"Ông Tập Cận Bình nên biết..."

05/04/2018 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Giấc mơ "phục hưng dân tộc Trung Hoa" sẽ chỉ có được trong hòa bình, hoặc nó sẽ không bao giờ thành sự thật.

South China Morning Post ngày 4/4 đăng bài phân tích của học giả Andrei Lungu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Á -  Thái Bình Dương, Rumani, đưa ra một số khuyến nghị chính sách với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về đối ngoại.

Nhận thấy bài viết này có thể mang giá trị nào đó trong việc đánh giá chiến lược, ý đồ thực sự của Trung Quốc xung quanh các động thái leo thang trên Biển Đông hiện nay, nhất là khả năng sẵn sàng cho 1 cuộc xung đột, chúng tôi xin được giới thiệu đến quý bạn đọc nội dung bài viết này để có thêm một góc nhìn tham khảo.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Á -Thái Bình Dương Rumani, Andrei Lungu. Ảnh: RESAP.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Á -Thái Bình Dương Rumani, Andrei Lungu. Ảnh: RESAP.

"Chủ tịch Trung Quốc sẽ phải sử dụng quyền lực và ảnh hưởng đáng kể của ông với Đảng Cộng sản Trung Quốc, để tìm kiếm giải pháp ngoại giao và thỏa hiệp trong thời khủng hoảng;

Bởi vì một cuộc đối đầu vũ trang có thể làm hỏng kế hoạch lớn của ông, phục hưng dân tộc Trung Hoa - Trung Quốc mộng.

Giờ đây, sau khi Trung Quốc đã bãi bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ với chức danh Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình có thể giữ lại tất cả chức danh và quyền lực hiện có trong tương lai.

Hầu hết các lập luận bảo vệ động thái này đều cho rằng, ông Tập Cận Bình đang củng cố sức mạnh để vượt qua những cuộc cải cách khó khăn và củng cố sức mạnh Trung Quốc;

Ông muốn duy trì chức vụ sau 2022 (Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc) để chủ trì sự nghiệp trỗi dậy của Trung Quốc, trở thành cường quốc toàn cầu, nhằm đạt được giấc mộng "phục hưng dân tộc Trung Hoa".

Chủ tịch Tập Cận Bình quan tâm đến việc "phục hưng dân tộc Trung Hoa" là khá rõ ràng.

Tuy nhiên, mục tiêu này không chỉ mang hàm ý một sự chuyển đổi kinh tế, biến Trung Quốc thành quốc gia phát triển;

"Ông Tập Cận Bình nên biết..." ảnh 2

Trung Quốc sẽ không dừng lại trên Biển Đông, Mỹ đã tính kéo tên lửa đến khu vực

Nó còn mang ý nghĩa sự thay đổi, biến Trung Quốc thành siêu cường có ảnh hưởng toàn cầu, được ngưỡng mộ, tôn trọng trên khắp thế giới.

Nếu đây thực sự là mục đích cuối cùng của ông Tập Cận Bình, thì có một thứ quan trọng hơn mà cả bản thân ông lẫn thế giới bên ngoài đều phải hiểu:

Giấc mơ "phục hưng dân tộc Trung Hoa" sẽ chỉ có được trong hòa bình, hoặc nó sẽ không bao giờ thành sự thật.

Trong 20 năm tới, khi sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington cũng như các nước khác trong khu vực, chắc chắn sẽ xuất hiện.

Điều này đã xảy ra ở Biển Đông, ở biên giới Trung - Ấn.

Ngay cả một cuộc chiến cục bộ cũng có thể để lại hậu quả sâu sắc đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bởi vì nó có thể đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái, hoặc kích thích việc hình thành một liên minh chống lại Trung Quốc giữa các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, từ Nhật Bản cho đến Australia, rồi tới Ấn Độ.

Điều này sẽ phá hoại cả mục tiêu kinh tế và chiến lược của Trung Quốc.

Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã trở nên lo lắng trước sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, nhưng sức hút kinh tế từ quốc gia này cho đến nay vẫn còn khá mạnh.

Các nhà lãnh đạo châu Á cũng có thể tự an ủi với ý nghĩ rằng, Trung Quốc đã không tiến hành chiến tranh trong gần 40 năm qua, và quan điểm chính thức mà họ tuyên bố vẫn là giải quyết hòa bình các tranh chấp;

Nhân Dân nhật báo, Trung Quốc ngày 4/3 cho biết, nước này sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông từ 5/4 đến 11/4 và xem đây là cơ hội cải thiện khả năng chiến đấu của tàu sân bay Liêu Ninh. [3]

Nhưng nếu quân đội Trung Quốc "nhe nanh" (với quốc gia nào đó) thì sẽ chỉ cho thấy, nhận định hòa bình được củng cố thực ra chỉ là một giấc mơ;

Bất kỳ quốc gia nào trong khu vực cũng có thể trở thành mục tiêu tiếp theo.

