Củng cố quan hệ Việt Nam - Campuchia, bài toán mới cho ngành ngoại giao Việt Nam

26/08/2016 12:22
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - 3 vấn đề nổi cộm trong quan hệ Việt Nam – Campuchia hiện nay, đòi hỏi chúng ta có những nhận thức mới, tư duy mới để tìm giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề.

LTS: Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Campuchia thời gian gần đây có những diễn biến mới đáng chú ý. Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới lãnh thổ và luật pháp quốc tế gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xung quanh vấn đề này.

Tác giả mong muốn thông qua bài viết này góp phần chung sức tìm cách củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc, giữ vững hòa bình và ổn định trong khu vực trong bối cảnh tình hình quốc tế, tranh chấp Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Ngày 22/8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII" đã khai mạc tại Hà Nội.

Đây là một sự kiện chính trị quan trọng không chỉ của ngành ngoại giao, mà của cả đất nước.

Cá nhân tôi đánh giá rất cao những nỗ lực và thành tích mà ngành ngoại giao Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, góp phần rất lớn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa toàn cầu, thiết thực nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Tiến sĩ Trần Công Trục và một sĩ quan Bộ đội Biên phòng Việt Nam, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục và một sĩ quan Bộ đội Biên phòng Việt Nam, ảnh do tác giả cung cấp.

Tôi cũng rất chia sẻ với những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với ngành ngoại giao Việt Nam, cùng giải pháp mà ngành đề ra nhằm đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển, phồn vinh.

Là người có may mắn được tham gia công tác đàm phán hoạch định biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng, một vấn đề hệ trọng của đất nước cũng như ngành ngoại giao, bằng tâm huyết, kiến thức và kinh nghiệm của mình, tôi xin chia sẻ một vài vấn đề nóng thực tiễn đang đặt ra.

Hy vọng những góp ý nhỏ của tôi có thể giúp ích phần nào cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như Bộ Ngoại giao, liên quan đến một phần quan trọng của công tác đối ngoại, đó là làm sao củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Campuchia, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Phần I: Những vấn đề nảy sinh 

Dư luận Việt Nam thời gian qua rất quan tâm và có nhiều quan điểm bức xúc xung quanh lập trường của Campuchia về Biển Đông, nhưng theo tôi đây chưa phải điều đáng ngại.

Vấn đề mới nảy sinh mà chúng ta cần quan tâm, phân tích và nhìn nhận thấu đáo đó là sự trỗi dậy của tâm lý bài Việt trong xã hội Campuchia.

Tâm lý bài Việt tại đất nước Chùa Tháp đang trỗi dậy với sự thể hiện rõ rệt nhất qua 3 khía cạnh: Tranh chấp biên giới lãnh thổ; vấn đề cộng đồng người Campuchia gốc Việt trong chính sách nhập cư của nước bạn; những điều chỉnh chính sách của Thủ tướng Hun Sen

1. Tranh chấp biên giới lãnh thổ

Về biên giới lãnh thổ, Việt Nam và Campuchia đang trong giai đoạn phân giới cắm mốc trên bộ và đã hoàn thành khoảng 89% khối lượng công việc sau nhiều năm nỗ lực của cả hai phía.

Tuy nhiên tại một số điểm còn lại hai bên còn bất đồng, đã nảy sinh những vấn đề mới.

Tờ Khmer Times ngày 22/8 đưa tin, hôm 18/8/2016 Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi Công hàm đến Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía Việt Nam ngừng xây dựng một trạm kiểm soát biên giới ở khu vực chưa phân định tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai với xã Pk Nhai, huyện O'Yadav, tỉnh Rattankiri của Campuchia.

Biên giới Việt Nam - Campuchia trên đất liền có tổng chiều dài 1.270 km, hai bên đã tiến hành phân giới và cắm mốc thành công khoảng 89% chiều dài biên giới trên bộ với 282 cột mốc biên giới đã được xây cất trong tổng số 314 cột mốc được xác định. [1]

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong một lần dự lễ khánh thành cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, ảnh: báo Nhân Dân.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong một lần dự lễ khánh thành cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, ảnh: báo Nhân Dân.

