Hà Nội sẽ ghi dấu ấn hai tư tưởng lớn gặp nhau?

26/02/2019 09:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Một người muốn làm cho Bắc Triều Tiên an toàn với thế giới còn người kia muốn làm cho thế giới an toàn đối với Bắc Triều Tiên, cả hai sẽ gặp nhau tại Hà Nội.

Nikkei Asian Review ngày 26/2 nhận định, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào thứ Tư và thứ Năm, đang được dư luận quan tâm xem xét kỹ lưỡng hơn so với cuộc gặp thượng đỉnh lần 1 tại Singapore.

Nếu như hội nghị thượng đỉnh lần 1 được xem như thành tựu lớn vì chưa bao giờ một Tổng thống Hoa Kỳ gặp một nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, thì hội nghị lần này dư luận đang tập trung vào triển vọng kết quả, có hay không một sự đột phá.

Tuần trước, các quan chức cấp cao Hoa Kỳ nói với truyền thông rằng, Washington và Bình Nhưỡng vẫn chưa đạt được nhận thức chung về phi hạt nhân hóa, mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội lần này sẽ là thiết lập một nhận thức chung về vấn đề này.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh lần 1 tại Singapore ngày 12/6/2018, ảnh: AP.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh lần 1 tại Singapore ngày 12/6/2018, ảnh: AP.

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh lần 1 tại Singapore ngày 12/6/2018, ông Donald Trump đã viết trên trang cá nhân Twitter rằng, Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân.

Chủ nhật tuần qua, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter rằng, ông và Chủ tịch Kim Jong-un đều mong đợi tiếp tục đạt được bước tiến sau hội nghị lần 1, ông chủ Nhà Trắng kết thúc bằng một câu hỏi tu từ: "Phi hạt nhân hóa?"

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo Chủ nhật vừa qua cũng thừa nhận, có thể phải có một hội nghị thượng đỉnh nữa để đạt được một thỏa thuận toàn diện:

"Chúng tôi có thể không hoàn thành mọi thứ trong tuần này. Chúng tôi hy vọng sẽ có một bước tiến đáng kể trên đường đi."

Giám đốc Eurasia Group, Scott Seaman, nhận định rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 có thể sẽ đạt được một thỏa thuận khiêm tốn liên quan đến việc Mỹ đồng ý giảm bớt áp lực kinh tế và an ninh đối với Bình Nhưỡng.

Đổi lại, ông Kim Jong-un sẽ thực hiện các bước đi tiếp theo để giảm kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Còn theo một cựu chuyên gia đàm phán của Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên thời Clinton, việc làm thế nào để tháo dỡ vũ khí hạt nhân, cơ sở hạt nhân và ai sẽ làm điều đó, ai sẽ chịu chi phí, đều là vấn đề phức tạp chưa thể có ngay câu trả lời. [1]

Hà Nội sẽ ghi dấu ấn hai tư tưởng lớn gặp nhau? ảnh 2

3 khuyến nghị của Tiến sĩ Trần Công Trục để thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công

Theo News.com.au ngày 26/2, Tổng thống Donald Trump đang bị một số người chỉ trích vì những tuyên bố thân thiện của ông dành cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, ông chủ Nhà Trắng gần như không quan tâm đến các vấn đề nội bộ của Bình Nhưỡng.

Stephen Biegun, một nhà đàm phán về vấn đề Bắc Triều Tiên nói với The Washington Post, hai bên đã nỗ lực duy trì liên lạc nhiều tháng qua phần lớn là do quyết tâm cá nhân của Tổng thống Donald Trump cũng như sự sẵn sàng và nhất quán của ông ấy để gửi các thông điệp tích cực, lòng tin và sự tự tin đến ông Kim Jong-un.

Nicholas Eberstadt viết trên tờ The New York Times rằng sẽ có một người chiến thắng trong bối cảnh, một người muốn làm cho Bắc Triều Tiên an toàn với thế giới còn người kia muốn làm cho thế giới an toàn đối với Bắc Triều Tiên. [2]

Mặc dù còn nhiều quan điểm hoài nghi khả năng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội sẽ đạt được bước đột phá, nhưng theo cá nhân chúng tôi, cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đều mong muốn đạt được thỏa thuận với những cử chỉ, thông điệp tôn trọng nhau chưa từng có.

Việc ông chủ Nhà Trắng "không quan tâm đến vấn đề nội bộ của Bình Nhưỡng" có thể xem như một cử chỉ thiện chí và thực tế nhất để xây dựng lòng tin, tìm cách thoát bao vây cấm vận để phát triển kinh tế lại là mục tiêu ưu tiên số một của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay.

Cho nên rất có thể Hà Nội sẽ là nơi hai tư tưởng lớn gặp nhau, những đột phá không phải không thể xảy ra nếu tiến trình đàm phán diễn ra thực sự bình đẳng, cùng có lợi trên tinh thần xây dựng.

Nguồn:

[1]https://asia.nikkei.com/Politics/Trump-Kim-Summit/Trump-and-Kim-face-more-scrutiny-in-round-two-of-nuclear-talks

[2]https://www.news.com.au/finance/work/leaders/crunch-time-for-donald-trump-and-kim-jongun/news-story/8927c5ed50aa1b03735f03ca4a144635

Hồng Thủy