Những ưu tiên về kinh tế hiện tại sẽ bị thay thế bởi những yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia.

Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ phải vội vã lao vào vòng tay Hoa Kỳ, cùng nhau chống lại ảnh hưởng đang lan rộng của Trung Quốc.

Chắc chắn, họ cũng sẽ bắt đầu giảm các mối quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc, làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc.

Đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới, bao gồm Liên minh châu Âu sẽ theo xu hướng này.

Thay vì loại bỏ được ảnh hưởng của Mỹ cũng như sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một Trung Quốc hung hãn với bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào cũng chỉ làm (Mỹ) mạnh lên nhanh chóng;

Thay vì có được sự ngưỡng mộ và tôn trọng với Trung Quốc, điều này chỉ tạo ra sự sợ hãi và hận thù;

Thay vì củng cố vị trí của Trung Quốc là một trung tâm của khu vực châu Á -Thái Bình Dương, nó sẽ dẫn tới một liên minh ngăn chặn quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bởi vậy, giấc mơ phục hưng dân tộc Trung Hoa sẽ vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Pa-nô, áp phích về "Trung Quốc mộng" có thể nhìn thấy ở khắp nơi trên quốc gia này. Ảnh minh họa: Democracy Digest
Pa-nô, áp phích về "Trung Quốc mộng" có thể nhìn thấy ở khắp nơi trên quốc gia này. Ảnh minh họa: Democracy Digest

Để tránh điều này, Trung Quốc sẽ cần phải ưu tiên các mục tiêu chiến lược dài hạn và tránh sử dụng vũ lực, thậm chí ngay cả  trong trường hợp Bắc Kinh "cảm thấy" một cuộc chiến là hợp lý và là cách tốt nhất để "dạy cho láng giềng 1 bài học".

Vì sức mạnh quân sự không thể tranh cãi của mình, nên có rất ít nghi ngờ về việc không phải quốc gia nào trong khu vực cũng sẵn sàng một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.

Kịch bản duy nhất hợp lý là một hành động chính trị hoặc quân sự không đi đến chiến tranh, nhưng Bắc Kinh đang cho thấy họ rất hung hăng.

Chẳng hạn như một sự cố hàng hải nguy hiểm ở Hoa Đông hoặc Biển Đông, một động thái triển khai quân đội tại biên giới Trung - Ấn đang tranh chấp, hoặc một tuyên bố Đài Loan độc lập...

Trong bất kỳ trường hợp nào nêu trên, ông Tập Cận Bình có thể có xu hướng sử dụng vũ lực, cho dù với quy mô, mức độ hạn chế. 

Nhưng một khi Trung Quốc làm điều này, kỷ lục của 4 thập niên phát triển hòa bình (ở Trung Quốc) sẽ biến mất, họ sẽ phải đối mặt với những chỉ trích;

Vì vậy, ông Tập Cận Bình sẽ cần phải tránh áp lực cho một giải pháp quân sự nhanh chóng, và tìm cách đàm phán để giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Nếu ông Tập Cận Bình nghiêm túc trong việc theo đuổi mục tiêu "phục hưng dân tộc Trung Hoa" và xây dựng một "cộng đồng chung vận mệnh", ông sẽ phải đi theo con đường tiến lên hòa bình, ngay cả trong thời điểm khủng hoảng.

"Ông Tập Cận Bình nên biết..." ảnh 4

Ý đồ của Trung Quốc khi rầm rộ tập trận ở Biển Đông

Điều này có nghĩa là ngoại giao và phát triển kinh tế phải được ưu tiên hơn là quân sự.

Việc Trung Quốc tăng thêm 15,6% ngân sách cho ngoại giao gần đây là một sự phát triển đáng được hoan nghênh.

Nhưng điều đó cũng có nghĩa là các mục tiêu dài hạn của Trung Quốc phải được "ghi đè" lên các mệnh lệnh ngắn hạn, đòi hỏi sự thỏa hiệp.

Sức mạnh chính trị của ông Tập Cận Bình tại Trung Quốc hiện nay có thể tạo nên sự thỏa hiệp, mà 2 người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào không có được.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc coi trọng đối thoại và nhượng bộ trong đàm phán là Đặng Tiểu Bình. 

Ông đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, chấp nhận việc bán vũ khí cho Đài Loan, thương lượng việc trao trả Hồng Kông và Ma Cao theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ";

Ông đồng ý gác tranh chấp ở Hoa Đông để tập trung hợp tác, không xung đột (với Nhật Bản).