Ngày 26/8/2016, tờ The Phnom Penh Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia, Khieu Sopheak than phiền rằng Việt Nam đã "thô bạo bỏ qua" kêu gọi của phía Campuchia, trong khi ưu tiên của chính phủ Campuchia là duy trì sự ổn định ở biên giới. [2]

Trong khi đó vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia lại bị các thế lực chính trị tại Vương quốc này lợi dụng kích động dân chúng để tranh giành ảnh hưởng chính trị trước thềm của cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia năm 2018.

Nếu chúng ta xử lý không khéo, vấn đề biên giới lãnh thổ có thể bị các thế lực chính trị chống đối lợi dụng, kích động dân chúng gây bất ổn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam và quan hệ Việt Nam - Campuchia.

2. Chính sách của Campuchia với cộng đồng người gốc Việt đang sinh sống tại Vương quốc này

Sáng 23/8, tại Hội nghị chuyên đề về công tác dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh và vấn đề định cư, sinh kế cho Việt kiều từ Campuchia về Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định:

Đồng bào di cư từ Campuchia về Việt Nam đã được các cơ quan chức năng giải quyết về quốc tịch và nhập khẩu, đồng thời được hỗ trợ đột xuất khó khăn. 

Đối với công tác di dân của Việt kiều từ Campuchia về Việt Nam, Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phối hợp với phía Campuchia giải quyết thủ tục cho kiều bào được sinh sống ổn định, hợp pháp tại Campuchia trên tinh thần hữu nghị, tuân thủ luật pháp nước bạn. [3]

Càng gần thời điểm bầu cử Quốc hội Campuchia, phe đối lập càng sử dụng chiêu bài bài Việt để kiếm phiếu. 

Ngày 22/8 /2016 Bộ Nội vụ Campuchia cho biết, theo điều tra của Tổng cục Di trú Campuchia, có trên 76 ngàn người nước ngoài cư trú tại Campuchia có "bất thường" về điều kiện pháp lý.

Báo cáo cho biết từ năm 2014 khi Tổng cục Di trú bắt đầu điều tra "người nước ngoài cư trú bất hợp pháp", đã phát hiện ra 10.892 người nước ngoài, trong đó có 9221 người gốc Việt và đã bị phía Campuchia trục xuất.

Tuy nhiên phe đối lập chưa thỏa mãn với con số này và sẽ còn tiếp tục tìm cách gây sức ép với chính phủ Campuchia về vấn đề người Việt. [4]

Theo điều tra của nhà báo Michele Penna đăng trên tờ Asia Sentinel ngày 26/7 vừa qua, có khoảng 75 ngàn người Việt được cho là sinh sống tại Campuchia, nhưng gần như phải sống trong tình trạng "vô thừa nhận".

Chỉ có một số ít được hưởng quyền công dân Campuchia.

Cộng đồng người Việt sinh sống tại Biển Hồ suốt hàng chục năm qua, nhưng rất nhiều người không được hưởng quyền công dân.

Luật Quốc tịch của Campuchia đã quy định, người nước ngoài sinh sống hợp pháp tại Vương quốc này có thể được áp dụng quy chế công dân. Nhưng rất khó chứng minh tính chất "hợp pháp".

Củng cố quan hệ Việt Nam - Campuchia, bài toán mới cho ngành ngoại giao Việt Nam ảnh 3

Tiền Trung Quốc có phải "chìa khóa vạn năng" cho Thủ tướng Hun Sen?

(GDVN) - Hun Sen vẫn hy vọng giành chiến thắng bằng cách bơm tiền Trung Quốc vào nền kinh tế các địa phương ở Campuchia.

Bởi lẽ muốn chứng minh "tính chất hợp pháp" cho người Việt sinh sống tại Campuchia để làm giấy tờ căn cước thì phải có công việc thích hợp. Mà muốn có công việc thích hợp được thừa nhận ở Campuchia thì người Việt phải có giấy tờ hợp pháp.

