"Canh bạc" tiên phát chế nhân của Thủ tướng Shinzo Abe và tác động đến Biển Đông

25/01/2017 07:06
TS Trần Công Trục
(GDVN) - Tùy theo cách tiếp cận của ông Donald Trump, Nhật Bản có thể phải đánh giá lại kỹ lưỡng cách đối phó với Trung Quốc trên mặt trận an ninh.

Nikkei Asian Review ngày 23/1 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tìm cách thu xếp một cuộc gặp đầu tiên với tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sau khi ông tuyên thệ nhậm chức, nhưng vẫn chậm chân hơn Thủ tướng Anh Theresa May.

Bà May sẽ đi Washington vào thứ Sáu tuần này, trong khi chuyến thăm của ông Shinzo Abe phải lùi sang đầu tháng Hai vì tân chủ nhân Nhà Trắng đã kín lịch.

Mong muốn một hội nghị thượng đỉnh Nhật - Mỹ tổ chức ngay trong tháng Giêng 2017 đã không thành.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: en.yibada.com.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: en.yibada.com.

Hôm 22/1 Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã xác nhận với các phóng viên điều này: Tokyo đang tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ trước các nước lớn khác. 

Thủ tướng Shinzo Abe chủ động tìm cách xác nhận cam kết an ninh của tân chính phủ Hoa Kỳ

Trong hội nghị thượng đỉnh đầu tháng Hai tới, ông Shinzo Abe hy vọng nước Mỹ tái khẳng định cam kết sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku / Điếu Ngư trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự với Trung Quốc, theo hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, khi ông gặp Donald Trump.

Hai bên đang đàm phán về nội dung hội nghị thượng đỉnh này. Tokyo mong muốn thảo luận với Washington cách làm sâu sắc thêm liên minh an ninh song phương, nhắc lại nghĩa vụ của Mỹ bảo vệ các đảo Nhật Bản đang đóng giữ ở Hoa Đông, bao gồm Senkaku, theo Điều 5 Hiệp ước.

Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi hôm 22/1 đã có cuộc điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump, Michael Flynn.

Hai ông đồng ý rằng, Nhật - Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ. Flynn nói với ông Yachi, Tổng thống Donald Trump muốn trao đổi cụ thể với Thủ tướng Abe trong một cuộc họp.

Các nguồn tin nói với Nikkei Asia Review, Mỹ yêu cầu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso sẽ tháp tùng ông Shinzo Abe đi Washington. 

Hoa Kỳ muốn thiết lập một đường dây nóng giữa Phó Tổng thống Mike Pence với các thành viên nội các Nhật Bản để đảm bảo mối quan hệ ổn định.

"Canh bạc" tiên phát chế nhân của Thủ tướng Shinzo Abe và tác động đến Biển Đông ảnh 2

Philippines dùng kế "nhất tiễn song điêu", "mượn hoa dâng Phật"

(GDVN) - Màn "tung hứng" phối hợp ăn ý giữa Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng và người phát ngôn của Tổng thống Philippines nhắm tới 2 mục đích.

Nhật Bản lo lắng trước phong cách khó đoán trước của ông Trump có thể gây ra những biến động của thị trường tài chính. Một quan chức Nhật Bản cho biết:

"Ban đầu chúng tôi nghĩ, những phát biểu của ông ấy sẽ bình tĩnh hơn khi lễ nhậm chức Tổng thống đến gần, và chúng tôi đã rất ngạc nhiên về bài diễn văn nhậm chức.

Ông ấy không thay đổi nhiều so với chiến dịch tranh cử".

Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, việc Nhà Trắng tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP không bất ngờ.

Cái mà Tokyo quan tâm hiện nay là, Mỹ sẽ tham gia và giữ vai trò ở mức độ nào trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi triển khai thực hiện chủ trương ưu tiên “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, bằng cách cắt giảm ngân sách viện trợ cho các đồng minh truyền thống của mình trong khu vực.