Nếu Tập Cận Bình có được sức mạnh như Đặng Tiểu Bình và có tầm nhìn lớn, ông cũng sẽ đưa ra những thỏa thuận như vậy.

Mặc dù có thể gây tranh cãi nếu đây là những gì họ thực sự tin tưởng, có vẻ như Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn đạt mục tiêu "phục hưng dân tộc Trung Hoa" thông qua các phương tiện hòa bình.

Họ muốn làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua các phương tiện phi quân sự, thay vì một cuộc chiến toàn diện. 

Sự nhấn mạnh của Tập Cận Bình về sáng kiến Vành đai và Con đường hay Cộng đồng chung vận mệnh, cả hai đều được ghi vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hiến pháp Trung Quốc, cho thấy điều này không phải là nói chơi.

Tranh tuyên truyền cổ động sáng kiến Vành đai và Con đường (nhất đới, nhất lộ). Ảnh: The China Africa Project.
Tranh tuyên truyền cổ động sáng kiến Vành đai và Con đường (nhất đới, nhất lộ). Ảnh: The China Africa Project.

Đó là kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và biến nước này thành một siêu cường. 

Nhưng câu hỏi thực sự đặt ra là, liệu niềm tin của Tập Cận Bình với những mục tiêu và kế hoạch này có đủ mạnh để chắc chắn một hướng đi và sẵn sàng thỏa hiệp để gìn giữ hòa bình?

Nếu Tập Cận Bình thực sự muốn "phục hưng dân tộc Trung Hoa", ông sẽ cần phải tập trung vào việc làm thế nào để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các phương tiện ngoại giao và hòa bình, đồng thời tránh một cuộc đối đầu quân sự.

Điều này thậm chí còn quan trọng hơn trong bối cảnh Hoa Kỳ đang bắt đầu coi Trung Quốc là địch thủ về kinh tế, địa chính trị. 

Căng thẳng chắc chắn sẽ tăng lên. Ông Tập Cận Bình sẽ phải sử dụng sức mạnh được mở rộng của mình để đưa ra những quyết sách kinh tế khó khăn.

Ông cũng sẽ phải đối mặt với những đòi hỏi về ngoại giao và địa chính trị khắc nghiệt.

Mục tiêu của Trung Quốc phải nên là kết bạn ở khu vực châu Á -  Thái Bình Dương; đừng nên sợ các nước láng giềng sẽ bỏ mình.

Liệu Tập Cận Bình có làm được việc này hay không, điều này sẽ xác định ông có là Chủ tịch nước của một Trung Quốc được ngưỡng mộ, trở lại như một quốc gia trung tâm trên vũ đài chính trị quốc tế hay không. [1]

"Ông Tập Cận Bình nên biết..." ảnh 6

Ngoại giao bẫy nợ, bộ mặt khác của Vành đai và Con đường

Cùng có chung một lời khuyến cáo đến Trung Quốc, nhà phân tích Doung Bosba người Campuchia ngày 4/4 có bài bình luận trên Khmer Times, tác giả cho biết:

Năm 2017 hãng thông tấn AFP đưa tin, Trung Quốc thông qua Đại sứ của mình tại Manila đã vận động Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để làm suy yếu tuyên bố của Chủ tịch ASEAN bằng cách loại bỏ bất kỳ tham chiếu nào đến luật pháp quốc tế khi đề cập tới Biển Đông.

Trung Quốc đã đòi hỏi (ép) ASEAN xóa bỏ các nội dung kêu gọi "tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao". 

Có vẻ như Bắc Kinh rất nhạy cảm với mệnh đề "bao gồm sự tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế."

Nỗi sợ hãi này đang phá hoại mục tiêu của Trung Quốc muốn chứng minh sự trỗi dậy của họ là hòa bình;

Ngược lại, nó tiếp tục củng cố nhận thức đã "đóng khung" về sự hung hăng của Trung Quốc mà truyền thông phương Tây tuyên truyền.

Vị học giả Campuchia đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc có một nỗi sợ hãi với các văn kiện của ASEAN liên quan đến Biển Đông giống như Hoa Kỳ bối rối trước Tòa án Hình sự quốc tế về vụ xâm lược Iraq năm 2003?

Giả sử có chuyện này, tác giả Doung Bosba cho rằng việc "tạo hình" Trung Quốc giống nhân vật Napoleon trong tiểu thuyết "Animal Farm" của George Orwell đã được khẳng định. [2]

Nguồn:

[1]http://www.scmp.com/comment/insight-opinion/article/2140036/xi-jinping-should-know-chinas-rejuvenation-must-be-peaceful

[2]http://www.khmertimeskh.com/50298845/an-animal-farm-napoleon-behaviour/

[3]http://en.people.cn/n3/2018/0404/c90000-9445490.html

Hồng Thủy