Đa Chiều: Tập Cận Bình có thể đổ bộ trái phép Trường Sa tháng 11 năm nay

21/04/2016 14:48
Hồng Thủy
(GDVN) - 2 thời điểm Tập Cận Bình có thể chọn để đổ bộ xuống Biển Đông. Một là hội nghị G-20 tổ chức tại Hàng Châu tháng 9/2016, hai là hội nghị thượng đỉnh APEC.

Đa Chiều ngày 20/4 bình luận, việc Phạm Trường Long đi tiền trạm đổ bộ (bất hợp pháp) xuống Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) có thể nhằm dọn đường cho Tập Cận Bình "tuần tra Biển Đông" trong năm nay.

Tờ báo dẫn một nguồn tin từ trong quân đội Trung Quốc giấu tên nói rằng: "Quan chức quân sự cấp cao Trung - Mỹ đồng thời xuất hiện tại Biển Đông sẽ không còn là chuyện ngẫu nhiên. Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc xuống Biển Đông sẽ trở thành hiện tượng bình thường với tần suất lớn."

Ông Tập Cận Bình trong trang phục quân sự dã chiến, ảnh: Nhân Dân nhật báo.
Ông Tập Cận Bình trong trang phục quân sự dã chiến, ảnh: Nhân Dân nhật báo.

Trong bối cảnh đó, dư luận quan tâm về khả năng ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc sẽ xuống Biển Đông "tuần tra" ngày càng tăng. Đa Chiều cho rằng, trong năm 2016 có 2 thời điểm Tập Cận Bình có thể chọn để đổ bộ xuống Biển Đông. Một là hội nghị G-20 tổ chức tại Hàng Châu tháng 9/2016, hai là hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Peru tháng 11/2016.

Đa Chiều lập luận, trên thực tế việc nguyên thủ quốc gia đặt chân lên các vùng lãnh thổ tranh chấp không phải chuyện hiếm gặp. Tháng 11/2010 và tháng 7/2012, ông Dmitry Medvedev đã đổ bộ lên nhóm đảo tranh chấp chủ quyền giữa Nga với Nhật (quần đảo Kuril / nhóm đảo Phương Bắc) trên cương vị lần 1 là Tổng thống Nga, lần 2 là Thủ tướng Nga.

Ngày 10/8/2012, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myong-bak cũng đổ bộ lên hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản (Dokdo / Takeshima) để tuyên bố sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đa Chiều cho rằng, với những tiền lệ này thì việc ông Tập Cận Bình đổ bộ xuống một thực thể nào đó (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông cũng là "theo thông lệ quốc tế".

Tuy nhiên, ít khả năng Tập Cận Bình sẽ chọn thời điểm tổ chức G-20 để đổ bộ xuống Biển Đông, vì Trung Quốc và Hoa Kỳ đang chờ đợi có những bước đột phá trong đàm phán hiệp định Đầu tư thương mại Trung - Mỹ mà nhiều khả năng có thể ký kết bên lề G-20 năm nay.

Còn với APEC vào tháng 11, Tập Cận Bình có thể xem đây là cơ hội vàng để "báo thù" Obama về vấn đề Biển Đông. Bởi lẽ hội nghị thượng đỉnh APEC năm ngoái ở Philippines, Obama và Tổng thống nước chủ nhà Benigno Aquino III đã đưa vấn đề Biển Đông lên bàn hội nghị và cô lập Trung Quốc.

Trong thời gian này, Obama còn lên thị sát chiếc khinh hạm BRP Gregorio Del Pilar đã từng đương đầu với tàu Hải giám Trung Quốc suốt 2 tháng ở bãi cạn Scarborough. Hải quân Mỹ cũng tích cực triển khai các hoạt động bảo vệ tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông.

Còn Peru đã ký hiệp định FTA với Trung Quốc năm 2010, trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc năm 2013. Lý Khắc Cường thăm Peru năm 2015 và Peru trở thành quốc gia Mỹ Latinh nhận đầu tư lớn nhất từ Trung Quốc nên Peru rất có thể sẽ bị Trung Quốc sử dụng để gây sức ép với Mỹ, Philippines về Biển Đông như 2 nước đã làm tại APEC 2015.

Hồng Thủy