Robert D. Kaplan. Ảnh: abc.es. |
Tờ The Liberty Nhật Bản ngày 11/6 đăng bài phỏng vấn về vấn đề Biển Đông với Robert D. Kaplan, thành viên Trung tâm An ninh mới của Mỹ, giáo sư thỉnh giảng Học viện Hải quân Hoa Kỳ, biên tập viên tạp chí The Alantic.
Ông Robert D. Kaplan cho rằng những căng thẳng ở Biển Đông hiện nay gắn liền với tham vọng trở thành một đế chế thương mại của Trung Quốc. Cạnh tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông đã trở nên "mãn tính" và kéo dài liên tục.
Những gì các quốc gia nhỏ muốn làm như Việt Nam, Philippines, Malaysia là muốn Hải quân, Không quân Hoa Kỳ sẽ là yếu tố cân bằng chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Còn Bắc Kinh sẽ không dừng lại các hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông nhưng chưa chắc điều này đã dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp.
Mục tiêu của Trung Quốc là dần đạt được trạng thái ngang bằng với Hải quân Mỹ ở Biển Đông, Hoa Đông mà không phải nổ súng chống lại Mỹ, bởi Trung Quốc thừa biết mình sẽ mất gì.
Trong tương lai liệu Hải quân Hoa Kỳ có tiếp tục đảm nhiệm công việc duy trì, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông hay không sẽ còn phụ thuộc vào kích thước và khả năng triển khai của Hải quân Mỹ trong những thập kỷ tới. Hiện tại Hải quân Hoa Kỳ có khoảng 290 tàu chiến và dự kiến sẽ tăng lên 300 trong những năm tới.
Nhưng cũng cần phải tính đến việc loại khỏi biên chế những con tàu cũ, trong khi kịch bản ngân sách quân sự có thể bị cắt giảm đáng kể. Vì vậy những gì sẽ xảy ra cuối cùng phụ thuộc vào rất nhiều cân nhắc mà quan trọng trong số đó là ngân sách quân sự của Mỹ.
Nhưng điều đáng lo lắng theo Robert D. Kaplan là Trung Quốc sẽ không làm bất cứ điều gì rõ rệt bởi họ không phải Nga ở Ukraine. "Hình thức xâm lược của Trung Quốc là tiến xa dần và 'thanh lịch'.
Bắc Kinh thực hiện chiến lược lùi 2,5 bước để tiến 4 bước, liên tục thử nghiệm mọi thứ. Từ việc điều giàn khoan 981 cắm bất hợp pháp xuống vùng biển Việt Nam và kéo nó về sau khi bị quá nhiều lên án từ cộng đồng quốc tế cho đến việc sử dụng tàu vỏ trắng thúc đẩy yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) thay vì tàu quân sự để tránh sự can thiệp của Hải quân Mỹ".
"Trung Quốc đã làm chủ được nghệ thuật gặm nhấm, gián tiếp xâm lấn để thực hiện quyền bá chủ", Robert D. Kaplan bình luận. Những gì Bắc Kinh đang tìm kiếm hiện nay là quyền bá chủ quân sự cuối cùng trên Biển Đông và Hoa Đông, cũng như một đế chế hàng hải, đế chế thương mại kéo dài đến Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.
Con đường từ một đế chế thương mại hàng hải đến một đế chế quân sự vẫn còn dài. Và do đó mục tiêu của Bắc Kinh liên quan đến Ấn Độ Dương là lâu dài, còn Biển Đông và Hoa Đông đang hiện hữu mọi người đều thấy.
Đây không còn là một mục tiêu Bắc Kinh cố gắng thiết lập mà đang là một xu hướng rõ ràng, hữu cơ. Nói cách khác, đi kèm với tàu buôn Trung Quốc cập cảng tại Sri Lanka sẽ là tàu quân sự. Và một khi đạt được mục tiêu, Trung Quốc sẽ buộc tất cả các quốc gia phải hành xử theo cách có lợi cho Bắc Kinh