Sourn Butmao, Giám đốc điều hành Tổ chức Quyền của người thiểu số tại Campuchia nhận định: Đối với người Việt Nam tại Campuchia, họ luôn bị coi là "bất hợp pháp". [5]

Vì thế cuộc sống của bà con Việt kiều tại Campuchia gặp rất nhiều khó khăn, không được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, con cái không được học hành…

Theo dõi truyền thông Campuchia có thể thấy, gần như tuần nào cũng có trường hợp người Campuchia gốc Việt "không giấy tờ hợp pháp" bị cơ quan Di trú nước này bắt giữ.

3. Những điều chỉnh chính sách của Thủ tướng Hun Sen

Gần đây Thủ tướng Campuchia Hun Sen có những phát biểu công khai dễ bị lực lượng đối lập lợi dụng để kích động tâm lý bài Việt. Chúng ta không thể xem thường hiện tượng Thủ tướng nước bạn phải tranh cãi với một facebooker người Việt rằng:

"Việt Nam không phải là ông chủ của tôi. Tôi không phải trung thành với họ. Nếu bạn là một người Việt nhập cư hợp pháp tại Campuchia, bạn phải tuân theo pháp luật Campuchia. Nếu bạn là một người Việt nhập cư bất hợp pháp , bạn phải rời khỏi Campuchia."

Gần như ngay lập tức phe đối lập đã vồ lấy cơ hội này để kích động bài Việt. Eng Chhai Eang, nghị sĩ đảng CNRP nói với đài RFA về phát biểu này của ông Hun Sen:

"Nếu tầm nhìn chính trị này là thật, người Campuchia sẽ hoan nghênh nó với niềm vui, tương tự CNRP chào đón nó." [6]

Chủ tịch Viện nghiên cứu Chiến lược Campuchia (CISS) Vannarith Chheang nhận định với đài BBC tiếng Việt hôm 24/8: 

“Ông Hun Sen cần phải chứng minh ông là người bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền vì thế bất cứ điều gì mà ông nghĩ là xâm phạm chủ quyền Campuchia, ông sẽ phản đối. 

Lần này ông rất cứng rắn. Trước đây ông thỏa hiệp và xuống giọng khi nói đến vấn đề biên giới với Việt Nam. Nhưng bây giờ tôi nghĩ ông sẽ rất, rất cứng rắn."

Ông Vannarith nhận định, quan hệ song phương Việt Nam – Campuchia sẽ phải “đối mặt với nhiều thách thức hơn trong tương lai”. [7]

Khmer Times ngày 26/8/2016 bình luận: chính phủ Campuchia dường như đang bước vào cuộc chiến truyền thông để "chứng minh mình độc lập với Việt Nam" khi phe đối lập sử dụng con bài lệnh cấm của Hun Sen không cho người Việt thuê đất Campuchia ở vùng sát biên giới hai nước. [8]

Cá nhân tôi nhận thấy rằng, đây là 3 vấn đề nổi cộm trong quan hệ Việt Nam – Campuchia hiện nay, đòi hỏi chúng ta có những nhận thức mới, tư duy mới để tìm giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề.

Nguyên nhân và giải pháp tôi xin được phép trình bày trong Phần II: Cần nhận thức mới, tư duy mới để củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia, mời bạn đọc quan tâm theo dõi.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.khmertimeskh.com/news/28759/border-intrusion--ministry-complains-to-vietnam/

[2]http://www.phnompenhpost.com/national/cnrp-back-border-talk-request-sar-kheng

[3]http://vtv.vn/chinh-tri/tiep-tuc-phat-trien-san-xuat-vung-dan-toc-thieu-so-tay-nam-bo-20160823193226108.htm

[4]http://www.phnompenhpost.com/national/interior-ministry-details-citizenship-irregularities

[5]http://www.asiasentinel.com/society/cambodia-stateless-vietnamese/

[6]http://www.rfa.org/english/news/cambodia/the-neighbor-cambodia-08022016161113.html

[7]http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160824_cambodia_border_vietnam

[8]http://www.khmertimeskh.com/news/28992/cnrp--vietnamese-renting-land/

Ts Trần Công Trục