Theo cách nói ví von của người Việt chúng ta là nước Mỹ dưới thời Trump sẽ “không ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nữa.

Tùy theo cách ứng xử thực tế của ông Donald Trump, Nhật Bản có thể phải đánh giá lại kỹ lưỡng cách đối phó với Trung Quốc trên mặt trận an ninh quốc gia.

Mặc dù ứng viên Ngoại trưởng Rex Tillerson nói trước phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ rằng, Washington vẫn duy trì cam kết bảo vệ quần đảo Senkaku theo Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, nhưng Tokyo vẫn cần sự xác nhận của Tổng thống Trump. [1]

"Canh bạc" của Thủ tướng Abe với ông Donald Trump

Financial Review ngày 23/1 bình luận, việc Thủ tướng Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên bay qua New York gặp ông Trump khi tỉ phủ này đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, là một canh bạc có chủ ý.

Ông muốn giành vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng nhiều hơn cho nước Nhật, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng và rủi ro tăng cao, cùng nguy cơ bất ổn ở châu Á.

Những nỗ lực nhanh chóng tìm cách thiết lập một mối quan hệ cá nhân gần gũi với tân Tổng thống Hoa Kỳ chỉ là một phần của điều này, nhưng rất quan trọng vì tính cách thất thường, quan điểm hoàn toàn mới của Donald Trump về chính sách đối ngoại và liên minh.

Rõ ràng Nhật Bản đang lo lắng về việc Mỹ sẽ tham gia và giữ vai trò như thế nào ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó ông Donald Trump đã phát đi một số thông điệp mâu thuẫn nhau, khiến đồng minh Nhật Bản lo ngại, và đã sớm tính đến các phương án tự chủ trong chính sách đối ngoại, an ninh quốc phòng của mình.

Thủ tướng Shinzo Abe chủ động ghé qua New York gặp ông Donald Trump sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, trên đường đi Peru dự hội nghị APEC. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Thủ tướng Shinzo Abe chủ động ghé qua New York gặp ông Donald Trump sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, trên đường đi Peru dự hội nghị APEC. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Trước khi Trump đắc cử, ông Shinzo Abe đã chủ động thúc đẩy năng lực tự chủ trong đảm bảo quốc phòng, an ninh cho đất nước mình, tăng cường hợp tác an ninh với các nước khác.

Vì vậy, ngay sau khi Trump đắc cử, ông Shinzo Abe đã chủ động thúc đẩy năng lực tự chủ trong đảm bảo quốc phòng, an ninh cho đất nước mình, tăng cường hợp tác an ninh với các nước khác.

Đó cũng là lý do đằng sau chuyến thăm 4 nước đầu năm 2017 của Thủ tướng Shinzo Abe, gồm Indonesia, Australia, Philippines và Việt Nam.

Ông Shinzo Abe từng xác định, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ và Ấn Độ đóng vai trò như 4 đỉnh của "tứ giác kim cương an ninh - dân chủ". [2]

Chủ động thích ứng để xoay chuyển tình thế

Người viết đánh giá rất cao sự chủ động của Thủ tướng Shinzo Abe và những nước cờ đối ngoại hết sức chủ động, linh hoạt một cách dứt khoát, mạnh mẽ.

Theo một báo cáo của Nikkei Asian Review ngày 10/11 năm ngoái, ông Shinzo Abe cùng bộ máy tham mưu hoạch định chính sách của mình cơ bản tin rằng bà Hillary Clinton sẽ trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Và Nhật Bản chuẩn bị các kế hoạch theo phương án này.

Tuy nhiên trong ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, thấy tỉ phủ Donald Trump bắt đầu dẫn trước và có khả năng thắng cử, ông Shinzo Abe lập tức chỉ đạo thuộc cấp nghiên cứu về Trump và tìm các kênh nhanh chóng tiếp cận ứng viên này.

