Erdogan chơi dao sắc có ngày đứt tay

06/05/2016 14:31
Ngọc Việt
(GDVN) - Erdogan đang đánh cược số phận của người dân và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vào những toan tính chính trị của mình, bởi lẽ khi đối tác và đối thủ có những đổi thay...

Sóng gió đã nổi lên trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ khi Thủ tướng Ahmet Davutoglu tuyên bố sẽ từ chức tại đại hội bất thường của đảng Công lý và Phát triển cầm quyền (AK), vào cuối tháng này.

Giới quan sát cho rằng, ông Davutoglu bị kém thế vì đã phản đối kế hoạch của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chuyển Thổ Nhĩ Kỳ sang chế độ Cộng hoà Tổng thống, theo BBC ngày 5/5. 

Sau khi được bầu làm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2014, ông Erdogan đã chọn ông Davutoglu kế nhiệm chiếc ghế Thủ tướng và dẫn dắt đảng AK. Vì vậy, đại hội của đảng AK diễn ra vào ngày 22/5 tới đây sẽ bầu chọn tân Thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ảnh: greece.greekreporter.com.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ảnh: greece.greekreporter.com.

Cá nhân người viết cho rằng đây là một nước cờ không sáng suốt của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù việc Thủ tướng Davutoglu từ chức sẽ giúp cho Tổng thống Erdogan có thể kiểm soát chính trường Thổ Nhĩ Kỳ chặt chẽ hơn nữa.

Ước mơ chuyển đổi chế độ chính trị từ Cộng hoà đại nghị viện sang Cộng hòa Tổng thống, chế độ khiến cho quyền lực của ông Erdogan trở thành “vô song” sẽ dễ dàng hơn nữa. Bởi lẽ dù là đồng minh thân cận, nhưng Thủ tướng Davutoglu luôn phản đối vấn đề này.

Với việc “buộc” Thủ tướng Davutoglu phải từ chức, Tổng thống Erdogan đang đi một nước cờ mạo hiểm cho sự nghiệp chính trị của ông, cho dù Erdogan có thể đứng trên muôn người tại quê hương của đế chế Otoman hùng mạnh ngày nào.

Thủ tướng Davutoglu từ chức có thể khiến cho ông Erdogan mãn nguyện nhưng điều đó lại khiến cho cặp đôi Putin – Obama phải vắt trán suy nghĩ, bởi vai trò và vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ lúc này ảnh hưởng rất lớn tới quyền lực của họ.

Chơi dao có ngày đứt tay

Có thể thấy rằng, từ khi cố Tổng thống huyền thoại Turgut Ozal qua đời cho tới nay, ông Erdogan là Tổng thống có vai trò và ảnh hướng lớn nhất trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính khách cự phách Turgut Ozal từng đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ trong 6 năm liền từ 1983-1989, trước khi đắc cử chức Tổng thống vào đầu tháng 11/1989 với nhiệm kỳ kéo dài 7 năm theo luật định lúc bấy giờ.

Cố Tổng thống T.Ozal nổi tiếng với đề xướng đường lối cải cách vĩ mô, nhất là vấn đề ban hành quyết định trao thêm quyền tự trị cho người Kurd để tránh cuộc xung đột sắc tộc kéo dài.

Cũng chính ông tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước, mà được cho là đụng chạm đến quyền lợi của các nhóm lợi ích. Tổng thống T.Ozal đã chết một cách bí ẩn và đến 19 năm sau mới được kết luận là bị đầu độc. 

Erdogan chơi dao sắc có ngày đứt tay ảnh 2

Khủng hoảng Nga-Thổ, giọt nước tràn ly vì "làm em ăn thèm vác nặng"?

