Khủng hoảng Nga-Thổ, giọt nước tràn ly vì "làm em ăn thèm vác nặng"?

28/11/2015 07:00
Ngọc Việt
(GDVN) - Sau “cuộc khủng hoảng 17 giây”, tổ chức khủng bố IS – lực lượng thứ tư liên quan đến sự kiện - có thể lại là kẻ ngư ông đắc

Cuộc khủng hoảng 17 giây -  giọt nước tràn ly

Hành động Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay phản lực của Nga trên vùng trời ráp gianh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria là một hành động quân sự nguy hiểm. Nói như chính trị gia Gennady Gudkov được BBC dẫn lời hôm 25/11 thì: "Mỗi quốc gia đều hiểu rằng bắn một máy bay phản lực quân sự có thể bắt đầu cho một cuộc chiến tranh." 

Hiện trường vụ máy bay Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, ảnh: TASS.
Hiện trường vụ máy bay Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, ảnh: TASS.

Điều gì khiến Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hành động nguy hiểm khi đoán biết được hậu quả khôn lường của nó nếu Nga trả đũa bằng vũ lực?

Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng bảo vệ hành động của quân đội nước này rằng "tất cả mọi người phải tôn trọng quyền của Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ biên giới của mình", có lẽ chỉ là cái cớ mà thôi. 

BBC ngày 26/11 bình luận, từ góc độ của Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ kinh tế với Nga có tầm quan trọng sống còn. Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, 60% năng lượng của Thổ Nhĩ kỳ được nhập khẩu từ Nga và năm ngoái Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến nước ngoài lớn nhất đối với khách du lịch Nga. 

Còn với cá nhân Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, rõ ràng người đồng nhiệm Putin là một hình mẫu cho sự nghệp chính trị của ông, BBC phân tích. Erdogan rất cần ông Putin truyền cho những kinh nghiệm trong việc điều hành đất nước khi cả hai quốc gia đều có lãnh thổ vắt ngang qua cả hai lục địa Á –  Âu với những nền văn hóa khác biệt. 

Rõ ràng, khi sẵn sàng chấp nhận đánh đổi, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn phải có nguyên nhân quan trọng hơn nhiều. 

Nguyên nhân "khủng hoảng Nga - Thổ 17 giây" bắt nguồn từ là mối quan hệ giữa Ankara và Moscow đã trở nên phức tạp từ khi sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria nhằm hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có lập trường đối nghịch, vì từ lâu Ankara luôn xem Tổng thống Assad là kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ, BBC bình luận hôm 25/11.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe nổi dậy tại Syria và có kết nối quan hệ với các bộ tộc thiểu số người Turkmen gốc Thổ ở quốc gia láng giềng này. Và mối quan hệ này đã tạo nên vùng đệm an toàn chiền lược cho Ankara trên biên giới với Syria. 

“Tuy nhiên, phiến quân Turkmen – một lực lượng tham gia cuộc nổi dậy chống chế độ Assad tại Syria, đã bị đánh tan bởi các cuộc không kích của Nga và 1.600 người được cho là đã bỏ chạy về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây”, BBC hôm 25/11 đã viết.

Do đó việc Ankara quyết định bắn rơi Su-24 Nga rõ ràng không chỉ là một sự khẳng định chủ quyền quốc gia tại vùng biên giới, mà còn là một sự bảo đảm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những lực lượng được nước này bảo trợ và cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng dùng hỏa lực để bảo vệ đồng minh của mình.

Nghe qua có vẻ hợp lý nếu dùng điều này để lý giải cho việc Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra “cuộc khủng hoảng 17 giây”, song nếu đặt lên bàn cân quyền lợi cả vế chính trị và kinh tế thì câu chuyện dường như đi theo một hướng khác.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin, ảnh: Daily Sabah.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin, ảnh: Daily Sabah.

Nói như cách giải thích của ông Erdogan, "nếu biết trước là máy bay Nga thì đã có cách cảnh báo khác", sự việc vẫn có thể giải quyết qua kênh liên lạc giữa lãnh đạo hai nước trong việc xử lý tình huống khẩn cấp, mà cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều quá thuần thục với việc này.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lựa chọn quyết định bắn rơi máy Nga thì rõ ràng đây là một hành động thể hiện sự quyết liệt, và qua phân tích có thể thấy đây là hành động giọt nước tràn ly. Tại sao lại nói như vậy?