Trong khi lãnh đạo nhiều nước lớn khác như Trung Quốc và phần đông dư luận quốc tế vẫn còn đang bất ngờ về kết quả bầu cử Mỹ, tiếp tục nghe ngóng chính sách mới của Trump, ông Abe đã đi nước cờ đầu tiên.

"Canh bạc" tiên phát chế nhân của Thủ tướng Shinzo Abe và tác động đến Biển Đông ảnh 4

Ông Rodrigo Duterte là cánh cửa mở cho vai trò của Mỹ ở Biển Đông

(GDVN) - Duterte đang tìm cách thu hút viện trợ và đầu tư từ cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc bằng cách không biến các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông thành tâm điểm.

Đó là bay qua New York trên đường sang Peru dự hội nghị APEC, để ông gặp trực tiếp Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ. [3]

Trump vẫn quyết rút Mỹ khỏi TPP, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn không dao động.

Trước đó ông thăm Singapore để củng cố hiệp định thương mại này. Sau khi Trump đắc cử, ông tiếp tục đi Australia tiếp tục củng cố hiệp định này.

Có thể thấy, cho dù vắng Hoa Kỳ, Thủ tướng Nhật Bản vẫn kiên nhẫn cùng các thành viên chủ chốt khác thúc đẩy hiệp định này, đặc biệt là Canada và Australia.

Thủ tướng Abe cần sự ổn định chính trị của đất nước Nhật Bản.

Đảng cầm quyền kiểm soát cả 2 viện Quốc hội và tỉ lệ ủng hộ ông vẫn khá phổ biến sẽ cung cấp cho Thủ tướng Shinzo Abe một lợi thế có thể kéo dài nhiệm kỳ đến năm 2021.

Điều này chứng tỏ Thủ tướng Shinzo Abe nắm chắc nghệ thuật đàm phán kể từ khi quay trở lại Nội các năm 2012.

TPP mang lại lợi thế và vỏ bọc chính trị để ông thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, đồng thời thúc đẩy vai trò ngày càng nổi bật của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Ý định của Thủ tướng Shinzo Abe muốn tiến thêm một bước nữa trong việc sửa đổi Hiến pháp, tăng quyền chủ động phòng thủ và tự đảm bảo an ninh cho đất nước là khá rõ ràng.

Do đó, trong trường hợp Tổng thống Donald Trump không nhắc lại cam kết của ông Obama về Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật một cách rõ ràng, người viết cho rằng Thủ tướng Shinzo Abe cũng sẽ xem đó là cơ hội để củng cố năng lực phòng thủ, tự lực tự cường.

Ông Abe cũng không nao núng, ngược lại, ông xem đó là cơ hội để củng cố năng lực phòng thủ, tiếp tục phát huy sức mạnh của ý chí tự lực tự cường vốn có trong huyết quản của người dân xứ mặt trời mọc.

Như vậy, bất luận chính quyền mới ở Hoa Kỳ tiếp cận vấn đề an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương như thế nào, thì Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe sẽ vẫn luôn luôn giữ thế chủ động trong mọi tình huống.

Điều này cho thấy, Nhật Bản sẽ trở thành một lực lượng quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật.

"Canh bạc" với tân Tổng thống Hoa Kỳ là một nước cờ chủ động, cho dù kết quả thế nào thì cũng sẽ giúp nước Nhật tối đa hóa lợi ích và trở thành một trụ cột an ninh mới ở khu vực, trong bối cảnh có nhiều biến động và tranh chấp phức tạp.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/Abe-seeks-Trump-s-assurances-on-Chinese-claimed-islands

[2]http://www.afr.com/opinion/columnists/shinzo-abes-deliberate-gamble-with-donald-trump-20170122-gtwkh8

[3]http://asia.nikkei.com/Features/US-election/Japan-scrambles-to-build-ties-with-Trump-from-scratch?n_cid=NARAN012

TS Trần Công Trục