Đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ và hai bài học cho ông Erdogan

16/07/2016 15:02
Ngọc Việt
(GDVN) - Việc Tổng thống Erdogan cần phải làm hậu đảo chính là đoàn kết dân tộc, ông Erdogan phải đặt tham vọng cá nhân dưới nguyện vọng của người dân.

Cuộc đảo chính có đổ máu ngày 16/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tăng thêm sự căng thẳng về tình hình an ninh tại châu Âu, khi vụ khủng bố đẫm máu tại Pháp vừa xảy ra chưa tròn 24 tiếng đồng hồ.

Cho dù cuộc đảo chính không lật đổ được chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, nhưng nó sẽ gây ra nhiều hiệu ứng nguy hiểm cho chính trường Thổ Nhĩ Kỳ và sự nghiệp chính trị của ông Erdogan.

Tổng thống Erdogan nói cuộc đảo chính này cho thấy phong trào Gulen là một tổ chức khủng bố có vũ trang. Ông cho rằng những người tham gia đảo chính đã nhận lệnh từ Fethulla Gulen, giáo sĩ dẫn đầu phong trào Gulen.

Gulen phủ nhận có liên quan trong vụ việc. Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ không giao đất nước cho những kẻ đảo chính và cho biết, nội các Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hoạt động ở Ankara. Ông khẳng định sẽ ở lại với người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã khẳng định cuộc đảo chính là hành động phản quốc và những người liên quan sẽ phải trả giá đắt. Theo ông Erdogan hành động này do một nhóm nhỏ trong quân đội không muốn đoàn kết đất nước gây ra.

Ông Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính sẽ được coi là lý do để thanh lọc quân đội, theo tường thuật của VnExpress.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters.

Cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra sau khi chính phủ mới tại Ankara được thành lập chưa đầy 2 tháng và cũng chưa tròn 20 ngày khi Ankara gửi lời xin lỗi tới Moscow về “sự kiện 17 giây”.

Điều đó càng cho thấy khả năng của cựu Thủ tướng Ahmet Davutoglu trong việc trợ giúp Erdogan trong xử lý tình hình đối nội cũng như đối ngoại quan trọng và hiệu quả tới mức nào.

Theo cá nhân người viết thì dù cuộc đảo chính do bất cứ lực lượng nào thực hiện, do ai cầm đầu, nhằm mục đích gì thì Tổng thống Erdogan vẫn luôn là nguyên nhân của cuộc đảo chính.

Có thể thấy rằng cách hành xử của ông Erdogan cả về đối nội và đối ngoại trong thời gian qua đều gây mất đoàn kết cả trên chính trường lẫn trong lòng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Davutoglu từ chức cùng việc Ankara xin lỗi Moscow được xem là lý do trực tiếp của cuộc đảo chính.

Lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia đã trở thành công cụ phục vụ cho mục đích cá nhân

Như người viết đã từng phân tích trong bài “Erdogan chơi dao sắc có ngày đứt tay”, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có khát vọng và nuôi ước vọng là một “Turgut Ozal hyền thoại” trong thế kỷ 21, vì vậy ông đã tìm mọi cách để hiện thực hoá khát vọng, ước vọng của mình.

Song ông Erdogan luôn hành động trái ngược với cố Thổng thống Turgut Ozal nên kết quả là ông ngày càng trở nên khiên cưỡng khi so sánh với vị Tổng thống huyền thoại này. 

Có thể thấy rằng cố Tổng thống T.Ozal khẳng định mình qua uy tín thì Tổng thống Erdogan lại khẳng định mình qua tính toán để thâu tóm quyền lực. Ông Erdogan có thể chuyển đồng minh thành đối thủ nếu điều đó tốt cho hiện thực hoá khát vọng của ông.

Ông Erdogan có thể xem đối tác là kẻ thù nếu điều đó là cần cho hiện thực hoá ước vọng của ông. Ông Erdogan có thể sử dụng sức mạnh quốc gia như công cụ nếu điều đó giúp hiện thực hoá tham vọng của ông. 