"Làm em ăn thèm vác nặng"

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, có vị thế tiền tiêu cả về địa chính trị lẫn địa chiến lược của tổ chức này. Thổ Nhĩ Kỳ đã có vai trò rất lớn trong việc tạo không gian cho hoạt động quân sự của Mỹ và NATO trong cả hai cuộc chiến ở Afghanistan lẫn ở Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở “ngã ba chiến lược” Nga – Trung Đông – Bắc Phi, những nơi mà NATO cho rằng quyền lợi của tổ chức này luôn bị thách thức và đe dọa.

Trong cuộc chiến chống khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ là căn cứ trực tiếp cho Mỹ và phương Tây sử dụng để thực hiện những toan tính cho quyền lợi và quyền lực của mình. Có thể thấy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên có ảnh hưởng rất quyết định đến lợi ích kinh tế - chính  trị - quân sự của NATO.

Ấy vậy mà, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào của đồng minh trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn nội tại của đất nước? Ankara có được vai trò gì và vị thế như thế nào trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế có ảnh hưởng tới quyền lợi quốc gia mình?

Lâu nay, Ankara luôn đau đầu vì bất ổn tại khu vực biên giới với Iraq, khi cộng đồng thiểu số người Kurd liên tục đấu tranh đòi thoát khỏi cơ chế tự trị để thành lập một nhà nước Kurdistan độc lập, điều đó luôn là mối đe dọa cho bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Vậy nhưng Mỹ và phương Tây, tuy có xem PKK – đảng Công nhân người Kurd là đảng của lực lượng khủng bố, nhưng lại ủng hộ lực lượng người Kurd thiểu số ở Iraq cân bằng quyền lực với chính phủ Baghdad mà quên mất sẽ ảnh hưởng rất xấu tới Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thực tế cho thấy, vấn đề quyền lực cho người Kurd ở Iraq đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một tình thế nan giải trong việc giải quyết vấn đề này. Sự nghiêm trọng phát triển đến mức cao trào vào ngày 21/2/2008, Thổ Nhĩ Kỳ phải tiến quân vào vào bắc Iraq để truy lùng và tiêu diệt PKK. 

Tuy nhiên, Mỹ sợ rằng việc kéo dài cuộc hành quân của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phá hoại sự ổn định trong vùng. Mặc dù Hoa Kỳ ủng hộ cố gắng của Ankara nhằm dẹp trừ PKK, nhưng Tổng thống Bush đã kêu gọi: "Thổ Nhĩ Kỳ cần hành động một cách nhanh chóng và rút ra."

Chính phủ Hoa Kỳ lúc đó có thể giảm bớt sự hỗ trợ chiến dịch không kích của Thổ Nhĩ Kỳ để tiêu diệt  PKK, nếu Ankara không đáp ứng lời kêu gọi của Washington, theo Reuters ngày 28/2/2008.

Cho đến nay khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq là nơi gần như “trống quyền lực” của Ankara, đe dọa nghiệm trong an ninh quốc gia và ổn định chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ truy lung và tiêu diệt PKK - Ảnh: Sputnik
Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ truy lung và tiêu diệt PKK - Ảnh: Sputnik

Trong vấn đề cuộc khủng hoảng tại nước láng giềng Syria, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến tình hình Syria, và có thế nói Thổ Nhĩ Kỳ là nơi giúp NATO đảm bảo không đánh mất sự kiểm soát Syria vào tay Nga.

Tuy nhiên khi họp bàn về Syria, vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ quá bèo bọt, nếu như không muốn nói Thổ Nhĩ Kỳ không có tên trong bàn cờ chính trị Syria nói riêng, Trung Đông nói chung. Khi người ta bàn về giải pháp cho Syria, Thổ Nhĩ Kỳ không được đếm xỉa, mà thay vào đó là vị thế của Saudi Arabia và Iran – một đồng minh của Adssad, lại được các bên xem trọng.

“Các nước như Iran và Saudi Arabia, có hỗ trợ cho các bên khác nhau trong cuộc xung đột, gác lại tranh chấp của họ để lên án các vụ đánh bom và nổ súng khiến ít nhất 123 người ở thủ đô nước Pháp thiệt mạng nên đã được Moscow và Washington ủng hộ”. US News đưa tin về hội nghị ngày 14/11 vừa qua tại Vienna bàn về tương lai của Syria, rõ ràng tên của Thổ Nhĩ Kỳ không hề được nhắc tới.

