Ngày này 42 năm về trước, 19/1/1974 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đã lợi dụng bối cảnh quốc tế và khu vực cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Lúc đó Hoàng Sa và Trường Sa đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo tinh thần Hiệp định Geneva 1954 mà Trung Quốc là một bên tham dự.
74 người con Việt Nam anh dũng đã ngã xuống, máu thắm Hoàng Sa trong cuộc chiến không cân sức. Tháng 3/1988, lại một trận hải chiến khác xảy ra, nhưng lần này là ở Gạc Ma, Trường Sa, 64 người con đất Việt lại ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Trung Quốc chiếm 6 thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phối cảnh khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa vừa được khởi công xây dựng trên đảo Lý Sơn, ảnh: Báo Tuổi Trẻ. |
Kể từ đó, hai tiếng Hoàng Sa hay Gạc Ma vẫn cứ đau đáu trong lòng người dân nước Việt từ Bắc chí Nam. Dù đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, Nhà nước và Dân tộc Việt Nam chưa khi nào ngừng nỗ lực tìm cách để thực thi chủ quyền và đưa quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể ở Trường Sa trở về với Tổ quốc, với Đất Mẹ.
Ngoại bang dòm ngó
Nhà nước Việt Nam từ thời các chúa Nguyễn đầu thế kỷ 17 đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi còn là đất vô chủ trên Biển Đông. Quá trình đó diễn ra một cách hòa bình và liên tục, từ chính quyền trung ương đến địa phương và ngày càng hoàn thiện, điều này đã được ghi chép trong hội điển, sử sách Nhà nước Việt Nam thời chúa Nguyễn.
Tới thời vua Minh Mạng, việc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa được tiến hành một cách bài bản hơn, từ đo đạc, vẽ bản đồ cho đến cắm mốc, dựng bia chủ quyền, trồng cây trên đảo.
Năm 1834 vua Minh Mạng đã chuẩn y bản tấu của Bộ Công giao tỉnh Quảng Ngãi xây miếu Hoàng Sa và dựng bia trên đảo, nhưng vì sóng to gió lớn chưa làm được ngay nên tháng 6 năm sau, 1835, năm Minh Mạng thứ 16, vua sai Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên mang theo thợ và phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chở vật liệu ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia chủ quyền, theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ viết trên báo Tiền Phong ngày 26/7/2009.
Châu bản triều Nguyễn ngày 13-7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) với nội dung Bộ Hình truyền dụ của vua Minh Mạng về việc những người đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, hoàn thành nhiệm vụ được Nhà vua ban thưởng, mắc sai sót bị xét phạt. Ảnh: xaydungdang.org.vn. |
Tháng 6/1909, Lý Chuẩn, một đô đốc hải quân của nhà Thanh, Trung Quốc được lệnh của Tổng đốc Lưỡng Quảng đã kéo thuyền đổ bộ lên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa nhưng rút ngay về nước sau đó.
Đến năm 1932, chính quyền Trung Hoa Dân quốc lấy sự kiện đổ bộ của Lý Chuẩn lên đảo Phú Lâm ngày 6/6/1909 làm mốc đánh dấu chính thức nhảy vào tranh chấp quần đảo Hoàng Sa vốn đã thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam.
Thời điểm này, Hoàng Sa và Trường Sa đang do Cộng hòa Pháp đại diện cho Nhà nước Việt Nam về đối ngoại quản lý và thực thi chủ quyền.
Vào các năm 1946, 1956 Trung Quốc với 2 bộ máy chính quyền Trung Hoa Dân quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thừa cơ đổ bộ, cất quân chiếm đóng và đánh chiếm bất hợp pháp nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa.
Năm 1974, 1988 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa và 6 thực thể ở Trường Sa, gây ra hai cuộc hải chiến đẫm máu.
Điểm lại một vài mốc lịch sử đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể thấy, ngoại bang luôn luôn dòm ngó lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là trên Biển Đông chiến lược.
Mỗi khi dân tộc Việt Nam gặp khó khăn vì chiến tranh hay chia rẽ, suy yếu kết hợp bối cảnh thời cuộc tranh giành thỏa hiệp giữa các siêu cường và cán cân lực lượng trong khu vực, phương Bắc lại tính đến việc thôn tính, gặm nhấm lãnh thổ láng giềng.
Ngày nay, Trung Quốc đã cụ thể hóa chiến lược độc chiếm Biển Đông thành ao nhà của họ với những phát biểu công khai từ người lãnh đạo cao nhất, nhằm hiện thực hóa cuồng vọng đường lưỡi bò.
Quan chức cấp cao nước này cũng đã không ngần ngại úp mở rằng các đảo ở Biển Đông thuộc cái gọi là "chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại" và họ đã "nhân nhượng" nên mới "chưa thu hồi".