Khi ngán ngẩm với vị thế “trách nhiệm thì lớn mà quyền lợi không nhiều” trong NATO, Tổng thống Erdogan đã hướng về Nga như một đối tác chiến lược tiềm năng.

Vai trò và sự ảnh hưởng của Nga rất lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là khi “giấc mộng EU” vẫn cứ luôn là “ảo mộng” với Ankara. Điều đó cho thấy việc nâng tầm quan hệ Liên bang Nga – Thổ Nhĩ Kỳ là một bước đi đúng và hợp thời.

Nó có thể là một mũi tên chiến lược trúng nhiều đích mà Ankara mong muốn.

Nga có thể là bàn đạp để nâng vị thế cho Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, Moscow có thể là bước đệm quan trọng để Ankara được Brussels lưu tâm hơn trong việc mở cánh cửa vào EU cho quốc gia hồi giáo này.

Đặc biệt, mối quan hệ tốt đẹp Moscow – Ankara có thể nâng vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ngang với Iran, Arabia Saudi trong bàn cờ chính trị tại Trung Đông và đương nhiên là lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng được gia tăng.  

Vậy nhưng, vì những toan tính riêng cho sự nghiệp chính trị của mình, Tổng thống Erdogan đã gây ra “sự kiện 17 giây” với Nga, tạo ra một tình thế hết sức nguy hiểm cho vận mệnh quốc gia.

May cho Thổ Nhĩ Kỳ vì Nga đang nằm tròng vòng vây cấm vận nên Moscow chỉ áp dụng cấm vận kinh tế với Ankara, chứ Nga trả đũa quân sự thì không biết hậu quả của hành động thiếu cẩn trọng của Erdogan gây ra cho người dân và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ nguy hại tới mức nào.

“Sự kiện 17 giây” hoàn toàn có thể tránh được nếu Tổng thống Erdogan xứ lý sự việc qua kênh liên lạc trực tiếp với Putin trong tình huống khẩn cấp này.

Đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ và hai bài học cho ông Erdogan ảnh 2

Erdogan chơi dao sắc có ngày đứt tay

(GDVN) - Erdogan đang đánh cược số phận của người dân và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vào những toan tính chính trị của mình, bởi lẽ khi đối tác và đối thủ có những đổi thay...

Tuy nhiên, Erdogan chọn bắn rơi máy bay Nga để đằn mặt đối tác chiến lược tiềm năng của mình. Tiếp theo là những trả đũa của Ankara với Moscow khiến cho kinh tế Nga rơi vào vòng vây “cấm vận kép”.

Song Thổ Nhĩ Kỳ cũng khó khăn chẳng kém gì Nga khi quan hệ kinh tế giữa hai bên tạm thời gián đoạn.

Việc Ankara hợp tác với những “kẻ thù” của Nga như Ukraine, Gruzia, Azerbaijan để hình thành liên minh nhằm tăng cường làm thiệt hại cho Nga, cho thấy Erdogan đã đi quá xa trong việc sử dụng chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc cho những toan tính cá nhân của mình.

Bởi lẽ, trong động thái này, Thổ Nhĩ Kỳ thiệt nhiều hơn lợi khi Ankara phải “đứng mũi chịu sào” trong vai trò đứng đầu liên minh.

Cả Ukraine, Gruzia, Azerbaijan đều dựa vào vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh để làm lợi cho mục đích riêng của họ, cả với Nga và NATO. Trong khi Erdogan từng rất hậm hực vì phải “đổ vỏ” cho NATO trong nhiều chiến dịch, hành động của liên minh này tại Trung Đông và Bắc Phi, song khi liên minh ra đời thì vị thế đó của Ankara còn đậm nét hơn.

Liên minh với Ukraine, Gruzia, Azerbaijan chỉ có lợi cho Erdogan là được tung hoàng ngang dọc mà thôi. 

Khi nhận thấy “con bài dân nhập cư” chỉ giúp cho Ankara “được ăn được nói”, chứ không thể là bược đệm cho Thổ Nhĩ Kỳ bước vào Liên minh kinh tế hùng mạnh này.

