Đài CNBC ngày 31/5 dẫn lời nhà phân tích chiến lược Rodger Baker từ Công ty khảo sát phân tích tình báo - địa chính trị Stratfor bình luận:
Việt Nam có thể trở thành một đối tác quan trọng trong dài hạn đối với Washington để trung hòa ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông và Đông Nam Á.
Nằm ở vị trí đặc biệt tại Đông Nam Á, Việt Nam có lập trường vững chắc chống lại các hoạt động bành trướng trên Biển Đông. [1]
Hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông cũng đã khiến Hoa Kỳ khó chịu. Ngay sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố:
"Đó sẽ là vấn đề nếu những hòn đảo (nhân tạo) trên thực tế nằm ở vùng biển quốc tế, không phải là một phần của Trung Quốc, thì chúng tôi sẽ đảm bảo rằng không để bất kỳ quốc gia nào thâu tóm các vùng lãnh thổ quốc tế.". [2]
Biển Đông đã tạm thời lắng xuống khi Nhà Trắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Nam Hải trong việc gây sức ép với Triều Tiên để họ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân.
Nhưng vấn đề Biển Đông đã quay trở lại chương trình nghị sự của Mỹ vào cuối tháng Năm vừa qua.
Jonathan Stromseth, thành viên cao cấp tại Viện Brookings nói với CNBC:
"Chuyến thăm Washington của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo thêm động lực cho quan hệ Mỹ - Việt đang chuyển động theo hướng tăng cường hợp tác chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Trong tuần qua, Hoa Kỳ đã bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam một số tàu tuần tra. Hải quân hai nước đã có những chuyến thăm viếng hữu nghị lẫn nhau, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam.". [1]
Việt - Mỹ có chung lợi ích trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông
Harry J. Kazianis - Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm National Interest được thành lập bởi cựu Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon - ngày 31/5 có bài bình luận trên tạp chí The Week [3], nhận định về Biển Đông và khả năng hợp tác an ninh Mỹ - Việt:
Ít nhất cho đến năm ngoái, Biển Đông là vấn đề chiến lược quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chắc chắn Biển Đông nằm trong tốp 5 điểm nóng tiềm ẩn trên toàn cầu bởi nguyên nhân quá rõ:
Trung Quốc nỗ lực phô diễn sức mạnh nhằm tìm cách thống trị một trong những tuyến hàng hải huyết mạch trọng yếu nhất của thế giới.
Sau khi Bắc Kinh bị thua hoàn toàn trong vụ kiện trọng tài Biển Đông do Philippines khởi xướng với Phán quyết hôm 12/7/2016, Biển Đông đã phải đối mặt với thách thức chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Một nhân viên cao cấp của Lầu Năm Góc đã nói với Harry J. Kazianis tháng Bảy năm ngoái rằng, nếu Chiến tranh Thế giới III nổ ra trong thập kỷ tới, thì phát súng đầu tiên sẽ nổ trên Biển Đông.
Tuy nhiên vì một loạt yêu tố, Biển Đông đã dần bị gạt ra ngoài danh sách các vấn đề đối ngoại ưu tiên của Washington:
Trung Quốc phản ứng bình tĩnh với Phán quyết Trọng tài, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cố gắng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và quá trình chuyển đổi chính quyền ở Nhà Trắng...
Harry J. Kazianis cho rằng, đó là một sai lầm lớn.
Trong khi ưu tiên hàng đầu của Mỹ ở châu Á là Bắc Triều Tiên, Trung Quốc đang từng bước chiếm ưu thế ở Biển Đông, một cách chậm nhưng chắc.
Bắc Kinh sẽ sớm triển khai vĩnh viễn các tàu ngầm, máy bay ném bom và chiến đấu cơ trên các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Khi vấn đề Biển Đông quay trở lại "màn hình ra đa" của chính quyền Tổng thống Donald Trump, hoạt động tuần tra tự do hàng hải của chính quyền Tổng thống Barack Obama được tái khởi động.
Nhưng đây có thể là một tính toán sai lầm lớn mà Trung Quốc sẽ tận dụng.
Chính sách của Hoa Kỳ với Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump đang trở thành tâm điểm chú ý của khu vực, ảnh: AP. |
Bởi về mặt chiến lược, các hoạt động này không có tác dụng đẩy lùi hay làm chậm bước tiến thống trị Biển Đông mà Bắc Kinh đang thúc đẩy, thậm chí nó càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Một bản tin trên CNN hôm 30/5 đã xác nhận những gì mà các chuyên gia như Harry J. Kazianis luôn luôn lo sợ:
Trung Quốc đang từng bước nắm quyền kiểm soát Biển Đông từ đáy biển.
Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng một mạng lưới ra đa dưới đáy biển để làm giảm khả năng tàng hình của tàu ngầm Mỹ và các nước khác hoạt động ở Biển Đông. [4]
Vì vậy, nếu Washington chỉ đơn giản cho tàu chiến chạy quanh Biển Đông, thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục lấn tới bằng cách cài đặt các thiết bị quân sự ngày càng tiến tiến trên mặt biển, và bây giờ là dưới lòng Biển Đông.
Đảo nhân tạo và các thiết bị Trung Quốc cài cắm ở Biển Đông là vĩnh viễn, trong khi hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Hoa Kỳ chỉ là tạm thời.
Harry J. Kazianis cho rằng, tin vui là chính quyền Tổng thống Donald Trump có thêm các lựa chọn và cơ hội để đảo ngược tình hình, nhờ chuyến thăm ngoại giao kịp thời đến Washington DC tuần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
(Tác giả Harry J. Kazianis nhầm thành chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang - người viết xin đính chính).
Việt Nam là một trong những nước có yêu sách (chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp) trên Biển Đông.
Nhiều năm qua, Việt Nam tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông.
Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump chỉ xem Biển Đông là một vấn đề quan trọng và kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam cho phép tàu hải quân Mỹ thường xuyên thăm các cảng của Việt Nam, đó cũng sẽ là một minh chứng Mỹ không lùi bước trước áp lực từ Trung Quốc.
Từ đây chính phủ Tổng thống Donald Trump có rất nhiều điều có thể làm.
Cuộc hội ngộ, tương phùng giữa những chính nhân quân tử |
Rõ ràng nhất là nội các của ông cần xây dựng một chiến lược toàn diện để đảm bảo Trung Quốc không thể biến Biển Đông thành ao tù của họ, điều mà chính quyền Tổng thống Barack Obama chưa làm được.
Nó có thể bao gồm việc buộc Bắc Kinh cam kết không đảo hóa bãi cạn Scarborough và biến cấu trúc này thành một tiền đồn quân sự của Bắc Kinh.
Ngoài ra, nếu Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy xu thế thay đổi hiện trạng, Mỹ nên nhắc nhở họ bằng các lựa chọn có sức nặng, ví như bán cho Đài Loan một gói vũ khí lớn.
Rõ ràng Washington có nhiều lựa chọn khi nói đến việc kiểm soát và cân bằng tuyên bố thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhưng chắc chắn rằng phương án cho tàu chiến chạy lòng vòng quanh đảo nhân tạo không nên là một trong số các lựa chọn ấy. [3]
Cá nhân người viết cho rằng, bình luận của nhà nghiên cứu Harry J. Kazianis rất đáng lưu tâm và tìm hiểu kỹ.
Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi ích chung chiến lược, lâu dài trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế, hòa bình, ổn định an ninh và tự do hàng hải - hàng không trên Biển Đông.
Những nhắc nhở của ông Kazianis về các bước tiến bành trướng "chậm nhưng chắc" của Trung Quốc trên Biển Đông rất có cơ sở.
Đặc biệt là động thái lắp đặt hệ thống quan trắc thu thập tin tức tình báo đáy biển với âm mưu vô hiệu hóa hoạt động tàu ngầm của đối phương trên Biển Đông.
Đây có lẽ là điều cả Hoa Kỳ và Việt Nam nên tìm hiểu kỹ và phối hợp nghiên cứu giải pháp.
Muốn đối phó hiệu quả với âm mưu này, trước hết các lực lượng chuyên trách hai nước Hoa Kỳ, Việt Nam cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ về an ninh trên Biển Đông, đánh giá đúng tình hình và nghiên cứu, tìm tòi giải pháp phù hợp.
Việc cần làm trước hết và cũng quan trọng nhất để đảm bảo tính hiệu quả, đó chính là đánh giá chính xác tính nguy hiểm lâu dài trong âm mưu, ý đồ, hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như tác động, ảnh hưởng của nó.
Việt Nam cần một chiến lược tổng thể về Biển Đông, nằm trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Rajaram Panda từ Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ ngày 31/5 có bài phân tích trên Eurasia Reviews về tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp Biển Đông đối với hòa bình thế giới. [5]
Bình luận về lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, Giáo sư Rajaram Panda cho rằng:
Một vành đai, một con đường và chiến lược cò gỗ mổ cò thật |
"Việt Nam không muốn chiến tranh với Trung Quốc, đồng thời ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên Việt Nam sẽ không ngần ngại để đẩy lùi mọi hành động đơn phương xâm phạm các lợi ích quốc gia (chính đáng và hợp pháp) của mình.