Như vậy dù trong NATO, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên gánh nhiều trách nhiệm nhưng vị thế và quyền lợi không hề tương xứng. Sự bất công này đã gây nên ức chế đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi không thể bỏ rơi liên minh, Ankara cũng không có cách hữu hiệu nào có thể “nhắc nhở” các đồng minh lớn về việc này.

Khi quyền lợi và vị thế trong NATO chưa được xem trọng thì Thổ Nhĩ Kỳ đi tìm sự hợp tác từ Nga để cân bằng quyền lợi và tạo vị thế mới cho mình. Tuy nhiên, Nga lại chỉ xem việc tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là để giúp xây dựng bàn đạp vững chắc "tấn công khủng bố" ở Syria.

Nhưng mục đích chính của Moscow lại hướng tới phe nổi dậy tại Syria – lực lượng được Ankara hậu thuẫn. Bên cạnh đó, qua thực tế hành động của chính quyền Tổng thống Putin có thể thấy, Nga muốn sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ để gây ảnh hưởng với NATO, để có lợi cho mình trong vấn đề Syria và chống khủng bố ở Trung Đông, hơn là xem Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chiến lược trong tương lai.

Rõ ràng, trong cả hai mối quan hệ - liên minh NATO và đối tác với Nga, Ankara đều chỉ là con bài được các ông lớn sử dụng vào mục đích riêng của họ. Những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ thì người ta không quan tâm, những vấn đề liên quan tới vị thế và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ thì người ta phớt lờ, giải quyết “trên đầu trên cổ” họ.

Cách hành xử theo kiểu chủ nghĩa bá quyền nước lớn đã đưa những nước nhỏ, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ vào vị thế “nhược tiểu” phải chấp nhận những bất công và sự dồn nén tăng dần, chỉ chờ có cơ hội là nó bật lên, với những phản kháng quyết liệt.

Người dân Nga ném đá, trứng thối vào đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này sau vụ Su-24 bị bắn rơi.
Người dân Nga ném đá, trứng thối vào đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này sau vụ Su-24 bị bắn rơi.

Và với lý do máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ đã được Ankara xem là cơ hội tuyệt vời thể hiện sự phản kháng, “cuộc khủng hoảng 17 giây” trở thành giọt nước tràn ly không thể tránh khỏi trong trường hợp này.

Khủng hoảng Nga - Thổ tác động hiệu chỉnh chiến lược đối với cả hai bên, ba phía, bốn lực lượng

BCC ngày 25/11 phân tích: “Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ” là một sự kiện nóng bỏng, có tác động nhiều đến tình hình khủng hoảng ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi khi đây là lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ mà một thành viên NATO đã bắn hạ một máy bay Nga, điều này gây nguy cơ cho sự một sự leo thang quân sự và đưa mối quan hệ song phương rơi vào khủng hoảng.

Và theo BBC, với những gì mà cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tuyên bố, thể hiện quan điểm của hai về sự kiện, thì diễn biến sắp tới của tình hình là không thể tiên đoán và tiếp theo sẽ là là những gì – đó là điều đáng lo ngại nhất.

The Washington Post hôm 26/11 dẫn lời Mustafa Alani, một chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh trụ sở tại Geneva cho rằng:

"Có một thông điệp rõ ràng từ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Nga là, với NATO, đó là một sự kiểm tra và hiệu chỉnh đối với chính sách của Nga trong khu vực. Nga không thể làm bất cứ điều gì họ muốn".

BBC hôm 24/11 nhận định: “Kể từ sau các cuộc tấn công khủng bố tại  Paris, đã có những dấu hiệu của một sự xích lại gần nhau giữa Nga và phương Tây - đoàn kết chống lại một mối đe dọa chung – lực lượng khủng bố. Với thiện chí của mình, Nga thực sự không muốn đánh mất đi sự đoàn kết, nhưng sự cố mới nhất này là một thách thức rất lớn với điều ấy”.

Tuy nhiên, “sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ có tác động tới chiến lược của các bên, các phía, các lực lượng liên quan tới sự việc này.