(GDVN) - Sau “cuộc khủng hoảng 17 giây”, tổ chức khủng bố IS – lực lượng thứ tư liên quan đến sự kiện - có thể lại là kẻ ngư ông đắc

Cố Tổng thống T. Ozal là một trong ba nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại, cùng với Adnan Menderes (1899-1961), vị Thủ tướng dân cử đầu tiên dưới thể chế cộng hòa và Mustafa Kemal Ataturk (1881-1938), vị Tổng thống thứ nhất và cũng là người sáng lập Nhà nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, theo BBC Timeline.

Vì vậy, Tổng thống Erdogan muốn xây dựng hình ảnh như vị cố Tổng thống huyền thoại cũng không có gì lạ.

Chỉ có điều cố Tổng thống T.Ozal khẳng định mình qua uy tín thì Tổng thống Erdogan lại khẳng định mình qua tính toán để thâu tóm quyền lực.

Điều đó được bộc lộ ngay từ thời cựu Ngoại trưởng Abdullah Gul được ông Erdogan đề cử làm Tổng thống, sau khi Tổng thống Ahmet Necdet Sezer mãn nhiệm.

Bởi theo thông lệ chính trị Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ đến lượt Thủ tướng Erdogan lúc đó sẽ ngồi vao chiếc ghế Tổng thống tiếp theo. Tuy nhiên, ông Erdogan lại nhường cho cấp dưới của mình.

Ai cũng nghĩ ông Erdogan chê chiếc ghế Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ít quyền lực. Điều đó không sai nhưng chỉ phản ánh một phần tham vọng quyền lực của Erdogan mà thôi.

Ngược lại ông Erdogan rất đam mê chiếc ghế Tổng thống Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ nên quyết tâm tìm mọi cách làm cho nó “đầy quyền lực” trước khi nó thuộc về ông. 

Vì vậy, khi Erdogan chưa phải là người nổi tiếng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ thì ông nắm giữ chiếc ghế Thủ tướng nhiều thực quyền và nhờ Abdullah Gul tạm giữ hộ chiếc ghế Tổng thống còn mang nhiều tính hình thức và lễ nghi.

Khi đã trở thành nhân vật quyền lực nhất trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ thì ông Erdogan bắt đầu thực hiện ý đồ tham vọng của mình. 

Cố Tổng thống huyền thoại Turgut Ozal – người mà Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan rất ngưỡng mộ. Ảnh: BBC.
Cố Tổng thống huyền thoại Turgut Ozal – người mà Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan rất ngưỡng mộ. Ảnh: BBC.

Khi Tổng thống Abdullah Gul mãn nhiệm kỳ thì ông Erdogan đã tiếp quản chiếc ghế Tổng thống và nhường ghế Thủ tướng cho đồng minh thân cận – Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu.

Là một nhà chính trị ôn hoà, Thủ tướng Davutoglu như một người “cầm cương con ngựa bất kham” trong Tổng thống Erdogan. Và sự phối hợp mang tính bổ khuyết này trong thời gian qua đã khiến chính trường Thổ Nhĩ Kỳ khá bình yên và vị thế của nước này cũng được nâng lên.

Tuy nhiên, dù vai trò đã lớn hơn vị thế nhưng Tổng thống Erdogan vẫn không thấy hài lòng với chế độ Cộng hoà Nghị viện hiện tại, bởi vì nó mà khiến cho chiếc ghế Tổng thống vẫn không phải là chiếc ghế quyền lực nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Chế độ Cộng hoà Tổng thống sẽ là bước đi tiếp theo trong tham vọng quyền lực của Erdogan và đây được xem là việc mà đồng minh của ông - Thủ tướng Davutoglu không ủng hộ, thậm chí phản đối. 

Thế là Tổng thống Erdogan rơi vào tính thế phải lựa chọn, một là “quyền lực vô song” thì mất đồng minh thân tín, hai là còn đồng minh thì quyền lực bị hạn chế.

Ông Erdogan đã chọn vế thứ nhất là quyền lực và buộc Thủ tướng Davutoglu hoặc là chọn Tổng thống –nghĩa là chấp nhận việc thâu tóm quyền lực của Tổng thống Erdogan, hoặc là chọn số phận – nghĩa là hết đồng minh.