Nhiều người xem truyền hình Việt Nam biết đến Đường Quốc Cường thủ vai Khổng Minh trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhưng ít ai biết rằng Đường Quốc Cường đã thủ vai một nhân vật chỉ huy hải quân Trung Quốc tham gia cuộc chiến xâm lược Hoàng Sa 1974 trong bộ phim tuyên truyền bóp méo lịch sử. Ảnh: Nhân vật Đường Quốc Cường thủ vai trong bộ phim tuyên truyền xuyên tạc về cuộc chiến Hoàng Sa 1974. |
Điều này cảnh báo một nguy cơ, nếu thiếu vắng một quyền lực toàn cầu ở Biển Đông, hay rình lúc Việt Nam gặp khó khăn, các thực thể Việt Nam đang đóng giữ ở Trường Sa và thềm lục địa có thể trở thành đối tượng mục tiêu ngoại bang xâm lược.
Trong ấm thì ngoài êm
Muốn giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước tham vọng của nước lớn láng giềng, thiết nghĩ Việt Nam cần phải phát triển cường thịnh. Từ các sự kiện nêu trên cho thấy, ngoại bang chỉ chực rình lúc Việt Nam đang chia rẽ, mâu thuẫn hay suy yếu để lấn chiếm lãnh thổ, nên muốn giữ vững từng tấc đất cha ông để lại, dân tộc Việt Nam phải đoàn kết và phát triển cường thịnh.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã trong một lần trò chuyện với người viết đã chia sẻ rằng, để bảo vệ được chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp khác của Việt Nam trên Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam phải trở thành một cường quốc về biển.
Ông rất hy vọng và trông chờ vào thế hệ trẻ người Việt Nam học tập thanh niên Nhật Bản với tinh thần dân tộc và ý chí khởi nghiệp, học tập thanh niên Do Thái với tinh thần sáng tạo đổi mới không ngừng để phát triển đất nước Việt Nam vững mạnh.
Khi chúng ta có đủ thế và lực, việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mới được đảm bảo, những nỗ lực đưa Hoàng Sa và một phần Trường Sa đang bị ngoại bang chiếm đóng trở về với Tổ quốc mới khả thi.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 khi trao đổi với người viết cũng nhấn mạnh rằng, Hoàng Sa và một phần Trường Sa đang bị chiếm đóng là một phần lãnh thổ máu thịt không thể tách rời của Việt Nam, dù phải mất bao lâu đi nữa chúng ta cũng phải đấu tranh để đưa Hoàng Sa, Gạc Ma trở về với Tổ quốc, Đất Mẹ.
Tuy nhiên chúng ta phải biết tự lực tự cường, tự lượng sức mình để vừa bảo vệ được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay, vừa tìm cách đấu tranh khôn khéo đòi lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa.
Dân tộc Việt Nam này, đất nước Việt Nam này từ thời các Vua Hùng lập quốc đã hun đúc nên ý chí dân tộc quật cường, dẻo dai bền bỉ. 1000 năm Bắc Thuộc không làm phai nhạt ý chí ấy. Dù có phải mất trăm năm, ngàn năm đi nữa, Hoàng Sa và một phần Trường Sa cũng phải đòi về.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ. |
Ngày nay, khi đối phương đang ra sức phô trương sức mạnh quân sự và biến Biển Đông thành ao nhà, việc sử dụng vũ lực để đòi lại Hoàng Sa hay một phần Trường Sa là điều không thể. Ý chí, quyết tâm của những Chiến sĩ Hải quân Việt Nam ngày nay không kém gì cha anh khi gìn giữ Hoàng Sa năm 1974 hay Gạc Ma năm 1988, nhưng chỉ bấy nhiêu chưa đủ.
Giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cần sức mạnh tổng hợp quốc gia, biết ta biết địch, nắm vững thế thời. Ngày nay, đấu tranh bằng con đường pháp lý, ngoại giao, chính trị và huy động tối đa sự ủng hộ của dư luận trong nước cũng như bạn bè khu vực và quốc tế, đặc biệt là các nước lớn có ảnh hưởng là lựa chọn tối ưu đối với Việt Nam.
Đồng thời Việt Nam cũng phải hết sức cảnh giác khi đối phương đang mạnh, hùng hổ và sẵn sàng tạo cớ gây hấn, mở rộng đánh chiếm ngoài thực địa.
Tuyệt đối không tạo cớ cho đối phương khiêu khích, bởi nếu chúng ta nổ một phát súng ngoài thực địa, chúng ta có thể bị đánh chiếm mất thêm một điểm. Để sự đã rồi, việc lấy lại sẽ gian nan gấp bội. Vị tướng dạn dày kinh nghiệm trận mạc lưu ý, lúc này chúng ta cần giữ cho đầu óc hết sức tỉnh táo, giữ cho được những gì đang có và củng cố, phát triển đất nước giàu mạnh.
Làm sao để Hoàng Sa và một phần Trường Sa trở về với Tổ quốc?
