Cần nhận thức mới, tư duy mới để củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia

27/08/2016 09:38
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Hun Sen ngày nay là Thủ tướng một quốc gia độc lập, không còn là một chiến binh Campuchia được Việt Nam cưu mang trong kháng chiến chống Pol Pot.

LTS: Tiếp theo bài phân tích "Củng cố quan hệ Việt Nam - Campuchia, bài toán mới cho ngành ngoại giao Việt Nam", Tiến sĩ Trần Công Trục gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết thứ 2 của ông trong chủ đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Tâm lý bài Việt đang trỗi dậy tại đất nước Chùa Tháp láng giềng được thể hiện rõ nét qua 3 khía cạnh: Tranh chấp biên giới lãnh thổ, cộng đồng người Việt tại Campuchia và những điều chỉnh chính sách của Thủ tướng Hun Sen tôi đã trình bày ở bài viết trước. 

Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin được tập trung chia sẻ một số suy nghĩ về nguyên nhân và giải pháp có liên quan đến vấn đề giải quyết các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ quốc gia.

Chỉ khi nào xác định đúng nguyên nhân đâu là khách quan, đâu là chủ quan, chúng ta mới tìm được giải pháp phù hợp để củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc.

Đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phải đối mặt với làn sóng tuyên truyền kích động chia rẽ từ các thế lực chính trị đối lập Campuchia, cũng như bàn tay can thiệp của một bên thứ 3 hòng chống phá biên giới Tây Nam Việt Nam.

Nguyên nhân khách quan từ lịch sử

Chủ tịch Viện nghiên cứu Chiến lược Campuchia (CISS) Vannarith Chheang nhận định trên đài BBC tiếng Việt hôm 24/8 rằng:

“Quan hệ giữa người Việt Nam và người Campuchia luôn luôn căng thẳng. 

Quan niệm của đa số người Campuchia về người Việt Nam khá tiêu cực, vì thế sự kiện này cũng bị khơi lên một phần vì chính trị nội bộ của Campuchia về vấn đề chủ nghĩa dân tộc. 

Tôi nghĩ chủ nghĩa dân tộc là lá bài quan trọng để có thể thắng cuộc bầu cử.” [1]

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

VOA Cambodia ngày 5/7 vừa qua dẫn lời các nhà nghiên cứu lịch sử nhận định, do những biến thiên của lịch sử với công cuộc Nam tiến của tổ tiên người Việt, sự ngờ vực và sợ hãi đã ăn sâu trong tiềm thức của người Campuchia.

Đây chính là nhân tố gốc rễ thái độ bài Việt và phân biệt chủng tộc nhằm vào cộng đồng người Campuchia gốc Việt trong xã hội đất nước Chùa Tháp hiện nay. [2] 

Chính vấn đề biên giới lãnh thổ và vấn đề dân tộc đã bị Pol Pot, Khmer Đỏ lợi dụng tuyên truyền và lấy đó làm cớ để tấn công biên giới Việt Nam và gây ra cuộc diệt chủng nhằm vào người Campuchia gốc Việt, người Campuchia có cảm tình hay thân thiện với Việt Nam.

Ngày nay, những mặt trái lịch sử giữa hai dân tộc lại được các thế lực chính trị lợi dụng, xuyên tạc để nhằm tìm kiếm phiếu bầu, khiến tình hình càng trở nên phức tạp.

Hôm 23/8/2016, 5 nghị sĩ đối lập CNRP viết thư cho Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng nói rằng, có hơn 430 ha đất nông nghiệp tại tỉnh Svay Rieng đang bị một số người Campuchia cho người Việt Nam thuê, bất chấp lệnh cấm của Thủ tướng Hun Sen từ 1 năm trước. [2]

Sự thật về việc này ra sao vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhưng nó cho thấy tâm lý cảnh giác, đề phòng đã ăn sâu trong xã hội Campuchia và đang được các phe phái chính trị khai thác tối đa phục vụ cho mục đích kiếm phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018.

Do đó trong xử lý các vấn đề liên quan đến quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày nay, chúng ta phải thấy được bức tranh tổng thể xuyên suốt từ quá khứ - hiện tại - tương lai để thu hẹp bất đồng, xóa dần nghi kị, tăng cường hiểu biết và lòng tin thì mới mong giải quyết được vấn đề một cách bài bản, gốc rễ.

Nguyên nhân chủ quan từ nhận thức, tuyên truyền và ứng xử

Sambo Manara, một Giáo sư về lịch sử từ Đại học Hoàng gia Phnom Penh nói với VOA Cambodia, nhiều người Campuchia vẫn có những nghi ngờ rằng những nước láng giềng lớn hơn, Thái Lan ở phía Tây và Việt Nam ở phía Đông, luôn tìm cách thôn tính đất nước họ.