Thủ tướng Davutoglu đã không chọn tiếp tục đi cùng đường với Tổng thống Erdogan nữa, theo BBC ngày 5/5.

Việc phải chia tay đồng minh thân tín Davutoglu nằm trong dự liệu của Tổng thống Erdogan nên ông đã phải có phương án nhân sự thay thế ông Davutoglu.

Theo giới quan sát thì trong số các ứng viên tiềm năng kế nhiệm ông Davutoglu có Bộ trưởng Giao thông vận tải Binali Yildirim - khá thân cận với Tổng thống và Bộ trưởng Năng lượng Berat Albayrak, là con rể của Tổng thống Erdogan.

Erdogan chơi dao sắc có ngày đứt tay ảnh 4

Chiếc ghế Nguyên thủ và mong mỏi của người dân Myanmar

(GDVN) - Aung San Suu Kyi tìm cách sửa Hiến pháp có thể làm hại bà cũng như lý tưởng mà bà theo đuổi. Nó khiến dư luận hiểu rằng bà trở thành người đam mê quyền lực.

Dù việc phải chia tay Davutoglu là “đặng chẳng đừng” đối với Tổng thống Erdogan, nhưng cá nhân người viết cho rằng ông Erdogan đang chơi “dao hai lưỡi” và có thể “đứt tay” bất cứ lúc nào.

Bởi lẽ, với tính khi nóng nảy và có phần bốc đồng, Tổng thống Erdogan rất cần có người kiềm chế để đôi khi có thể tránh hậu hoạ cho ông và cho cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực tế cho thấy chỉ có ông Davutoglu là có đủ khả năng và điều kiện làm được việc ấy trong thời điểm hiện tại.

Việc chia tay đồng minh và cũng là đối thủ của mình, chắc chắn Tổng thống Erdogan không thể không nuối tiếc nhưng tham vọng đã khiến ông rơi vào cái thế buộc phải lựa chọn ấy.

Nước cờ của ông Erdogan không chỉ làm cho chính trường Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo mà nó còn khiến cho cả đối tác lẫn đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải có những tính toán của minh. 

Cả Putin và Obama đều đau đầu vì Erdogan thay ngựa giữa đường

Có rất nhiền người ngạc nhiên về sự “tung hoành ngang dọc” của Erdogan trong thời gian qua, nhất là việc xua quân vào miền Bắc Iraq với cái cớ là đuổi đánh PKK của người Kurd, nhưng chính quyền Obama không chút cản ngăn.

Trước đây, khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Iraq là chính quyền của Tổng thống G.Bush lên tiếng chỉ trích và có thể có hành động ngay vì nó gây hại cho chiến lược “chia để trị” của Mỹ trên chính trường Iraq thời hậu Saddam Hussein.

Thực ra sự dung túng đó của Mỹ được xem là một sự bù đắp cho Thổ Nhĩ Kỳ sau “sự kiện 17 giây” với Nga. Người viết đã tứng phân tích, trước khi xảy ra “sự kiện 17 giây” Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên “làm em ăn thèm vác nặng” của NATO, chỉ “có tiếng không có miếng”.

Nhân dịp xung đột Nga – Thổ bùng phát, Erdogan muốn nhắc nhở những người anh em hãy nhớ tới Thổ Nhĩ Kỳ trong vị trí tiền tiêu và đầy trách nhiệm.

Và khi bị Nga cấm vận, Thổ Nhĩ kỳ phải “đơn thương độc mã” chịu đựng với biết bao thiệt thòi không thể liệt kê. Vì vậy, Obama và các đồng minh trong NATO có thể “ngó lơ” để Erdogan làm mưa làm gió trong khu vực.

Tuy nhiên, mọi hành động của Erdogan đều chưa vượt qua “giới hạn cho phép” của Mỹ và phương Tây. Obama và các đồng minh không khó nhận ra người giữ giới hạn đó chính là nhà ngoại giao ôn hoà Davutoglu.