Việc đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa là sự nghiệp lâu dài, gian khó đòi hỏi ý chí, sức mạnh tổng hợp bền bỉ, dẻo dai, kiên trì, liên tục. Những gì Nhà nước và Dân tộc Việt Nam đang làm hiện nay đã và đang góp phần khẳng định, thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cả về mặt vật chất và tinh thần.
Để Hoàng Sa và một phần Trường Sa trở về với Tổ quốc, thiết nghĩ trước tiên chúng ta phải đoàn kết, chỉ khi nào đoàn kết chúng ta mới có sức mạnh.
Những gì chúng ta có thể làm, nên làm và cần làm hiện nay cho đến khi nào đòi được Hoàng Sa và một phần Trường Sa dù bao lâu đi nữa, theo Tiến sĩ Trần Công Trục nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, là phải đảm bảo cả hai yếu tố vật chất và tinh thần, theo đúng quy định của Công pháp quốc tế.
Về mặt vật chất, Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng, nên chăng Nhà nước cần tính đến việc sáp nhập một phần lãnh thổ gần Hoàng Sa nhất vào huyện đảo Hoàng Sa và đưa trụ sở hành chính huyện Hoàng Sa ra đó.
Lý Sơn có thể là một lựa chọn đầy ý nghĩa về pháp lý, lịch sử cũng như chính trị, bởi nơi đây là phát tích của các lực lượng Nhà nước Việt Nam xác lập, thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
Thứ hai, cần xây dựng và triển khai càng sớm càng tốt các chính sách cụ thể hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ ngư dân Việt Nam làm ăn sinh sống, bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa. Cần có một cơ quan đứng ra lo việc này, cấp thẻ Công dân Hoàng Sa, điều phối các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ họ.
Thứ ba, cần tập trung trang bị kiến thức về luật pháp quốc tế, Luật Biển Việt Nam, cung cấp thông tin và bồi dưỡng, hướng dẫn các kỹ năng tự vệ cho ngư dân Việt Nam nói chung, Công dân Hoàng Sa nói riêng khi vươn khơi.
Bởi lẽ Trung Quốc đang phát triển mạnh lực lượng "hải quân trá hình" là Cảnh sát biển. Hoạt động của lực lượng này thời gian tới có thể sẽ nguy hiểm hơn, xảo quyệt hơn với phạm vi rộng hơn...
Về mặt tinh thần, Việt Nam cần tiếp tục phản đối kịp thời mọi hành động của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời quảng bá, giới thiệu về chủ quyền hợp pháp của mình đến dư luận trong và ngoài nước.
Nên tranh thủ tối đa lực lượng nghiên cứu, học giả người Việt trong nước và hải ngoại, các học giả nhà nghiên cứu nước ngoài. Cần chuẩn bị các phương án và hành động pháp lý.
Với những nhóm đối tượng khác nhau cần có cách thức tuyên truyền, giáo dục khác nhau. Thống nhất tư liệu, tài liệu có giá trị đấu tranh pháp lý và tránh những kẽ hở đối phương có thể lợi dụng.
Đội ngũ học giả người Việt trong cũng như ngoài nước cần được tập hợp, tập trung nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là lập luận của Trung Quốc và bác bỏ lập luận của Trung Quốc. Với học giả nước ngoài, chúng ta cần tranh thủ tối đa sự ủng hộ của họ.
Trong các cuộc hội thảo, diễn đàn khu vực và quốc tế hay các hoạt động ngoại giao, Việt Nam cần chuẩn bị bộ tài liệu thống nhất, chính xác, khoa học, khách quan, phù hợp với luật pháp quốc tế để giới thiệu chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quyền tài phán, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông một cách dễ hiểu, dễ nhớ đi kèm các bằng chứng pháp lý thuyết phục để cung cấp cho các học giả, chính khách quốc tế.
Câu chuyện Biển Đông hiện nay không còn chỉ là không gian sinh tồn của các quốc gia ven Biển Đông bao gồm Việt Nam, mà còn là tuyến đường hàng hải trọng yếu hàng đầu của khu vực và thế giới, nơi các cường quốc đặc biệt quan tâm. Việt Nam cần tính đến nhân tố này để phát huy tối đa, phối hợp nhịp nhàng với các nước để bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế trong khu vực.
Việc đấu tranh đưa Hoàng Sa và Trường Sa trở về với Tổ quốc là điều rất khó khăn, lâu dài nhưng bền bỉ không ngừng, đòi hỏi nỗ lực liên tục, quan tâm đầu tư đúng mức và chú trọng sáng tạo, hiệu quả.
Vượt lên trên hết, chúng ta cần giữ vững niềm tin vào công lý, lẽ thật, tin tưởng chắc chắn có một ngày lấy lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Cha ông ta đã từng đòi lại được một phần lãnh thổ đã mất bằng lẽ phải và tài đối ngoại như Thái sư Lê Văn Thịnh đòi nhà Tống trả lại 6 huyện, 3 động ở Cao Bằng, vì vậy đừng bao giờ để mất niềm tin.