Cho dù như BBC đưa tin hôm 24/11: “NATO đang tổ chức một cuộc họp bất thường để thảo luận về vụ việc theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội liên minh NATO cho biết họ đang theo dõi tình hình "chặt chẽ" và đã tiếp xúc với các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ”, thì đó chỉ là phản ứng tức thì và cần phải có trước một sự kiện quân sự ảnh hưởng trực tiếp tới thành viên.

Bởi theo quy chế của mình, NATO phải có trách nhiệm bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ. Về cơ bản, với NATO có lẽ đây là lúc hợp lý và cần thiết nhất họ phải thay đổi cách đối xử với Thổ Nhĩ Kỳ sao cho tương xứng với vị thế và vai trò của quốc gia thành viên này.

Đặc biệt trong vấn đề Syria, vai trò và vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ không thể thua kém Iran hay Saudi Arabia trong đàm phán, quyết định giải pháp cho vấn đề này. 

Còn với Nga, việc trừng phạt kinh tế chỉ là phản ứng “dây chuyền” cần phải có nhưng không cần thiết và không nên đi quá xa, nếu không sẽ phản tác dụng, nhất là trong tình hình kinh tế hiện nay.

Nga tuyên bố đã kéo hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 sang Syria. Ảnh: Sputnik.
Nga tuyên bố đã kéo hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 sang Syria. Ảnh: Sputnik.

Trên phương diện quân sự The Washington Post hôm 25/11 đưa tin: “Bộ Quốc phòng Nga thông báo trong một tuyên bố hôm Thứ Tư rằng máy bay chiến đấu của Nga bây giờ sẽ hộ tống các máy bay ném bom, và Moscow sẽ di chuyển vào Syria tên lửa đất đối không thế hệ mới S-400 đến căn cứ không quân của Nga tại tỉnh Latakia, Syria trên bờ Địa Trung Hải”.

Các nhà phân tích cho rằng, Nga sẽ chọn các phản ứng tương xứng để trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có biện pháp trừng phạt kinh tế và cung cấp viện trợ quân sự cho kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả người Kurd.

"Tất nhiên, Nga sẽ tăng cường các cuộc tấn công trên một phần lãnh thổ Syria và vào các nhóm đang liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ", Fyodor Lukyanov, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng của Nga nói với The Wasinhton Post. 

Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng những phản ứng cứng rắn đầu tiên là để Ankara khẳng định lập trường của mình, rằng hành động của họ là đúng đắn, bảo về chủ quyền quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên qua sự kiện này, vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi và họ được thể hiện sự độc lập trong những quyết định của mình và sẽ được đồng minh ủng hộ và các nước đối tác tôn trọng.

Tờ Sputnik hôm 25/11 dẫn lại tin báo địa phương Rudaw nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ nối lại chiến dịch oanh tạc các mục tiêu PKK, với việc dùng chiến đấu cơ xâm nhập không phận Iraq để không kích căn cứ của nhóm này.

Dù thông tin của sự việc chưa được Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận hay phản bác, nhưng nếu sự việc đúng như vậy thì đây cũng là chuyện riêng của Ankara và có thể thấy sẽ không có những tác động hay áp lực như trước đây nữa.

Tuy nhiên, với những gì xảy ra sau “cuộc khủng hoảng 17 giây”, tổ chức khủng bố – lực lượng thứ tư liên quan đến sự kiện - có thể lại là kẻ ngư ông đắc lợi, có những cơ hội để củng cố và điều chỉnh.

Đặc biệt là một khi sự mất đoàn kết, thậm chí trả đũa lẫn nhau giữa các bên còn tiếp tục trong liên minh chống khủng bố sẽ làm cho cuộc chiến chống IS bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và ngày tàn của chủ nghĩa khủng bố lại bị lùi xa.

Qua “sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ” người ta nhận thấy bất công luôn gây nên những hậu quả khôn lường. Chủ nghĩa bá quyền là một trong những nguyên nhân ra đời của chủ nghĩa khủng bố.

Cũng chính chủ nghĩa bá quyền đồng thời là nguyên nhân làm suy yếu lực lượng chống khủng bố, ngược lại còn làm tăng sức sống cho chủ nghĩa khủng bố. Một cuộc sống thanh bình cho người dân trong một thế giới hòa bình xem ra còn rất xa vời nếu các nước lớn vẫn chỉ chăm chăm bảo vệ lợi ích của riêng mình. 

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của riêng cá nhân tác giả.

Ngọc Việt