Và “giấc mộng EU” vẫn còn là “ảo mộng” với Ankara. Lợi ích kinh tế có được từ việc gánh vác trách nhiệm trong vấn đề dân nhập cư dù là hàng tỷ USD nhưng sẽ chẳng là gì cả vì nó chỉ là lợi ích nhất thời và khi gánh nặng dân nhập cư giảm thì quyền lợi đó cũng chấm dứt.

Trong vị thế bẽ bàng và cay đắng, Ankara đã chủ động làm lành với Moscow bắt đầu bằng việc Tổng thống Erdogan gửi thư mứng Quốc khánh Nga.

Tuy nhiên, đây lại bắt đầu cho một sự phiêu lưu của Erdogan trong việc xem nhẹ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ khi Erdogan mắc lỡm của Putin là phải xin lỗi chính thức về “sự kiện 17 giây”. Và Erdogan đã chính thức nhân danh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng xin lỗi nước Nga về sự kiện đó.

Có thể nhận diện đây là một việc rất hệ trọng nhẳm giải quyết hậu quả của hành động thiếu cẩn trọng của Erdogan, song Erdogan lại một lần nữa thiếu thận trọng.

Vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với Nga đã bị Erdogan hạ tầm qua hành động xin lỗi này. Ai cũng biết rằng trong quan hệ đối ngoại thì vai trò luôn đi cùng vị thế và cùng với đó là những lợi ích tương xứng cho quốc gia, dân tộc được khẳng định.

Khi Erdogan hạ vị thế qua việc nhận lỗi với Kremlim đã làm hại cho người dân và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không như nhiều người nghĩ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia tăng theo hành động “yêu hoà bình” này của Erdogan.

Có thể thấy rằng, ngay sau khi Erdogan xin lỗi, Moscow đã dỡ cấm vận với Ankara, nhưng thực ra hành động đó của Kremlin vì nước Nga nhiều hơn chứ không phải đáp lễ Ankara. 

Bởi lẽ kinh tế nước Nga đang rất khó khăn và bế tắc trong vòng vây cấm vận – giá dầu, khi Erdogan xin lỗi thì Moscow đã tìm ra lối thoát nhanh nhất cho kinh tế Nga theo ngả “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Với vị thế và vai trò của mình thì Moscow sẽ “được ăn được nói” với Ankara trong tình thế hiện nay. Như vậy, lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ luôn ngả nghiêng theo những hành động thiếu cẩn trọng, thiếu thận trọng của Erdogan.

Hình ảnh xe tăng trên đường phố Ankara khi đảo chính. Ảnh: Reuters.
Hình ảnh xe tăng trên đường phố Ankara khi đảo chính. Ảnh: Reuters.

Vì điều gì, vì nguyên nhân nào mà phải đến hơn 70 năm, Tổng thống Mỹ Barak Obama mới đại diện chính quyền Hoa Kỳ xin lỗi người dân Nhật Bản vì hành vi ném bom nguyên tử xuống đất nước mặt trời mọc?

Nguyên nhân đó là gì nếu không phải là sự thận trọng vì thể diện quốc gia, vì vị thế quốc gia? Không thể tuỳ tiện muốn làm gì với thể diện, vị thế quốc theo ý muốn cá nhân như thế nào cũng được. 

Vì tham vọng cá nhân, gây chia rẽ rội bộ, tạo mâu thuẫn trên chính trường, gây bất ổn xã hội

Tổng thống Erdogan đã tuyên bố: "Lá cờ là danh dự của tôi, quốc gia này là vinh dự của tôi và đó là lý do tôi tới đây để hy sinh. Tôi sẵn sàng hy sinh", CNN ngày 16/7 dẫn lời ông Erdogan khi ông tới Istanbul nhằm trấn an dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ khi cuộc đảo chính xảy ra.

Tuy nhiên, qua những gì ông hành động từ khi nắm giữ quyền bính cho đến nay thì việc thâu tóm quyền lực mới là những gì mà ông hướng tới. 