Năm 1970, Nuon Khoen, một người Campuchia đưa ra thuyết âm mưu xuyên tạc rằng, Việt Nam cuối cùng sẽ kiểm soát Campuchia và Lào để thành lập Liên bang Đông Dương.

Thuyết âm mưu này đã được Khmer Đỏ sử dụng ngay sau khi chiếm được Phnom Penh năm 1975. [1]

Chính từ những nhận thức lệch lạc về lịch sử, kết hợp với sự xui nguyên, giục bị, “đâm bị thóc, chọc bị gạo” từ một bên thứ ba, Khmer Đỏ đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đẫm máu năm 1978, buộc Việt Nam phải đáp trả, đồng thời đưa quân tình nguyện sang giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt bọn diệt chủng Khmer Đỏ.

Xương máu của hàng ngàn bộ đội tình nguyện Việt Nam đã đổ xuống cho đất nước Campuchia hồi sinh là một thực tế không ai phủ nhận được. Thủ tướng Hun Sen cũng từng nói rõ:

Cần nhận thức mới, tư duy mới để củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia ảnh 2

Đừng trách Hun Sen, hãy tiếp tục ủng hộ PCA ra phán quyết hủy "lưỡi bò"

(GDVN) - Trung Quốc lo sợ nhất, muốn tìm cách lôi kéo, chia rẽ và phân hóa nhất trong vấn đề Biển Đông, xung quanh vụ kiện của Philippines chính là Việt Nam.

"Việt Nam đã hy sinh quân tình nguyện ở Campuchia hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu.

Việt Nam đã phải trả một cái giá rất cao khi giúp đỡ Campuchia. Vừa hy sinh tính mạng của dân, quân, vừa hy sinh tài sản, vừa hy sinh chính trị, ngoại giao.

Vấn đề này không quên được. Hồi đó Việt Nam bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng giúp Campuchia, vì nhân dân, đất nước Campuchia chịu hy sinh và hơn 30 năm người ta mới công nhận." [3] 

Chúng ta đều biết rằng, Việt Nam, Lào và Campuchia không chỉ là ba nước láng giềng liền giậu, liền sân, mà còn chung chiến hào chống thực dân đô hộ, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

Chính điều này đã gắn kết cách mạng 3 nước với nhau, và cũng vì điều đó tạo ra nhiều duyên nợ.

Rất nhiều cựu chiến binh Việt Nam từng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và tiêu diệt Khmer Đỏ để giúp Campuchia thoát họa diệt chủng đã bức xúc trước những phát biểu của Campuchia về Biển Đông.

Thậm chí có những quan điểm chỉ trích bạn là "vô ơn".

Nhưng chúng ta quên mất rằng, không chỉ có Việt Nam giúp đỡ Campuchia mà chính nước bạn cũng đã chung lưng đấu cật với Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến.

Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chính người dân Campuchia cũng đã đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng cho các cán bộ lãnh đạo Việt Nam hoạt động cách mạng. 

Và cũng chính đất nước Chùa Tháp đã phải hứng chịu hàng tấn bom Mỹ rải thảm trong Chiến tranh Việt Nam vì bộ đội Việt Nam được nước bạn cưu mang.

Tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia viết bằng xương máu của đồng bào, chiến sĩ cả hai nước. Nếu chúng ta chỉ thấy mình hy sinh xương máu cho bạn mà quên mất rằng, bạn cũng từng đổ máu cho mình thì quả thực là điều không công bằng và không nên.

Ngày nay tình hình khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi. Việt Nam và Campuchia đã trở thành hai nước láng giềng hữu nghị, nhưng đồng thời cũng tồn tại những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ do lịch sử để lại.

Chúng ta gặp rất nhiều khó khăn để vực dậy đất nước sau chiến tranh, Campuchia còn khó khăn hơn ta.

Trong lúc đó, có những nước lớn đổ hàng tỉ USD viện trợ cho Campuchia, trong khi khả năng giúp đỡ về kinh tế của chúng ta có hạn, cho dù đã cố gắng hết sức.

Trước những vấn đề nóng liên quan đến lợi ích quốc gia dân tộc, nước nào cũng phải đặt lợi ích của mình lên trên.

Do đó, thay vì vội vàng chỉ trích, lên án láng giềng "vô ơn" hay thế này thế khác, đã đến lúc chúng ta cần xem lại chính cách ứng xử của mình đối với bạn có còn phù hợp hay không?

Cần nhận thức mới, tư duy mới để củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia ảnh 3

Đàm phán Hoàng Sa và cơ hội khẳng định "tầm cỡ" của ngài Hun Sen

(GDVN) - Mong rằng Thủ tướng Campuchia lắng nghe những tiếng nói đa chiều và có tinh thần phân tích độc lập, chỉ dựa vào luật pháp quốc tế thay vì lập trường chính trị.