Nay người “cầm cương” Davutoglu đã rời đường đua, không biết “chú ngựa bất kham” Erdogan sẽ tiếp tục "tung vó” ra sao. Nhưng dù có xảy ra bất cứ trường hợp nào thì đều không có lợi cho Obama và các đồng minh của mình.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, ảnh: newsrepublica.com.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, ảnh: newsrepublica.com.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ vượt quá lằn ranh cho phép thì phải kiềm chế và đương nhiên sẽ khiến Erdogan phật lòng, qua đó việc Thổ Nhĩ Kỳ gánh vác trách nhiệm mà không ngang bằng với quyền lợi sẽ khiến Ankara lơ là và có thể tìm lợi ở nơi khác.

Trong khi Nga, Iran thậm chí cả Saudi Arabia, Trung Quốc đều là đối thủ của Mỹ và NATO tại Trung Đông, còn con bài Thổ Nhĩ Kỳ đang khống chế hữu hiệu sự “tác oai tác quái” có thể của các đối thủ ấy.

Nước cờ tàn Syria hay con bài IS có được khống chế hay kết thúc có lợi cho Mỹ và đồng minh hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào vị trí tiền tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như những ảnh hưởng của Ankara qua hai cuộc chiến Vùng Vịnh đã nhắc Obama không thể quên điều ấy.

Quả là nan giải, vậy nhưng không chỉ có Obama và những đồng minh bên kia chiến tuyến mệt mỏi với nước cờ mới của Erdogan, mà ngay cà Putin cũng phải bóp trán trước nước cờ này.

Dù là nước áp lệnh cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Nga lại đang bị tác động ngược bởi hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” trong việc giải quyết hậu quả của “sự kiện 17 giây”. Dù hùng hùng hổ hổ nhưng Erdogan không làm lớn chuyện hơn nữa trong thế “tiến thoái lưỡng nan” này của Putin.

Erdogan chơi dao sắc có ngày đứt tay ảnh 6

Ván cờ mới của Putin

(GDVN) - Thay đổi nhân sự của Tổng thống Putin lần này, đặc biệt là bổ nhiệm trở lại cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin là một ván cờ hay, dù có phần mạo hiểm.

Và cũng như Obama, Putin đều nhận ra vai trò của Thủ tướng ôn hoà Davutoglu trong việc “dĩ hoà vi quý” này.

Đặc biệt là hành động của Erdogan ủng hộ chính quyền Baku trong giải quyết xung đột tại Nagorno – Karabakh sẽ khiến cho Nga không thể giải quyết cuộc xung đột dai dẳng giữa hai người anh em vốn cùng một nhà, là Azerbaijan và Armenia theo hướng có lợi cho Moscow.

Không biết khi Davutoglu rời khỏi liên minh với Erdogan thì người thay thế ông cùng với Erdogan sẽ hành xử như thế nào. Chỉ với một mình Erdogan dù đã có Davutoglu  kiềm chế, cũng đã khiến Putin mệt nhoài trong đối phó với Ankara, từ chiến trường Syria đến khủng hoảng Nagorno – Karabakh.

Nay Erdogan tạo liên minh mới sẽ khiến cho Putin luôn phải cảnh tỉnh việc Erdogan có thể “thêm dầu vào lửa” ở bất cứ mặt trận nào.

Tóm lại, những đổi thay trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho tham vọng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể trở thành hiện thực. Nhưng cả ông và đối thủ lẫn đối tác của ông chưa chắc đã có lợi từ nước cờ này.

Với Erdogan thì đây là một nước cờ phiêu lưu. Nó có thể khiến cả Putin và Obama sẽ có những quyết định mạo hiểm để khống chế nước cờ này của Erdogan.

Tổng thống Erdogan đang đánh cược số phận của người dân và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vào những toan tính chính trị của mình, bởi lẽ khi đối tác và đối thủ có những đổi thay chiến thuật thì có thể Ankara sẽ phải đón nhận những hậu quả khó lường.

Ngọc Việt