Như ông Erdogan khẳng định những lực lượng làm đảo chính là những kẻ không muốn đoàn kết quốc gia, nghĩa là ông đã thừa nhận đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đang mâu thuẫn, chính trường Thổ Nhĩ Kỳ đang chia rẽ và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đe doạ bởi những người dân Thổ Nhĩ Kỳ không muốn phục tùng quyền lực của ông.

Có thể thấy rằng tình hình chính trị tại Ankara có rối ren và việc ông Erdogan xem đảo chính là dịp thanh lọc quân đội đã cho thấy điều ấy.

Vậy đâu là nguyên nhân của việc mất đoàn kết quốc gia tại Thổ Nhĩ Kỳ? Theo cá nhân người viết thì chính những hành xử của Tổng thống Erdogan nhằm hiện thực hoá tham vọng cá nhân được nhận diện là nguyên nhân quan trọng.

Cùng với việc sử dụng chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc như công cụ, thì việc gây chia rẽ nội bộ, tạo mâu thuẫn trên chính trường đã khiến cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng và thiếu niềm tin vào chính quyền của Tổng thống Erdogan.

Với thể chế chính trị theo chế độ Cộng hoà Nghị viện hiện tại khiến cho chiếc ghế Tổng thống không phải là chiếc ghế quyền lực nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó khiến cho Tổng thống Erdogan không phải là người đứng trên muôn người tại quốc gia Hồi giáo này, mặc cho thực tế ông đã có được điều ấy.

Và việc chuyển đổi chế độ Cộng hoà Nghị viện sang chế độ Cộng hoà Tổng thống là bước đi mà ông Erdogan quyết liệt thực hiện.

Người viết từng phân tích, việc gây sức ép khiến cho vị Thủ tướng ôn hoà Ahmet Davutoglu ra đi vì không ủng hộ việc thay đổi thể chế chính trị nhằm thâu tóm quyền lực của Erdogan, được xem là hành động “chơi dao sắc sẽ có ngày đứt tay”.

Và cuộc đảo chính có thể được xem là “lần đứt tay thứ nhất” mà ông Erdogan nhận lãnh. Nếu ông Erdogan tiếp tục không thận trọng thì sẽ có những “lần đứt tay tiếp theo” mà hậu hoạ sẽ khôn lường.

Nhiều người cho rằng, để tránh hậu hoạ từ Davutoglu thì Tổng thống Erdogan chỉ cần kiềm toả sự ảnh hưởng của vị Thủ tướng tài năng này là ổn thoả. Tuy nhiên, hậu hoạ không đến trực tiếp từ hành động của Davutoglu mà nó được tạo nên từ hiệu ứng bởi hậu quả của khoảng trống mà ông để lại.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ biết được đâu là người mà họ cần và họ tin tưởng, do đó điều mà Erdogan phải giải quyết là lấp khoảng trống do Davutoglu để lại.

Như vậy, việc Tổng thống Erdogan cần phải làm hậu đảo chính là đoàn kết dân tộc, ông Erdogan phải đặt tham vọng cá nhân dưới nguyện vọng của người dân Thổ Nhĩ Kỳ thì mới hy vọng hàn gắn rạn nứt trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho dù ông Erdogan có thanh lọc quân đội, có sàng lọc đội ngũ thân cận thì cũng không thể cứu vãn tình hình nếu ông không thay đổi. Bởi lẽ ông vừa là nguyên nhân của đảo chính và mục đích của đảo chính cũng hướng vào ông.

Tóm lại, cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ như là một lời cảnh báo với quyền lực của Tổng thống nước này, ông Erdogan, đồng thời nó cũng tạo ra một bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của ông Erdogan, đó là phải thay đổi.

Qua cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, bài học về tôn trọng chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc luôn phải nằm lòng, luôn phải là kim chỉ nam trong điều hành và quản lý đất nước.

Chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc không thể được xem là công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân hay bè phái, đảng phái chính trị mà chỉ phục vụ cho lợi ích nhân dân mà thôi.

Ngọc Việt