Ông Tập Cận Bình và các tướng Trung Quốc trong quân phục dã chiến tại Trung tâm Chỉ huy Tác chiến liên hợp, ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc. |
South China Morning Post ngày 21/4 đưa tin, hôm qua 20/4 ông Tập Cận Bình đã thị sát Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy Trung ương trong quân phục mới và chức danh mới - Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp.
Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp là một cơ quan mới thành lập sau khi tái cấu trúc quân đội Trung Quốc, việc Tân Hoa Xã lần đầu tiên công bố chức danh mới của ông Bình - Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp là động thái đáng chú ý.
Giới phân tích tin rằng, Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp là cơ quan đầu não, từ khi được thành lập đến nay vẫn được giữ bí mật, âm thầm hoạt động. Lần này Tập Cận Bình thị sát cơ quan này cho thấy, việc cải cách quân đội đã cơ bản thành công.
Theo Đa Chiều ngày 20/4, cảnh quay của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho thấy, trong phòng Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp đặt ghế Tổng chỉ huy, treo biển tên đơn vị phía trên, hai bên treo bản đồ Trung Quốc và bản đồ thế giới khổ lớn.
Đối diện với ghế Tổng chỉ huy là các ghế chỉ huy đầu mối báo cáo công việc. Tất cả các tướng thuộc Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp khi vào phòng họp này đều mặc quân phục dã chiến, kể cả ông Tập Cận Bình. Quân phục này chỉ khác với các quân nhân khác là trên cánh tay có phù hiệu quân đội và biển hiệu Quân ủy Trung ương.
South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích cho biết, động thái này cho thấy Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực ngang bằng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Ông chỉ thị cho Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp phải tuyệt đối trung thành, chiến đấu thuần thục, chỉ huy hiệu quả, can đảm và đánh thắng trong chiến tranh.
Bên cạnh chức danh mới - Tổng chỉ huy Tác chiến liên hợp, ông Tập Cận Bình vẫn là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Việc công bố chức danh mới cho thấy Tập Cận Bình muốn gửi một thông điệp đến thế giới rằng, ông không chỉ là nhà lãnh đạo hành chính cao nhất của quân đội lớn nhất thế giới, mà còn là Tổng chỉ huy của lực lượng tác chiến chủ lực.
Từ Quang Dụ, một viên Thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu nói rằng, việc Tập Cận Bình mặc bộ quân phục dã chiến cho thấy ông là Tổng chỉ huy của cơ quan chỉ huy tối cao quân đội Trung Quốc được thành lập để đáp ứng nhu cầu chiến tranh hiện đại.
CCTV cho hay, ban chỉ huy 5 Chiến khu, 4 Quân chủng mới thành lập cũng đã họp giao ban với Tổng chỉ huy Tập Cận Bình qua đường truyền tín hiệu trực tuyến.
Lương Quốc Lương, một chuyên gia quân sự Hồng Kông nhận xét, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có đủ thẩm quyền cá nhân ra lệnh cho các chỉ huy quân sự.
Tuy nhiên hai người tiền nhiệm của Tập Cận Bình là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào với vai trò Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhưng gặp khó khăn khi ra lệnh cho quân đội bởi rào cản từ Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu. Nói cách khác, Tập Cận Bình không chỉ quản lý trực tiếp quân đội Trung Quốc trong thời bình, mà còn trực tiếp chỉ huy, ra lệnh cho quân đội thời chiến.