Về mặt lịch sử, Việt Nam đã từng đánh bại thực dân Pháp và sau đó là Mỹ, nhưng không để cái bóng của lịch sử chiến tranh che mờ mong muốn hòa bình và phát triển.
Đây là lý do chính quyền Tổng thống Barack Obama đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam sau một thời gian dài.
Việt Nam tìm cách chống lại việc Bắc Kinh thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, phản đối Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Ga Ven (và 6 cấu trúc khác Trung Quốc chiếm đóng trái phép) ở quần đảo Trường Sa.
Có điều cho đến nay, chưa có bất kỳ quốc gia láng giềng nào của Trung Quốc thành công trong việc thuyết phục Bắc Kinh thay đổi mục tiêu (bành trướng ở Biển Đông).
Điều này khiến Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường khả năng phòng thủ của mình bằng cách củng cố quan hệ quốc phòng với các nước thân thiện như Ấn Độ và Nhật Bản.
Trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng tìm cách phát triển, xây dựng các quan hệ với các nước khác, nhưng không phải để đối đầu.
Việt Nam đã phải chịu đựng rất nhiều hệ lụy từ các cuộc tranh giành (ảnh hưởng giữa các siêu cường) từ thời Chiến tranh Lạnh và không muốn lặp lại những bi kịch. Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu.". [5]
Người viết cho rằng Giáo sư Rajaram Panda nhận xét khá sắc sảo về chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ.
Những tiếng nói như vậy quả thực rất đáng quý, vì tính khách quan cũng như nghiêm túc của một nhà nghiên cứu quốc tế đối với Việt Nam.
Lời hứa của ông Tập Cận Bình và câu chuyện lòng tin |
Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc có hẳn một chiến lược tuyên truyền rầm rộ, bài bản, lâu dài nhằm xây dựng những nhận thức mới cho dư luận quốc tế để phục vụ ý đồ không trong sáng của họ.
Tuy nhiên, cho dù củng cố năng lực phòng thủ và tích cực tìm kiếm các giải pháp chính trị - ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế là mấu chốt trong chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông, người viết cho rằng bấy nhiêu thôi chưa đủ.
Quan trọng hơn là chiến lược ấy phải được nghiên cứu bài bản và lồng trong chiến lược phát triển đất nước, cả về kinh tế -văn hóa - chính trị - giáo dục chứ không chỉ có quân sự và đối ngoại.
Ví dụ về kinh tế, Việt Nam nằm ở vị trí quan trọng trong chiến lược Con đường tơ lụa mới trên biển, một nhánh của sáng kiến "Một vành đai, một con đường" mà Trung Quốc đang ra sức thúc đẩy, triển khai rầm rộ.
Việc tìm hiểu thấu đáo chiến lược này của Trung Quốc để có thể mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực.
Nhưng đồng thời nó cũng giúp chúng ta không bị đối phương cài cắm hay đánh đổi những lợi ích về an ninh hay quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Một "hàng rào miễn dịch" cần được xây dựng và củng cố.
Làm sao để Biển Đông trở thành một vùng biển của hợp tác - hòa bình và hữu nghị, thay vì xung đột và chiến tranh; Làm sao để quan hệ hợp tác Việt - Mỹ trở thành động lực và mang đến cơ hội cho cả hai, chứ không phải tạo ra rào cản bởi một bên thứ 3;
Làm thế nào để quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các siêu cường cũng như những thành viên còn lại của ASEAN bổ sung cho nhau và hướng tới mục tiêu hòa bình - ổn định - phồn vinh, thay vì theo phe này chống phe kia thực sự là một nhu cầu, đòi hỏi và bài toán đặt ra cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách.
Vì thế, những hoạt động đối ngoại như chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa rất quan trọng.
Chuyến thăm không chỉ thể hiện tính chủ động và năng động của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong đối ngoại, mà còn mở ra những cơ hội mới để tăng cường hiểu biết và lòng tin, củng cố các hoạt động hợp tác cùng có lợi cho cả hai nước và khu vực.
An ninh trên Biển Đông hay kinh tế - thương mại nên được xem như những cơ hội để hai bên đào sâu khả năng hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.cnbc.com/2017/05/31/trump-may-turn-to-vietnam-for-help-on-south-china-sea.html
[3]http://theweek.com/articles/701749/trumps-big-mistake-south-china-sea
[4]http://edition.cnn.com/2017/05/29/asia/south-china-sea-underwater-observation-system/