Hun Sen ngày nay là Thủ tướng một quốc gia độc lập, không còn là một chiến binh Campuchia được Việt Nam cưu mang trong kháng chiến chống Pol Pot và bè lũ Khmer Đỏ. [3]

Trong quan niệm và thể hiện ở một số tình huống ứng xử, một số người trong chúng ta vẫn còn vướng vấn về quá khứ lịch sử đầy những “ân- oán” này. 

Chính tâm lý và cách ứng xử đó không còn thích hợp với quan hệ chính trị hiện nay giữa các quốc gia láng giềng nói chung, hai nước Việt Nam và Campuchia nói tiêng.

Nếu còn tiếp tục như vậy thì chỉ có thể đẩy hai nước láng giềng xa nhau.

Cần nhận thức mới, tư duy mới để củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia

Từ những vấn đề đang đặt ra cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia cũng như phân tích một số nguyên nhân được coi là cốt lõi nhất của vấn đề, cá nhân tôi xin kiến nghị một số giải pháp để duy trì và củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Campuchia trong tình hình hiện nay:

Thứ nhất chúng ta phải sòng phẳng với lịch sử, rút ra được bài học cho mình trong quan hệ bang giao. 

Những câu chuyện của quá khứ có đúng, có sai, có tốt, có xấu phải được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, trung thực, cầu thị.

Phải dựa trên cơ sở của những nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế thích hợp cho từng thời kỳ lịch sử nhất định, với mục đích rút ra những bài học quý giá nhằm tránh lặp lại những khúc quanh của lịch sử.

Thay vì im lặng hay né tránh, các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu cần vào cuộc trao đổi, đối thoại những vấn đề nóng mà hai bên, dư luận hai nước quan tâm. Chỉ có đối thoại mới thu hẹp được bất đồng.

Thứ hai, thực tiễn đời sống chính trị thế giới đã phát triển nhanh chóng, thời kỳ chia phe Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa đã qua lâu. Thay vào đó là xu thế hòa bình, hội nhập và phát triển. 

Tình đồng chí, anh em ngày trước cần được chuyển đổi thành quan hệ đối tác chân thành, tin cậy, hợp tác cùng có lợi.

Điều này đã được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định trong Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, rằng lợi ích quốc gia dân tộc kết hợp với luật pháp quốc tế là nền tảng của các hoạt động đối ngoại.

Tuy nhiên người viết hy vọng rằng, chủ trương ấy cần nhanh chóng được cụ thể hóa thành hành động thiết thực, cụ thể, bằng việc tập trung chỉ đạo để sớm kết thúc đàm phán phân giới cắm mốc biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia tại  những điểm còn tồn đọng.

Những điểm còn có ý kiến khác nhau do cả hai bên chưa đủ tài liệu pháp lý chứng minh và thuyết phục được nhau, chúng ta nên tính đến phương án thực tế và công bằng theo thực tiễn luật pháp quốc tế.

Một đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài cho cả hai nước quan trọng hơn rất nhiều so với “ lập trường” cứng nhắc, duy ý chí, cố tình “bảo vệ” những gì không đủ căn cứ pháp lý.

Làm sao tránh để lặp lại những bài học phải trả giá bằng máu và nước mắt của đồng bào, chiến sỹ nơi biên cương, chỉ vì để bảo vệ khu vực biên giới chưa đủ cơ sở pháp lý rõ ràng, khách quan để chứng minh nơi đó là đất của mình hay không phải là đất của mình.

Thác Bản Giốc, khu vực Hữu Nghị quan, bãi Tục Lãm….là những bài học bổ ích cho những ai đang đảm nhiệm trong trách này.

Muốn làm được điều này không chỉ đòi hỏi sự dũng cảm thượng tôn pháp luật, mà còn phải vượt qua những lợi ích cục bộ địa phương, bộ ngành mà đặt lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Thứ ba cần trao đổi thẳng thắn, đối thoại công khai cùng với chính phủ Campuchia làm rõ những bất đồng và giải pháp, tránh để các thế lực chính trị lợi dụng chống phá biên giới giữa hai nước cũng như quan hệ giữa hai nước.

Thứ tư, với những vấn đề liên quan đến lợi ích hai bên cần có sự chiếu cố thỏa đáng đến nhau, ví dụ cách ứng xử trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. 

Chúng ta không thể có nhiều tiền để giúp bạn như Trung Quốc, cũng không thể ép buộc bạn phải hoàn toàn theo quan điểm của ta, cái chúng ta cần làm là hợp tác sòng phẳng cùng có lợi. 

Do đó nếu không thuyết phục được bạn trong một số vấn đề như Biển Đông tại ASEAN thì phải tìm cách khác, không nên đẩy Campuchia xa chúng ta thêm.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160824_cambodia_border_vietnam

[2]https://www.cambodiadaily.com/news/land-leases-continue-border-cnrp-says-117186/

[3]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/155538/ong-hun-sen-tiet-lo-bi-danh-viet-nam.html

Ts Trần Công Trục