉ USD của Quỹ Con đường Tơ lụa trên biển là để thu hút các nước ASEAN, nhất là các nước ở xung quanh Biển Đông, bằng cách “giành sự công nhận trên thực tế” của các nước này đối với những hải đảo và vùng biển nằm trong đường “lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, nếu vì lợi ích kinh tế, kỹ thuật mà sao nhãng vấn đề pháp lý, an ninh, quốc phòng, mất cảnh giác trước những "cạm bẫy pháp lý” cực kỳ nguy hiểm đó.

Việt Nam đã từng phát hiện ra những “cạm bẫy pháp lý” đó và trong thực tế đã nhiều lần lên tiếng đấu tranh, phản đối việc làm này của phía Trung Quốc tại nhiều diễn đàn do các Tổ chức quốc tế tổ chức.

Chẳng hạn: Ngày 09/9/1975, tại Hội nghị Khí tượng Thế giới, Geneve, để bác bỏ đề nghị của phía Trung Quốc, Đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tiếp tục đăng ký đài khí tượng Việt Nam vào hệ thống SYNOP của Tổ chức khí tượng Thế giới, giữ nguyên ký hiệu 48.860 và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cạm bẫy pháp lý, chủ quyền trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”  ảnh 3Trung Quốc đang cạn nguồn tiền để đổ vào Vành đai và Con đường?

Tháng 6/1980, tại Hội nghị Khí tượng khu vực châu Á lần thứ 2, Geneve, Đại biểu Việt Nam tuyên bố Trạm khí tượng Sanhudao do Trung Quốc đặt tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là bất hợp pháp.

Và, kết quả là Trạm Hoàng Sa, ký hiệu 48.860 của Việt Nam vẫn được giữ nguyên trong danh sách các trạm khí tượng quốc tế.

Tháng 7/1980, tại Hội nghị Địa chất Quốc tế lần thứ 26, họp tại Pari từ 7-17/7, Trưởng đoàn Việt Nam, ông Phạm Quốc Tường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Việt Nam đã gửi công hàm cho Chủ tịch Hội nghị và Tổng thư ký Hội nghị.

Trưởng đoàn Việt Nam đã vạch trần và tố cáo hành động của Đoàn đại biểu Trung Quốc lợi dụng Hội nghị để tung tài liệu tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa với lập luận các quần đảo này là sự kéo dài của lục địa Trung Quốc…

Tháng 12/1981, Tổng cục Bưu điện Việt Nam gửi điện cho Chủ tịch Ủy ban đăng ký tần số tại Geneve phản đối việc Trung Quốc được phép phát một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tháng 10/1982, tại Hội nghị Liên minh Viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union, viết tắt là ITU), Đại biểu Việt Nam tuyên bố không chấp nhận việc phát sóng đã được phân chia năm 1978 tại Geneve.

Cuối tháng giêng năm 1983, Hội nghị Hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương họp ở Singapore, Trung Quốc đưa đề nghị mở rộng vùng thông báo bay (FIR) Quảng Châu lấn vào FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh, nhưng Hội nghị quyết định duy trì nguyên trạng.

Tháng 12/1985, Việt Nam phê chuẩn Công ước Narobi 1982, tuyên bố yêu cầu ITU sửa đổi Phụ lục AER2 của Thể lệ Vô tuyến viễn thông, khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Vì vậy, Việt Nam không chấp nhận những thay đổi có liên quan đến tần số đã được phân chia ở vùng 6D, 6F, 6G nêu trong Biên bản Hội nghị Hành chính thế giới về thông tin vô tuyến năm 1978…

Tất cả những thông tin này có thể đủ để khẳng định rằng, phía Trung Quốc đã lợi dụng mọi diễn đàn quốc tế, mọi tổ chức quốc tế, mọi dự án kinh tế, kỹ thuật… để tranh thủ giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với các quần đảo nằm giữa Biển Đông và hợp thức hóa ranh giới biển theo đường “lưỡi bò” phi lý…

Tiến sĩ Trần Công Trục